Hai vấn đề phải bàn kỹ là bình ổn giá và Nhà nước định giá đối với các loại hàng hóa
EmailPrintAa
13:32 16/12/2011

Giá là nhân tố rất quan trọng tác động đến kinh tế vĩ mô và điều tiết vĩ mô. Kinh nghiệm các nước khi chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung sang nền kinh tế thị trường chính là giải quyết nhiều vấn đề, nhưng trong đó vấn đề giá phải giải quyết hàng đầu. Do vậy, việc xây dựng Luật Giá là cần thiết, tuy nhiên cần giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có vai trò điều tiết quản lý của Nhà nước với vấn đề quy luật cung cầu của kinh tế thị trường…
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Có hai vấn đề lớn phải bàn kỹ…
 
Hiện nay đang có hai vấn đề lớn phải bàn kỹ đó là vấn đề bình ổn giá và vấn đề Nhà nước định giá đối với các loại hàng hóa. Vấn đề là giữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có vai trò điều tiết quản lý của Nhà nước với vấn đề quy luật cung cầu của kinh tế thị trường. Chỗ này nếu đi quá sâu vào hướng kia, tức là quản lý nhà nước thì sẽ không phúc đáp được yêu cầu của kinh tế thị trường, cản trở sự phát triển nhất là vấn đề giá. Chúng ta nói là trong nền kinh tế thị trường các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp phải bình đẳng với nhau nhưng ở đây lại đưa ra những tiêu chí nguyên tắc để nhà nước định giá. Ở đây phải xác định có những loại hàng hóa nào, có những loại ngành nghề gì là độc quyền của nhà nước và độc quyền của doanh nghiệp, còn những loại hàng hóa gì thì các thành phần kinh tế đều được làm, chỗ này cần phải đặt ra.
 
Vấn đề thứ hai, ở Điều 15, Điều 19 giữa Khoản 1, Khoản 3 và Khoản 4 phải tính toán thêm. Tôi lấy ví dụ Điều 15 nói là hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá gồm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống có nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính cho sản xuất lưu thông, hàng hóa dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cơ bản của con người. Đây là tiêu chí để ta bình ổn. Khoản 2 nêu một loạt danh mục các loại hàng hóa được bình ổn. Đến Khoản 4 lại nói căn cứ vào danh mục này cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Điều 18 là quyết định loại hàng hóa, dịch vụ áp dụng biện pháp bình ổn giá phù hợp trong từng thời kỳ. Như vậy Khoản 4 này vô hình trung sẽ tạo ra sự thoải mái, không có ràng buộc bởi nguyên tắc quy định ở Khoản 1. Bây giờ trong từng thời kỳ tôi thấy không cần thiết nhưng những hàng hóa này theo tiêu chí Khoản 1 là hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và đời sống “anh” phải bình ổn. Hay ở Điều 19 mình nói Nhà nước định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền quản lý nhà nước sản xuất, kinh doanh, "hàng hóa, danh mục, dịch vụ thuộc loại doanh nghiệp có vị thế độc quyền sản xuất, kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường sản xuất, kinh doanh". Đó là những tiêu chí đặt ra để Nhà nước phải bình ổn giá. Nhưng đến Khoản 4 lại  nói là "căn cứ vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Khoản 2 điều này Chính phủ quy định giá cụ thể đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ trong từng thời kỳ". Tôi thấy phải cân nhắc lại. Đã nói những tiêu chí đặt ra, những nguyên tắc đặt ra để Nhà nước phải định giá thì phải khẳng định ngay trong luật này là những loại hàng hóa nào phải định giá và những phương pháp, căn cứ định giá như thế nào. Không thể nói là đã đưa ra nguyên tắc, tiêu chí để định giá để công khai minh bạch, nhưng đến đoạn cuối lại nói muốn định giá loại nào, vào thời điểm nào thì tùy. Tôi nghĩ chỗ đó không chặt, ảnh hưởng tới vấn đề triển khai sau này.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Cân nhắc những mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá
 
Giá có lẽ là yếu tố quan trọng nhất của phát triển nền kinh tế thị trường. Dự kiến đến năm 2016, nước ta sẽ được công nhận là nền kinh tế thị trường. Vì vậy, toàn bộ những vấn đề quy định trong luật này phải rà soát rất kỹ, xem có đáp ứng được lộ trình đó hay không.
 
