Năng lực giám sát và quyết định của HĐND tỉnh trong thực hiện Luật Ngân sách nhà nước
EmailPrintAa
16:40 28/03/2012

Luật Ngân sách nhà nước đặt ra một nhiệm vụ rất nặng nề cho HĐND là quyết định những vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế của tỉnh một cách đúng đắn, bao quát mọi vùng, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương

Nói đến năng lực thẩm tra, giám sát và quyết định của HĐND là nói đến trình độ hiểu biết, nắm bắt thực tiễn, am hiểu pháp luật và các văn bản thuộc quy phạm pháp luật, có đủ nhân lực để thực hiện những nhiệm vụ được giao và phải có môi trường pháp lý bảo đảm cho việc thực thi trên thực tế. Cụ thể hơn, HĐND cần lựa chọn những đại biểu của mình thực sự có đủ đức - tài, bố trí các đại biểu chuyên trách vào bộ máy Thường trực, các ban HĐND và bố trí đủ số lượng chuyên viên tinh thông chuyên môn, nghiệp vụ để giúp việc hiệu quả cho Thường trực, các ban HĐND.

Kinh tế và ngân sách là một lĩnh vực lớn có tính quyết định tới việc thực thi nhiệm vụ của bộ máy hành chính nhà nước. Lĩnh vực này tác động tương đối nhanh, thiết thực đối với đại đa số nhân dân các dân tộc từ các lợi ích kinh tế biểu hiện bằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng cụ thể, đến các chính sách phát triển kinh tế cho từng vùng, từng đối tượng và từng lĩnh vực khác nhau. Nhận thức được điều đó, HĐND tỉnh Đăk Lăk đã từng bước đổi mới phương thức hoạt động, củng cố đội ngũ cán bộ chuyên trách và chuyên viên tham mưu, phục vụ, do vậy từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Luật Ngân sách nhà nước đặt ra một nhiệm vụ rất nặng nề cho HĐND là quyết định những vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế của tỉnh một cách đúng đắn, bao quát mọi vùng, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương. Căn cứ vào các quy định tại Điều 11 Luật Tổ chức HĐND và UBND; Điều 25 Luật Ngân sách nhà nước, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết về những nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT-XH, Nghị quyết về việc phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi ngân sách, phân bổ ngân sách đúng và phù hợp với thực tế, được các ngành, các cấp và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát của mình, Thường trực và Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Đăk Lăk đã làm việc với các ngành chức năng như Tài chính, Thuế, Kế hoạch - Đầu tư, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông, Xây dựng, Công nghiệp và một số địa phương trong tỉnh. Từ kết quả nghiên cứu, khảo sát tình hình các nguồn thu và nhu cầu chi của các sở ngành và địa phương, Thường trực HĐND giao Ban Kinh tế- Ngân sách tổ chức thẩm tra việc thực hiện ngân sách, nhất là các báo cáo về ngân sách do UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại các kỳ họp.

Trước hết, về phân bổ dự toán ngân sách, Thường trực và Ban Kinh tế - Ngân sách căn cứ vào dự kiến của UBND, khảo sát thực tế ở các sở, ngành và địa phương. Từ đó có ý kiến với UBND tỉnh tại cuộc họp giao ban và cuối cùng là tại kỳ họp HĐND để xác định nguyên tắc phân bổ dự toán thu chi ngân sách. Cụ thể, đối với việc phân bổ dự toán thu hàng năm, căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách hàng năm của 15 huyện, thị, thành phố; căn cứ vào tốc độ phát triển KT-XH, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của từng ngành, địa phương và của các doanh nghiệp có nguồn thu lớn để phân bổ, giao dự toán thu ngân sách theo đúng quy định. Thực hiện đầy đủ những ưu đãi về thuế của 3 luật thuế mới. Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh. Phân cấp mạnh nguồn thu cho cơ sở. Đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, buôn lậu, trốn thuế, chống nợ đọng thuế.

