Xem xét bổ sung chỉ tiêu cụ thể về huyện đạt chuẩn nông thôn mới
EmailPrintAa
09:31 12/12/2018

Đó là ý kiến thảo luận của đại biểu được nêu trong báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các Tổ đại biểu HĐND tỉnh về kinh tế - xã hội, các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải trình bày.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các Tổ đại biểu HĐND tỉnh về kinh tế - xã hội, các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp

“…Theo đó, trong các ngày từ 06-08/12/2018, 13 Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã phối hợp Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thảo luận với sự tham gia của trên 400 đại biểu, trong đó thành phần chủ yếu là các đại biểu HĐND tỉnh, Trưởng, Phó các Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp huyện, Thường trực cấp ủy, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, lãnh đạo UBND, UBMTTQ, Trưởng, Phó các Ban Hội đồng nhân dân, Trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện. Đã có 175 ý kiến phát biểu đóng góp vào nội dung các báo cáo, đề án, chính sách trình ban hành tại kỳ họp lần này.

Nhìn chung, hầu hết đại biểu đồng tình với các nội dung được trình ra tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh. Sau đây là tổng hợp những góp ý cụ thể về các mặt còn tồn tại, hạn chế, những điểm cần bổ sung vào nội dung các báo cáo, đề án, nghị quyết để đại biểu HĐND tỉnh xem xét:

Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp năm 2019.

1. Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2018

Báo cáo cần đánh giá rõ hơn vai trò của hệ thống chính trị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ; trong đó, khẳng định sự tập trung quyết liệt, đổi mới, sáng tạo trên các lĩnh vực, đồng thời phân tích sâu những nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan.

* Lĩnh vực kinh tế

- Tăng trưởng cao nhưng chất lượng tăng trưởng chưa thực sự bền vững, vẫn chủ yếu dựa vào phát triển công nghiệp; đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; cơ cấu nguồn thu ngân sách, thu từ nguồn tiền đất vẫn chiếm tỷ lệ cao; số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít…

* Lĩnh vực v ăn hoá - xã hội

- Báo cáo đánh giá chưa sâu về lĩnh vực văn hóa, nhất là những hạn chế, như: Chất lượng thực chất của danh hiệu gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa; việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa; công tác chỉ đạo và kết quả  phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng cũng như đời sống tinh thần của người dân; những bất cập về đời sống hôn nhân, tỷ lệ tội phạm vị thành niên gia tăng…; bổ sung đánh giá tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm...

* Lĩnh vực nội chính , quốc phòng, an ninh

- Đánh giá thực chất về hiệu quả hoạt động của Trung tâm hành chính công, nhất là thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục từ các sở, ngành đến Trung tâm...

2 . Về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019

* Lĩnh vực kinh tế

- Trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII, Nghị quyết của HĐND tỉnh, cần căn cứ kết quả đánh giá giữa nhiệm kỳ để có điều chỉnh nhiệm vụ, giải pháp phù hợp trong các năm 2019, 2020 đảm bảo thực hiện khả thi ở mức cao nhất. Cân nhắc chỉ tiêu “có thêm ít nhất 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới” bằng việc nâng cao chất lượng các tiêu chí. Xem xét bổ sung chỉ tiêu cụ thể về huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

- Các giải pháp cần đi vào cụ thể, trong đó tập trung giải quyết một số khó khăn, tồn tại như: Vấn đề đầu ra sản phẩm nông nghiệp; tập trung ưu tiên sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới tăng cường giá trị trên đơn vị diện tích. Tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp, thực hiện cơ cấu bộ giống chủ lực; quan tâm các giải pháp về chế biến, bảo quản, liên kết sản xuất đối với các sản phẩm nông nghiệp; quan tâm công tác quy hoạch cây ăn quả có múi; làm tốt công tác thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: Nhung Hươu, cam, bưởi Phúc Trạch...

* Lĩnh vực văn hóa - xã hội

- Bổ sung các giải pháp cụ thể và quyết liệt hơn để tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ lĩnh vực văn hóa - xã hội trong năm 2019, quan tâm phát triển lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh một cách bền vững. Chấn chỉnh tình trạng lao động vi phạm hợp đồng, cư trú, làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài...

