Thông qua báo cáo giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh
EmailPrintAa
08:12 11/12/2014

Ngày 08/12/2014, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã tổ chức buổi làm việc để thông qua báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2006 – 2013”. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo BCĐ chương trình giảm nghèo tỉnh; các Ban của HĐND tỉnh; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, Văn phòng UBND tỉnh, thành viên Đoàn giám sát; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Ngân hàng. Các đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y, Phó Chủ tịch; Hoàng Thị Cẩm Tú Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Chương trình giảm nghèo là một chính sách an sinh xã hội quan trọng trong chiến lực kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước. Trong thời gian qua, ở tỉnh ta, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và được tính cụ thể hóa bằng các chương trình, Nghị quyết, Chỉ thị, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền các cấp và triển khai thực hiện một cách khá nghiêm túc, đồng bộ.


Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh, giám sát tại huyện Kỳ Anh

 

Tại các địa phương, đã tập trung chỉ đạo thực hiện chính sách một cách quyết liệt, chỉ tiêu giảm giảm nghèo qua từng giai đoạn và hằng năm đạt kết quả khá, đặc biệt là trong giai đoạn 2006 - 2013, hộ nghèo giảm từ 38,62% xuống còn 10,75%, bình quân mỗi năm giảm hơn 4%. Tính đến 6 tháng đầu năm 2014, số hộ nghèo toàn tỉnh là 8,9 %, cận nghèo là 12,45%. Trong quá trình thực hiện đã hỗ trợ sản xuất cho 81.114 gia đình, đào tạo nghề cho 7.757 lao động, hỗ trợ vay vốn đi xuất khẩu lao động với số tiền 34,26 tỷ đồng; 2.613.428 lượt người nghèo được cấp thẻ BHYT; trên 809 nghìn lượt học sinh được miễn giảm học phí và hỗ trợ dụng cụ học tập; 19.723 hộ được hỗ trợ xây nhà ở; 144.393 hộ được hỗ trợ tiền điện; với 13 chương trình tín dụng Ngân hàng CSXH tỉnh đã tạo điều kiện cho hơn 381.587 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn, đầu tư xây dựng 611 công trình với tổng số vốn 822,674 tỷ đồng thuộc Chương trình 135, 106 và Nghị quyết 30a.  Trong giai đoạn 2006-2013 đã huy động được toàn bộ 29.920,1 tỷ, trong đó ngân sách TW 6.480,1 tỷ, địa phương 3.061,1 tỷ, các nguồn khác 20.360,5 tỷ đồng. Thực hiện lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả…


Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - TUV, Phó chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc

 

Tại buổi làm việc, các ý kiến của các đại biểu hầu hết tập trung góp ý kết cấu bố cục của báo cáo, đồng thời đã bổ sung, nhấn mạnh các  tồn tại, đề xuất của đoàn giám sát. Qua đó, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo vẫn còn một số tồn tại như chất lượng và hiệu quả thực sự bền vững chưa cao; tái nghèo còn nhiều; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục; công tác điều tra, bình xét hộ nghèo chưa chặt chẽ; một số địa phương chưa quan tâm công tác dạy nghề cho người nghèo, cận nghèo, việc dạy nghề chưa sát nhu cầu; cấp thẻ BHYT còn xảy ra sai, sót; chính sách miễn giảm học phí còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc; sinh viên ra trường không tìm được việc làm ảnh hưởng đến công tác trả vốn cho ngân hàng; số hộ ngèo có nhu cầu về nhà ở khá cao, trong khi khó có khả năng huy động nguồn lực; mô hình kinh tế iảm nghèo còn manh mún, nhỏ lẻ; công tác trợ giúp pháp lý hỗ trợ thông tin chưa đáp ứng nhu cầu; một số chính sách đã ban hành không mang lại hiệu quả cao; việc khó bố trí nguồn vốn gây khó khăn trong công tác triển khai; công tác lồng ghép một số nơi chưa mang lại hiệu quả còn để xảy ra tình trạng “dự án chồng dự án”; công tác giám sát cộng đồng còn hạn chế. Các đề xuất tập trung vào các nội dung như đề nghị rà soát lại chương trình thời gian qua; bổ sung điều chỉnh các xã nghèo khó khăn; ban hành các chính sách theo hướng giảm dần hỗ trợ trực tiếp, tăng mức hỗ trợ, sửa đổi tiêu chí vay vốn; điều chỉnh nguồn lực hỗ trợ giải quyết việc làm. Đồng thời đề nghị tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát; ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác giảm nghèo đa chiều; thực hiện lồng ghép chương trình có hiệu quả; tăng cường vai trò năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, chú trọng tuyên truyền; rà soát và tổng hợp chính xác hộ nghèo, cận nghèo; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý đầu tư, sử dụng nguồn vốn; phát huy tối đa quy chế dân chủ, công khai minh bạch các nguồn lực đầu tư.

Phát biểu kết thúc cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh trong thời gian qua, các kết quả đạt được của đoàn giám sát, ghi nhận các ý kiến của các đại biểu, đồng thời thống nhất kết cấu báo cáo, các đề xuất kiến nghị của các đại biểu và yêu cầu bộ phận thư ký Đoàn giám sát chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh báo cáo theo góp ý tại cuộc họp để ban hành kịp trình tại kỳ họp sắp tới.


    Ý kiến bạn đọc