Tập trung xử lý các vướng mắc, tồn đọng để đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển
EmailPrintAa
17:49 27/06/2016

(Trích phát biểu của đồng chí Đặng Quốc Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2016-2021)

… Kết quả thực hiện

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2016 theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 16.937 tỷ đồng, giảm 16,4 % so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 3.726,9 tỷ đồng, tăng 9,62%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 5.686,7 tỷ đồng, giảm 27,81% (trong đó công nghiệp đạt 2.559,9 tỷ đồng, tăng 9,16%; xây dựng đạt 3.126,8 tỷ đồng, giảm 42,98%); khu vực dịch vụ ước đạt 7.532,8 tỷ đồng, giảm 16,33%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng trưởng, trong đó sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá, tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2015; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (theo giá so sánh 2010) đạt trên 6.580 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực đạt 35,7 vạn tấn, tăng 1,6 vạn tấn (tương đương 4,7%) so với cùng kỳ năm 2015. Chăn nuôi tiếp tục tăng cả về quy mô, chất lượng đàn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 60.392 tấn, tăng 16% so với cùng kỳ. Thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá lợn hơi tăng bình quân trên 11%. Các dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, bò sữa được tập trung tháo gỡ khó khăn, từng bước đi vào ổn định sản xuất. Công tác quản lý, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm tiếp tục được tăng cường, đưa vào hoạt động 39/41 cơ sở giết mổ tập trung, tỷ lệ gia súc giết mổ tập trung đạt 77,7% (tăng 25,3% so với cùng kỳ). Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được triển khai quyết liệt, số vụ vi phạm giảm; đã phát hiện và xử lý 129 vụ vi phạm Luật Bảo vệ rừng (giảm 19,8% so với cùng kỳ 2015); trong điều kiện thời tiết nắng nóng nhưng không để xảy ra cháy rừng lớn, đảm bảo an toàn. Đã cơ bản hoàn thành Đề án giao đất, giao rừng, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đạt 99,6%.

Các hoạt động phát triển sản xuất nuôi trồng, khai thác hải sản xa bờ từng bước được khôi phục; tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt trên 20.500 tấn, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đạt được một số kết quả nhất định. Đến nay, ngoài 52 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới có 02 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí; 14 xã đạt từ 13-18 tiêu chí; 138 xã đạt từ 9-12 tiêu chí; 25 xã đạt dưới 9 tiêu chí.

Về công tác khắc phục, ổn định sản xuất sau sự cố môi trường biển. Từ ngày 06/4/2016 đã xẩy ra sự cố môi trường biển. Ngay sau khi xẩy ra sự cố, ngày 07/4/2016 UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, lấy mẫu, quan trắc, theo dõi diễn biến tình hình sự cố môi trường; các địa phương kịp thời thu gom tiêu hủy hải sản bị chết, không để gây ô nhiễm môi trường; phối hợp tốt với các Bộ, ngành Trung ương, các Đoàn kiểm tra, chuyên gia, các nhà khoa học trong quá trình kiểm tra, phân tích, đánh giá, tìm nguyên nhân; đã đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành hệ thống quan trắc tự động của tỉnh đặt tại Trung tâm Quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường; yêu cầu Công ty Formosa khẩn trương đầu tư lắp đặt bổ sung thiết bị quan trắc nước thải tự động để quan trắc đủ 12 thông số của nước thải theo quy định; xây dựng Trung tâm Quan trắc môi trường của Khu Kinh tế Vũng Áng và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt Trạm quan trắc nước thải tự động tại đây để kiểm soát việc xả thải của Formosa.


Đồng chí Đặng Quốc Vinh, , Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2016

 

Để hỗ trợ ổn định đời sống cho ngư dân, khôi phục sản xuất; UBND tỉnh đã chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại, hỗ trợ mở các cửa hàng kinh doanh hải sản an toàn, hỗ trợ gạo cho các hộ bị ảnh hưởng, tiền cho các chủ tàu dưới 90CV, thu mua muối cho người dân, hỗ trợ tiền điện cho các kho đông lạnh dự trữ hải sản và các chính sách khác theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã hoàn thành việc hỗ trợ gạo đến tận người dân với số lượng 1.505,418 tấn cho 17.068 hộ với 66.967 nhân khẩu; hỗ trợ 666,2 triệu đồng cho các đối tượng nuôi trồng bị thiệt hại; hỗ trợ hình thành 25 cửa hàng kinh doanh hải sản an toàn (5 triệu đồng/cửa hàng); hỗ trợ tiền cho 3.852/4.684 chủ tàu, thuyền đã phê duyệt với số tiền là 17.718 triệu đồng. Đã cấp phát cho 10.328 hộ gia đình với số tiền 9.450 triệu đồng, cấp phát 30 tấn gạo cho các hộ dân từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho các hộ dân qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh số tiền 2.799,6 triệu đồng.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực triển khai các biện pháp xác định thiệt hại, xây dựng phương án hỗ trợ các đối tượng, như miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời gian trả nợ; đồng thời đẩy mạnh cho vay mới đối với các khách hàng ở vùng bị thiệt hại hoặc đầu tư kinh doanh ngành nghề liên quan đến thủy hải sản. Đã có 07 ngân hàng thực hiện hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại, cơ cấu lại nợ cho 215 khách với tổng số dư nợ được cơ cấu lại là 56.713 triệu đồng; miễn giảm lãi vay cho 417 khách hàng, tổng dư nợ 154.567 triệu đồng với số tiền lãi được miễn giảm là 986 triệu đồng; hướng dẫn khách hàng lập phương án sản xuất kinh doanh, xem xét cho vay để hỗ trợ ngư dân tiếp tục sản xuất kinh doanh hoặc chuyển đổi ngành nghề (cho 1.018 khách hàng vay mới số tiền 32.890 triệu đồng).

Sau khi xảy ra sự cố môi trường, tình hình tiêu thụ hải sản, muối gặp nhiều khó khăn, giá hải sản thấp (giảm từ 30 đến 50%). Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ thu mua của tỉnh nên từng bước khôi phục sản xuất, tiêu thụ hải sản cho ngư dân. Đến nay, việc tiêu thụ hải sản, muối cho ngư dân, diêm dân diễn ra ổn định. Việc tiêu thụ muối được Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Hà Tĩnh cam kết thu mua từ 70 - 80 sản lượng muối của diêm dân với giá từ 1.200 đồng/kg đến 1.350 đồng/kg (bằng và cao hơn năm 2015).

Đến nay đã tiến hành thả nuôi thủy sản 6.893ha/kế hoạch 7.820ha; trong đó nuôi nước ngọt đạt 5.043ha/kế hoạch 5.043ha; nuôi mặn lợ 1.850ha/kế hoạch 2.777ha. Số lượng tàu cá trên địa bàn tỉnh ra khơi đánh bắt, khai thác hải sản có tăng dần, dao động từ 54% đến 65%; từ đầu tháng 6 đến nay tỷ lệ tàu cá ra khơi đạt trên 60%. Cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2016, số lượng tàu cá ra khơi đánh bắt, khai thác hải sản có giảm, nhưng từ giữa tháng 5 đến nay đã tăng dần, dao động từ 54 đến 67%. Tính từ ngày 10/5/2016 đến ngày 21/6/2016, sản lượng khai thác ước đạt 4.874 tấn.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm dự kiến tăng 21,76% so với cùng kỳ năm 2015. Một số sản phẩm chủ lực tăng trưởng khá như: Sợi đạt 2.738 tấn (tăng 64,25%), bia đạt 30,5 triệu lít (tăng 7,35%), quặng Titan đạt 1.134 tấn (tăng 9,88%); 6 tháng đầu năm có thêm sản phẩm mới là thép cuộn của Nhà máy thép Formosa (đạt 129.619 tấn). 

Về đầu tư và xây dựng, tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 22.593,4 tỷ đồng, giảm 51,0%  so  cùng kỳ, đạt 34,1% kế hoạch cả năm

Giá trị sản phẩm của ngành xây dựng (theo giá so sánh năm 2010) 6 tháng đầu năm đạt 3.126,8 tỷ đồng, giảm 42,98% so với cùng kỳ năm 2015, làm giảm 11,86 điểm phần trăm trong tổng mức giảm chung; trong đó riêng tổng sản phẩm xây dựng từ dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa đạt 1.099 tỷ đồng, giảm 69,8% (tương đương 2.542 tỷ đồng) so với cùng kỳ làm giảm 12,54 điểm phần trăm đóng góp của ngành xây dựng vào mức tăng trưởng chung (đây là một trong những nguyên nhân chính làm giảm mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm).

Về thương mại và dịch vụ, du lịch, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng nhẹ, ước đạt 18.562,7 tỷ đồng, tăng 1,03% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm trên địa bàn ước đạt 518,6 triệu USD, đạt 14,82% kế hoạch, giảm 65% so với cùng kỳ, do nhập khẩu giảm, tuy vậy riêng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh đạt 59 triệu USD, tăng 6,24% so với cùng kỳ. Lượng khách du lịch đến Hà Tĩnh đạt thấp, tổng lượt khách đạt gần 710 nghìn người, giảm 20,8% so với cùng kỳ; tổng doanh thu đạt 168 tỷ đồng, giảm 44% so cùng kỳ. Công tác huy động và cho vay vốn sản xuất, kinh doanh đáp ứng cơ bản nhu cầu của các thành phần kinh tế trên địa bàn. Nguồn vốn huy động 6 tháng đầu năm ước đạt 31.777 tỷ đồng, tăng 11,63%; dư nợ cho vay đạt 28.812 tỷ đồng, tăng 20,11% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 3.645 tỷ đồng, bằng 25,1% kế hoạch HĐND tỉnh giao, 34% kế hoạch Trung ương giao, bằng 53% so cùng kỳ; trong đó: Thu nội địa ước đạt 2.600 tỷ đồng, đạt 35% dự toán HĐND tỉnh giao, 48% kế hoạch Trung ương giao, bằng 77% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 1.045 tỷ đồng, đạt 14,92% so với dự toán HĐND tỉnh giao, 20,1% kế hoạch Trung ương giao, bằng 30,7% so cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 5.528 tỷ đồng, bằng 41% dự toán HĐND tỉnh giao; chi ngân sách cơ bản đáp ứng yêu cầu chi thường xuyên và an sinh xã hội.

Công tác phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư; quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách được quan tâm chỉ đạo

Lĩnh vực văn hóa - xã hội, trong đó Giáo dục đào tạo; giải quyết việc làm, Y tế và chăm sóc sức khỏe; hoạt động văn hoá, thể thao; thông tin truyền thông; công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; Khoa học và công nghệ;tài nguyên và môi trường; cải cách hành chính; tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, công tác thanh tra, tư pháp, phòng chống tham nhũng, công tác đối ngoại được chỉ đạo quyết liệt và đạt được kết quả cao.

Một số khó khăn, hạn chế

Tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm còn rất khó khăn, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Một số chỉ tiêu kinh tế đạt thấp so với dự kiến kế hoạch, thậm chí có một số chỉ tiêu giảm mạnh so với cùng kỳ như: tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 16,4%, giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp – xây dựng giảm 27,81% so với cùng kỳ (do ảnh hưởng của sự cố độ rung gối trục tuabin của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I, việc sản xuất đạt thấp so với kế hoạch và xây dựng tại Dự án Fomosa đã làm giảm 2.982 tỷ đồng giá trị sản phẩm theo giá so sánh năm 2010, tương đương làm giảm 37,86% về tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng); thu ngân sách giảm 46,37%, đạt 25,1% kế hoạch HĐND tỉnh giao (do dự án Formosa đã cơ bản hoàn thành, việc nhập khẩu máy móc thiết bị, xây dựng cơ bản giảm nên đã ảnh hưởng đến thu thuế nhập khẩu, thu thuế nhà thầu, thuế, phí các mỏ tài nguyên; kế hoạch sản xuất của một số doanh lớn giảm như Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu do sự biến động mạnh của giá dầu,…).

