Theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm
EmailPrintAa
22:48 12/12/2017

Chiều nay 12/12, kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với trên các lĩnh vực: quản lý đô thị; công thương; cải cách hành chính, quản lí cán bộ, công chức, viên chức.
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Xuân Tiến trả lời chất vấn
 

Mở đầu phiên chất vấn chiều nay, Sở Xây dựng nhận được các câu chất vấn liên quan đến quản lý đô thị, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Xuân Tiến cho biết giải pháp xử lý hệ thống thoát nước các khu đô thị kém và không đồng bộ, hễ có mưa là bị ngập lụt, nhất là ở thành phố Hà Tĩnh trong thời gian tới là: Tiếp tục kêu gọi đầu tư, hoàn thiện các trục tiêu thoát nước chính của thành phố Hà Tĩnh; đầu tư xây dựng hệ thống hồ điều hòa nhằm điều tiết nguồn nước vào mùa mưa cùng như lúc thủy triều lên; đầu tư 05 Trạm bơm cưỡng bức tại các vị trí gần cống Đập Bợt, cống Vạn Hạnh, cống Đập Vịt, đập Cót và cuối kênh T8 nhằm tiêu nước cưỡng bức cho thành phố mỗi khi nước không thể thoát từ hệ thống tuyến mương ra sông do mực nước thủy triều lên. Trước mắt, đầu tư nâng cấp cải tạo các tuyến mương, cống thoát nước hiện trạng có tiết diện nhỏ; chỉ đạo Công ty Cổ phần môi trường và công trình đô thị Hà Tĩnh và các phường, xã, các tổ chức chính trị xã hội tiến hành nạo vét khai thông cống rãnh để đảm bảo khả năng thoát nước chống ngập úng trên địa bản thành phố.

Đại biểu Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ

Đại biểu Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội

 

Quan tâm đến lĩnh vực này, đại biểu Đỗ Khoa Văn cho rằng cốt xây dựng ở các công trình rất quan trọng, việc xác định cao độ xây dựng và mặt bằng xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề, trong đó có thoát nước nhưng tại sao đến nay chưa được coi trọng dẫn đến tình trạng ngập ứng trên địa bàn, xin Giám đốc Sở Xây dựng cho biết nguyên nhân và giải pháp giải quyết thời gian tới. Đại biểu Bùi Nhân Sâm bày tỏ băn khoăn đến việc cốt xây dựng đã được thực hiện đồng bộ, đảm bảo đúng quy hoạch và sở đã có giải pháp gì tham mưu cho UBND tỉnh trong việc quy hoạch và đảm bảo mỹ quan đô thị. Đại biểu Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị cho biết tính khả thi trong việc xây dựng mở rộng tuyến đường Nguyễn Công Trứ và các tuyến đường đã thực hiện lâu năm nhưng chưa hoàn thiện.

Đại biểu Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Thành ủy thành phố

Đại biểu Bùi Nhân Sâm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

 

Đại biểu Nguyễn Trí Lạc chất vấn thêm về việc cấp thoát nước ở tỉnh ta được quy hoạch như thế nào? Đại biểu Nguyễn Quốc Hà đề nghị sở cho biết  trong thời gian qua sở đã có giải pháp gì khắc phục vấn đề liên quan đến cấp thoát nước. Đại biểu Trần Viết Hậu băn khoăn đến việc cắm mốc, ngoài nguyên nhân thiếu kinh phí thì còn nguyên nhân nào khác. Việc các dự án trên địa bàn chưa công bố công khai thông tin quy hoạch để người dân Giám sát, đề nghị sở cho biết đã tham mưu UBND tỉnh biện pháp xử lý như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh

Chủ tịch UBND thành phố Hà Văn Trọng bổ sung câu trả lời của Sở Xây dựng
 

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Văn Trọng giải trình thêm các nội dung xung quanh việc cấp phép xây dựng, công tác quản lý, Giám sát sau cấp phép và biện pháp xử lý các vi phạm.

Đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn của Sở Xây dựng

 

Kết thúc phần chất vấn đối với Giám đốc Sở Xây dựng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho rằng các giải pháp được sở nêu ra thực hiện chưa hiệu quả, tình trạng ngập úng vẫn còn diễn ra, thậm chí ngập nặng hơn, đề nghị sở xây dựng phải nhìn nhận khách quan, đưa ra các giải pháp mang tính khả thi và giải quyết dứt điểm; về vai trò, ý thức của người tham gia xây dựng đề nghị phải thực hiện theo cấp phép xây dựng, nạo vét kênh mương, khơi thống cống rảnh để giải quyết hiệu quả tình trạng ngập úng trên địa bàn. Đối với các vấn đề thuộc ngành quản lý đề nghị sở kiểm soát, chỉ đạo đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

 

Về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng trả lời câu hỏi liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông cho rằng tuy đã rất tích cực trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhưng an toàn thực phẩm còn  một số tồn tại hạn chế cần khắc phục. Đồng thời, Giám đốc Sở Công thương cũng đề ra 5 nhóm giải pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm, cụ thể như: Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các Ngành Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và các địa phương trong kiểm tra, kiểm soát thực phẩm lưu thông trên thị trường; chú trọng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, chống buôn bán thực phẩm giả, gian lận thương mại...; xử lý nghiêm, răn đe và công bố công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các hành vi vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn; nâng cao ý thức của CBCC, người dân trong việc phát hiện, tố cáo hành vi, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn; hoàn thiện hạ tầng thương mại, đặc biệt là hạ tầng chợ; tập trung hệ thống hạ tầng phục vụ kinh doanh thực phẩm. Bố trí nguồn ngân sách để lấy mẫu thực phẩm Giám sát, kiểm soát các mối nguy ô nhiễm vào thực phẩm; tiếp tục chỉ đạo triển khai Đề án nâng cao hiệu quả công tác QLTT đến năm 2020; nâng cao năng lực, chất lượng bộ máy và cơ sở vật chất phục vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng
 

Xung quanh vấn đề quản lý và đảm bảo chất lượng điện thương phẩm ở nhiều vùng, nhiều thời điểm còn bất cập, Giám đốc Sở Công thương cho biết: về hạ tầng điện so với các tỉnh lân cận và các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc quản lý, Hà Tĩnh có hệ thống nguồn, lưới điện được quy hoạch và đầu tư khá đồng bộ; về chất lượng cung cấp điện được đánh giá trên các tiêu chí, chất lượng điện áp, tần số và tính liên tục, ổn định trong quá trình cấp điện.

Đối với việc xây dựng, chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh ở một số địa phương còn chậm, ông Hoàng Văn Quảng cho biết trong thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục làm việc trực tiếp với UBND huyện, thành phố, thị xã; tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ; theo dõi thực hiện đầu tư xây dựng chợ đảm bảo đúng quy hoạch; thường xuyên kiểm tra, rà soát quá trình thực hiện quy hoạch; bổ sung, điều chỉnh, loại bỏ các chợ không phù hợp quy hoạch, chợ không đảm bảo quy định, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu trao đổi mua bán của người dân, phù hợp với quy các quy định hiện hành; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đã ban hành về phát triển thương mại nông thôn; hỗ trợ kêu gọi doanh nghiệp/hợp tác xã thực sự có tâm huyết, có kinh nghiệm để đấu thầu hoặc giao quản lý chợ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chợ sau khi chuyển đổi mô hình quản lý mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực...

Đại biểu Trần Văn Kỳ, Bí thư Đảng bộ khối Doanh nghiệp

Đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh
 

Thừa nhận còn nhiều bất cập trong quản lý và đảm bảo chất lượng điện thương phẩm ở nhiều vùng, nhiều thời điểm do nhiều nguyên nhân. Do đó, thời gian tới, Sở Công thương sẽ chỉ đạo Công ty Điện lực Hà Tĩnh cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện lưới điện trên địa bàn toàn tỉnh; ưu tiên, bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án cải tạo lưới điện ở các xã sau tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, sớm hoàn thiện Tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới ở các xã trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ, sớm triển khai xây dựng 03 TBA 110kV tại Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Hồng Lĩnh; đề xuất Tổng công ty sớm chấp thuận đầu tư xây dựng thêm 03 TBA 110kV tại Kỳ Anh, Vũ Quang và Lộc Hà. Hoàn thiện việc cấp điện khu công nghiệp Phú Vinh, các lộ xuất tuyến sau TBA 110kV Hương Khê…. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án trọng điểm như Dự án tái thiết Đức (KFW2) triển khai tại 61 xã trên toàn tỉnh phù hợp với lộ trình nông thôn mới của tỉnh; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xử lý vướng mắc về mặt bằng để thi công các dự án điện…

