Thảo luận tại hội trường: sôi nổi nhiều vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và an sinh xã hội
EmailPrintAa
10:32 14/07/2017

Sau phiên thảo luận tại Tổ, nửa buổi chiều (13/7) và sáng nay (14/7), dưới sự điều hành của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn và các Phó Chủ tịch: Nguyễn Thị Nữ Y, Võ Hồng Hải, kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVII tiến hành phiên thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 và các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết.

Đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo thảo luận tại Hội trường

 

Điều hành phiên thảo luận tại hội trường, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh phát huy cao dân chủ, trí tuệ; đề cao tinh thần, xây dựng, trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân; tích cực tham gia nhiều ý kiến thảo luận có chất lượng vào những nhiệm vụ, vấn đề trọng tâm mà kỳ họp đặt ra; đồng thời tập trung phân tích, đánh giá đúng tình hình; chỉ ra những hạn chế, tồn tại, yếu kém; phân tích làm rõ nguyên nhân và kiến nghị, đề xuất những giải pháp, những định hướng lớn, khả thi, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Đại biểu Trịnh Văn Ngọc
Đại biểu Nguyễn Văn Danh
 

Mở đầu phiên thảo luận, liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Trịnh Văn Ngọc (tổ đại biểu huyện Vũ Quang) đề nghị tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nhất là chăn nuôi lợn, bò, cây ăn quả, nuôi tôm, rau, củ, quả…; cần thực hiện quyết liệt các giải pháp khôi phục sản xuất; chú trọng công tác xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp, công nghệ cao, chế biến nông sản; tìm kiếm thị trường tiêu thụ, sản xuất nông sản, sản phẩm nông nghiệp chế biến. Đại biểu Nguyễn Văn Danh (tổ đại biểu huyện Kỳ Anh) đề nghị xem xét tăng đầu tư cho nông nghiệp; nghiên cứu, cân đối nguồn lực từ nhà nước cho xây dụng nông thôn mới ... Đại biểu Phan Thị Tố Hoa (tổ đại biểu huyện Thạch Hà) đề nghị cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, hướng khắc phục việc giống lúa thiên ưu 8 gây bệnh đạo ôn cổ bông. Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thế Hoàn (tổ đại biểu huyện Hương Khê), đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga (tổ đại biểu huyện Can Lộc), đại biểu Đặng Quốc Cương (tổ đại biểu huyện Cẩm Xuyên) đề nghị tỉnh xem xét lại đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ giống phát triển sản xuất; hỗ trợ kịp thời các hộ dân sản xuất lúa vụ xuân bị thiệt hại nặng; tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi; hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu Đinh Nho Hậu
Đại biểu Phan Thị Tố Hoa
 

Các đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm tháo gỡ khó khăn, xử lý dứt điểm các vướng mắc, tồn đọng về giao đất, giao rừng gắn với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Đề án khai thác tiềm năng, lợi thế rừng, đất lâm nghiệp; quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất trên đất lâm nghiệp, bảo đảm sản xuất gắn chặt với bảo vệ môi trường; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, thực hiện nghiêm quản lý hoạt động khai thác kinh doanh cát, sỏi lòng sông; kiểm tra môi trường ở các cơ sở chăn nuôi; đánh giá hiệu quả các lò đốt xử lý rác thải hiện nay để có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp…