Việc xây dựng, triển khai các Đề án theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII tiến độ chậm.

Xây dựng nông thôn mới thiếu kiên trì, còn chậm so với yêu cầu đặt ra, đặc biệt là việc tổ chức sản xuất, xã hội hóa huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng và giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản đạt thấp, nợ đọng trong xây dựng cơ bản một số địa phương còn lớn…

Chất lượng các hợp tác xã nhìn chung còn thấp, việc chuyển đổi hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã ở một số địa phương còn chậm

Thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 25,1% kế hoạch HĐND tỉnh giao (thu nội địa chỉ mới đạt 35% kế hoạch; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 14,92% kế hoạch).

Xử lý các việc tồn đọng kéo dài còn chậm trễ, chưa dứt điểm, nhất là xử lý các vụ việc tồn đọng trên địa bàn thị xã Kỳ Anh và một số kết luận thanh tra, kiểm toán... 

Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành kinh tế - xã hội thiếu được cập nhật, bổ sung thường xuyên, nhất là lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, khoáng sản… đã ảnh hưởng lớn đến công tác xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch và làm mất nhiều thời gian khi xử lý các hồ sơ thủ tục hành chính, đất đai, đầu tư cho doanh nghiệp và người dân.

Cải cách hành chính có chuyển biến nhưng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu...

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2016

Ổn định đời sống và khôi phục sản xuất sau sự cố môi trường gắn với tái cơ cấu kinh tế, phát triển những vùng có tiềm năng lợi thế. Trong đó, chú trọng: Chủ động và phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai các nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương liên quan để chủ động triển khai các phương án ứng phó trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ; phối hợp với các cơ quan chuyên môn đánh giá khách quan mức độ thiệt hại do sự cố môi trường để đề xuất Trung ương thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ các tổ chức và người dân bị thiệt hại. Tham mưu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân và tái cơ cấu ngành nghề, khôi phục phát triển sản xuất vùng ven biển cả trước mắt và lâu dài, đảm bảo bền vững, ổn định trong đó, tập trung vào 04 nhóm chính sách...

Các ban, ngành, địa phương cần chủ động cập nhật, hiệu chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực đảm bảo chính xác, kịp thời, nhất là các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; đồng thời chủ động triển khai xây dựng một số quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chi tiết xây dựng ở các khu đô thị thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh, quy hoạch các khu đô thị, thị trấn, thị tứ các huyện và khu, cụm công nghiệp. Các quy hoạch phải đảm bảo thống nhất, không chồng chéo, đảm bảo chất lượng, tính khả thi cao, có tính định hướng về lâu dài, phù hợp với quy tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai lập Đề án xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành Khu kinh tế động lực của khu vực và cả nước...

Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị văn minh. Tập trung xử lý các vướng mắc, tồn đọng để đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nhằm huy động tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển. Phát triển thương mại, thúc đẩy tiêu dùng và dịch vụ du lịch

Thực hiện rà soát lại các nguồn thu, nắm rõ kế hoạch, tiến độ, nhiệm vụ cụ thể của các đối tượng tham gia nộp ngân sách; phân tích làm rõ nguyên nhân từng sắc thuế, từng lĩnh vực còn đạt thấp để có biện pháp khắc phục. Rà soát, cơ cấu lại các khoản chi; ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên, sử dụng dự phòng ngân sách đúng mục đích, tập trung dành nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, phòng chống khắc phục thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và các nhiệm vụ cấp bách khác trong 6 tháng cuối năm...

Tập trung rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển gắn thời kỳ ổn định ngân sách; tăng cường các biện pháp quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên và môi trường; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, xã hội; giải quyết việc làm; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính; đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, công tác thanh tra, tư pháp, phòng chống tham nhũng...


    Ý kiến bạn đọc