Tăng cường quản lý công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị các di sản trên địa bàn huyện Kỳ Anh
EmailPrintAa
17:30 05/06/2018

Thực hiện tốt công tác bảo tồn, gìn giữ, đào tạo thế hệ trẻ, phát huy giá trị của dân ca ví giặm, lũy đá Kỳ Anh; quản lý và sử dụng tiền công đức chặt chẽ, công khai, minh bạch; bảo vệ, tôn tạo, phục hồi, làm tốt công tác vệ sinh môi trường các di tích phục vụ tốt nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân… là những vấn đề đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh về công tác quản lý di sản văn hóa quan tâm nhiều khi làm việc tại huyện Kỳ Anh ngày 5/6/2018. Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh chủ trì cuộc giám sát.
Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh phát biểu tại UBND huyện Kỳ Anh
 

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Kỳ Anh có 13 di tích (11 di tích cấp tỉnh, 2 di tích cấp quốc gia) đã được công nhận, trong đó 1 di tích xuống cấp trầm trọng, 12 di tích đã sửa chữa, tôn tạo, phục hồi 25 lần, 4 di tích đã xuống cấp 1 phần và 37 di tích chưa được xếp hạng. Về di sản văn hóa phi vật thể có 2 loại hình, gồm: Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh với 42 câu lạc bộ hoạt động tại các trường học, các xã và hát Sắc bùa, loại hình đặc sắc thường được sử dụng dịp đầu xuân năm mới đã hình thành và phát triển ở hầu hết các xã trên địa bàn từ lâu nay.

Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Kỳ Anh Nguyễn Lộc Hằng báo cáo kết quả công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn huyện Kỳ Anh
Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu
 

Qua giám sát cho thấy, thời gian qua huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về di sản văn hóa; triển khai các chính sách hỗ trợ đối với việc quản lý và bảo vệ di tích. Tính từ năm 2013-2017, từ nguồn ngân sách và xã hội hóa, huyện Kỳ Anh đã huy động được gần 19,9 tỷ đồng để sửa chữa, tôn tạo, trùng tu các di tích và hỗ trợ các câu lạc bộ dân ca ví, giặm gần 1,27 tỷ đồng. Công tác thanh tra, kiểm tra các di tích được huyện quan tâm, chú trọng nên đến nay không xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo về di sản văn hóa.

Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thế Hoàn
Đoàn khảo sát thực tế tại Đền Phương Giai - Di tích lịch sử lưu niệm phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 và là nơi diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Kỳ Anh
 

Bên cạnh đó, hiện nay nhiều di tích trên địa bàn huyện Kỳ Anh đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư, sửa chữa kịp thời; đội ngũ quản lý về văn hóa, di tích còn thiếu so với nhu cầu thực tế; nguồn ngân sách hỗ trợ hàng năm còn thiếu; ý thức bảo vệ di tích của người dân chưa cao…

Nghệ nhân Nhân dân Khánh Cẩm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm xã Kỳ Bắc phát biểu tại cuộc làm việc với đoàn giám sát
 

Phát biểu tại cuộc làm việc với UBND huyện Kỳ Anh, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh ghi nhận những nỗ lực của huyện Kỳ Anh trong việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa; phát huy hiệu quả các câu lạc bộ dân ca, vai trò các nghệ nhân trên địa bàn huyện. Đồng thời, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh đề nghị huyện cần quan tâm xây dựng quy hoạch quản lý, bảo vệ và phát huy các di tích; phối hợp làm tốt việc cắm mốc giới, quản lý mốc ranh giới di tích lịch sử; phối hợp, phát hiện, đào tạo các nghệ nhân nhỏ tuổi trong các trường học; tăng cường phối hợp với các công ty du lịch để phát huy hiệu quả các di tích…

Trước đó, đoàn đã đi khảo sát tại Lũy đá Kỳ Lạc, đền Phạm Hoành, đền Phương Giai, Chùa Hữu Lạc.


    Ý kiến bạn đọc