Kính thưa Chủ tọa kỳ họp;
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, quý vị đại biểu;
Kính thưa cử tri và Nhân dân tỉnh nhà!
Sau các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh khóa 18 (liên quan đến 06 nhóm lĩnh vực, với 51 ý kiến, kiến nghị). Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân loại thành 77 nội dung và ban hành Văn bản số 7328 ngày 02/12/2024 giao các cơ quan chủ trì, phối hợp nghiên cứu, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, trả lời bằng văn bản cho cử tri có ý kiến, kiến nghị theo đúng quy định. Theo báo cáo của các sở, ban, ngành, địa phương, đến nay 77/77 nội dung ý kiến, kiến nghị đã có Văn bản trả lời đến tận cử tri. Được sự nhất trí của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh lựa chọn một số ý kiến, kiến nghị quan trọng, bức thiết, liên quan đến lợi ích của đông đảo cử tri và có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để báo cáo trực tiếp tại kỳ họp. Cụ thể như sau:
![]() |
Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh báo cáo
|
Về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đô thị:
Nội dung số 1. Đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hà Tĩnh về việc đề nghị tỉnh tiếp tục cho thành phố kéo dài chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 36/2021/NQ-HĐND ngày 06/11/2021 của HĐND tỉnh quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo nguồn lực xây dựng thành phố Hà Tĩnh
Về kiến nghị này xin báo cáo như sau: Nghị quyết số 36/2021/NQ-HĐND ngày 06/11/2021 của HĐND tỉnh với nhiều chính sách đột phá đã tạo nguồn lực cho thành phố Hà Tĩnh đầu tư, phát triển góp phần thực hiện Đề án xây dựng và phát triển thành phố Hà Tĩnh theo Quyết định số 931/QĐ-UBND ngày 05/5/2022 của UBND tỉnh, đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2026; hiện nay, UBND tỉnh đã có Thông báo số 268/TB-UBND ngày 20/6/2024 đồng ý chủ trương cho phép thành phố Hà Tĩnh rà soát, đánh giá việc thực hiện các đề án, chính sách (Nghị quyết 36; Quyết định số 931 nêu trên) để nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030, phù hợp với yêu cầu phát triển thành phố trong tình hình mới, gắn với việc thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2025.
Thời gian tới, sau khi có Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ giao các sở, ngành, UBND thành phố rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển đô thị thành phố Hà Tĩnh trong giai đoạn 2026-2030.
Nội dung số 2. Đối với kiến nghị: “Theo quy định hiện nay, Hội đồng nhân dân huyện không được ban hành chính sách nên việc hỗ trợ phát triển sản xuất gặp nhiều khó khăn. Đề nghị tỉnh ban hành quy định mức hỗ trợ cây, con giống để các địa phương căn cứ chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ” của cử tri huyện Hương Khê.
Thời gian qua, Tỉnh đã và đang đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Nghị quyết số 123/2018 ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2021 và hiện nay là Nghị quyết số 51/2021 ngày 16/12/2021 về quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025.
Theo quy định hiện nay, Hội đồng nhân dân huyện không được ban hành chính sách, do đó các địa phương không có các chính sách riêng, đặc thù của từng vùng. Để hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với đặc điểm lợi thế của từng địa phương, thời gian qua các địa phương đã triển khai các mô hình khuyến nông, việc hỗ trợ áp dụng theo nguyên tắc, mức hỗ trợ tại Nghị định số 83/2018 ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông và các định mức kinh tế kỹ thuật được ban hành tại các Quyết định số 726 ngày 24/02/2022, số 663 ngày 03/02/2021, số 724 ngày 09/3/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính tham mưu xây dựng Nghị quyết quy định nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ đất trồng lúa tại Nghị định số 112/2024 ngày 11/9/2024 của Chính phủ, trong đó có quy định về định mức hỗ trợ các loại giống lúa, hỗ trợ mua bản quyền giống lúa, xây dựng mô hình trình diễn; triển khai Nghị định số 106/2024 ngày 01/8/2024 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi,… Việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn phải dựa trên cơ sở cân đối nguồn lực của tỉnh theo từng giai đoạn, trên cơ sở định hướng phát triển của Ngành.
|
Đại biểu tham dự
|
Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính cùng các Sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn thời gian qua theo Nghị quyết số 51/2021; đồng thời, nghiên cứu các cơ chế, chính sách, quy định của Trung ương, trên cơ sở cân đối nguồn lực của tỉnh để đề xuất xây dựng chính sách giai đoạn 2026-2030 bám sát định hướng phát triển của Ngành, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu quả chính sách.
