Thẩm quyền và nguồn lực
EmailPrintAa
09:52 03/01/2014

Hiến pháp mới đã hiến định những nguyên tắc cơ bản nhất về tổ chức và hoạt động của HĐND, cùng với việc Quốc hội tiếp tục sửa đổi, bổ sung các đạo luật liên quan khác, bảo đảm điều kiện tốt hơn cho hoạt động của HĐND, chắc chắn chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử địa phương sẽ được nâng lên xứng đáng với vai trò cơ quan đại diện của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
 
Nguồn: hanoilive.com

Cuối cùng, cuộc thảo luận, thậm chí tranh luận về vị trí Hiến định của chính quyền địa phương, trong đó có HĐND đã kết thúc bằng việc ngày 28.11.2013, Quốc hội Khóa XIII thông qua bản Hiến pháp sửa đổi. Có lẽ không chỉ có thế mà kể cả việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ở 10 tỉnh, thành thực hiện mấy năm qua cũng đã đến hồi kết. Hiến pháp mới đã khẳng định những nguyên tắc cơ bản nhất về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương: được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND; khẳng định HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra; HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định, giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND; khẳng định UBND do HĐND cùng cấp bầu ra và là cơ quan chấp hành của HĐND.

Để Hiến pháp mới sớm đi vào cuộc sống, khắc phục tính hình thức và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương chắc chắn sẽ có rất nhiều việc phải làm. Trước hết, phải sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu HĐND, Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Ngân sách nhà nước, Quy chế hoạt động HĐND các cấp và các văn bản pháp lý khác. Chung quy lại, phải bảo đảm thẩm quyền của HĐND tương xứng với nguồn lực được phép sử dụng để thực thi thẩm quyền. Những nguồn lực đó bao gồm:  nguồn lực về pháp lý, về tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực và các nguồn lực vật chất khác. Những nguồn lực này chưa được quy định trong Hiến pháp thì chí ít cũng phải được quy định trong các đạo luật liên quan, không nên chỉ đề cập trong Quy chế hoạt động của HĐND như hiện nay.

Chất lượng đại biểu là gốc, là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử. Vì vậy, phải thực sự coi trọng chất lượng của các ứng cử viên trong mỗi cuộc bầu cử đại biểu HĐND. Phải tạo cho cử tri có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn được những đại biểu đủ đức, đủ tài, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử, có đủ năng lực, điều kiện và đủ dũng khí để đại diện cho họ thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu HĐND, đủ tầm để thay mặt nhân dân quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát hoạt động của cơ quan điều hành. Tăng cường số lượng cấp Ủy cho các chức danh chuyên trách của HĐND, nhất là các chức danh chủ chốt như Phó chủ tịch, Ủy viên Thường trực, Trưởng, Phó các ban HĐND. Tránh tình trạng bố trí cán bộ xuất phát từ giải quyết chế độ, chính sách, bố trí cán bộ ít có uy tín, năng lực yếu vào các chức danh của HĐND. HĐND phải là nơi tập trung trí tuệ của nhân dân địa phương. Có cơ chế cụ thể để tập thể HĐND và cử tri giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của đại biểu HĐND. Hàng năm, mỗi đại biểu HĐND phải xây dựng chương trình công tác, đăng ký với Thường trực HĐND và báo cáo kết quả thực hiện với cử tri nơi mình được bầu. Có quy định cụ thể trong Luật Tổ chức HĐND và UBND về thời gian tối thiểu đại biểu HĐND kiêm nhiệm phải dành cho hoạt động của cơ quan dân cử. Thực hiện cơ chế tự kiểm điểm đối với đại biểu HĐND. Hàng năm, HĐND phải có kiểm điểm đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của mỗi đại biểu. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về HĐND để các cấp, các ngành, xã hội và nhân dân nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vai trò, vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của HĐND và đại biểu HĐND. Đây cũng là cách tạo ra áp lực của dư luận xã hội đối với đại biểu HĐND, buộc mỗi đại biểu phải hoạt động tốt hơn, có trách nhiệm hơn trước cử tri và nhân dân.

Phải đổi mới tổ chức, bộ máy và hoạt động của HĐND, bảo đảm để HĐND hoạt động chuyên nghiệp và thường xuyên hơn. Muốn vậy, cần tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở mỗi cấp lên khoảng 20 - 25% tổng số đại biểu. Cần luật hóa địa vị pháp lý của Thường trực HĐND các cấp theo hướng: phải là một cơ quan của HĐND, có đầy đủ tư cách pháp nhân. Xem xét, thêm 1 chức danh Phó chủ tịch HĐND cấp huyện, cấp tỉnh để thay cho chức danh Ủy viên Thường trực HĐND hiện nay. Ở mỗi cấp, Thường trực HĐND là một tập thể gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch, lãnh đạo chuyên trách các ban HĐND cùng cấp. Thường trực HĐND hoạt động thường xuyên, giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của HĐND giữa các kỳ họp; theo dõi, giám sát thường xuyên hoạt động của UBND cùng cấp. Các ban HĐND cũng cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách. Ở cấp tỉnh có thể có Trưởng ban, Phó ban và ít nhất 1 thành viên chuyên trách. Ở cấp huyện phải có 1 lãnh đạo ban và ít nhất 1 thành viên hoạt động chuyên trách. Ở cấp xã cũng cần thành lập ban HĐND có ít nhất 1 đại biểu chuyên trách.

Một nội dung cũng rất quan trọng nữa là đổi mới, kiện toàn cơ quan tham mưu, giúp việc HĐND theo hướng: Văn phòng HĐND cấp tỉnh có các phòng chuyên môn tương ứng với các lĩnh vực để tham mưu, giúp việc và phục vụ hoạt động của các ban HĐND. Ở cấp huyện, xã, Văn phòng có thể chung nhưng cần quy định rõ một bộ phận chịu trách nhiệm tham mưu, giúp việc và phục vụ hoạt động của Thường trực, các ban và HĐND cấp mình. Cần xác định cơ quan Văn phòng không chỉ tham mưu, giúp việc cho bộ phận chuyên trách của HĐND là Thường trực và các ban, mà còn là cơ quan tham mưu, giúp việc và phục vụ các đại biểu HĐND. Cán bộ Văn phòng phải là những chuyên gia có trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm cao. Có chế độ ưu đãi, thu hút cán bộ về công tác tại Văn phòng tham mưu, giúp việc cho hoạt động của HĐND.

Về phía mình, HĐND cũng cần đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động theo hướng tăng cường tính độc lập, chủ động, dân chủ và khách quan. Hiệu quả hoạt động của HĐND không chỉ được bảo đảm bởi hiệu quả các kỳ họp HĐND theo quy định hiện hành, mà phải bằng cả hiệu quả hoạt động thường xuyên của Thường trực và các ban HĐND với tư cách là các cơ quan của HĐND. Bổ sung trong Luật Tổ chức HĐND và UBND một hình thức giám sát là tổ chức các phiên giải trình, chất vấn giữa hai kỳ họp HĐND các cấp, nhất là ở cấp tỉnh để tăng cường trách nhiệm giải trình của UBND và các cơ quan chuyên môn của UBND trước Thường trực, các ban HĐND. Cũng cần có quy định UBND được chủ động điều trần trước Thường trực HĐND về những vấn đề UBND thấy cần thiết trước khi trình ra kỳ họp HĐND. Hình thức giám sát này vừa qua UBTVQH, các Ủy ban của Quốc hội đã tổ chức, ở một số địa phương cũng đã thực hiện có hiệu quả. Đề nghị Quốc hội sớm xem xét, ban hành một đạo luật riêng về hoạt động giám sát của HĐND, hoặc bổ sung vào Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội đã có thành Luật về hoạt động giám sát của cơ quan dân cử. Có các chế tài về thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Cũng cần luật hóa hoạt động tiếp xúc cử tri và tiếp công dân của đại biểu HĐND. Hiện, vấn đề này mới được quy định trong Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 và Quy chế phối hợp giữa MTTQ và HĐND. Phải khắc phục tình trạng hiện nay, HĐND mới chỉ làm nhiệm vụ như một cơ quan tiếp nhận và chuyển đơn, thư. Có cơ chế hữu hiệu hơn để HĐND đôn đốc, giám sát việc cơ quan hành chính ở địa phương giải quyết đơn, thư và ý kiến, kiến nghị của công dân.

Cung cấp cho đại biểu dân cử những phương tiện, thiết bị cần thiết để họ làm việc, nhất là thiết bị công nghệ thông tin. Hiện nay, các đại biểu HĐND ít được cung cấp phương tiện phục vụ hoạt động. Cũng cần tăng mức hoạt động phí cho đại biểu HĐND các cấp, mức phí hoạt động như hiện nay quá thấp. Và, không nên gọi là hoạt động phí mà phải coi đó là phụ cấp hoạt động đại biểu. Quy chế hoạt động HĐND các cấp năm 2005 có quy định: đại biểu không hưởng lương từ ngân sách được cấp kinh phí hoạt động, nhưng trên thực tế quy định này ít nơi thực hiện được. 

Hiến pháp mới đã hiến định những nguyên tắc cơ bản nhất về tổ chức và hoạt động của HĐND, cùng với việc Quốc hội tiếp tục sửa đổi, bổ sung các đạo luật liên quan khác, bảo đảm điều kiện tốt hơn cho hoạt động của HĐND, chắc chắn chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử địa phương sẽ được nâng lên, xứng đáng với vai trò cơ quan đại diện của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

 


    Ý kiến bạn đọc