Điều 15 về hàng hóa bình ổn giá. Hàng hóa bình ổn giá ở đây đưa ra danh mục cụ thể, tôi đồng ý quan điểm muốn đưa ra những vấn đề mang tính chất nguyên tắc, sau đó để cho Chính phủ cơ động hoặc giao cho UBTVQH quyết định. Tôi tán thành việc nên đưa ra danh mục để bảo đảm tính công khai, không tùy tiện, không lạm dụng. Nhưng danh mục này như thế nào cần phải cân nhắc rất kỹ những mặt hàng như thế này hay thu hẹp hơn? Ở đây có khoản thuốc phòng, chữa bệnh theo danh mục thuốc chủ yếu. Tôi đề nghị sửa lại chữ "chủ yếu" bằng chữ "thiết yếu". Nếu chủ yếu sẽ rộng lắm, nên là thiết yếu. Còn nếu mở rộng ra quá chắc có lẽ cũng rất khó để bình ổn. Đối với cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế cứng đưa trong danh sách định giá. Nếu nhà nước đã định giá thì có nên đưa vào bình ổn không? Đề nghị cân nhắc thêm. Theo tôi là không nên, bởi vì đã đưa vào danh sách nhà nước định giá tức là mặt hàng đó nhà nước có tham gia quản lý thì đưa vào bình ổn để làm gì vì nhà nước đã định giá rồi. Theo tôi những việc như thế này nên rà soát và tính toán lại.
 
Về danh mục nhà nước định giá, tôi đề nghị xem xét lại mấy vấn đề sau: Thứ nhất là dịch vụ khám, chữa bệnh. Sản phẩm thuốc lá điếu chắc phải bỏ ra. Thuốc lá điếu nên để cho thị trường điều chỉnh. Nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để nâng giá lên cao nhằm hạn chế người hút thuốc. Nên sử dụng biện pháp kinh tế để giải quyết vấn đề này. Nhà nước không nên định giá mà tiếp tục tăng thuế. Dịch vụ khám, chữa bệnh theo tôi nên cân nhắc dịch vụ khám, chữa bệnh công. Còn đối với các dịch vụ tư, nhà nước có hỗ trợ gì đâu nên để họ tự quyết định giá. Nếu đã là tư nhân mà nhà nước lại định giá thì rất khó.
 
Đối với học phí, tôi đề nghị cũng phải đưa vào trong danh mục này. Bởi vì hai dịch vụ công rất thiết yếu là vấn đề học hành và khám chữa bệnh của người dân. Nhưng theo tôi chỉ nên thực hiện trong lĩnh vực công công lập.
 
Về quỹ bình ổn giá, Khoản 3 có nói là hỗ trợ bình ổn giá trong trường hợp cần thiết. Trường hợp cần thiết là trường hợp gì? Đoạn tiếp theo đã nói về trường hợp cần thiết rồi, nên về mặt kỹ thuật, tôi đề nghị viết luôn trong trường hợp giá hàng hóa, dịch vụ biến động bất thường, tác động xấu đến nền kinh tế và hàng hóa. Hay tại Khoản d hỗ trợ dự phòng từ ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết. Hiện nay chúng ta mới có quỹ bình ổn xăng dầu. Không biết các mặt hàng khác có đủ sức để thành lập quỹ bình ổn như thế này không? Vì vậy, tôi thấy nên hài hòa chỗ này. Tôi đề nghị Khoản d phải ghi rõ, ví dụ trong trường hợp các nguồn không đủ mà tình hình cần thiết, đến mức độ Nhà nước phải tham gia chứ không phải Nhà nước tham gia bằng bất cứ mọi giá.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Tránh bị “sốc”
 
Theo tôi có mấy vấn đề cơ quan soạn thảo cũng như Ủy ban có ý kiến thêm. Như chúng ta biết giá là một nhân tố rất quan trọng tác động đến kinh tế vĩ mô và điều tiết vĩ mô. Kinh nghiệm các nước khi chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung sang nền kinh tế thị trường chính là giải quyết nhiều vấn đề, nhưng trong đó vấn đề giá phải giải quyết hàng đầu. Ở các nước chuyển đổi tốt thì khi biến động nền kinh tế thế giới, nhất là giá thì độ bị “sốc” ít hơn các nước giữ giá như chúng ta. Giữ tới một đoạn nào không được thì điều chỉnh, đã điều chỉnh thì bị “sốc”. Kinh nghiệm 3 - 4 năm qua thấy rất rõ.
 