VỀ LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Nội dung số 3. Đề nghị tỉnh sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai để các địa phương áp dụng.
Ngay sau khi Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 117 ngày 01/4/2024 triển khai thi hành Luật Đất đai 2024, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động ban hành kế hoạch để tổ chức thực hiện, trong đó có nội dung tập trung làm tốt công tác rà soát, tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh, UBND tỉnh mà Luật và các Nghị định giao quy định chi tiết.
Đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 01 Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành 03 quyết định quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành các nội dung của Luật Đất đai năm 2024, cơ bản hoàn thành các nội dung Luật Đất đai và các Nghị định giao quy định chi tiết thuộc thẩm quyền cấp tỉnh; được Chính phủ đánh giá là một trong các tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật .
Ngoài ra, hiện nay UBND tỉnh cũng đã ban hành các quyết định quy định danh mục và quy trình nội bộ Thủ tục hành chính đất đai thuộc thẩm quyền Văn phòng đăng ký đất đai, cấp tỉnh, cấp huyện để các địa phương có cơ sở thực hiện. Đối với các nội dung còn lại, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục tham mưu HĐND, UBND tỉnh để ban hành theo quy định.
VỀ LĨNH VỰC ĐẦU TƯ, GIAO THÔNG, XÂY DỰNG, CÔNG THƯƠNG VÀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN
Nội dung số 4, đối với kiến nghị của cử tri toàn tỉnh về việc quan tâm thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ; bố trí vốn đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng, nâng cấp, sửa chữa một số công trình, dự án quan trọng, cấp thiết trên địa bàn:
Đây là nội dung lớn, rất nhiều công trình, dự án được kiến nghị, liên quan đến khả năng cân đối ngân sách, trình tự, thủ tục quản lý tài chính, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản theo các quy định hiện hành.
Tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri; trên cơ sở cân đối ngân sách, đối với các nội dung thuộc thẩm quyền, UBND tỉnh sẽ xem xét, xử lý cụ thể theo đề xuất của các địa phương và rà soát, tham mưu của cơ quan chuyên môn; đối với các nội dung vượt thẩm quyền, UBND tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo, đề xuất HĐND tỉnh theo quy định. Đối với các dự án vượt khả năng cân đối của địa phương, UBND tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị, đề xuất hỗ trợ từ các nguồn ngân sách trung ương, nguồn ODA khi có điều kiện.
|
Toàn cảnh kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa XVIII
|
Đối với kiến nghị Xử lý tình trạng sạt lở hai bên bờ Kênh Nhà Lê đoạn đi qua thị xã Hồng Lĩnh; Bố trí nguồn kinh phí làm Kè sông La đoạn qua địa bàn huyện Đức Thọ; Đường giao thông xã Sơn Kim 1… Trong điều kiện kế hoạch đầu tư công ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền thông qua, số vốn trong kế hoạch đã giao hết hạn mức. Trước mắt, UBND các huyện thực hiện các giải pháp phi công trình và các giải pháp công trình tạm thời nhằm ổn định đời sống và sản xuất cho Nhân dân. Thời gian tới tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, hỗ trợ đầu tư khi đảm bảo điều kiện cân đối ngân sách.
Đối với tiến độ một số công trình trên địa bàn tỉnh (như Dự án đầu tư hệ thống cấp nước sạch tập trung tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà; đường trục chính thị xã Hồng Lĩnh;…). UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, các địa phương quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện; đồng thời, giao các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, xử lý theo quy định.
Nội dung số 5, đối với kiến nghị của cử tri về Chính sách hỗ trợ xây dựng đường giao thông khổ rộng từ 3- 3,5 m theo Nghị quyết số 44/2021 ngày 31/12/2021 của HĐND tỉnh là chưa phù hợp; trên thực tế đường bê tông các thôn mở rộng từ 4-5m. Đề nghị tỉnh tăng mức hỗ trợ xi măng làm đường bê tông nông thôn.
Chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông là chính sách nhà nước và nhân dân cùng làm, ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ để thực hiện để đảm bảo quy mô bề rộng mặt đường tối thiểu theo quy hoạch (trục thôn 3,5 m, ngõ xóm 3,0 m) đảm bảo theo tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới; ngoài việc hỗ trợ xi măng bằng nguồn ngân sách của tỉnh, còn có nguồn ngân sách của cấp huyện, xã. Trên thực tế hiện nay nhiều tuyến trục thôn, ngõ xóm có bề rộng lớn hơn quy mô tối thiểu như trên (nhưng đa số các tuyến này có chiều rộng không đồng bộ cả tuyến mà bề rộng lớn/nhỏ cục bộ theo từng đoạn tuyến). Do đó đối với các tuyến, đoạn tuyến người dân có nhu cầu gia cố mở rộng nền, mặt đường có thể thực hiện theo chính sách hỗ trợ từ ngân sách cấp huyện, xã hoặc người dân cùng tham gia đóng góp để đồng hành cùng Nhà nước trong việc làm đường bê tông nông thôn.
LĨNH VỰC VĂN HÓA, XÃ HỘI
Nội dung số 6, đối với ý kiến của cử tri về việc “Đề nghị tỉnh kiến nghị với Trung ương sớm bố trí ngân sách để chi trả chế độ cho các đối tượng người có công theo mức lương cơ sở mới” (Cử tri toàn tỉnh)
Việc thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp cho người có công với cách mạng theo mức hưởng mới tại Nghị định số 77/2024 ngày 01/7/2024 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024; theo đó, UBND tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, tổng hợp kịp thời nguồn kinh phí tăng thêm theo mức trợ cấp, phụ cấp mới. Tổng kinh phí tăng thêm theo mức mới của Nghị định số 77/2024 là 204 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kinh phí dự toán còn thiếu thực hiện theo Nghị định số 55/2023 ngày 21/7/2023 của Chính phủ là 82 tỷ đồng. Hiện nay, Trung ương chưa cấp kinh phí thực hiện theo Nghị định mới cho các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh chưa được cấp để thực hiện chi trả trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh tổng kinh phí là 286 tỷ đồng.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có Văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc đề nghị bổ sung kinh phí còn thiếu năm 2024. Đồng thời, hàng tháng đã ban hành Văn bản đề nghị UBND cấp huyện, đơn vị chi trả trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh thông tin giải thích nguyên nhân chậm trả chế độ theo quy định.
Thời gian tới, sau khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp nguồn kinh phí bổ sung theo quy định, UBND tỉnh sẽ giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện ngay việc chi trả trợ cấp, phụ cấp cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Nội dung số 7, đối với kiến nghị cử tri huyện Lộc Hà:
- Về việc xem xét bố trí kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đình Đỉnh Lự, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà:
Đình Đỉnh Lự, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà là di tích lịch sử cấp Quốc gia được xếp hạng năm 1988. Hiện nay, một số hạng mục công trình đã bị xuống cấp, ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa và bảo quản đồ thờ tự, tế khí tại di tích. Do đó, việc huy động nguồn vốn để trùng tu, tôn tạo di tích đình Đỉnh Lự là cần thiết.
Năm 2018 UBND tỉnh đã hỗ trợ 150 triệu đồng để chống xuống cấp di tích (tại Quyết định số 2077/QĐ-UBND ngày 10/7/2018 của UBND tỉnh), tuy nhiên do nguồn kinh phí còn hạn chế nên việc tu bổ, tôn tạo chỉ có tính chất sửa chữa, gia cố một số cấu kiện của di tích. Thời gian tới, để công tác trùng tu, tôn tạo di tích đình Đỉnh Lự được đồng bộ, đề nghị địa phương huy động thêm nguồn lực cùng với nguồn hỗ trợ của tỉnh để tu bổ, tôn tạo di tích.
Nội dung số 8, đối với kiến nghị của cử tri huyện Hương Khê
Nhân viên nuôi dưỡng tại các trường mầm non thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc liên tục 12 tháng theo hướng dẫn tại Văn bản số 1605 ngày 9/10/2023 của Bảo hiểm xã hội tỉnh về việc tham gia Bảo hiểm xã hội , Bảo hiểm y tế bắt buộc cho người lao động; tuy nhiên thời gian làm việc chỉ có 9 tháng; đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội trong 3 tháng nghỉ hè.
Về nội dung này:
- Theo quy định của Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động ký kết hợp đồng lao động đủ 01 tháng trở lên thuộc đối tượng đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tiền lương, thời gian đóng Bảo hiểm xã hội căn cứ hợp đồng lao động ký kết giữa đơn vị sử dụng lao động và người lao động.
