Theo dõi sát tình hình, phát hiện và trừng trị nghiêm minh các đối tượng lợi dụng, kích động người dân khiếu kiện trái pháp luật, gây rối trật tự, làm ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền
EmailPrintAa
11:20 11/12/2017

(Trích thẩm tra của ban Pháp chế tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII)

“…VỀ TÌNH HÌNH AN NINH CHÍNH TRỊ, TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÀ HOẠT ĐỘNG  CỦA CÁC CƠ QUAN TƯ PHÁP

Năm 2017, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tiếp tục được giữ vững ổn định trong bối cảnh có những diễn biến mới, phức tạp cả về an ninh, thiên tai và dịch bệnh. Đã xẩy ra một số vụ việc nghiêm trọng, xuất hiện một số loại tội phạm mới; nhất là một số phần tử thù địch, phản động, hoạt động tuyên truyền, lôi kéo, lợi dụng người dân để chống lại chính quyền, chống phá nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trước tình hình đó, Cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng vũ trang và các cơ quan tư pháp cùng với đông đảo các tầng lớp nhân dân đã tập trung triển khai nhiều biện pháp để giữ vững ổn định, khắc phục khó khăn, khôi phục hoạt động, sản xuất để tiếp tục phát triển, đấy là những thành công rất đáng được ghi nhận.

Công tác quốc phòng, quân sự địa phương, đảm bảo an ninh trật tự và đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật

Các lực lượng vũ trang đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; hoàn thành chỉ tiêu giao quân; tổ chức tốt các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ, phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn. Hoạt động đấu tranh phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật được tăng cường; phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm một số vụ việc phức tạp, một số phần tử hoạt động chống phá, phản động. Tuy vậy, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong năm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp: 

Số vụ phạm pháp hình sự được phát hiện, khởi tố tăng so với cùng kỳ năm 2016; lợi dụng hậu quả sự cố môi trường biển, nhiều đối tượng đã kích động một bộ phận nhân dân tụ tập đông người, tuần hành, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, làm phát sinh điểm nóng tại một số địa bàn; xuất hiện tội phạm tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Các loại tội phạm như bắt giữ người trái pháp luật, cướp tài sản, xâm phạm tình dục trẻ em, cố ý gây thương tích, cướp giật tài sản tăng, trong đó tội trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ cao; tệ nạn đánh bạc tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động tinh vi, có tổ chức, liên huyện, liên tỉnh với quy mô lớn (phát hiện 580 vụ, 2.538 đối tượng đánh bạc (tăng 151 vụ so với cùng kỳ); tỷ lệ người chưa thành niên phạm tội tuy có giảm về số lượng nhưng tính chất, mức độ nguy hiểm hơn.

Công tác nắm tình hình, phối hợp lực lượng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là ở chính quyền cơ sở còn nhiều hạn chế. Một số tồn tại trong công tác điều tra, giải quyết án, xử lý tin báo, tố giác tội phạm chậm khắc phục.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm,chống lãng phí, trật tự an toàn giao thông, quản lý tài nguyên, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp, phòng chống cháy nổ, kinh doanh có điều kiện, xây dựng, thông tin tuyền thông... tuy có chuyển biến nhưng vi phạm vẫn còn xảy ra nhiều tại hầu hết các địa phương, việc phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình.

Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Nguyễn Trọng Nhiệu trình bày báo cáo thẩm tra tại kỳ họp thứ 5

 

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Việc tiếp nhận, phân loại, xử lý tin báo, tố giác tội phạm tiếp tục được đổi mới, trong năm đã kiểm sát, xử lý 668/690 tin báo; kiểm sát trực tiếp việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm tại hầu hết các cơ quan điều tra cùng cấp. Thông qua hoạt động kiểm sát, đã kịp thời ban hành 375 kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu các cơ quan Tư pháp khắc phục các vi phạm.

Hoạt động kiểm sát án hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, kiểm sát thi hành án dân sự và kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được tăng cường. Năng lực và trách nhiệm của đội ngũ Kiểm sát viên tiếp tục được nâng lên.

