Thị xã Kỳ Anh: Cần triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng bền vững
EmailPrintAa
22:29 28/10/2019

Chiều 28/10, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh có cuộc làm việc với UBND thị xã Kỳ Anh và Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh về Công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2019.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền và Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu chủ trì cuộc làm việc

Thị xã Kỳ Anh hiện có 11.068ha rừng và đất lâm nghiệp (rừng phòng hộ 6.041ha, rừng sản xuất 5.026ha), độ che phủ rừng 26,7%. Trong đó, UBND xã quản lý 2.777ha;  Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh quản lý 5.401 ha; hộ gia đình, cộng đồng dân cư quản lý 2.890ha.

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn thị xã được quan tâm, thực hiện nghiêm túc, các loài thực vật rừng, động vật rừng được bảo vệ; không để xảy ra các điểm nóng về khai thác, vận chuyển, tàng trữ, chế biến kinh doanh lâm sản, lấn chiếm rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái phép. Rừng đã được bảo vệ và phát triển ổn định.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh báo cáo công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn thị xã Kỳ Anh

Giai đoạn 2016-2019, thị xã đã thực hiện khai thác rừng trồng với diện tích 908,5ha gỗ nguyên liệu. Các hộ gia đình được giao đất, giao rừng, khoán rừng đều chủ động phát triển kinh tế nghề rừng, kết hợp với sản xuất nông, ngư nghiệp đảm bảo đúng quy định, bền vững trên diện tích được giao. Trong giai đoạn này, trên địa bàn thị xã đã thực hiện triển khai 20 dự án đất lâm nghiệp với diện tích 80,77ha/393 hộ trên địa bàn 7 xã, phường. Toàn bộ diện tích thực hiện dự án này đều nằm trong diện tích đất lâm nghiệp không có rừng nên việc thực hiện các thủ tục về chuyển đổi mục đích đất theo quy định của Luật đất đai.

Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Lâm báo cáo tại cuộc làm việc

Theo báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý đến thời điểm hiện tại theo Quyết định số 2735/QĐ-UBND là 20.316,5ha (gồm 13.535,9ha rừng tự nhiên; 5.033,4ha rừng trồng; 1.747,3ha đất trống).

Từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã trồng được 494,8ha rừng phòng hộ; 674,0 ha rừng sản xuất. Độ che phủ đạt trên 91%. Đơn vị cũng đã tổ chức tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng tại gốc 4.777 lượt; phối hợp với các lực lượng tuần tra, kiểm tra 605 lượt, qua đó phát hiện, ngăn chặn, xử lý 71 vụ vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng và Luật Lâm nghiệp. Công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) cũng được quan tâm đúng mức, tập trung chỉ đạo xây dựng phương án và triển khai thực hiện nghiêm túc. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, xây dựng, tu sửa, các công trình, mua sắm bổ sung các phương tiện, dụng cụ, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác PCCCR; tổ chức, phối hợp lực lượng sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra, với phương châm 4 tại chổ.

Thành viên Đoàn giám sát Nguyễn Trọng Nhiệu đề nghị cần khảo sát, đánh giá đúng tiềm năng để đầu tư phát triển giá trị kinh tế rừng

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nguyệt đề nghị làm rõ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cắm mốc trên thực địa ranh giới giữa các chủ rừng

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề trong công tác giao đất, giao rừng; kết quả khai thác, sử dụng rừng phòng hộ, rừng sản xuất; việc thực hiện các dự án phát triển KTXH liên quan đến đất rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cắm mốc trên thực địa ranh giới giữa các chủ rừng; thực trạng tổ chức bộ máy hoạt động trong ngành lâm nghiệp…

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền kết luận cuộc làm việc

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của các Đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp và công tác phòng chống cháy rừng trong thời gian qua.

Đồng chí nhấn mạnh thời gian tới, các Đơn vị tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn; quan tâm phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng, PCCC rừng; tiếp tục rà soát lại hiện trạng đất lâm nghiệp đã giao cho cá nhân, tổ chức quản lý và việc chuyển đổi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng bền vững; quan tâm ngăn chặn buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép; tập trung làm tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại gốc; quan tâm liên kết trong sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm lâm nghiệp; soát xét, điều chỉnh các quy hoạch phát triển rừng tránh chồng chéo, đảm bảo phù hợp quy hoạch phát triển KTXH của thị xã; tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành và tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo liên quan đến đất lâm nghiệp.

Đối với các dự án đầu tư phát triển KTXH trên địa bàn cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ đúng quy trình theo quy định, đặc biệt là các dự án liên quan đến đất lâm nghiệp.

Lê Trang

    Ý kiến bạn đọc