Thứ hai, nên xem lại, rà soát lại kỹ các cam kết, điều ước quốc tế. Đặc biệt các điều ước nước ta cam kết khi gia nhập WTO để được công nhận là nền kinh tế thị trường, giá cũng là một vấn đề rất quan trọng.
 
Vấn đề thứ ba, tại Kỳ họp thứ Hai chúng ta mới biểu quyết thông qua một nội dung rất quan trọng là đưa giá điện, than và giá dịch vụ công theo giá thị trường chậm nhất vào năm 2013. Vậy có cần thiết phải rà soát lại hay không bởi nếu không, luật này sẽ xung đột.
 
Một vấn đề nữa là phạm vi của dự án luật có nêu bổ sung trường hợp giá quy định trong lĩnh vực đất đai, giá đấu thầu, tỷ giá hối đoái, lãi suất tiết kiệm. Ở phía trên thì để lãi suất tín dụng, dưới là lãi suất tiết kiệm và một số lĩnh vực đặc thù khác được áp dụng theo quy định của luật khác theo tôi là không cần thiết, vì các luật khác đã quy định rồi, chỉ thi hành thôi. Không nên bao trùm lên các luật khác, như thế sẽ nặng nề thêm, nếu luật mà để chấm chấm thì không nên. Tôi đề nghị cân nhắc điểm đó.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Phải hiểu bình ổn giá theo xu thế trung hạn
 
Theo chúng tôi thì phải hiểu bình ổn giá ở đây là bình ổn giá theo xu thế trung hạn chứ không phải bình ổn giá theo xu thế ngắn hạn. Ví dụ như giá xăng dầu rõ ràng là vẫn có điều chỉnh, nhưng điều chỉnh làm sao cho không bị coi như là “giật cục” mà phải làm cho tình hình, diễn biến của giá xăng dầu ổn định. Khái niệm bình ổn phải hiểu ở góc độ trung hạn chứ không nên hiểu ở góc độ ngắn hạn. Không có nghĩa là vì bình ổn mà vi phạm vào cơ chế thị trường. Trong này khi nói về các biện pháp bình ổn đã rất rõ, có ba biện pháp chính. Biện pháp đầu tiên là điều hòa. Điều hòa thì theo quy luật giá trị, điều hòa từ nơi thừa sang nơi thiếu và có thể dùng “bàn tay” Nhà nước để thực hiện. Điều này không ảnh hưởng gì đến cơ chế thị trường. Biện pháp thứ hai là bình ổn bằng chính sách tài chính và tiền tệ. Chính sách tiền tệ của ngân hàng về mặt dài hạn chính là ổn định giá trị đồng tiền và ổn định giá cả. Biện pháp thứ ba là sử dụng quỹ bình ổn. Biện pháp này bây giờ mới chỉ áp dụng duy nhất đối với xăng dầu. Vừa qua do điều kiện giá cả cũng có một số địa phương đưa ra một khoản ở phần dự trữ tài chính hoặc từ khoản dự phòng tài chính như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhưng cũng chỉ ở diện rất hẹp và tác động cũng không lớn, chỉ ở một bộ phận người tiêu dùng hay tại siêu thị, những nơi niêm yết giá. Tôi thấy vấn đề bình ổn này không ảnh hưởng gì tới vấn đề cơ chế thị trường.
 
Thứ hai, trong dự án luật cũng có điều quét nói là nếu như việc này có vi phạm các điều ước quốc tế hay WTO thì theo quy định của WTO. Do vậy cũng không có gì đáng ngại lắm. Thực ra nếu quy định như ban đầu là chỉ nói chung, đưa ra một khung rất rộng sau đó giao cho Chính phủ quy định thì nhẹ hơn, không quy định cụ thể 10 mặt hàng này.

    Ý kiến bạn đọc