Tuy vậy, chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp trên một số lĩnh vực còn hạn chế: Số lượng bị cáo phạm tội bị Tòa án tuyên phạt khác với tội danh Viện Kiểm sát nhân dân truy tố chiếm tỷ lệ còn cao (12 trường hợp). Một số trường hợp chưa kịp thời phát hiện vi phạm, thiếu sót của các cơ quan tư pháp để kháng nghị, kiến nghị khắc phục; số lượng kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân chiếm tỷ lệ không cao so với số bản án, quyết định bị Tòa án hủy, cải sửa; nhiều vụ án phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Chất lượng tranh tụng được nâng lên nhưng so với yêu cầu cải cách tư pháp cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là ở cấp huyện.

Công tác xét xử và thi hành án hình sự

Năm 2017, Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết 2.441/2.512 vụ việc, đạt tỷ lệ 98,5%, cao hơn bình quân cả nước. Chất lượng xét xử tiếp tục được nâng lên, cơ bản đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh thương mại được tập trung giải quyết và đạt tỷ lệ cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Đã tổ chức được nhiều phiên tòa xét xử lưu động, phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, người tham gia tố tụng khác và góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Công tác thi hành án hình sự cơ bản thực hiện đúng quy định pháp luật.

Tuy vậy,  mặc dù tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, cải sửa do nguyên nhân chủ quan có thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao và thấp hơn mức bình quân chung của cả nước nhưng số vụ án bị hủy hoặc cải sữa lớn vẫn còn ở mức cao. Một số vụ hình sự áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ chưa chính xác, có trường hợp bỏ sót tình tiết định khung theo hướng tăng nặng; áp dụng chế định án treo một số trường hợp chưa đúng; có vụ Tòa án tuyên mức án chưa tương xứng với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội, một số vụ án chậm xử lý, hoãn xét xử nhiều lần, khiến đương sự phải đợi chờ nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận.

Công tác Thi hành án dân sự

Trong năm, đã thi hành xong 3.636/3.975 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 91,4%; đã thi hành được 72,1 tỷ đồng/98 tỷ đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 73,5%; đạt và vượt 4 chỉ tiêu do Tổng cục Thi hành án dân sự giao. Công tác chỉ đạo thi hành án dân sự được tăng cường.

Tuy vậy, một số vụ việc phức tạp, giá trị thi hành lớn nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để thi hành; một số vụ việc kéo dài nhiều năm nhưng chưa có giải pháp cụ thể để xử lý dứt điểm, dẫn đến việc coi thường pháp luật của đối tượng phải thi hành. Tình trạng chậm ra quyết định thi hành án; nội dung quyết định thi hành án không đúng với quyết định của bản án; chậm tổ chức thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án không chính xác dẫn đến phân loại sai…tồn tại từ nhiều năm vẫn chưa được khắc phục triệt để.

MỘT SỐ LĨNH VỰC VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CẦN PHẢI ĐƯỢC QUAN TÂM HƠN

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Năm 2017, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn có những diễn biến phức tạp; sau sự cố môi trường biển, khiếu nại, tố cáo phát sinh tăng cao so với năm 2016, số lượt tiếp công dân tăng 156%, số đơn tiếp nhận xử lý tăng 216,7%. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung giải quyết, nhất là rà soát, xử lý các vụ việc tồn đọng.

Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng né tránh trách nhiệm trong tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở còn yếu, kém hiệu quả. Nhiều trường hợp công dân cố tình dây dưa, không chấp hành quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, có trường hợp lợi dụng để kích động, lôi kéo người khác khiếu kiện vượt cấp nhưng chưa có biện pháp xử lý nghiêm, gây khó khăn cho hoạt động của chính quyền. 

Công tác phòng, chống tham nhũng đã triển khai thực hiện các giải pháp theo quy định của pháp luật; công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được tăng cường. Tuy vậy, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng ở một số lĩnh vực chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao; công tác phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng còn hạn chế, chưa huy động được đầy đủ sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc phòng, chống tham nhũng; các biện pháp phòng ngừa như: Công khai, minh bạch trong hoạt động của một số cơ quan, đơn vị; kê khai tài sản, thu nhập còn mang tính hình thức, chưa phát huy được hiệu quả.

Công tác cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức và quản lý biên chế

Công tác cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được quan tâm chỉ đạo quyết liệt; đến nay các Ban quản lý dự án đã được sắp xếp, thành lập lại, từ 23 ban trước đây, hiện còn 04 Ban quản lý dự án; thành lập Trung tâm Hành chính công cấp tỉnhvà 05 Trung tâm hành chính công cấp huyện, bước đầu hoạt động có hiệu quả. Thực hiện tinh giản biên chế đảm bảo đạt yêu cầu và quy định của Trung ương.

Tuy vậy, cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đạt được sự thay đổi thực chất về chất lượng và thái độ phục vụ đối với người dân và doanh nghiệp. Bộ máy cơ quan hành chính còn bộc lộ nhiều bất cập; tình trạng thừa số lượng cấp phó của một số sở, ngành vẫn chưa được khắc phục; một số đơn vị sự nghiệp còn nhiều đầu mối, trùng lặp, thiếu tập trung nguồn lực và hoạt động kém hiệu quả; một số đơn vị sự nghiệp sau phân cấp hoạt động còn lúng túng, bị động; việc thực hiện lộ trình xã hội hóa và chuyển sang tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm và thiếu sự tập trung chỉ đạo. Việc tinh giản biên chế mới thuần túy giảm được về số lượng, chưa đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Chế độ hội họp, phương pháp điều hành vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được đổi mới, chấn chỉnh. Công tác tuyển dụng, luân chuyển, điều động cán bộ viên chức chưa kịp thời dẫn đến tình trạng thừa, thiếu, mất cân đối cán bộ viên chức giữa các địa phương, các đơn vị, nhất là tại các trường mần non, tiểu học, trung học cơ sở.

Công tác thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn

Qua 05 năm thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính, tình hình xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp; việc xử lý vi phạm hành chính cơ bản đúng pháp luật; nhận thức của người dân được nâng lên một bước, góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều vụ việc vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, góp phần ổn định trật tự xã hội và đảm bảo kỷ cương pháp luật.

Tuy vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa được quan tâm đúng mức, một bộ phận người dân chưa nắm bắt được các quy định về vi phạm hành chính để tuân thủ; sự phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra giữa các địa phương, cơ quan chưa kịp thời, thiếu đồng bộ; một số sở, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã và những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trên một số lĩnh vực chưa thực hiện đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của mình, còn có biểu hiện ngại va chạm, ngại ban hành quyết định xử phạt; việc phân công, phân quyền, giao trách nhiệm cụ thể trong xử lý vi phạm hành chính chưa được quy định rõ, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, đơn vị, nhất là đối với chính quyền cấp cơ sở.

 Việc kiện toàn, bố trí cán bộ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Các điều kiện đảm bảo cho hoạt động xử lý vi phạm hành chính như cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng, công cụ hỗ trợ còn hạn chế.

  MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1. Tăng cường chỉ đạo chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng theo dõi sát tình hình, phát hiện và trừng trị nghiêm minh các đối tượng lợi dụng, kích động người dân khiếu kiện trái pháp luật, gây rối trật tự, làm ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền, nhất là những phần tử có biểu hiện phản động, gây chia rẽ trong nhân dân, chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; tăng cường các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm; chú trọng các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành pháp luật; tạo ổn định về chính trị và đảm bảo trật tự, an toàn cho cuộc sống của nhân dân.

Quan tâm công tác tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng thẩm quyền của các cấp, các ngành; tiếp tục chỉ đạo giải quyết dứt điểm, khẩn trương các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; tăng cường thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính; chấn chỉnh kịp thời các hạn chế, tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nhân rộng và phát huy hiệu quả của các Trung tâm hành chính công; kịp thời sắp xếp, kiện toàn tổ chức, chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ viên chức của các đơn vị sự nghiệp theo cơ chế tự chủ kết hợp xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công; thực hiện tinh giản biên chế hợp lý, đúng thực chất và đảm bảo nhân lực để thực thi nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức; khẩn trương giải quyết tình trạng thừa, thiếu, mất cân đối, khó luân chuyển, điều động viên chức trong một số lĩnh vực sự nghiệp.

2. Đề nghị các cơ quan tư pháp tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; nghiêm túc rút kinh nghiệm để khắc phục những sai phạm, hạn chế, tồn tại về nghiệp vụ; nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị và phẩm chất nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tăng cường sự phối kết hợp giữa các lực lượng, gắn với chính quyền địa phương để xử lý tốt các tình huống, vụ việc phức tạp; chú trọng cải cách Tư pháp và cải cách hành chính tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền Tư pháp văn minh, hiện đại.


    Ý kiến bạn đọc