Về các ngành, địa phương Sở cũng đề nghị Ban quản lý Dự án công trình Công nghiệp và dân dụng đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia. Các sở, ngành, địa phương khác cần tập trung chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND các xã, phường phối hợp chặt chẽ với ngành điện trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện; vận động nhân dân trên địa bàn nâng cao ý thức sử dụng điện…

Đối với nhóm vấn đề này, đại biểu Trần Văn Kỳ và đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu còn băn khoăn 10% tỷ lệ chợ chưa được chuyển đổi, xin cho biết nguyên nhân vì sao và trách nhiệm này thuộc về ai; trong số 90% đã được chuyển đổi cũng có nhiều vấn đề, còn phát sinh nhiều khiếu kiện, khiếu nại, đề nghị sở cho biết nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới. Các hộ kinh doanh lo ngại khi chuyển đổi mô hình chợ cho Doanh nghiệp quản lý thì phí kinh doanh cao hơn, điều này cho thấy chưa đáp ứng được mục tiêu mà chuyển đổi chợ đề ra, đề nghị nói rõ nguyên nhân vì sao, thời gian tới có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Phó Chỉ huy Trưởng Bộ CHQS tỉnh

 

Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga cho rằng sau khi đã chuyển đổi chợ, các chợ đã thực hiện xây dựng mới nhưng vẫn có một số tiểu thương quay lại các chợ cũ để họp chợ gây ảnh hưởng đến số lượng người tham gia và doanh thu tại các chợ mới, xin ông cho biết sở đã có những giải pháp gì để xử lý; ngoài ra theo lộ trình đặt ra đến năm 2020 sẽ xóa bỏ các chợ tạm, chợ xép, chợ không đủ điều kiện hoạt động, đề nghị sở đã tham mưu UBND tỉnh có những biện pháp gì để thực hiện được mục tiêu đã đặt ra.

Sau phần trả lời chất vấn của Giám đốc sở Công thương Hoàng Văn Quảng, đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu yêu cầu trả lời rõ hơn về những giải pháp để giải quyết mức chênh lệch giữa chợ mới và chợ cũ để các tiểu thương yên tâm hoạt động kinh doanh. Đại biểu Trần Văn Kỳ đề nghị cho biết thời gian cụ thể để hoàn thành việc chuyển đổi chợ đối với 10% còn lại.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng bổ sung trả lời chất vấn của Sở Công Thương
 

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng đã giải trình làm rõ thêm các nội dung về việc chuyển đổi chợ và khẳng định tiếp tục chỉ đạo để khắc phục tình trạng tái hoạt động tại các chợ cũ để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho bà con tiểu thương.

Kết thúc phần chất vấn của Giám đốc sở Công thương, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đánh giá cụ thể những cái được và chưa được của việc chuyển đổi chợ; quy trình chuyển đổi chợ cần phải công khai, minh bạch đảm bảo công bằng cho người dân. Hiện nay còn một số tồn đọng xung quanh việc chuyển đổi chợ, nhất là chợ Bắc Hà đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thành phố xử lý dứt điểm.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Phi Quang
 

Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh cải cách hành chính, quản lí cán bộ, công chức, viên chức, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Phi Quang cho biết: mặc dù đã rất nỗ lực nhưng công tác cải cách hành chính ở tỉnh ta vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; xử lí công việc vẫn ách tắc ở nhiều cấp, nhiều ngành; hội họp nhiều nhưng kết quả hạn chế. Giải pháp cho thời gian tới sẽ là: tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện toàn diện theo kế hoạch số 239/KH-UBND về cải cách hành chính; tập trung sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII; tiếp tục chỉ đạo đơn giản hóa thư tục hành chính gắn với việc phát huy hiệu quả Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; tập trung cải cách công vụ, công chức, xây dựng cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm đúng quy định; xây dựng kế hoạch và kiểm tra cải cách hành chính, thanh tra, kiểm tra công vụ; đẩy mạnh ứng dụng CNTT…

Về việc quản lí cán bộ, công chức, viên chức còn lỏng lẻo ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương; đạo đức, trách nhiệm công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn bất cập, gây mất niềm tin của một số nhà đầu tư và nhân dân, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết giải pháp khắc phục trong thời gian tới là: chỉ đạo kịp thời xây dựng phương án điều chỉnh, sắp xếp tổ chức bộ máy, triển khai đồng bộ đúng pháp luật, công khai minh bạch tất cả các khâu của công tác cán bộ và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá kỹ ưu điểm Trung tâm hành chính công tỉnh, rà soát tình hình thực hiện giải quyết các yêu cầu của Doanh nghiệp, công dân về TTHC; tăng cường công tác tiếp dân, đổi mới phương thức, quy trình tiếp dân; tiếp thu nghiêm túc các kết luận qua Giám sát của HĐND, MTTQ, các cơ quan báo chí; thực hiện nghiêm quy định số 102-QĐ/TW.

Đại biểu Đoàn Đình Anh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh

 

Đối với tình trạng thiếu viên chức, nhất là bất cập thừa, thiếu giáo viên khá phổ biến ở nhiều trường, nhiều địa phương (nhất là ở thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh) nhưng chậm được xử lí, gây khó khăn cho hoạt động của nhiều cơ quan, đơn vị, trường học; ông Nguyễn Phi Quang cho biết sau khi kỳ họp thứ 5 thông qua kế hoạch biên chế năm 2018, sở sẽ xem xét cụ thể những vị trí việc làm thiếu giáo viên trực tiếp giảng dạy, chỉ đạo UBND các huyện điều chỉnh trong địa phương, số thiếu còn lại sẽ cho phép tuyển dụng; rà soát, triển khai sớm các phương án tiếp tục sắp xếp trường học theo chủ trương của tỉnh; thực hiện nghiêm chỉ thị 07/CT-UBND…

Đánh giá hiệu quả mô hình Ban chỉ đạo ATGT tỉnh tách khỏi Sở Giao thông vận tải (trực thuộc UBND tỉnh) như hiện nay, Giám đốc Sở Nội Vụ nhận định do có bộ phận chuyên trách nên thuận lợi trong tham mưu, chỉ đạo, điều hành công tác bảo đảm ATGT; việc phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác tuyên truyền, khắc phục sửa chữa kết cấu hạ tầng, điểm đen tai nạn giao thông tốt hơn… Do đó, từ đầu năm 2010 đến nay, trật tự an toàn giao thông được kiềm chế và giảm thiểu.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Trung Dũng bổ sung trả lời phần chất vấn của Sở Nội vụ
 

Xung quanh vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt và đại biểu Trần Nhật Tân băn khoăn đến việc giao chỉ tiêu biên chế cho năm 2017-2018, nhất là chỉ tiêu giáo viên ngoại ngữ ở cấp tiểu học còn nhiều bất cập, đề nghị Giám đốc cho biết cơ sở nào ngành tham mưu tỉnh định mức giao chỉ tiêu biên chế ở các cấp học, nhất là giáo viên ngoại ngữ và giải pháp trong thời gian tới. Đại biểu Đoàn Đình Anh cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp sắp tới như thế nào để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy và học như hiện nay.

Sau phần trả lời của ông Nguyễn Phi Quang, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt và đại biểu Trần Nhật Tân tiếp tục truy giải pháp để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Theo các đại biểu, nếu không cấp kinh phí và bố trí biên chế cho ngành giáo dục thì việc dạy và học sẽ gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến chất lượng giáo dục tỉnh nhà.

Bổ sung câu trả lời của Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: Hiện nay, đối với việc dạy ngoại ngữ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có sự điều chỉnh đối với đề án Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 hay còn gọi là đề án 2020. Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu các giải pháp để tăng cường việc dạy và học ngoại ngữ. Đối với đội ngũ giáo viên văn hóa thừa do thực hiện việc sáp nhập các trường học trên địa bàn, ngành đã tham mưu để giải quyết nhưng các địa phương chưa thực hiện đúng trách nhiệm. Đối với việc điều chuyển giáo viên từ huyện này sang huyện khác, Giám đốc Sở GD &ĐT đề nghị không thực hiện do nhiều nguyên nhân.

Chưa thực sự hài lòng với bổ sung của Giám đốc Sở GD & ĐT, đại biểu Lê Ngọc Huấn cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Hương Khê nếu không cho hợp đồng giáo viên tiếng anh thì số lượng học sinh không được học tiếng anh rất lớn. Do đó, đề nghị có giải pháp để thực hiện.

Đại biểu Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê

 

Kết thúc phần chất vấn của Giám đốc sở Nội vụ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn đề nghị Sở Nội vụ cần tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu và phải có giải pháp xử lý tình trạng thừa, thiếu giáo viên như hiện nay.

Ngày mai (13/12), kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề, lĩnh vực: y tế, bảo hiểm y tế; công tác tiếp công dân và giải quyết các vụ việc tồn đọng và tiến hành phiên bế mạc kỳ họp.


    Ý kiến bạn đọc