Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND phải bắt đầu từ đại biểu
EmailPrintAa
07:21 20/02/2012

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND để xứng tầm là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương là một nhiệm vụ chiến lược gắn liền với việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nhưng đồng thời cũng là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn. Để HĐND thực sự đại diện cho nhân dân, nơi gửi gắm, củng cố, phát triển niềm tin của cử tri phải bắt đầu từ vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu.

Từ thành quả đạt được

Với vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, thời gian qua HĐND các cấp đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển toàn diện của các địa phương. HĐND đã ban hành những quyết sách đúng đắn, đề ra các chủ trương, biện pháp quan trọng phát huy tiềm năng, xây dựng và phát triển KT-XH, củng cố AN-QP, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Hoạt động giám sát cũng có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được tích cực triển khai thực hiện, giúp các địa phương, đơn vị liên quan phát huy ưu điểm và kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ, đề cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan công quyền. Trong thành tựu chung đó có đóng góp to lớn của các đại biểu HĐND.

Theo quy định, đại biểu HĐND được cử tri bầu theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, là người có đủ phẩm chất, năng lực cần thiết, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương; HĐND hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số tại các kỳ họp, mỗi đại biểu có trách nhiệm, quyền hạn như nhau trong tham gia quyết định, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ KT-XH, bảo đảm AN-QP. Qua thực tiễn hoạt động, nhiều đại biểu HĐND đã nêu cao tinh thần trách nhiệm là người đại diện của nhân dân, tích cực học tập, nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Đại biểu HĐND đã tham gia vào việc cụ thể hóa chủ trương của cấp ủy, ra quyết định đúng đắn về quy hoạch và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương ở từng năm, từng giai đoạn; quyết định phân bổ nguồn lực công và nguồn lực đầu tư huy động từ các thành phần kinh tế hợp lý; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều hành trong quá trình xem xét, quyết định quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH. HĐND đã nghiên cứu, phân tích chính sách, lấy ý kiến của cử tri và đặc biệt coi trọng phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của đại biểu trong quyết định các mục tiêu, chương trình trọng điểm, danh mục các dự án đầu tư trong thời kỳ quy hoạch, kế hoạch, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trên các lĩnh vực kịp thời, phát huy tác dụng trong thực tiễn cuộc sống. Các kỳ họp gần đây, đại biểu đã thảo luận kỹ từng nghị quyết chuyên đề, những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau được tách ra để bàn thảo đến khi thống nhất. Nhiều nghị quyết được các đại biểu tranh luận dân chủ, thẳng thắn trước khi thông qua. Văn hóa tranh luận, đối thoại công khai trước khi biểu quyết cho thấy HĐND đã thực sự là của dân, do dân và vì dân. Cử tri ngày càng tin tưởng vào HĐND, bởi cơ quan dân cử, các đại biểu dân cử đã nói lên tiếng nói của người dân, lấy lợi ích của nhân dân làm cơ sở để ban hành các quyết sách.

Đại biểu HĐND cũng đã phát huy vai trò tích cực của mình trong hoạt động giám sát. Qua tiếp xúc cử tri và thực tiễn hoạt động, nhiều đại biểu đã phát hiện những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, từ đó có ý kiến chất vấn với các cơ quan liên quan hoặc kiến nghị với Thường trực, các ban HĐND để tổ chức các Đoàn giám sát, nhằm làm rõ trách nhiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục. Nhiều đại biểu đã kiên trì đeo bám vấn đề đã chất vấn, kiến nghị đến khi có kết quả, thể hiện bản lĩnh, tâm huyết trong hoạt động dân cử.

Đến những bất cập, hạn chế

Bên cạnh những kết quả tích cực như trên, cũng cần nhìn nhận khách quan hoạt động của đại biểu HĐND vẫn còn một số bất cập, hạn chế nhất định.

Hiện nay, số lượng đại biểu HĐND chuyên trách chiếm t? lệ quá khiêm tốn so với tổng số đại biểu. Phần lớn đại biểu hoạt động kiêm nhiệm nên không thể dành nhiều thời gian cho hoạt động của cơ quan dân cử. Hơn nữa, một số đại biểu còn giữ cương vị lãnh đạo trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, do vậy khi thực thi trách nhiệm của đại biểu đôi lúc không tránh khỏi tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi. Đại biểu chuyên trách với số lượng ít, áp lực công việc nhiều nên thời gian dành cho nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ công việc cũng còn rất hạn chế...

Từ những hạn chế đó nên đôi lúc các đại biểu chưa đủ khả năng và tự tin để bảo vệ quan điểm của mình khi xem xét những vấn đề được trình tại kỳ họp, do vậy vẫn còn những nghị quyết HĐND được thông qua về cơ bản thường nhất trí với đề nghị của UBND, mặc dù có trường hợp các ban HĐND đã có ý kiến phản biện hoặc có đại biểu đã phát hiện và nêu những vấn đề chưa phù hợp. Hậu quả của tình trạng trên là không ít nghị quyết được ban hành nhưng khi triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, có nghị quyết không thể đi vào cuộc sống.

Đối với hoạt động giám sát, đôi lúc đại biểu chỉ có ý kiến mang tính phản ánh hiện tượng mà chưa đi sâu phân tích nguyên nhân, chỉ ra trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, đơn vị nên kết luận giám sát thiếu sức thuyết phục.

Trong tiếp xúc cử tri-hoạt động không thể thiếu của người đại biểu dân cử cũng còn một số bất cập. Do đại biểu chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, chỉ chuyên sâu lĩnh vực mình phụ trách mà không nắm vững, bao quát tình hình chỉ đạo, điều hành chung nên nhiều vấn đề cử tri có ý kiến, lẽ ra đại biểu có thể trả lời ngay, nhưng lại ghi nhận theo kiểu chung chung là sẽ trình bày cấp trên, trình tại kỳ họp tới, hoặc chờ quy hoạch, chờ vốn... làm giảm lòng tin của người dân vào HĐND. Cá biệt có đại biểu do thiếu nghiên cứu chủ trương, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến tâm lý ngần ngại tiếp xúc với cử tri.

Ngoài ra, một số hạn chế thuộc về cơ chế, chính sách cũng ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu và của HĐND như: chưa có quy định đại biểu HĐND phải dành bao nhiêu thời gian trong tháng/quý cho hoạt động đại biểu dân cử; không có chế độ sinh hoạt định kỳ để nhận xét đánh giá hoạt động của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND...

Phải bắt đầu từ vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND để xứng tầm là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương là một nhiệm vụ chiến lược gắn liền với việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nhưng đồng thời cũng là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn. Để HĐND thực sự đại diện cho nhân dân, nơi gửi gắm, củng cố, phát triển niềm tin của cử tri, phải bắt đầu từ vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu. Trước hết cần tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách. Đối với các ban HĐND, cần lựa chọn được những thành viên hiểu biết sâu các chuyên ngành, lĩnh vực hoạt động của ban, nhất là trong lĩnh vực kinh tế–ngân sách để khi tổ chức thẩm tra, giám sát đưa ra những thông tin chính xác, luận cứ thuyết phục, giúp các quyết định, kiến nghị giám sát của HĐND có chất lượng. Phải phát huy vai trò của đại biểu trong thực thi nhiệm vụ, chủ động và tích cực tham gia hoạt động của HĐND.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là phải nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của đại biểu. Đại biểu HĐND phải có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và trình độ lý luận chính trị; có khả năng phân tích chính sách, thu thập và xử lý thông tin; có khả năng thuyết phục và tạo sự đồng thuận của xã hội theo phương thức hoạt động của cơ quan dân cử; ngoài ra phải có kỹ năng, kinh nghiệm trong hoạt động của HĐND. Như vậy, người đại biểu HĐND không những phải đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri mà còn phải là người tiêu biểu cho trí tuệ của cử tri, có như thế mới ngang tầm nhiệm vụ, mới đủ sức xem xét, quyết định những vấn đề lớn về KT-XH của địa phương. Chỉ khi đại biểu hiểu chính xác, nắm rõ vấn đề và dũng cảm, tự tin bảo vệ quan điểm chính đáng của mình thì HĐND mới có được những quyết định đúng, khả năng thực thi cao.


    Ý kiến bạn đọc