- Tại Công văn số 1605 ngày 09/10/2023 của Bảo hiểm xã hội tỉnh về việc hướng dẫn tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế bắt buộc cho người lao không có nội dung bắt buộc đóng liên tục 12 tháng đối với hợp đồng lao động ký kết dưới 12 tháng; Các cơ quan, đơn vị căn cứ hợp đồng lao động và các nội dung về thời gian hiệu lực, mức lương được hưởng để đăng ký đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động theo đúng quy định.
Trường hợp, nhân viên nuôi dưỡng tại các trường mầm non 3 tháng nghỉ hè, nhà trường không ký hợp đồng lao động thì trong thời gian này không thuộc đối tượng đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động lựa chọn tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện và khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện thì đã được ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh hỗ trợ theo quy định tại Điều 5, Nghị quyết số 72/2022 ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh.
LĨNH VỰC NỘI VỤ, NỘI CHÍNH VÀ LĨNH VỰC KHÁC
Nội dung số 9, kiến nghị của cử tri huyện Đức Thọ về việc đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ cho Bí thư, Thôn trưởng, Tổ trưởng Tổ dân phố có thời gian công tác trên 15 năm nay đã thôi không làm nhiệm vụ.
Hiện nay, chế độ phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (Bí thư chi bộ, Thôn trưởng, Tổ trưởng Tổ dân phố) được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 33/2023 ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và Nghị quyết số 111/2023 ngày 22/9/2023 của HĐND tỉnh quy định chức danh, mức phụ cấp và kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; mức hỗ trợ hàng tháng và mức phụ cấp kiêm nhiệm của người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố và mức phụ cấp đối với một số chức danh khác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Về chế độ hỗ trợ đối với Bí thư chi bộ, Thôn trưởng, Tổ trưởng Tổ dân phố có thời gian công tác trên 15 năm thôi không làm nhiệm vụ: hiện nay, Trung ương chưa quy định chế độ hỗ trợ đối với đối tượng này, do đó, chưa có cơ sở pháp lý để xây dựng và ban hành chính sách của tỉnh.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ cùng các đơn vị, địa phương liên quan rà soát thực tiễn, đánh giá mức độ cần thiết và tính tương đồng với các đối tượng khác, nếu phù hợp sẽ tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nội dung số 10, đối với kiến nghị của cử tri thị xã Kỳ Anh: Đề nghị tỉnh có chính sách đặc thù đối với trường hợp là Trưởng đoàn thể không đủ tuổi tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2030, thôi đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội mà chưa đủ số năm đóng bảo hiểm và chưa đến tuổi nghỉ hưu.
Hiện nay, cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định số 26/2015 ngày 09/3/2015 của Chính phủ.
Đối với cán bộ thôi giữ chức vụ (trong đó có đối tượng cán bộ không đủ tuổi tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2030, thôi đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội mà chưa đủ số năm đóng bảo hiểm và chưa đến tuổi nghỉ hưu) thì được hưởng chế độ theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 33/2023 ngày 10/6/2023 của Chính phủ: “Cán bộ cấp xã thôi giữ chức vụ và công chức cấp xã thôi việc (trừ trường hợp chuyển công tác và trường hợp bị kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức) được hưởng chế độ trợ cấp thôi giữ chức vụ đối với cán bộ cấp xã, trợ cấp thôi việc đối với công chức cấp xã và được tính theo quy định của Chính phủ về trợ cấp thôi việc đối với công chức”.
Việc tham mưu xây dựng và ban hành chính sách của tỉnh hỗ trợ cho đối tượng này hiện chưa có cơ sở pháp lý. Nội dung này, cần có quá trình rà soát thực tiễn, đánh giá mức độ cần thiết và tính tương đồng với các đối tượng khác để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thường lệ giữa năm của HĐND tỉnh dự kiến diễn ra vào tháng 7 ( 12/05)
- Toàn văn Nghị quyết của HĐND tỉnh Hà Tĩnh tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã ( 30/04)
- Hà Tĩnh: Thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ( 29/04)
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh thăm, tặng quà người có công tại huyên Nghị Xuân ( 29/04)
- Thẩm tra trên lĩnh vực kinh tế - ngân sách trình Kỳ họp thứ 26 ( 18/04)
- Hà Tĩnh: HĐND tỉnh thông qua 14 nghị quyết quan trọng tại Kỳ họp thứ 26 ( 18/04)