Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến góp ý về Luật Công Đoàn
EmailPrintAa
15:15 12/10/2020

Chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 12/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề lấy ý kiến góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công Đoàn Việt Nam. Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn và Chủ tịch Liên Đoàn lao động tỉnh Nguyễn Văn Danh chủ trì hội nghị.

Cùng tham dự có đại diện Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và Văn phòng tư vấn pháp luật của Liên Đoàn Lao động tỉnh, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, phòng, ban có liên quan.

Luật Công đoàn số 12/2020/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng về tổ chức và hoạt động công đoàn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần giữ vững chính trị - xã hội của đất nước trong những năm qua. Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện luạt Công đoàn đã bộc lộ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, tiếp tục hoàn thiện để phù hợp với sự phát triển và hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Phan Thị Mai Hoa: Đề nghị bổ sung điểm “chi trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách và phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách” vào khoản 3, mục 12, sửa đổi, bổ sung Điều 27.

Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất cho rằng: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn phải dựa trên quan điểm quán triệt, thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đảm bảo tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh, thu hút mạnh mẽ sự tham gia của người lao động và các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Chủ tịch Công đoàn ngành Bảo hiểm Xã hội tỉnh Nguyễn Xuân Quỳnh: Đề nghị sửa khoản 5, Điều 29 như sau: “Các cấp công đoàn thực hiện công khai tài chính hàng năm tại Hội nghị Ban chấp hành công đoàn và thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Các đại biểu cũng đã tập thảo luận những vấn đề liên quan đến quy định của Luật Công đoàn được nghiên cứu bổ sung, sửa đổi; một số bất cập trong quy định của luật như: Về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tại khoản 3, mục 4, sửa đổi, bổ sung Điều 5, đề nghị thay cụm từ “theo trình tự, thủ tục do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định” bằng cụm từ “thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam, hoạt động theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam”. Như vậy, tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp sau khi gia nhập vào Tổ chức Công đoàn Việt Nam hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ngô Đình Vân: Đề nghị bổ sung thêm khái niệm“Nghiệp đoàn” vì nghiệp đoàn là một tổ chức cơ sở trong hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam được quy định trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa XII).

Đối với hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam (Tại mục 5, sửa đổi, bổ sung Điều 7) đề nghị quy định cụ thể hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam vào trong Luật Công đoàn để nâng cao tính pháp lý của tổ chức này, cụ thể: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất gồm 4 cấp: Cấp Trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; cấp tỉnh, ngành Trung ương bao gồm Công đoàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công đoàn Ngành Trung ương và tương đương; cấp trên trực tiếp cơ sở là công đoàn cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương; Công đoàn ngành địa phương; Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghiệp; Công đoàn Tổng công ty; Cấp cơ sở gồm công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn”.

Phó trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại Hội nghị

Tiếp đó, về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (Tại mục 12, sửa đổi, bổ sung Điều 27) đại biểu đồng tình với phương án 2 trong dự thảo Luật. Luật không quy định cụ thể mức chia tỷ lệ % kinh phí công đoàn cho tổ chức người đại diện lao động tại doanh nghiệp vì tổ chức người đại diện lao động tại doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của Luật Công đoàn. Việc chia tỷ lệ % kinh phí công đoàn cho tổ chức người đại diện lao động tại doanh nghiệp nên để Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự thảo nghị định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Chính phủ quy định chi tiết). Đồng thời, đề nghị bổ sung điểm “chi trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách và phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách” vào khoản 3, mục 12, sửa đổi, bổ sung Điều 27.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn ghi nhận, đánh giá cao ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu về dự án Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật Công Đoàn Việt Nam. Các ý kiến góp ý tại hội nghị sẽ được Đoàn tổng hợp trình Quốc hội khóa XIV xem xét tại kỳ họp trong thời gian tới.

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc