Nhiều vấn đề liên quan đến thừa, thiếu giáo viên, tuyển dụng viên chức được làm rõ
EmailPrintAa
12:34 12/12/2024

Sáng 12/12/2024, kỳ họp thứ 23, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đặt vấn đề phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Đặt vấn đề đối với phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian qua, tiếp thu ý kiến chất vấn của các đại biểu HĐND, UBND tỉnh đã tập trung cao chỉ đạo, điều hành; vai trò quản lý nhà nước của các ngành đã có nhiều đổi mới; tồn đọng được tập trung xử lý và tháo gỡ được nhiều vướng mắc; trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ có nhiều chuyển biến; môi trường đầu tư được cải thiện; thu hút đầu tư khởi sắc; kinh tế tăng trưởng khá; thu ngân sách đạt cao. Niềm tin của cử tri đối với các cơ quan trong hệ thống chính trị được tăng cường; khẳng định rõ nét việc thực hiện các lời hứa của các tư lệnh ngành trước đại biểu và cử tri.

Tại kỳ họp thứ 23, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ dành hơn 01 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã nhận được 34 câu hỏi trên 14 lĩnh vực. Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng yêu cầu các đồng chí Giám đốc trả lời thẳng thắn, trách nhiệm, nêu rõ giải pháp thực hiện thời gian tới. Đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi chất vấn phải ngắn gọn, rõ ý, nêu những nội dung cử tri quan tâm.

Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo trả lời chất vấn tại kỳ họp

Đăng đàn chất vấn đầu tiên, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến tuyển dụng đủ biên chế của các đơn vị tự chủ về tài chính; giải pháp đối với tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Đối với nguyên nhân khiến các đơn vị thực hiện tự chủ về tài chính được giao biên chế nhưng chưa được tuyển dụng đủ số lượng, gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo cho biết: Năm 2024, sau khi có Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh về giao biên chế năm 2024; đến giữa tháng 4/2024, Sở Nội vụ đã rà soát, tổng hợp xong tổng nhu cầu tuyển dụng viên chức năm 2024 của các đơn vị, trong đó có các đơn vị tự chủ 100% chi thường xuyên.

Đại biểu Nguyễn Thị Nhuần, Tổ đại biểu Thành phố chất vấn

Thực hiện chủ trương của Trung ương về cải cách tiền lương; từ cuối năm 2023, Chính phủ, Bộ Nội vụ đã chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm mới đối với tất cả các cơ quan, đơn vị tuy nhiên quá trình xây dựng Bản mô tả công việc và khung năng lực từng vị trí việc làm còn gặp phải một số vướng mắc, khó khăn, nên tiến độ hoàn thành chậm; đến nay nhiều đơn vị vẫn chưa phê duyệt được Bản mô tả công việc và khung năng lực từng vị trí việc làm nên việc thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng viên chức năm 2024 vẫn chưa thực hiện được.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuấn, Tổ đại biểu huyện Vũ Quang chất vấn

Việc chậm phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng viên chức năm 2024, nhất là đối với các đơn vị tự chủ; ngoài những khó khăn nêu trên thì có nguyên nhân chủ quan từ Sở Nội vụ. Do đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh xem xét, cho tuyển dụng 485 chỉ tiêu viên chức đối với các đơn vị đã đảm bảo điều kiện; trong đó có 256 chỉ tiêu tại các đơn vị tự chủ tài chính. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị hoàn thiện Bản mô tả công việc và khung năng lực từng VTVL trình thẩm định, phê duyệt; và tiếp tục rà soát, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng viên chức đối với các đơn vị đảm bảo điều kiện. Về lâu dài, sẽ nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh giao các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên tự xây dựng và quyết định kế hoạch tuyển dụng theo đúng quy định tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Đại biểu Đặng Trần Phong, Tổ đại biểu huyện Nghi Xuân chất vấn

Đối với thực trạng và giải pháp giải quyết tình trạng dôi dư giáo viên và vấn đề thừa - thiếu giáo viên “cục bộ” tại các bậc học, cấp học, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: theo tiêu chí xác định tại Thông tư số 20 tỉnh Hà Tĩnh chỉ có 09 xã biên giới thuộc vùng 1, không có đơn vị thuộc vùng 2; các ĐVHC cấp xã còn lại trên địa bàn tỉnh đều thuộc vùng 3 (vùng có số học sinh/lớp bình quân để tính biên chế giáo viên cao nhất, cụ thể: tiểu học 35 học sinh/lớp; THCS, THPT 45 học sinh/lớp), biên chế giáo viên được tính trên số lớp (theo sĩ số học sinh/lớp bình quân tối đa).

Đại biểu Hà Thị Việt Ánh, Tổ đại biểu huyện Cẩm Xuyên chất vấn

Về định mức giao giáo viên/lớp: từ năm học 2023-2024 trở về trước, Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định định mức giáo viên tối đa; các địa phương cân đối bố trí định mức phù hợp theo thực tế. Hà Tĩnh đã luôn quan tâm, bố trí định mức giáo viên/lớp của các cấp học ở mức cao: Mầm non 2,0 (mức tối đa là 2,2), Trung học cơ sở 1,9 (mức tối đa), Trung học phổ thông 2,27 (mức tối đa); riêng đối với Tiểu học: giao 1,42 và hỗ trợ bằng ngân sách 0,08 hỗ trợ dạy học 2 buổi/ngày cho giáo viên tiểu học (định mức tối đa là 1,5). Trong khi đó, sĩ số học sinh/lớp: qua rà soát, bình quân học sinh/lớp các địa phương ở mức không cao so với quy định, nhất là bậc Mầm non, THCS, THPT; cụ thể: bậc Mầm non (bình quân 25,3/30); bậc Tiểu học (bình quân 32,46/35); bậc THCS (bình quân 38,72/45); bậc THPT (bình quân 37,94/45) (theo số liệu báo cáo cập nhật tháng 09/2024).

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy, Tổ đại biểu huyện Hương Sơn chất vấn

Sĩ số học sinh/lớp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh không đồng đều theo từng bậc học. Ở các địa bàn giao thông đi lại khó khăn, có nhiều điểm trường lẻ thì bình quân sĩ số học sinh/lớp thấp; dẫn đến, tính biên chế giáo viên giao theo Thông tư số 19, Thông tư số 20 ở các địa bàn này sẽ dôi dư nhiều. Các địa bàn mật độ dân số cao, có ít điểm trường lẻ thì sĩ số bình quân học sinh/lớp thường cao hơn, một số đơn vị có định mức học sinh/lớp vượt mức tối đa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì tính biên chế giáo viên giao theo Thông tư số 19, Thông tư số 20 ở các địa bàn này dôi dư ít, không dôi dư hoặc thiếu so với định mức tối đa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Như vậy, có tình trạng dôi dư cục bộ trong từng bậc học giữa các địa phương trên toàn tỉnh (nơi thừa, nơi thiếu so với định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Đại biểu Trần Văn Kỳ, Tổ đại biểu thị xã Hồng Lĩnh chất vấn

Thời gian tới, theo ông Lê Minh Đạo thì các sở, ngành liên quan cần tập trung quán triệt, triển khai Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT, Thông tư số
20/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến toàn thể viên chức ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn, đặc biệt thông tin rõ nội dung liên quan đến chia vùng để tính định mức giáo viên và cách xác định biên chế giáo viên theo quy định mới. Tập trung tham mưu Quyết định của tỉnh quy định số học sinh bình quân/lớp theo vùng phù hợp đối với từng đơn vị, địa phương cụ thể để làm căn cứ giao biên chế giáo viên đúng, sát với thực trạng cụ thể của từng địa phương đảm bảo quy định tại Thông tư mới. Tổ chức tuyển dụng giáo viên đảm bảo theo đúng quy định; rà soát, xây dựng kế hoạch và đề xuất tinh giản biên chế viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo đảm bảo chỉ tiêu theo lộ trình từng năm. Tăng sĩ số học sinh trên lớp đảm bảo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở những nơi đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất lớp học và điều kiện đi lại thuận lợi của học sinh. Phân luồng tuyển sinh vào các lớp phù hợp, bảo đảm khoảng cách từ trường học đến nhà thuận lợi về giao thông để hạn chế số lượng các lớp có sĩ số thấp. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với những giáo viên còn độ tuổi công tác, có năng lực, nguyện vọng phù hợp với nhu cầu để đủ điều kiện dạy các môn học còn thiếu, môn học tích hợp. Tăng cường công tác xã hội hóa để thành lập mới các trường tư thục, nhất là giáo dục mầm non.

Nghiên cứu ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế, kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định của pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định và phù hợp với thực tiễn. Tập trung rà soát và xây dựng phương án xử lý dôi dư ở bậc mầm non và phổ thông các cấp đảm bảo theo quy định.

Đại biểu Nguyễn Đức Tới, Tổ đại biểu huyện Cẩm Xuyên chất vấn

Đánh giá cao phần trả lời của Giám đốc Sở Nội vụ, các đại biểu HĐND tỉnh đề nghị làm rõ thêm nguyên nhân, giải pháp để các đơn vị tự chủ nhóm 2 tuyển dụng đủ người đảm bảo hoạt động của các đơn vị; giải quyết việc giáo viên cấp II, III ở các huyện thừa nhưng giáo viên ở thành phố Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh thiếu nhiều; giải pháp tăng cường xã hội hóa trong giáo dục; giải pháp trong luân chuyển, điều động giáo viên; giao tự chủ biên chế đối với các trung tâm y tế. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ thêm về chế độ của cán bộ do dôi dư giai đoạn 2024-2025 so giai đoạn 2019-2021; một số vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh kỳ họp đang xem xét ban hành; giải pháp để thực hiện kết luận số 40 của Bộ Chính trị về công tác quản lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị giai đoạn 2016 - 2021 và đề xuất biên chế giai đoạn 2022-2026.

Bổ sung thêm về vấn đề chất vấn liên quan đến thực hiện hướng dẫn vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nguyệt cho biết: Việc vận động còn nhiều khó khăn do đời sống người dân chưa cao. Hiện nay, các trường chỉ vận động các phụ huynh mua sắm những thiết bị thiết yếu, phục vụ chủ yếu cho việc dạy và học cho học sinh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh làm rõ thêm một số nội dung thuộc lĩnh vực

Ngay sau phần trả lời chất vấn của các sở: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã làm rõ hơn về giải pháp tăng cường xã hội hóa trong giáo dục. Theo đó, hiện nay tại thành phố Hà Tĩnh, các thị xã, việc xã hội hóa trong giáo dục đã được quan tâm nhiều, đặc biệt trên lĩnh vực giáo dục mầm non. Tỉnh cũng đã có các chính sách để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư trong quy hoạch xây dựng hệ thống các trường, hỗ trợ tiền thuê đất, sử dụng đất…

Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo, kỳ họp tiếp tục với phần trả lời của Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Phan Tấn Linh.

Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc