Tháo gỡ khó khăn, xử lý dứt điểm những vướng mắc liên quan đến quản lý đất đai và môi trường
EmailPrintAa
21:57 21/06/2017

Sáng ngày 21/6, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Nguyễn Thị Nữ Y, Võ Hồng Hải, Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn giám sát HĐND đã tổ chức làm việc với UBND tỉnh về Công tác quản lý Nhà nước về đất đai và môi trường trên địa bàn.

Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị: Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra tỉnh, Ban Quản lý KKT tỉnh, Cục thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh, Trung tâm phát triển quỹ đất, Chi cục bảo vệ môi trường.

 

Giai đoạn 2010-2017, toàn tỉnh có 6.198,6 ha đất được giao cho 4 loại hình tổ chức sử dụng đất chính; trong đó có 281 hồ sơ giao đất cho tổ chức với diện tích 2.618, 9 ha, 491 hồ sơ cho tổ chức thuê đất với diện tích 3.579, 8 ha. Nhìn chung, công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các tổ chức cơ bản phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai bước đầu được khắc phục. Qua đó, đảm bảo việc quản lý chặt chẽ về quyền và nghĩa vụ đối với chủ thể sử dụng đất nhằm yên tâm đầu tư trên diện tích được giao sử dụng.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Tú Anh phát biểu

 

Đến nay, UBND tỉnh đã tiến hành giao đất, cho thuê đất đối với 369 tổ chức với diện tích 2.323, 53 ha, cụ thể: giao đất không thu tiền sử dụng đất 32 khu đất với diện tích 228,4 ha, giao có thu tiền 9 khu đất với diện tích 46,6 ha, cho thuê 328 khu đất với diện tích 22.541,2 ha, cho chuyển mục đích sử dụng đất 8 khu đất với diện tích 2,4 ha. Giai đoạn 2014-2016, toàn tỉnh đã thanh tra, kiểm tra 273 tổ chức với diện tích 1.042,34 ha; trong đó, phát hiện 231 tổ chức có vi phạm trong công tác quản lý đầu tư, khai thác sử dụng đất đai (không sử dụng đất, để hoang hóa, chậm đầu tư theo tiến độ cam kết, tự cho thuê mặt bằng trái quy định, chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất); tiến hành thu hồi đất của 68 tổ chức với diện tích 318,65 ha.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Trọng Nhiệu

 

Về lĩnh vực môi trường, giai đoạn 2014-2016, UBND tỉnh đã phê duyệt 172 hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, 56 hồ sơ Đề án cải tạo phục hồi môi trường, 9 hồ sơ Đề án BVMT chi tiết, xác nhận hoàn thành công trình BVMT cho 5 dự án; thực hiện xử phạt hành chính hơn 348 triệu đồng các cơ sở, sản xuất, kinh doanh về vi phạm môi trường. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm 2 nhà máy xử lý, 7 lò đốt công suất nhỏ, 5 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, 7 bãi chôn lấp tự phát ở các địa phương…

Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y phát biểu
 
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải phát biểu

 

Tại cuộc làm việc, các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đại biểu tham dự đã trao đổi, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và môi trường như: sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương trong công tác quản lý còn nhiều bất cập; các vướng mắc trong QLNN của ngành ở cơ sở chậm tháo gỡ, hồ sơ thủ tục còn qua nhiều cấp, nhiều ngành; công tác QLNN về đất đai và môi trường trên địa bàn hiệu quả chưa cao; cụ tthể: công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm, chất lượng ở một số địa phương chưa cao, tính khả thi thấp, chưa sát với thực tế; việc quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất sau khi được xét duyệt có dấu hiệu bị buông lỏng; quy hoạch một số ngành, lĩnh vực chưa đồng bộ, thiếu tính liên kết; công tác giao đất, giao rừng cho các tổ chức còn có hiện tượng chồng lấn lên đất cá nhân dẫn đến tình trạng đơn thư, khiếu nại tố cáo kéo dài; việc thu hồi đất chuẩn bị mặt bằng sạch để thực hiện giao đất, cho thuê đất vẫn còn bất cập… Đối với môi trường, các đại biểu cho rằng hệ thống chính sách pháp luật về môi trường còn nhiều bất cập; quy hoạch, kế hoạch và quản lý thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu tính chiến lược; đầu tư cho môi trường chưa đồng bộ, dàn trải; công tác phân loại, thu gom, vận chuyển đạt tỷ lệ thấp; công nghệ xử lý lạc hậu, chậm khắc phục; công tác phát triển chăn nuôi còn nhiều bất cập, chưa gắn với bảo vệ môi trường… Qua đó, đề nghị UBND tỉnh giải trình làm rõ các vấn đề về: việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tình hình thực hiện việc cấp, đổi GCN đối với đất của hộ gia đình, cá nhân; lộ trình, hướng xử lý các trường hợp còn vướng mắc, tồn đọng kéo dài nhưng chưa thực hiện việc cấp GCN; công tác thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án; việc quản lý và biện pháp giải quyết đất đai, tài sản trên đất sau khi thu hồi đối với đất các nhà văn hóa thôn, cơ sở giáo dục sau sáp nhập, các trụ sở làm việc sau khi chuyển địa điểm… Về lĩnh vực môi trường, các đại biểu quan tâm đến công tác xây dựng và ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi…

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định việc giám sát chuyên đề công tác quản lý nhà nước về đất đai và môi trường trên địa bàn trong giai đoạn này là rất quan trọng, cần thiết, đáp ứng sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó, đã lột tả được thực trạng công tác quản lý nhà nước về đất đai và môi trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua; đồng chí cho rằng đây là vấn đề lớn, phức tạp cần tập trung xem xét, nghiên cứu kỹ để đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm giúp công tác QLNN về các nội dung thuộc lĩnh vực đất đai, môi trường trên địa bàn đạt hiệu quả cao.

Đồng chí Lê Đình Sơn, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh  phát biểu kết luận cuộc làm việc

 

Về lĩnh vực đất đai, đồng chí đề nghị: kiểm tra, rà soát lại việc quản lý, thực trạng sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước đã giải thể hoặc hoạt động không có hiệu quả để có hướng xử lý; cần có biện pháp giải quyết, quản lý đất đai và tài sản trên đất sau khi thu hồi đối với đất các nhà văn hóa, cơ sở giáo dục sau sáp nhập, các trụ sở làm việc sau khi chuyển địa điểm, có thể thực hiện phương án đấu giá hoặc cho thuê có thời hạn để tránh lãng phí, nhưng lưu ý phải đảm bảo không để xảy ra hệ lụy về sau; đối với các công trình, dự án được giao, cho thuê đất cần tính đến khả năng khả thi và tiến hành thu hồi đất theo đúng quy định đối với các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, để đất hoang hóa, chậm đầu tư, sử dụng không hiệu quả và sau khi thu hồi cần có các phương án xử lý… Trong lĩnh vực môi trường, đề nghị sớm ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; rà soát, đánh giá chất lượng quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành chăn nuôi để đảm bảo phù hợp; kiểm tra lại chất lượng hệ thống bể biogas, xử lý chất thải chăn nuôi của các trang trại, nông hộ để đảm bảo môi trường.

 

Ngoài ra, đồng chí yêu cầu UBND tỉnh nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý để bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo và sớm gửi cho Đoàn giám sát để trên cơ sở đó Đoàn hoàn thiện báo cáo kết luận giám sát về công tác QLNN về đất đai và môi trường trên địa bàn trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 4./.


    Ý kiến bạn đọc