Nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường của các dự án trên địa bàn
EmailPrintAa
11:07 23/05/2017

Ngày 22/5, Đoàn giám sát chuyên đề HĐND tỉnh đã làm việc với UBND huyện Can Lộc về công tác quản lý Nhà nước về đất đai và môi trường trên địa bàn. Đồng chí Trần Viết Hậu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách và đồng chí Đoàn Đình Anh, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội chủ trì cuộc làm việc.
Đoàn khảo sát tại Dự án xây dựng trung tâm thương mại, Công ty CP Tập đoàn Đại Dương, xã Thiên Lộc
 
.. Dự án xây dựng bãi chế biến đá Công ty CP Hồng Vượng, xã Vượng Lộc

 

Giai đoạn 2014-2016, UBND huyện Can Lộc đã phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các dự án trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra giám sát đối với các tổ chức sau khi được giao, cho thuế đất nên trên địa bàn thời gian qua không có tình trạng giao đất trái quy hoạch, kế hoạch và sử dụng sai mục đích được giao và cho thuê đất.

Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Võ Hữu Hào phát biểu

 

Đến nay, toàn huyện có 16 tổ chức doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất với diện tích 379.997m2 (trong đó có 9 tổ chức được giao, cho thuê mới và 7 tổ chức gia hạn hoạt động). Nhìn chung, công tác giao, cho thuê đất đúng quy hoạch và các chủ dự án cơ bản đã triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, hoạt động có hiệu quả, sử dụng đất đúng mục đích được giao. Hiện trên địa bàn huyện có 1 dự án sử dụng đất chậm tiến độ. Tổng nguồn thu từ đất giai đoạn 2014 - 2016 là 153.850 triệu đồng.

Đại biểu Đỗ Khoa Văn phát biểu 

 

Đối với công tác môi trường, hiện Can Lộc có 23 HTX môi trường, tổ, đội VSMT hoạt động, thực hiện thu gom được 20.000 tấn/ năm, tỷ lệ thu gom rác đạt 80%; việc thực hiện xử lý rác thải đô thị, nông thôn đã được quan tâm đầu tư xây dựng một số hạng mục và các xã đều có bãi tập kết, xử lý rác thải. Trong chăn nuôi, trên địa bàn huyện có 51 vùng trang trại chăn nuôi tập trung với tổng diện tích 551,02 ha; trong đó, có 22 trang trại chăn nuôi tập trung, 14.151 hộ gia đình chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ.

 

 Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ một số khó khăn, vướng mắc như: công tác thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân sử dụng đất để xây dựng các dự án còn chậm; việc áp dụng thực hiện các quy định theo Luật đất đai về các điều kiện để được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn lúng túng; công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều bất cập, ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ sử dụng đất còn hạn chế… Vướng mắc trong lĩnh vực môi trường là công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật về BVMT chưa thường xuyên, hoạt động phong trào BVMT ở địa phương còn hạn chế; các bãi tập kết rác thải chưa được đầu tư xây dựng và vận chuyển đúng quy trình; ý thức BVMT còn thấp; hoạt động của HTX môi trường chưa mang lại hiệu quả cao; việc sử dụng biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi còn ít; chưa có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường ở các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ…

...Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hùng Mạnh

 

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi, thảo luận làm rõ một số nội dung liên quan đến công tác quản lý, giám sát việc sử dụng các loại đất theo mục đích được giao, cho thuế đất; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các tổ chức, doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn; công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và công tác quản lý, thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường…

Trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu phát biểu

 

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trưởng ban Kinh tế Ngân sách, Phó trưởng Đoàn giám sát Trần Viết Hậu đánh giá cao những kết quả đạt được trên các lĩnh vực KT-XH; công tác quản lý nhà nước về đất đai và tài nguyên môi trường trên địa bàn trong thời gian qua; đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của huyện trên lĩnh vực này, nhất là trong công tác thu hồi, giao đất, cho thuê  đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án. Để làm tốt hơn nữa công tác quản lý đất đai, môi trường, nhất là công tác phối hợp thu hồi đất đối với các dự án sử dụng đất chậm tiến độ, đồng chí đề nghị UBND huyện cần: kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quỹ đất trên địa bàn, đối với các dự án sử dụng đất không hiệu quả, không phù hợp hoặc triển khai thực hiện không đảm bảo tiến độ yêu cầu có kiến nghị, đề xuất cụ thể để thu hồi; quan tâm đến công tác hoàn trả môi trường tại các khu vực mỏ; yêu cầu các cơ sở khai thác khoáng sản phải nộp quỹ cải tạo môi trường theo đúng quy định… Đối với lĩnh vực môi trường, cần phải thực hiện nghiêm quy trình thẩm định, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá tác động môi trường đối với các dự án trên địa bàn; tập trung rà soát những trang trại chăn nuôi chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, nhất là những dự án chăn nuôi lớn ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước để có hướng xử lý; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Các ý kiến kiến nghị, đề xuất của huyện sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp, trình lên kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới và gửi đến các sở, ngành liên quan để có giải pháp tháo gỡ, xử lý.

 

Trước đó, Đoàn đã trực tiếp khảo sát thực tế tại một số dự án, bãi rác, trang trại chăn nuôi trên địa bàn như: dự án xây dựng trung tâm thương mại, khu văn phòng và hạ tầng kỹ thuật, bãi đậu xe, khu dịch vụ tiểu thương kết hợp nhà ở (xã Thiên Lộc); dự án xây dựng nhà máy chế biến và bảo quản giống lúa (xã Thiên Lộc); dự án đầu tư xây dựng khu kinh tế mới và xây dựng trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc (xã Thường Nga, xã Phú Lộc); dự án xây dựng nhà máy gạch Tuynel Mỹ Lộc (xã Mỹ Lộc); cơ sở chăn nuôi HTX Nông nghiệp Gia Phúc (xã Sơn Lộc); một số cơ sở chăn nuôi (xã Phú Lộc); bãi rác khu Đồng Mốt (xóm 3, thị trấn Nghèn) và một số điểm trung chuyển rác tại xã Sơn Lộc …


    Ý kiến bạn đọc