Đối với phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương, căn cứ vào tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh theo quy định; căn cứ vào những quy định của Luật Ngân sách Nhà nước về nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, đồng thời có phân loại mức độ thuận lợi, khó khăn khác nhau giữa các huyện, thị, thành phố để xác định hệ số bổ sung, không phân bổ cào bằng những nhiệm vụ chi. Làm như vậy sát đúng hơn và trên thực tế đã được các huyện, thị, thành phố đồng tình, các tổ đại biểu HĐND tỉnh thảo luận sôi nổi và nhất trí cao với nghị quyết của HĐND.

Từ các nguyên tắc trên, Thường trực HĐND tỉnh giao nhiệm vụ cho ban Kinh tế-Ngân sách thẩm tra dự toán thu chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Dự toán thu, chi ngân sách địa phương, phân bổ dự toán ngân sách tỉnh... trình HĐND quyết định. Việc nâng cao năng lực thẩm tra, giám sát, quyết định ở đây chính là ở chỗ biết tổ chức nắm bắt thực tế, đặt vấn đề để tranh luận, thảo luận và quyết định.

Thứ hai là, theo dõi quá trình chấp hành ngân sách. Qua khảo sát thực tế về mặt đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của các ngành, các địa phương thấy được tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả ở nhiều nơi, Thường trực, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đã làm việc với nhiều sở, ngành và địa phương để làm rõ, đề xuất với HĐND, từ đó HĐND đã yêu cầu chấn chỉnh công tác đầu tư XDCB. Cụ thể là trong năm 2011 không mở mới công trình, rà soát lại những công trình đã thẩm định nhưng kém hiệu quả, đưa ra khỏi danh mục những công trình chờ bố trí vốn, kiên quyết không đưa những công trình không có trong quy hoạch vào thi công. Mục tiêu là xây dựng những công trình thực sự có hiệu quả và phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách tỉnh, với quan điểm từ năm 2011 trở đi không để tình trạng nợ chuỗi giữa doanh nghiệp xây dựng - ngân hàng - công nhân và ngân sách nhà nước.

Thứ ba, trong việc đưa ra và cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp, thực hiện dự toán ngân sách địa phương, Thường trực HĐND trình Đảng đoàn HĐND những quan điểm về các chính sách kinh tế như: Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển Công nghiệp, Chính sách thu hút đầu tư phát triển Thương mại - Du lịch, Chính sách thực hiện chương trình Kiên cố hóa kênh mương, Chương trình phát triển giao thông nông thôn, Chương trình phát triển mạng lưới y tế thôn buôn... Sau bước này, Thường trực giao cho các ban HĐND theo chức năng, nhiệm vụ của mình thống nhất với các sở, ngành về đề cương của từng đề án và tiến hành thẩm tra các đề án đó. Trong thẩm tra các báo cáo, đề án lớn Thường trực HĐND mời nhiều cơ quan của tỉnh tham gia phản biện, các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ tham gia góp ý để thẩm tra toàn diện, sâu sát hơn.

Để nâng cao năng lực thẩm tra, giám sát và quyết định của HĐND trong việc thực hiện Luật Ngân sách nhà nước ở địa phương không có cách nào khác là các đại biểu HĐND, Thường trực HĐND, lãnh đạo và chuyên viên các ban HĐND phải nắm chắc Luật Ngân sách nhà nước, thường xuyên theo sát thực tế, thu thập, phân tích, đánh giá các thông tin về việc thực thi Luật Ngân sách để đưa ra được ý kiến cá nhân của mình, cùng với tập thể thảo luận để có tiếng nói chung. Mặt khác, vấn đề tập hợp, sử dụng trí tuệ của các chuyên gia cũng góp phần quan trọng nâng cao năng lực hoạt động của HĐND và hiệu quả thực hiện Luật Ngân sách nhà nước ở địa phương.


    Ý kiến bạn đọc