Nâng cao chất lượng kỳ họp Hội đồng nhân dân và một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động của HĐND
EmailPrintAa
10:09 23/01/2018

(Trích tham luận của đồng chí Lê Đình Sơn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh)
Đồng chí Lê Đình Sơn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung bộ lần thứ 3 nhiệm kỳ 2016-2021
 

...Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức các kỳ họp thường lệ theo quy định của pháp luật. Công tác chuẩn bị cho mỗi kỳ họp được đặc biệt chú trọng, chương trình điều hành mỗi kỳ họp được đổi mới, khoa học, đảm bảo đúng quy định pháp luật, chất lượng và hiệu quả.

I. Về đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp

…Từ nhiệm kỳ 2011-2016, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết  số 38/2012/NQ-HĐND “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh” với các nội dung: Đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri; công tác chuẩn bị nội dung, chương trình kỳ họp; hoạt động giám sát tại kỳ họp; hoạt động thảo luận, chỉnh lý, thông qua nghị quyết của kỳ họp và công tác bảo đảm phục vụ kỳ họp…  Sau 4 năm thực hiện, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Điểm rõ nét nhất là công tác tiếp xúc cử tri được bố trí đến tận các địa bàn khu dân cư thôn, tổ dân phố; số lượng các điểm tiếp xúc nhiều hơn; ngoài ra các đại biểu thường xuyên giữ mối liên hệ với cử tri qua các hình thức khác như: thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri, hàng tháng báo cáo Thường trực HĐND tỉnh để tổng hợp, xử lý, trả lời; mở rộng hình thức liên hệ cử tri trong thời gian diễn ra kỳ họp thông qua đường dây nóng... Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, các tổ đại biểu đã bố trí thời gian làm việc với lãnh đạo huyện, thành phố, thị xã để thống nhất nội dung các ý kiến, kiến nghị của cử tri, từ đó các đại biểu HĐND lựa chọn nội dung chất vấn gửi đến các cơ quan chức năng qua Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Việc tổ chức hội nghị liên tịch giữa Thường trực Hội đồng nhân dân với lãnh đạo Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh để thống nhất nội dung chương trình kỳ họp được tổ chức sớm hơn, nhằm giúp cho Ủy ban nhân dân tỉnh có thời gian, chỉ đạo các ngành xây dựng báo cáo, đề án, trình kỳ họp đảm bảo chất lượng. Công tác phối hợp trong hoạt động thẩm tra giữa các ban Hội đồng nhân dân tỉnh với các cơ quan tham mưu của Ủy ban nhân dân tỉnh được đảm bảo…. Kế thừa tinh thần này, bước sang nhiệm kỳ 2016-2021, công tác đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp tiếp tục được thực hiện bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Cụ thể, tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân tỉnh tháng 12/2017 vừa qua, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiếp tục cải tiến, đổi mới một số hoạt động sau đây:

Điều chỉnh thời gian tiếp xúc cử tri. Trước đây, tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thường được lồng ghép với tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội nên thời gian tiếp xúc cử tri được bố trí gần sát với thời gian tổ chức kỳ họp, dẫn đến việc tổng hợp trả lời ý kiến của cử tri chậm hơn. Kể từ kỳ họp này, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí thời gian tiếp xúc cử tri sớm hơn, trước kỳ họp 1 tháng và không lồng ghép với tiếp xúc cử tri của Quốc hội. Việc tổ chức tiếp xúc cử tri sớm nhằm đảm bảo thời gian cho Ủy ban nhân dân tỉnh chuẩn bị tốt hơn nội dung để trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri ngay tại Kỳ họp theo luật định.

Trong đợt tiếp xúc cử tri lần này, trên cơ sở các báo cáo, đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh dự kiến trình Kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề ở một số địa phương cấp huyện như chuyên đề về Đề án phát triển giáo dục, Đề án phát triển du lịch, Đề án phát triển kinh tế tập thể… Qua các cuộc tiếp xúc này, cử tri đã đóng góp được nhiều ý kiến có chất lượng, bổ sung hoàn chỉnh nội dung các đề án sát hợp với tình hình thực tiễn hơn. Cách làm này cũng là một hình thức lấy ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động trực tiếp trước khi các đề án, chính sách được ban hành.

