Nghi Xuân: Cần thực hiện đúng chủ trương, quy trình, thủ tục khi chuyển đổi rừng, mục đích sử dụng đất lâm nghiệp để thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn
EmailPrintAa
16:42 22/10/2019

Ngày 22/10/2019, Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh về “Công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh” đã làm việc với UBND huyện Nghi Xuân. Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng chủ trì cuộc làm việc.

Qua giám sát cho thấy huyện Nghi Xuân hiện có 7.102,00ha rừng và đất lâm nghiệp; được phân thành 3 loại rừng, trong đó có gần 4.907ha rừng phòng hộ,  2.195ha rừng sản xuất. Hiện nay, 11 xã đã hoàn thành các hồ sơ giao đất, giao rừng; bản đồ giao đất, giao rừng; bàn giao thực địa, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư với diện tích 756,7ha/ 742 hộ gia đình và cộng đồng dân cư (đạt tỷ lệ 100%); bình quân mỗi năm trồng mới được trên 5ha rừng, nâng độ che phủ rừng lên 21,6%. Từ năm 2016 đến nay, đã khai thác được trên 1.000 m 3 gỗ tròn các loại; 2.500 ster củi và trên 60 tấn nhựa Thông… trị giá gần 2,5 tỷ đồng. Toàn huyện có trên 04 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản và 17 xưởng cưa xẻ gỗ hoạt động, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Huyện đã thực hiện các quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp cho 9 chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hoàng Quốc Huấn: Ngân sách nhà nước bố trí mua sắm thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng khó khăn nên khi xảy ra cháy rừng thiếu phương tiện chữa cháy

Thành viên Đoàn giám sát, Phó Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga: Quan tâm việc trồng rừng để giảm tỷ lệ đất chưa có rừng và công tác trồng rừng thay thế đối với các dự án phá triển kinh tế xã hội phải chuyển đổi rừng và mục đích sử dụng rừng

Nhìn chung, việc chấp hành chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng được huyện quan tâm. Công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được chú trọng; trên địa bàn huyện không xảy ra vụ việc tranh chấp, lấn chiếm đất rừng. Thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định...

Thành viên Đoàn giám sát, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn Trần Văn Kỳ: Nghi Xuân làm tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp nên trên địa bàn không có tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng

Thành viên Đoàn giám sát Đoàn Đình Anh: Quan tâm thực hiện đúng quy định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng ngập mặn sang phát triển kinh tế

Qua làm việc, các đại biểu cho rằng: Hiện nay trên địa bàn huyện Nghi Xuân còn 970ha rừng và đất lâm nghiệp đang do UBND các xã, thị trấn quản lý, do nhiều nguyên nhân nên không thể giao cho các hộ gia đình được, cần phải có giải pháp phù hợp để hoàn thành việc giao đất, giao rừng đúng quy định. Tổng diện tích đất chưa có rừng là 2.283,25ha, nhưng chủ yếu là khe, suối, đá lổ đầu, diện tích nhỏ lẻ do đó rất khó khăn cho việc tìm quỹ đất để trồng rừng tập trung; cần có phương án để trồng rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng. Hạt Kiểm lâm huyện Nghi Xuân chỉ có 4 biên chế, quản lý 19 xã, thị trấn có rừng, bình quân mỗi kiểm lâm địa bàn phụ trách 5 xã là quá lớn nên cần bổ sung đủ biên chế, đảm bảo công tác bảo vệ, phát triển rừng. Hiệu quả khai thác, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp chưa cao; còn để xảy ra tình trạng cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép...

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng phát biểu tại cuộc làm việc

Kết luận cuộc làm việc, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng và các đại biểu đánh giá cao những nỗ lực của huyện Nghi Xuân trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Thời gian tới, Đoàn giám sát đề nghị huyện Nghi Xuân tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các quyết định của UBND tỉnh liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật lâm nghiệp và các nghị định liên quan của Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức của các chủ rừng và người dân về công tác bảo vệ, phát triển rừng; quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn huyện; rà soát tổng thể diện tích, quy hoạch 3 loại rừng để vừa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, vừa chủ động đề xuất tỉnh, sở, ngành liên quan về quy hoạch 3 loại rừng trong thời gian tới; quan tâm hiệu quả sử dụng rừng, đất lâm nghiệp đối với diện tích đã giao cho các hộ dân quản lý, khai thác, sử dụng; thực hiện quản lý tốt việc cắm mốc, phân định ranh giới đất rừng, tránh tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất rừng; thực hiện đúng chủ trương, quy trình, thủ tục khi chuyển đổi rừng, mục đích sử dụng đất rừng phục vụ các dự án trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với lực lượng kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ, các chủ rừng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc