Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ thứ 14
EmailPrintAa
21:30 30/09/2017

Chiều ngày 29/9, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp thứ 14 để nghe công tác chuẩn bị các Đề án dự kiến trình tại kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân tỉnh; dự kiến các nghị quyết chuyên đề trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua trong năm 2018 và kết quả thực hiện các kiến nghị tại Báo cáo giám sát chuyên đề số 115/BC-HĐND ngày 06/12/2016. Các đồng chí: Lê Đình Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Nữ Y - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Hồng Hải - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.

Cùng dự có đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo: Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các Ban, Văn phòng HĐND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan. 

Tại phiên họp, các đại biểu tham dự được nghe đại diện lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo các nội dung đăng ký tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2017. Theo đó, UBND tỉnh sẽ trình 9 báo cáo; 14 nghị quyết (trong đó, có 11 nghị quyết trình kỳ họp cuối năm theo Nghị quyết 43, 3 nghị quyết chuyển từ kỳ họp giữa năm sang kỳ họp cuối năm).  Ngoài ra, căn cứ vào Luật đầu tư công và theo yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đề ra, UBND tỉnh đăng ký bổ sung thêm Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 tỉnh Hà Tĩnh và 08 nghị quyết trình HĐND tỉnh tại kỳ họp cuối năm.

Đồng chí Đặng Quốc Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh báo cáo 

Đối với báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị tại Báo cáo giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND tỉnh, UBND tỉnh cho biết: đến nay hệ thống trường mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh khá hoàn chỉnh, cơ bản các địa phương đã thực hiện đúng phương án và lộ trình đề ra. Tính đến đầu năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 262 trường mầm non công lập (giảm 15 trường và thành lập thêm 01 trường so với trước khi thực hiện Đề án), 09 trường mầm non tư thục (tăng 07 trường), Tiểu học có 259 trường (giảm 43 trường), Tiểu học và THCS có 08 trường (tăng 06  trường), THCS có 143 trường (giảm 42 trường), THPT có 39 trường (giảm 02 trường); trung học phổ thông nhiều cấp học có 01 trường (thành lập mới trong trường Đại học). Việc bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các trường thực hiện sáp nhập cơ bản ổn định, đảm bảo số lượng, cơ cấu. Chất lượng giáo dục tại nhiều trường thực hiện sáp nhập có chuyển biến tích cực.

Đồng chí Đoàn Đình Anh, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh phát biểu

Về tình trạng thừa, thiếu giáo viên, tuy UBND tỉnh và các sở ngành đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về sắp xếp, điều động, bố trí cân đối giáo viên hiện có giữa các trường trên địa bàn… để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết một cách triệt để. Tính đến ngày 01/01/2017, Giáo dục mầm non hiện có 4614 giáo viên (thiếu 195 so với kế hoạch là 4809); Giáo dục tiểu học hiện có 5274 giáo viên (thiếu 81 so với kế hoạch là 5355); Giáo dục THCS hiện có 4961 giáo viên (thừa 390 so với kế hoạch là 4571); Giáo dục THPT hiện có 2743 giáo viên (thừa 117 so với kế hoạch là 2626). Để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, UBND tỉnh đã định hướng trong  thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện việc điều chuyển, sắp xếp số giáo viên hiện có, từng bước cân đối giữa các trường trên địa bàn quản lý; bổ nhiệm số cán bộ quản lý còn thiếu; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39/NQ-HĐND; bố trí đi đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn bị việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông thông mới và tuyển đủ giáo viên so với chỉ tiêu đã giao năm 2017; riêng giáo dục tiểu học, chỉ tuyển giáo viên văn hóa với tỷ lệ 1,17 giáo viên/lớp.

Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu


Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi, thảo luận và đề nghị: bổ sung báo cáo của UBND tỉnh về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí theo đúng quy định. Về Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, cần nghiên cứu, xem xét kỹ, nên tách ra thành các nhóm nội dung đảm bảo phù hợp, trình HĐND tỉnh tại kỳ họp sau.

Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu

 

Đối với báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị tại Báo cáo giám sát chuyên đề liên quan đến các nội dung rà soát, sắp xếp hệ thống trường lớp và khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên đề nghị: cần xem xét lại việc sáp nhập trường cấp THCS tại một số địa phương; quan tâm xử lý giáo viên văn hóa ở cấp Tiểu học; việc sáp nhập trường cần có lộ trình thực hiện cụ thể, quan tâm đến cơ sở vật chất để đảm bảo yêu cầu dạy và học; tăng cường kiểm soát tình trạng việc dạy, học thêm...

Đồng chí Lê Đình Sơn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu

 

Kết luận phiên họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn khẳng định sự cần thiết của phiên họp, đây là nội dung chuẩn bị phiên họp liên tịch và tiền đề quan trọng cho kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh. Đồng chí đề nghị: UBND, các sở, ngành căn cứ vào các văn bản Trung ương để kịp thời điều chỉnh các Đề án; chủ động rà soát, thống nhất để ban hành các nghị quyết theo đúng quy định, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mang tính khả thi cao. Đối với các nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2017-2020 và nghị quyết về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là rất cần thiết, cần quyết tâm thực hiện, đưa vào thông qua tại kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh.

Về kết quả thực hiện các kiến nghị tại Báo cáo giám sát chuyên đề số 115/BC-HĐND ngày 06/12/2016 trên lĩnh vực giáo dục đề nghị: rà soát lại quy chế vận hành, bộ máy tổ chức, số lượng giáo viên hiện nay và những khó khăn vướng mắc của ngành gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6. Đối với những tồn tại, hạn chế đã có thông báo kết luận, UBND tỉnh cần có báo cáo giải trình tại kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh.


    Ý kiến bạn đọc