Điểm mới nữa là để phát huy trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và nâng cao chất lượng ý kiến tham gia vào việc quyết định các nội dung trình kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã thực hiện đổi mới hình thức thảo luận Tổ tại Kỳ họp bằng việc tổ chức thảo luận trước và gắn với địa phương nơi các đại biểu được bầu cử. Thành phần tham dự thảo luận Tổ, ngoài các đại biểu Hội đồng nhân dân, có sự tham dự của Trưởng, phó Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tại địa phương, đại diện của Thường trực cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và các phòng ban có liên quan của cấp huyện. Cách thức này được các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo các địa phương, cử tri đồng tình cao và rút ra 02 điều tích cực: Thứ nhất, các đại biểu HĐND phải dành thời gian nghiên cứu tài liệu trình Kỳ họp để tham gia thảo luận, đồng thời với việc các cơ quan chức năng  sẽ rút ngắn thời gian báo cáo nội dung tại Kỳ họp; thứ hai, việc cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và một số đơn vị có liên quan ở các địa phương được nghiên cứu, phản biện, đóng góp ý kiến đã phát huy được rộng rãi hơn trí tuệ tập thể vào xây dựng các nội dung trình kỳ họp, đảm bảo tính thực tiễn, khả thi của các chính sách sau ban hành, đồng thời cũng là một bước tuyên truyền trước về các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Cũng tại kỳ họp lần này, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã thực hiện đổi mới nội dung chất vấn theo nhóm, lĩnh vực vấn đề, không nêu nội dung câu hỏi trước. Đồng thời để khắc phục tình trạng chất vấn thường chỉ do đại biểu chuyên trách thực hiện, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã kịp thời có các văn bản hướng dẫn, đăng ký gửi đến các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; kết quả đã có 25 trên tổng số 52 đại biểu dự họp đăng ký chất vấn trên 5 nhóm lĩnh vực chất vấn trực tiếp tại hội trường và thực tế đã có 37 lượt đại biểu chất vấn. Việc trả lời cũng được đổi mới theo hình thức: ngoài việc thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh đăng đàn trả lời trực tiếp còn có sự tham gia giải trình của các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo chính quyền, đơn vị có liên quan; đồng thời các đồng chí Phó Chủ tịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm rõ thêm vấn đề trên lĩnh vực phụ trách.

 Cùng với cách thức đổi mới trong chuẩn bị nội dung, cách thức chất vấn và trả lời chất vấn là việc điều hành linh hoạt của Chủ tọa, tạo không khí đối thoại thẳng thắn, nhất là việc dành hẳn 50% thời gian tổ chức kỳ họp cho phiên chất vấn. Điều này đã giúp đi đến cùng các vấn đề được chất vấn nhằm tìm ra các giải pháp căn cơ, đưa ra được phương hướng, lộ trình cụ thể giải quyết vấn đề đảm bảo quy định pháp luật, thực tiễn và có tính chiến lược lâu dài.

II. Một số khó khăn, vướng mắc

Nhìn chung trong thời gian qua, tình hình thực hiện Luật tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được đảm bảo theo đúng các quy định; tổ chức bộ máy Hội đồng nhân dân các cấp được kiện toàn và hoạt động ổn định, đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của Luật. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động, còn một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ trong thời gian tới nhằm đảm bảo hoạt động của Hội đồng nhân dân ngày càng hiệu lực, hiệu quả:

* Những bất cập trong các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Tại Điều 143 quy định “Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật và hướng dẫn việc thi hành Luật”, nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn thi hành luật. Đồng thời, chưa có Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân thực hiện theo luật (thay thế Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005 đã hết hiệu lực) nên việc thực hiện Luật còn một số vướng mắc.

Tại Điều 101 quy định về thôi làm nhiệm vụ đại biểu, tạm đình chỉ và mất quyền đại biểu Hội đồng nhân dân chỉ quy định: “Trong nhiệm kỳ, nếu đại biểu Hội đồng nhân dân không còn công tác và không cư trú tại đơn vị hành chính mà mình đang là đại biểu thì phải xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu…”, chưa có hướng dẫn cụ thể nên trong thực tế phát sinh một số trường hợp đại biểu đã chuyển công tác khỏi địa phương nhưng vẫn cư trú tại đơn vị hành chính mà mình đang là đại biểu dẫn đến vướng mắc cho cơ quan Hội đồng nhân dân trong hướng dẫn đại biểu xin thôi không làm nhiệm vụ đại biểu.