* Lĩnh vực nội chính, quốc phòng, an ninh

- Tăng cường công tác cải cách hành chính, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Xem xét, thống nhất đưa thủ tục hành chính của một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn về giao dịch tại các Trung tâm hành chính công. Quan tâm thực hiện triển khai chính quyền điện tử ở cấp huyện. Cải tiến nội dung, chương trình và cách thức tổ chức hội họp đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả...

II. Về nội dung các tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp

1. Dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019

- Xem xét giao chỉ tiêu thu ngân sách cần sát với tình hình thực tế tại địa phương. Tiền thuê đất hàng năm ở cấp huyện chủ yếu là khoản ghi thu, ghi chi nên chỉ tiêu giao thu đạt và vượt kế hoạch nhưng cân đối chi không đảm bảo theo kế hoạch. Kịp thời xử lý hụt thu ngân sách đảm bảo cân đối cho các địa phương...

2. Dự thảo Nghị quyết quy định phân cấp quản lý tài sản công trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh;

- Điểm a Khoản 2 Điều 3: Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đối với “01 gói mua sắm” đề nghị bổ sung thành “01 gói mua sắm giá trị trên 1 tỷ đồng”...

3. Dự thảo Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại phụ lục 01, phụ lục 02 ban hành kèm theo Nghị quyết số 28/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh;

- Điều 1: Thuế bảo vệ môi trường cần điều tiết cho địa phương một phần vì các địa phương phải chịu ảnh hưởng trực tiếp ô nhiễm môi trường và kết cấu hạ tầng xuống cấp...

4. Dự thảo Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020 tỉnh Hà Tĩnh;

Quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư một số công trình, dự án cấp thiết, bức xúc trên địa bàn, đặc biệt là những công trình, dự án mà cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết.

5. Dự thảo Nghị quyết chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2020;

- Đề nghị xem xét tăng mức hỗ trợ đối với các chính sách: Xây dựng vườn mẫu, giống chè dâm cành năng suất chất lượng cao; tăng định mức kinh phí thực hiện duy tu bão dưỡng thường xuyên và phục hồi, nâng cấp mặt đường bê tông xi măng đường giao thông nông thôn để tương ứng với mức 30% như dự thảo Nghị quyết; tăng tỉ lệ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tự đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ lĩnh vực công nghệ sinh học; tăng mức hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo xây dựng công trình vệ sinh; tăng tỉ lệ hỗ trợ kinh phí khảo sát, xây dựng kế hoạch, tổ chức, triển khai, kiểm tra, hướng dẫn, lập hồ sơ thanh, quyết toán cho công tác phối giống bò; tăng thời gian hỗ trợ chính sách tích tụ ruộng đất lên 3 năm.

- Một số ý kiến đề nghị không thực hiện các chính sách: Hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, ký kết hợp đồng liên kết với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng gỗ nguyên liệu; hỗ trợ kinh phí mua vắc xin tiêm phòng định kỳ hàng năm theo quy định cho quy mô chăn nuôi nông hộ; hỗ trợ các tổ chức cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chính sách hỗ trợ bảo vệ, trồng bổ sung, làm giàu rừng tự nhiên đối với hộ gia đình được giao...

6. Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tạo nguồn lực xây dựng  huyện Lộc Hà, huyện Can Lộc và huyện Vũ Quang đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2018-2020;

- Tại Khoản 1, Điều 2: Quy định tiền sử dụng đất phát sinh trên địa bàn huyện: Đối với các Đề án do cơ quan cấp tỉnh làm chủ đầu tư, sau khi trừ chi phí đầu tư, đề nghị cho ngân sách huyện hưởng 100%.

- Tại Khoản 6, Điều 2: Riêng huyện Vũ Quang, có ý kiến đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh trong quá trình điều hành ngân sách cần ưu tiên tối đa, bố trí lồng ghép tất cả các nguồn vốn khác khi có điều kiện để thực hiện, ngoài các nguồn vốn được phân bổ theo định mức, tiêu chí và các quy định chung của cơ chế.

Có ý kiến đề nghị bổ sung huyện Lộc Hà được hưởng cơ chế hỗ trợ xây dựng nông thôn mới như huyện Vũ Quang.

7. Dự thảo Nghị quyết Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030;

- Chương trình cần làm rõ thực trạng nhu cầu nhà ở hiện nay theo từng nhóm đối tượng; nhu cầu về các loại hình nhà ở cụ thể trên cơ sở đó có quyết định đầu tư có hiệu quả.