Về xây dựng nông thôn mới, theo đại biểu Trịnh Văn Ngọc (tổ đại biểu huyện Vũ Quang) cần đảm bảo phù hợp với thực tiễn khả năng cân đối nguồn lực và khả năng thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2020; hoàn thiện ban hành thiết kế mẫu, thiết kế điển hình các dự án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mơi giai đoạn 2016-2020; xây dựng và ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách địa phương, tính toán phương án cân đối nguồn lực đảm bảo đủ đối ứng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo quyết định số 12 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục quan tâm điều chỉnh quy hoạch đô thị, tháo gỡ, tận thu nguồn lực tại chổ trong điều kiện vốn đầu tư công khó khăn. Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thế Hoàn (tổ đại biểu huyện Hương Khê) đề nghị tỉnh xem xét, điều chỉnh bộ tiêu chí nông thôn mới theo quyết định 05/2017/QĐ-UBND phù hợp với thực tế; đồng thời đề nghị tỉnh ưu tiên hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng một số công trình cấp bách, quan trọng trên địa bàn huyện Hương Khê như tỉnh lộ 17, trú sở làm việc của các xã Hương Đô, Hương Long; trạm y tế các xã Hương Lâm, Hương Liên… Đại biểu Đặng Quốc Cương (tổ đại biểu huyện Cẩm Xuyên) đề nghị sớm điều chỉnh bộ tiêu chí theo Quyết định 05 sát với tình hình của địa phương và quan tâm cân đối, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng đối với các xã đăng ký về đích năm 2017.

Đại biểu Nguyễn Thế Hoàn
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga
 

Quan tâm đến công tác quy hoạch, đô thị, đại biểu Đinh Nho Hậu (tổ đại biểu Hương Sơn) cho rằng hiện nay việc quy hoạch, bố trí các bãi rác chưa phù hợp, còn nhiều bất cập, đề nghị có quy hoạch đồng bộ các bãi rác, nhất là ở các địa phương để có thể thu gom, tập kết, xử lý rác đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường; phù hợp với xu thế phát triển lâu dài của các địa phương, cơ sở

Đối với các vụ việc tồn đọng, đại biểu Đinh Nho Hậu (tổ đại biểu Hương Sơn), đại biểu Trần Báu Hà (tổ đại biểu huyện Nghi Xuân) và một số đại biểu khác cho biết hiện nay các địa phương đang còn nhiều vấn đề, vụ việc tồn đọng, kéo dài, chậm được giải quyết gây bức xúc trong Nhân dân, đề nghị thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề tồn đọng cấp tỉnh nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết nhanh, dứt điểm.

Đại biểu Trần Báu Hà
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt
 

Đề cập đến vấn đề an ninh trật tự, cải cách hành chính, đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga (tổ đại biểu huyện Can Lộc), đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt (tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh) và đại biểu Trương Thanh Huyền (tổ đại biểu huyện Lộc Hà) đề nghị tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp để xiết chặt kỷ cương pháp luật và trật tự xã hội;  xử lý nghiêm các đối tượng lôi kéo, kích động người dân tụ tập, gây rối trật tự công cộng; chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời, hiệu quả và xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đưa Trung tâm Hành chính công vào hoạt động thực sự có hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Văn Hổ
Đại biểu Trương Thanh Huyền
Đại biểu Đặng Văn Thành

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, đại biểu Trịnh Văn Ngọc (tổ đại biểu huyện Vũ Quang) và đại biểu Nguyễn Văn Danh (tổ đại biểu huyện Kỳ Anh) đề nghị rà soát sắp xếp, tinh giản đầu mối, ổn định tổ chức bộ máy ngành y tế; điều chỉnh chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) phù hợp các địa bàn, tuyên truyền vận động và hỗ trợ mua thẻ BHYT để nâng tỷ lệ bao phủ; tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm; thực hiện tốt các vấn đề phúc lợi xã hội. Đại biểu Trần Báu Hà (tổ đại biểu huyện Nghi Xuân) đề nghị nghiên cứu có các giải pháp đầu tư phát triển một cách bài bản, dài hạn cho Khu du lịch Xuân Thành và khu vực lân cận; quan tâm đẩy nhanh tiến độ Khu di tích đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống gắn với dịch vụ du lịch. Liên quan vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt (tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh) cho rằng sự phát triển du lịch tỉnh nhà còn thiếu tính bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, hoạt động du lịch, nhất là du lịch biển 6 tháng phục hồi còn chậm, đề nghị cần chú trọng công tác quy hoạch, tập trung quan tâm đến công tác quảng bá, tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch và đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách phát triển du lịch.

Cũng liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, các đại biểu Phan Thị Tố Hoa (tổ đại biểu huyện Thạch Hà), đại biểu Trương Thanh Huyền (tổ đại biểu huyện Lộc Hà) đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với địa phương có giải pháp đồng bộ, lâu dài để đảm bảo nguốn nước sạch phục vụ nhân dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước về gia đình; tiếp tục rà soát, sắp xếp hệ thống giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa, đảm bảo quy mô, chất lượng dạy học; quan tâm bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất sau sáp nhập nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học; có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm về chuyên môn trong các cơ sở khám chữa bệnh; thực hiện tốt bảo hiểm y tế, hạn chế bội chi Quỹ khám chữa bệnh BHYT.

Về giải pháp để 6 tháng cuối năm 2017 để đạt được  các chỉ tiêu để ra, theo đại biểu Nguyễn Văn Hổ (tổ đại biểu thị xã Hồng Lĩnh) cần tập trung khắc phục 4 nguyên nhân chủ quan làm cho kinh tế - xã hội 6 tháng qua phát triển chậm, nhất là công tác cải cách hành chính; phải đảm bảo ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường đầu tư thật thông thoáng, thuận lợi để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Đại biểu Đặng Văn Thành (tổ đại biểu thị xã Kỳ Anh) thì cho rằng cần tập trung chỉ đạo đưa vào khai thác các dự án đúng tiến độ, đặc biệt là các dự án trọng điểm; tiếp tục đồng hành với các nhà đầu tư, tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các dự án triển khai đúng tiến độ, hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả…

Đồng chí Võ Hồng Hải, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại Tổ
 

Đối với các tờ trình và dự thảo nghị quyết được trình tại kỳ họp, các đại biểu cơ bản đồng tình, đồng thời cũng đã phân tích, mổ xẻ nhiều vấn đề và kiến nghị HĐND tỉnh xem xét, cân nhắc, điều chỉnh phù hợp. Cụ thể: Đối với tờ trình, dự thảo Nghị quyết về danh mục dự án đầu tư theo hình thức PPP, các đại biểu cho rằng: việc thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư PPP đã mang lại nhiều lợi ích trong việc quản lý, khai thác công trình, dịch vụ công chất lượng cao, nhấ là việc huy động được sự tham gia của nguồn vốn khu vực tư nhân, tuy nhiên cần bổ sung một số lĩnh vực có nhu cầu nguồn vốn lớn như: hệ thống thoát nước, xử lý nước thải… Quy hoạch, công khai quỹ đất thực hiện các dự án đối ứng; xem xét ban hành chính sách chung thay vì danh mục dự án cụ thể; xây dựng tiêu chí thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhất là hình thức xây dựng-chuyển giao (BT). Về tờ trình về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020, đề nghị rà soát chỉ tiêu, phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh sát với thực tế. Làm rõ nguyên nhân một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa đạt so với kế hoạch đề ra. Xem lại chỉ tiêu sử dụng đất cho hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là tại địa bàn thị xã Kỳ Anh. Đánh giá hiệu quả các dự án đã được giao đất; thu hồi đối với các dự án quá thời hạn theo cam kết…

Trước đó, mở đầu phiên làm việc sáng nay, các đại biểu đã nghe đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại Tổ diễn ra trong chiều ngày 13/7. Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, tại phiên thảo luận tổ đã có 27 ý kiến phát biểu và 189 ý kiến đóng góp vào phiếu gợi ý thảo luận. Nhìn chung, đa số ý kiến bày tỏ sự đồng tình cao với báo cáo đánh giá tình hình, kết quả và công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm; đồng thời đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trên lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp - nông thôn, công tác quản lý tài nguyên - môi trường, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh... và nêu lên các giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Tiếp theo, Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVII tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Hội trường.


    Ý kiến bạn đọc