Tại Điều 112 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định về giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân với tư cách là một chủ thể giám sát độc lập, nhưng lại chưa quy định rõ các vấn đề liên quan đến quy trình tổ chức, tiến hành cuộc giám sát của Tổ đại biểu (xây dựng chương trình, kế hoạch, lựa chọn nội dung, chủ đề giám sát hàng năm, thẩm quyền ra quyết định thành lập đoàn giám sát, quy trình giám sát, báo cáo sau giám sát, con dấu được sử dụng...).

Điều 127 quy định: “Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện là cơ quan tham mưu giúp việc cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện” và giao “Chính phủ quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện và việc tổ chức công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã”. Đến nay, Chính phủ mới chỉ ban hành Nghị định số 48/2016/NĐ-CP quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh mà chưa có quy định đối với cấp huyện và cấp xã.

* Những bất cập tại một số Luật và văn bản khác liên quan đến hoạt động của Hội đồng nhân dân

 Trong việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Luật quy định tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện về cách thức, quy trình, hình thức kết luận tại phiên họp giải trình. Chưa quy định rõ về giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân (quy trình tổ chức, thẩm quyền ra quyết định thành lập đoàn giám sát, quy trình giám sát, báo cáo sau giám sát, người ký các văn bản giám sát, con dấu được sử dụng....). Chưa quy định rõ chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát.

Luật đầu tư công quy định Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công trung hạn bằng hình thức công văn hành chính của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh là chưa phù hợp…

Quy trình bầu cử các chức danh của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tại kỳ họp thứ nhất được thực hiện theo quy định tại Hướng dẫn số 1138/HD-UBTVQH13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, quy trình miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân đến nay chưa có văn bản hướng dẫn.

Điểm c khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 13/5/20Đ16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: “Đại biểu Hội đồng nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng”. Tuy nhiên hiện nay chưa có quy định hay giao cho cơ quan nào đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đại biểu của đại biểu Hội đồng nhân dân để xét các hình thức thi đua, khen thưởng.

Cơ cấu tổ chức Hội đồng nhân dân cấp xã không có Tổ đại biểu gây khó khăn trong các hoạt động thảo luận, xem xét các báo cáo được trình tại kỳ họp, hoạt động tiếp xúc cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân tiếp xúc cử tri, theo dõi, đánh giá hoạt động của đại biểu; các Ban Hội đồng nhân dân cấp xã mới được thành lập, nhân sự mới, công việc mới nên còn lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ, nhất là hoạt động thẩm tra và giám sát. 

Chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về các nghị quyết của Hội đồng nhân dân trong đó chỉ rõ văn bản nào là văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng thống nhất trên cả nước.

III. Đề xuất, kiến nghị:

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, chúng tôi kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề sau:

Kịp thời sơ kết, đánh giá những ưu điểm trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật tổ chức chính quyền địa phương để trình Quốc hội sửa đổi những quy định chưa hợp lý về tổ chức bộ máy của Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là cấp huyện và cấp xã.

Ban hành hướng dẫn cụ thể để thực hiện Luật tổ chức chính quyền địa phương; ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; kịp thời sửa đổi, bổ sung một số bất cập đã nêu trên.

Hướng dẫn cụ thể về hoạt động của các Ban Hội đồng nhân dân cấp xã; xem xét cho tổ chức Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

Ban hành hướng dẫn thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để cụ thể hóa hơn các chế định pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát, nhất là quy định các chế tài cụ thể xử lý đối với các cơ quan, đơn vị được giám sát khi không thực hiện các kết luận, kiến nghị, yêu cầu giám sát đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Thực hiện Nghị quyết 18 Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6, Khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm có quy định về việc sáp nhập các Văn phòng: Đoàn Đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh để các địa phương triển khai thực hiện…


    Ý kiến bạn đọc