Nâng cao chất lượng hoạt động và tính khả thi các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh
EmailPrintAa
17:02 08/08/2017

Sáng ngày 8/8, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng ban Công tác đại biểu làm Trưởng đoàn đã làm việc với Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh về việc ban hành nghị quyết và hoạt động của HĐND tỉnh Hà Tĩnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

 

Làm việc với Đoàn giám sát về phía Hà Tĩnh có các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Nguyễn Thị Nữ Y, Võ Hồng Hải; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đặng Quốc Vinh; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường, Viện Kiệm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và đại diện lãnh đạo Thường trực HĐND các huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên và thành phố Hà Tĩnh.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội
 

Đoàn giám sát đã được nghe đại diện Thường trực HĐND tỉnh báo cáo việc ban hành Nghị quyết và hoạt động của HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2016 – 2021 đến 30/6/2017. Nhìn chung, hoạt động của HĐND tỉnh thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định và hoàn thành chương trình, kế hoạch đề ra; chất lượng, hiệu quả và tiến độ công việc ngày càng được nâng lên. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 3 kỳ họp (02 kỳ họp thường lệ, 01 kỳ họp bất thường); công tác chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo đúng quy định; các điều kiện đảm bảo cho kỳ họp được thực hiện chu đáo, an toàn. Công tác thẩm tra của các ban HĐND tỉnh đã bám sát quy trình được quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương và thực hiện có chiều sâu. Hoạt động giám sát, khảo sát của Thường trực, các ban HĐND tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, thiết thực và hiệu quả. Công tác tiếp xúc cử tri đã được thực hiện nghiêm túc theo luật định và ngày càng được đổi mới về cách thức, phương pháp. Hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm, đảm bảo theo đúng quy định. Công tác phối hợp hoạt động giữa Thường trực HĐND và các cơ quan liên quan ngày chặt chẽ và hiệu quả…

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, TUV, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh
 

Về ban hành nghị quyết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 44 nghị quyết, gồm 12 nghị quyết cá biệt, 32 nghị quyết chuyên đề. Việc xây dựng, ban hành nghị quyết của HĐND được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các quy định, hướng dẫn hiện hành.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ, trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có rất nhiều điểm mới, trong đó có nhiều nội dung quy định về hoạt động của HĐND, tuy vậy một số nội dung chưa cụ thể; chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện về cách thức, quy trình, hình thức kết luận tại phiên họp giải trình; chưa quy định rõ về việc giám sát của Tổ đại biểu HĐND (quy trình tổ chức, thẩm quyền ra quyết định thành lập đoàn giám sát, quy trình giám sát, báo cáo sau giám sát, người ký các văn bản giám sát, con dấu được sử dụng....); chưa quy định rõ chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền, chưa thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát; chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về các nghị quyết của HĐND trong đó chỉ rõ văn bản nào là văn bản QPPL để áp dụng thống nhất trên cả nước; trong Luật Thi đua - Khen thưởng chưa quy định đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thi đua, khen thưởng đối với các hoạt động của HĐND…

Đồng chí Trần Xuân Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính
 

Phát biểu tại cuộc làm việc, các đại biểu tham dự tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến: việc ban hành nghị quyết HĐND tỉnh; những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật đầu tư công, Luật giám sát, Luật Thi đua - Khen thưởng; hoạt động giám sát và những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp; công tác phối hợp hoạt động giữa Thường trực HĐND và các cơ quan liên quan; chế độ phụ cấp của Trưởng, Phó ban HĐND cấp huyện và mức phụ cấp đối với chức danh Trưởng, phó, Ủy viên các Ban HĐND cấp xã hoạt động kiêm nhiệm; vai trò của HĐND tỉnh trong việc quyết định các dự án trên địa bàn và công tác giám sát việc xả thải đối với công ty Formosa; việc giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân và những ảnh hưởng, tồn tại liên quan đến đời sống dân sinh sau sự cố môi trường biển…

Đồng chí Nguyễn Trọng Nhiệu, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh

 

Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Tuấn Anh đánh giá cao những nổ lực, hiệu quả hoạt động, nhất là những đổi mới, sáng tạo của HĐND tỉnh trong việc ban hành nghị quyết và hoạt động của HĐND tỉnh; đồng thời cho rằng: Hội đồng nhân dân tỉnh đã bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình, tích cực đổi mới nội dung phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; việc xây dựng, ban hành nghị quyết của HĐND đã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế và có tính khả thi cao. Qua đó, đồng chí đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Đối với các ý kiến, kiến nghị đề xuất của HĐND tỉnh, Đoàn giám sát ghi nhận, tiếp thu và sẽ tổng hợp báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có điều chỉnh, bổ sung nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.


    Ý kiến bạn đọc