Nên quy định cụ thể về hình thức văn bản kết luận sau giám sát của HĐND
EmailPrintAa
21:00 21/11/2014

Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về hình thức, tên loại văn bản kết luận sau giám sát của HĐND các cấp. Tùy nhận thức tính chất, nội dung giám sát, có nơi ban hành văn bản theo tên loại báo cáo, thông báo; có nơi lại ban hành văn bản kết luận giám sát… Thực trạng trên là một nguyên nhân khiến việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị sau giám sát của HĐND chưa được coi trọng.

Theo quy định của pháp luật, để thực hiện quyền giám sát của mình, HĐND, Thường trực và các ban HĐND có thể thành lập Đoàn giám sát. Sau khi kết thúc giám sát, HĐND, Thường trực và các ban HĐND xem xét báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát theo trình tự: nghe Trưởng đoàn giám sát báo cáo – Đại diện cơ quan được mời dự phát biểu ý kiến – HĐND, Thường trực, ban HĐND thảo luận – Chủ tọa kết luận (biểu quyết khi cần thiết), sau đó ban hành văn bản kết luận. Trong trường hợp cần thiết, Thường trực HĐND giao cho ban HĐND phối hợp với Đoàn giám sát chuẩn bị dự thảo nghị quyết về vấn đề đã được giám sát để trình HĐND tại kỳ họp gần nhất. Trình tự xem xét báo cáo thực hiện theo quy định tại khoản 4, Điều 55 của Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, hình thức, tên loại văn bản ban hành các kết luận sau giám sát của HĐND các cấp chưa có quy định cụ thể mà tùy nhận thức tính chất, nội dung giám sát, có nơi ban hành văn bản theo tên loại báo cáo, thông báo (Báo cáo kết quả giám sát, Báo cáo kết luận giám sát, Thông báo kết luận giám sát); có nơi ban hành văn bản kết luận giám sát… không theo hình thức, tên loại quy định tại Nghị định 110/2004 của Chính phủ về công tác văn thư. Việc ban hành nghị quyết của HĐND (về báo cáo) sau một cuộc giám sát rất ít, mặc dù việc này, QH đã và đang làm rất hiệu quả, HĐND các cấp cần học tập và làm theo.

Một phần vì thực trạng trên khiến việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị sau giám sát chưa được coi trọng… Nguyên nhân khác là việc lựa chọn hình thức, tên loại văn bản (báo cáo, thông báo hay nghị quyết) để ban hành kết luận sau giám sát nhằm bảo đảm việc thực hiện các kiến nghị của HĐND, Thường trực, các ban HĐND chưa thống nhất. Thực tế yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của QH, Chính phủ cần hướng dẫn, quy định chung cho HĐND các cấp về vấn đề này để bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất. Cụ thể, đối với các cuộc giám sát có phạm vi hẹp (ở thôn, tổ dân phố hoặc ở một, hai xã, phường, thị trấn, tổ chức, cơ quan, đơn vị…); thời điểm giám sát ngắn (dưới 1 năm); mức độ, tính chất của các kiến nghị sau giám sát ít phức tạp, chỉ liên quan 1 đến 2 cơ quan, đơn vị thì Thường trực, ban HĐND sau khi xem xét Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát nên ban hành theo hình thức, tên văn bản Thông báo kết luận giám sát. Đối với các cuộc giám sát phạm vi không gian rộng (nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương…); thời điểm giám sát dài (trên 1 năm); mức độ, tính chất của các kiến nghị sau giám sát liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương; cần nhiều thời gian để giải quyết thì Thường trực, ban HĐND sau khi xem xét báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát sẽ trình HĐND tại kỳ họp gần nhất xem xét, ban hành Nghị quyết về kết luận giám sát theo trình tự pháp luật quy định. Hàng năm, HĐND xem xét, có thể ban hành từ 1- 2 nghị quyết sau giám sát, coi đây như một tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND.

Mục tiêu của hoạt động giám sát là làm cho các đối tượng được giám sát ngày càng hoàn thiện, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Vì vậy, cần xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND và tiêu chí để làm căn cứ ban hành hình thức, tên loại văn bản kết luận sau giám sát nhằm bảo đảm tính khách quan, khoa học trên cơ sở những chuẩn mực và phương pháp thống nhất. Với những gì quy định của pháp luật, HĐND các cấp sử dụng đúng quyền năng của mình, thiết nghĩ không chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thêm các quy định chế tài trong hoạt động giám sát hay Luật Giám sát của HĐND, cơ quan quyền lực nhà nước địa phương cũng có thể nâng cao được hiệu quả hoạt động của mình. 


    Ý kiến bạn đọc