- Bổ sung tại Khoản 2, Điều 4: Tập trung cao cho sự phát triển các khu dân cư tại các địa phương có khu công nghiệp đóng trên địa bàn...

8. Dự thảo Nghị quyết thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất năm 2019

- Đề nghị thực hiện nghiêm việc đưa ra khỏi danh mục đối với các dự án đã đưa vào danh sách thu hồi nhưng quá 03 năm chưa triển khai, ảnh hưởng đến quyền của người sử dụng đất theo quy định.

- Cần xử lý bất cập giữa phê duyệt chủ trương đầu tư/phê duyệt dự án với việc bổ sung danh mục thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất để tạo thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện.

- Đề nghị có hướng dẫn cụ thể về căn cứ để đưa các công trình dự án vào danh mục công trình thu hồi, chuyển mục đích đất như: Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, việc bố trí nguồn vốn, quyết định cho phép khảo sát, lập quy hoạch hay đề xuất chủ trương đầu tư… để đảm bảo tính khả thi.

9. Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 – 2021

Xem xét kéo dài thời gian thực hiện chính sách đối với người không chuyên trách cấp xã dôi dư từ 1/1/2019-31/3/2020.

10. Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng, mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và những người thực hiện nhiệm vụ khác ở thôn, tổ dân phố tại Điều 1 Nghị quyết số 165/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của HĐND tỉnh

- Đề nghị tỉnh có hướng dẫn phân chia mức hệ số phụ cấp chi trả cụ thể đối với những người chỉ làm 01 chức danh và những người kiêm nhiệm chức danh nhằm tạo sự thống nhất, đồng đều trong chi trả phụ cấp tại các đơn vị và đạt mức sống tối thiểu (3 triệu đồng)...

11. Dự thảo Nghị quyết Sửa đổi Điều 6 của Nghị quyết số 66/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của HĐND tỉnh.

- Đề nghị có chính sách xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho thể thao như: Sân vận động, nhà thi đấu, bể bơi… Tăng cường công tác xã hội hóa, tạo cơ chế đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực thể thao thành tích cao và thể thao phong trào…

12. Dự thảo Nghị quyết quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức

- Bổ sung chính sách hỗ trợ cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức được cử đào tạo hệ không tập trung (vừa học vừa làm). Quy định rõ chính sách đối với nữ cán bộ đi học.

13. Dự thảo Nghị quyết quy định một số mức chi cho hoạt động tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

- Đề nghị xem xét bổ sung thêm các đối tượng là các tác giả có sản phẩm tham gia các hội thi sản phẩm công nghiệp phục vụ nông nghiệp ngoài đối tượng được quy định tại Thông tư 27/2018/TT-BTC ngày 21/3/2018 của Bộ Tài chính.

- Nâng định mức chi tiền thưởng tại các cuộc thi; bổ sung nguồn kinh phí cấp tỉnh để hỗ trợ và khen thưởng cho các cá nhân, tổ chức đạt giải Quốc gia, Quốc tế; có chính sách hỗ trợ cho hội thi cấp huyện.

14. Dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh, sáp nhập, đặt tên, đổi tên một số thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh

- Cần có giải pháp sáp nhập thôn, tổ dân phố phù hợp với thực tế, tránh gây lãng phí về cơ sở vật chất sau sáp nhập. Xây dựng lộ trình cụ thể đối với việc sáp nhập các đơn vị hành chính sự nghiệp, xã, phường,thị trấn.

- Đối với thành phố Hà Tĩnh, hiện nay một số tổ dân phố nhân khẩu đông, khó quản lý hoạt động. Một số vùng tốc độ đô thị hóa cao, số lượng nhân khẩu, hộ gia đình tăng nhanh nên ảnh hưởng đến xây dựng đề án sáp nhập các phường, xã.

15. Dự thảo Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chủ trương vận động lập Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Sau khi Nghị quyết 27 về chủ trương vận động lập Quỹ quốc phòng - an ninh hết hiệu lực, các địa phương không thành lập quỹ ANQP, trong khi mức hỗ trợ từ ngân sách vẫn là 50% nên việc chi trả ngày công cho các đối tượng tham gia huấn luyện dân quân tự vệ khó khăn. Đề nghị tỉnh hỗ trợ 100% chi phí để chi trả cho các đối tượng..."

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc