Tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập xã, thôn, tổ dân phố theo đúng quy định
EmailPrintAa
14:31 11/12/2018

Tại kỳ họp thứ 8, Phó ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Nguyễn Huy Hùng đã thay mặt Ban báo cáo kết quả thẩm tra trên lĩnh vực pháp chế.

Năm 2018, tỉnh ta triển khai nhiệm vụ, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong bối cảnh thuận lợi hơn, với đà đạt được từ kết quả của năm 2017. Uỷ ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành, các cơ quan tư pháp đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp nhằm thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh, đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực: Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng cao; quốc phòng, an ninh ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tiếp tục chuyển biến tích cực; công tác thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí được tăng cường; đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm nhiều so với cùng kỳ...

Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng báo cáo kết quả thẩm tra trên lĩnh vực pháp chế

Bên cạnh đó, qua thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị cần quan tâm thêm về một số vấn đề sau:

Về c ông tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và đấu tranh phòng , chống tham nhũng . Năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định; số lượt tiếp công dân và số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm nhiều so với cùng kỳ. Công tác tiếp công dân được quan tâm, bảo đảm đúng theo quy định của luật, nhất là việc tiếp, đối thoại các vụ việc đông người, phức tạp. Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải quyết các vụ việc tồn đọng; một số vụ việc kéo dài, có tính chất phức tạp về đất đai đã và đang được các cấp, các ngành tập trung xử lý; đã giải quyết dứt điểm 32/46 vụ việc tồn đọng theo kiến nghị của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo đã giải quyết thuộc thẩm quyền cơ quan hành chính đạt tỷ lệ khá cao (271/320 vụ, tỷ lệ 84,69%).

Công tác phòng, chống tham nhũng đã có sự chuyển biến tích cực trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước. Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo việc công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý và phòng ngừa tham nhũng.

Tuy vậy, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chưa thể hiện rõ được trách nhiệm của người đứng đầu. Việc chỉ đạo kiểm tra, xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với một số vụ việc tồn đọng chưa thực sự quyết liệt, có vụ việc dù đã ban hành kết luận giải quyết, đối tượng cố tình không thực hiện nhưng mệnh lệnh trong quản lý hành chính chưa được thực hiện nghiêm túc. Thông qua hoạt động thanh tra kinh tế - xã hội đã phát hiện một số sai phạm nhưng chủ yếu xử lý hành chính, số vụ việc chuyển để xem xét, xử lý hình sự còn hạn chế, nhất là những vi phạm xẩy ra trong công tác quản lý tài chính, đất đai, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Về công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị . Thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm cụ thể hóa nghị quyết; kịp thời sáp nhập, sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống trị địa phương, các đơn vị sự nghiệp công lập theo kế hoạch gắn với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành chức năng, nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật; khắc phục được tình trạng cồng kềnh, manh mún, chồng chéo và trùng lắp. Mạnh dạn thí điểm các mô hình hoạt động, thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhìn chung, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã và đang đạt được những kết quả tích cực.

Tuy vậy, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy còn một số hạn chế: Ở một số địa phương, đơn vị chưa đánh giá đúng thực trạng, tình hình tổ chức bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Lộ trình thực hiện việc sáp nhập, sắp xếp, kiện toàn các tổ chức lĩnh vực hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập theo Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 4/6/2018 của UBND tỉnh ở một số sở, ngành, UBND cấp huyện còn chậm. Một số cơ quan, đơn vị đi vào hoạt động theo mô hình mới còn lúng túng; Đề án vị trí việc làm chậm được xây dựng, thẩm định, phê duyệt. Một số đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện nhưng chưa kịp thời chuyển sang cơ chế tự chủ toàn diện theo lộ trình.

Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật đã được các cấp, các ngành quan tâm, ngày càng đi vào nề nếp; các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước được ban hành kịp thời, đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành, góp phần củng cố, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý nhà nước trên địa bàn.

Tuy vậy, công tác kiểm tra, rà soát văn bản theo lĩnh vực và địa bàn ở một số địa phương còn hạn chế, chưa gắn kết với công tác xây dựng, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính. Một số sở, ngành, địa phương còn lúng túng về cách thức triển khai, kỹ năng nghiệp vụ một số cán bộ chuyên môn còn hạn chế, dẫn đến việc không phát hiện được các quy định không phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo với các căn cứ để rà soát. Qua công tác kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản của tỉnh và của Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật-Bộ Tư pháp, đã phát hiện một số văn bản quy phạm pháp luật còn sai sót về nội dung, thẩm quyền, thể thức...

Thực hiện các kiến nghị của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh đã kiến nghị 39 nội dung liên quan đến biên chế, tổ chức bộ máy; công tác quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên môi trường; quản lý, bảo vệ rừng; đảm bảo an toàn hồ đập chứa nước; giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng… cơ bản đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo xử lý; đến nay, 10 nội dung đã được giải quyết dứt điểm, 29 nội dung đang được triển khai, thực hiện. Tuy vậy, qua giám sát, cho thấy một số nội dung chưa thực sự được quan tâm chỉ đạo, xử lý kịp thời như: Việc quy định giá dịch vụ trông giữ phương tiện thủy do vi phạm hành chính; xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi địa phương; xây dựng chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; cơ chế tuyển dụng viên chức ở một số đơn vị thực sự khó khăn trong hoạt động; xử lý sai phạm của một số tổ chức, doanh nghiệp trong giao đất và cho thuê đất...

Trên cơ sở nhận định, đánh giá một số nội dung trọng tâm, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan tư pháp thực hiện tốt một số nội dung sau:

Chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, có các giải pháp tích cực để kiềm chế, làm giảm tội phạm, vi phạm pháp luật, tập trung đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các loại tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, tệ nạn lô đề, cờ bạc; xác định, theo dõi sát tình hình, diễn biến những vấn đề còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Chỉ đạo các ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tích cực phối hợp với cơ quan tư pháp khi có yêu cầu, nhất là trong việc giải quyết các vụ án hành chính, dân sự. Quan tâm hỗ trợ kịp thời các cơ quan tố tụng về kinh phí trong hoạt động xét xử các vụ án trọng điểm, phức tạp; hỗ trợ hoạt động của Hội thẩm nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự hai cấp.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực thi pháp luật về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; dành thời gian thỏa đáng đối thoại với người dân, doanh nghiệp để giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng trên địa bàn. Đôn đốc thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra.

Tăng cường vai trò của sở, ngành chức năng trong việc rà soát, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo các văn bản ban hành đúng thẩm quyền, nội dung, thể thức theo quy định pháp luật hiện hành.

Tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập xã, thôn, tổ dân phố theo đúng quy định. Tập trung nâng cao chất lượng xây dựng đề án; rà soát, đánh giá đúng thực trạng tổ chức bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng vị trí việc làm đi đôi với việc ban hành chính sách phù hợp để đảm bảo các chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tiếp tục tăng cường các hoạt động phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; quan tâm công tác bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên, Hội thẩm nhân dân. Tập trung chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm về chuyên môn kéo dài qua nhiều năm; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác điều tra, khắc phục cơ bản việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Tăng cường chất lượng, kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa.

Đề nghị ngành Tòa án quan tâm hơn đến tính khả thi của bản án, quyết định; khắc phục triệt để những hạn chế trong giải quyết án hành chính nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ việc xét xử đối với Tòa án cấp dưới.

Cơ quan Thi hành án dân sự cần có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng cố tình trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc