Công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm - Những nỗi lo còn đó
EmailPrintAa
14:08 26/03/2018

Hà Tĩnh là vùng quê có nhiều lợi thế đối với các ngành nghề sản xuất và chế biến khá đa dạng. Tuy vậy, từ lâu trong nếp nghĩ, nếp làm, đa phần người dân đang sản xuất, chế biến theo thói quen, tập quán truyền thống nay lại chịu nhiều tác động của cơ chế thị trường nên việc sản xuất, chế biến các hàng hóa liên quan tới thực phẩm chưa được chú trọng, tuân thủ theo quy định của pháp luật. Với tình hình chung cả nước, Hà Tĩnh cũng đang gánh chịu những hệ lụy từ việc mất an toàn thực phẩm; người tiêu dùng thiếu niềm tin vào chất lượng sản phẩm địa phương, đời sống, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng...
Kiểm tra tại cơ sở sản xuất nước mắm Đặng Thị Luận, thôn Chiến Thắng, xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh
 

Tại Kết luận số 11-KL/TW ngày 19/01/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã xác định tầm quan trọng của an toàn thực phẩm trong đời sống con người, đó là sự sống còn đối với sức khỏe, hạnh phúc của từng người dân, giống nòi dân tộc và sự phát triển nước ta; trở thành thách thức an ninh phi truyền thống. Phấn đấu sớm đạt mục tiêu: Tất cả thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam đều là thực phẩm an toàn.

Để thực hiện có hiệu quả công tác an toàn thực phẩm trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW, ngày 21-10-2011 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới; công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo. Ủy ban nhân dân tỉnh đã cụ thể hóa Chương trình hành động số 554-CTr/TU ngày 29/3/2017 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận số 11-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới với nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và được điều chỉnh, thay thế đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, mà mới đây nhất là Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND ngày 15/5/ 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh thay thế Quyết định 23/2013/QĐ-UBND và Quyết định 21/2016/QĐ-UBND quy định quản lý về an toàn thực phẩm.

Với kết quả đạt được trong năm 2017, có thể thấy công tác an toàn thực phẩm đã có sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh. Các địa phương đã gắn nhiệm vụ thực hiện an toàn thực phẩm với chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc hàng hóa được hình thành, sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung đã phần nào tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng. Việc kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm được quan tâm, chất lượng sản phẩm được công bố hợp quy phù hợp với yêu cầu an toàn thực phẩm phần nào đã hạn chế được số ca bị ngộ độc thực phẩm, trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng ngộ độc đông người và tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Trong năm, các ngành đã xây dựng gần 250 phóng sự trên truyền hình, 606 bài viết trên các báo, trang thông tin điện tử; thực hiện 8.075 buổi phát thanh cơ sở, 1.163 buổi nói chuyện về an toàn thực phẩm với 60.000 người tham gia. Tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại đối với 1.653 hộ kinh doanh, ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn 26.682 cơ sở sản xuất ban đầu nông sản thực phẩm nhỏ lẻ. Cấp 2.015 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Xét nghiệm 5.944 mẫu thực phẩm kiểm tra các chỉ tiêu: Methanol, hàn the, Forrmol làm xét nghiệm 5.944 mẫu thực phẩm kiểm tra các chỉ tiêu: Methanol, hàn the, Forrmol, phẩm màu, axit vô cơ, độ ôi khét, nitrrat, hóa chất trừ sâu, tinh bột trên dụng cụ, kết quả, chỉ có 0,37% mẫu dương tính với phẩm màu cấm, hàn the, methanol. Tiến hành kiểm tra 10.172 lượt cơ sở, phát hiện 1.495 lượt cơ sở vi phạm (chiếm 14,7%); xử phạt 704 cơ sở vi phạm với số tiền gần 1,07 tỷ đồng. Tiêu hủy số lượng lớn các sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, công tác quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, tình trạng mất an toàn thực đang diễn biến phức tạp, đang từng ngày, từng giờ tác động lên đời sống con người, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, an toàn tính mạng người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà và trở thành một trong những vấn đề bức thiết của cộng đồng. Trong đợt khảo sát công tác quản lý an toàn thực phẩm do Ban văn hóa - xã hội chủ trì trước dịp tết Nguyên đán 2018, hầu hết các mặt hàng bày bán tại các chợ đến khảo sát chưa được niêm yết giá, không có nhãn ghi hạn sử dụng, cơ sở sản xuất theo quy định; chủ cơ sở kinh doanh không xác định, xuất trình được hóa đơn, chứng từ nguồn gốc hàng hóa. Tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp. Sản phẩm rau, củ quả từ ngoài tỉnh vào tiêu thụ với số lượng lớn nhưng chưa xác định nguồn gốc, dư lượng chất bảo quản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong từng loại sản phẩm. Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm còn bất cập, một số cơ sở sản xuất với số lượng sản phẩm lớn lưu thông trên thị trường nhưng chưa đăng ký công bố hợp quy, không có nhãn hàng hóa hoặc sử dụng nhãn mác quá thời hạn, mã vạch trên sản phẩm không hợp lệ nên khó khăn trong việc truy xuất đối với những lô hàng không đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm. Công tác quy hoạch, hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng chưa nhiều, chưa hình thành các vùng sản xuất lớn có áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp; sản phẩm đầu ra chưa liên kết chặt chẽ với thị trường.

Công tác quản lý đối với sản phẩm chế biến thủ công còn buông lỏng, một số cơ sở còn thiếu kiến thức về an toàn thực phẩm, trong quy trình sản xuất, chế biến chưa chú trọng các điều kiện vệ sinh môi trường, nơi bảo quản không được xếp dỡ theo từng thời điểm chế biến. Vẫn còn hiện tượng sử dụng loại chất cấm như hàn the trong chế biến giò, chả; methanol trong sản xuất rượu; quy trình chế biến sản phẩm không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Hoạt động kiểm soát giết mổ động vật đang còn hạn chế, cơ sở vật chất của một số lò giết mổ đã xuống cấp và chậm được duy tu, nâng cấp; hệ thống xử lý xả thải không đảm bảo, giết mổ gia súc, gia cầm trên nền xi măng đã bong tróc. Một số cơ sở đã ngừng hoạt động, một số cơ sở chỉ dừng lại ở việc duy trì hoạt động nhưng tỷ lệ gia súc đưa vào giết mổ tập trung rất thấp như Hương Khê, Đức Thọ, Vũ Quang...

Những hạn chế, bất cập nói trên có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu là một số cấp ủy, chính quyền chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa có hiệu quả; nhất là tại các xã, phường, thị trấn, do còn nặng tình làng, nghĩa xóm, còn e dè, ngại va chạm mà thiếu thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Bên cạnh đó, thói quen trong sản xuất, chế biến thực phẩm đã ăn sâu, bám rễ trong tiềm thức, tư tưởng của người dân nên việc lựa chọn các phụ gia thay thế còn khó khăn, nguyên vật liệu sử dụng còn tùy tiện, không đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm. Người sản xuất đang chú trọng nhiều đến lợi nhuận, hình thức sản phẩm mà chưa quan tâm chất lượng, chỉ số an toàn sản phẩm, chưa quan tâm đến vấn đề sức khỏe của người tiêu dùng.

Trước những bất cập, khó khăn trong công tác an toàn thực phẩm, các cấp chính quyền địa phương cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những hạn chế, bất cập và tập trung xử lý những vướng mắc, tồn tại trên địa bàn. Phát huy vai trò tham mưu, chỉ đạo của Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm từ tuyến tỉnh đến các xã, phường, thị trấn. Tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm; kiểm soát chặt chẽ quy trình chế biến, bảo quản tại các cơ sở chế biến nhất là đối với các cơ sở chế biến thủ công; quan tâm các điều kiện về vệ sinh môi trường, dụng cụ chế biến, cất giữ sản phẩm. Cần công khai kết quả thanh tra, kiểm tra trên các phương tiện đại chúng nhằm mục đích khuyến cáo đối với người tiêu dùng và răn đe các đối tượng vi phạm. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm, về các chủ trương, chính sách pháp luật và những kiến thức cần thiết nhằm thay đổi thói quen, hành vi của người dân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, từng hộ gia đình và từng người dân. Quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 11-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, góp phần sớm đạt mục tiêu “Tất cả thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam đều là thực phẩm an toàn”; trong năm 2018 này các đơn vị liên quan cần đưa công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, khắc phục những khó khăn, hạn chế, tồn tại mà Ban đã chỉ ra sau đợt khảo sát vừa qua. Đồng thời, cần xem nhiệm vụ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài và cần có sự chung tay của toàn hệ thống chính trị và toàn dân, nhất là đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp và từng hộ gia đình, từng người dân chủ động, sáng tạo, tích cực tham gia.


    Ý kiến bạn đọc