"Nóng" vấn đề duy tu bảo dưỡng giao thông đường bộ
EmailPrintAa
14:03 12/12/2017

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng ngày 12/12, sau phiên thảo luận sôi nổi, chất lượng tại Hội trường, kỳ họp thứ 5 tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các lĩnh vực, nhóm vấn đề: giao thông, quản lý đô thị; công thương; cải cách hành chính; quản lí cán bộ, công chức, viên chức; y tế, bảo hiểm y tế; công tác tiếp công dân và giải quyết các vụ việc tồn đọng.

Đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

 

Phát biểu chỉ đạo phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng của kỳ họp, do vậy để phiên chất vấn thành công, đồng chí đề nghị: với đại biểu chất vấn, phải lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm, được cử tri, dư luận xã hội quan tâm, việc đặt câu hỏi chất vấn cần ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề cần hỏi; đối với đơn vị trả lời chất vấn cần trả lời thẳng vào trọng tâm, giải trình rõ, thẳng thắn, không trốn tránh, đùn đẩy, làm rõ trách nhiệm trong phạm vi phụ trách và hướng giải quyết, thời gian giải quyết vấn đề. Trên tinh thần đổi mới và đầy trách nhiệm, phiên chất vấn và trả lời chất vấn không đơn thuần là hỏi và trả lời mà theo hướng tăng cường tranh luận để làm rõ vấn đề, vì vậy đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm để phiên chất vấn và trả lời chất vấn đạt hiệu quả cao nhất.

 

Đăng đàn chất vấn đầu tiên, trả lời về các nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực giao thông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lương Phan Kỳ cho rằng kinh phí của Quỹ bảo trì đường bộ ngày càng giảm, vận hành phức tạp, gây khó khăn cho công tác bảo trì, duy tu đường bộ của các địa phương nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí. Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới Sở đề nghị cần: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, làm cho mọi người dân và các cấp chính quyền hiểu rõ về vai trò của công tác bảo trì đường bộ; đặc biệt công tác bảo dưỡng thường xuyên, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Các địa phương cần tiếp đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả, thực chất mô hình tuyến đường tự quản gắn với các tổ chức, đoàn thể. Chính quyền các cấp (tỉnh, huyện, xã) quan tâm hơn nữa đến công tác bảo trì đường bộ; hàng năm ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện công tác bảo trì, trong đó ưu tiên công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ. Hàng năm UBND tỉnh cho tạm vay ngân sách tỉnh để thực hiện với kinh phí tương đương năm trước đó. Các chủ đầu tư, Ban QLDA tiếp tục tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh trên tất cả các mặt từ khảo sát, thiết kế, giám sát, lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công, nghiệm thu công trình. Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã, thành phố và Thanh tra GTVT tăng cường công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là kiểm tra, xử lý tình trạng xe quá khổ, quá tải. Các Chủ sử dụng công trình tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và khắc phục các hư hỏng khi mới phát sinh.

Đại biểu Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở KHCN
 

Về một số tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh xuống cấp nghiêm trọng nhưng chậm được duy tu, bảo dưỡng, gây khó khăn trong đi lại và vận chuyển hàng hoá của người dân, doanh nghiệp, Giám đốc Sở thừa nhận có tình trạng trên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong thời gian tới Sở đề nghị UBND tỉnh quan tâm, bố trí nguồn vốn đề hoàn thành các dự án đã có chủ trương đầu tư, như đường ĐT.552 đoạn từ xã Đức Bồng đến thị trấn Vũ Quang, một số đoạn tuyến bị xuống cấp do lụt, bảo như ĐT.547, ĐT.548 ... Đồng thời hàng năm quan tâm, bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bảo trì đường bộ; thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát tải trọng xe; hạn chế tối đa xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đường; tăng cường quản lý chất lượng công trình xây dựng cơ bản và chất lượng trong công tác bảo trì đường bộ; các Chủ đầu tư, Nhà đầu tư khi triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn, phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý tải trọng phương tiện tham gia giao thông

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bùi Nhân Sâm
 

Việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, tuỳ tiện mở đường giao cắt, nạn trâu bò thả rông… chậm được xử lý, gây ra nhiều tai nạn giao thông. Ông Lương Phan Kỳ cho biết tính đến hết năm 2017 trên các tuyến Quốc lộ và đường tỉnh đã xảy ra 209 trường hợp vi phạm, giảm 25 trường hợp so với năm 2016; năm 2017, Hà Tĩnh được Cục QLĐB II thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá là tỉnh đi đầu trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ về công tác quản lý, bảo vệ hành lang ATGT đường bộ. Trong năm 2016 có 04 trường hợp đấu nối trái phép, năm 2017 có 03 trường hợp đấu nối trái phép, chủ yếu trên QL1. Tuy các trường hợp đã lộ trình, kế hoạch xử lý nhưng do nguồn kinh phí khó khăn nên việc xây dựng đường gom theo quy hoạch là hết sức hạn chế. Do đó, Sở đề nghị cần: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để mọi người dân tự giác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang ATGT, không đấu nối trái phép. Tổ chức kiểm kê, rà soát, đánh giá phân loại để có biện pháp giải tỏa các công trình đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm mà không tự tháo dỡ và công trình xây dựng trái phép trong hành lang ATGT. Gắn trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND huyện, xã trong việc quản lý hành lang.

Phó ban Pháp chế Nguyễn Huy Hùng
 

Về vấn đề được nhiều cử tri kiến nghị, phản ánh và được các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm tại kỳ họp này là tình trạng trâu bò thả rong trên đường bộ, đường sắt gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân. Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết đã tham mưu nhiều biện pháp để xử lý; trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, quán triệt đến Lãnh đạo các cấp, nhất là chính quyền cơ sở phải nhận thức sâu sắc những nguy hại nghiêm trọng đối với tình trạng chăn thả gia súc trên đường, gây nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị từ đó có những biện pháp, giải pháp căn cở để xử lý, chấn chỉnh tình trạng này… Tăng cường phối hợp với Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT, đặc biệt là các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm đối với việc thả rông trâu bò gây tai nạn trên các tuyến đường bộ, đường sắt…

Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn
Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu
 

Chưa hài lòng với phần trả lời của giám đốc Sở Giao thông vận tải Lương Phan Kỳ, đại biểu Đoàn Đình Anh băn khoăn đến việc thời gian qua đã thực hiện vận hành quỹ bảo trì đường bộ nhưng vẫn chưa vận hành nhịp nhàng, đề nghị cho biết giải pháp để vận hành tốt, nhịp nhàng và đảm bảo phù hợp với Nghị quyết TW6; ngoài ra, đại biểu cho rằng nguồn vốn bảo trì hiện này ngày càng giảm, số km đường xuống cấp ngày càng tăng, đề nghị cho biết có giải pháp hữu hiệu nào trong thời gian tới để bảo trì đường bộ và duy tu sửa chữa; trong giai đoạn hiện nay nếu buộc phải lựa chọn giữa bố trí vốn xây mới và bố trí vốn duy tu thì theo giám đốc sẽ chọn biện pháp nào. Hiện nay một số tuyến đường trên địa bàn đã xuống cấp trầm trọng, đại biểu Đỗ Khoa Văn đề nghị giám đốc sở cho biết trách nhiệm, biện pháp khắc phục một số tuyến đường trên địa bàn. Đại biểu Bùi Nhân Sâm chất vấn về công tác quản lý tuyến đường giao thông, nhất là tuyến đường quốc lộ 8A đã được triển khai nhưng còn dang dở, xin hỏi ai là chủ đầu tư và khi nào hoàn thiện tuyến đường này?. Liên quan đến triển khai dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang đại biểu Trần Viết Hậu đề nghị cho biết hướng xử lý như thế nào để hoàn trả mặt bằng.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trọng Sơn bổ sung trả lời chất vấn
Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên Đặng Quốc Cương
 

Quan tâm đến thực trạng thả rông trâu bò trên các tuyến đường và việc lấn chiếm lòng lề đường gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, các đại biểu Nguyễn Huy Hùng, Lê Ngọc Huấn cho rằng chưa làm rõ được việc phân cấp trách nhiệm của các cấp các ngành trong việc quản lý nhà nước, đề nghị ông cho biết trách nhiệm và phương án xử lý tình trạng này trong thời gian tới. Đại biểu Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng trên địa bàn thành phố hiện nay có nhiều dự án đường đã triển khai thực hiện nhưng chưa được hoàn thiện, ảnh hưởng đến mỹ quan, công tác quản lý đô thị và việc sử dụng đất của người dân, đề nghị ông cho biết giải pháp xử lý vấn đề này.

Sau phần trả lời của giám đốc Sở Giao thông vận tải, liên quan đến nhóm vấn đề này, giám đốc sở Tài chính Nguyễn Trọng Sơn đã trả lời làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm; đồng thời giải trình thêm các vấn đề về phí giao thông đường bộ; việc bố trí vốn để sửa chữa, duy tu đường bộ đã hư hỏng, xuống cấp và công tác vận hành quỹ bảo trì đường bộ.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồng Lĩnh
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Nguyễn Văn Hổ
Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh
 

Kết thúc phần chất vấn của giám đốc Sở Giao thông vận tải, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đề nghị: xung quanh quản lý các dự án thi công trên địa bàn tỉnh, trong đó có dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang, các dự án phải có đường thi công riêng, nếu sử dụng đường gây hư hỏng thì phải trả lại đường, đề nghị Giám đốc sở phải tìm nguyên nhân chính để lại trả lại đường cho người dân đi lại. Về việc quản lý hành lang giao thông, đây là việc cần thiết, phân cấp rõ, cần quản lý chặt chẽ . Việc quản lý gia súc trên các tuyến đường, cần phải tuyên truyền vận động người dân và gắn trách nhiệm quản lý cho các địa phương. Xung quanh vấn đề bảo trì giao thông, đây là nội dung cần thiết, phải coi giao thông là mạch máu, quan tâm xây dựng nhưng phải quan tâm đến bảo trì duy tu sửa chữa. Trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung này, đề nghị Sở Giao thông và Sở Tài chính nghiêm túc tiếp thu để có sự chỉ đạo tốt các vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm.

Chiều nay (12/12), Kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn.


    Ý kiến bạn đọc