Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong năm 2017, những khó khăn và giải pháp thời gian tới
EmailPrintAa
14:15 26/03/2018

Năm 2017, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm, nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khá nổi bật hơn so với những năm trước, khẳng định sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn kiểm tra Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thôn Châu Nội xã Tùng Ảnh huyện Đức Thọ
 

Đây là năm có số xã đạt chuẩn cao nhất (33 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 6 xã đạt chuẩn trước thời hạn 02 năm, 7 xã đạt chuẩn trước thời hạn 01 năm), nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 113 xã (chiếm gần 50% số xã), không còn xã dưới 10 tiêu chí (cả nước có 34,4% số xã đạt chuẩn; 117 xã đạt dưới 5 tiêu chí), 2 xã cơ bản đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu (Tượng Sơn và Cẩm Bình). Sản xuất nông nghiệp sớm được khôi phục, đời sống Nhân dân cơ bản ổn định; một số lĩnh vực, sản phẩm được duy trì, phát triển đạt kết quả khá (lúa Hè thu được mùa tương đương vụ Hè thu năm 2016 (năm cao nhất), sản lượng cam, bưởi tăng gần 50%, là năm thắng lợi lớn cả về năng suất, chất lượng và giá; sản xuất thủy sản phục hồi, sản lượng tăng 15% so với 2016...); kết cấu hạ tầng được nâng cấp, xây dựng, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, phúc lợi; văn hoá, giáo dục và y tế có nhiều chuyển biến tích cực; xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu lan tỏa nhanh, trở thành phong trào sâu rộng, phát động và tổ chức triển khai cuộc thi Khu dân cư NTM kiểu mẫu, Vườn mẫu trên toàn tỉnh; an ninh quốc phòng cơ bản được giữ vững, chính trị cơ sở ổn định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn những tồn tại, khó khăn như: Việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp kết quả vẫn chưa cao, còn thiếu kiên trì trong tổ chức thực hiện, nhất là phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, một số lĩnh vực dự án, doanh nghiệp đã giảm đầu tư sản xuất, giảm quy mô như chăn nuôi lợn, bò, rau củ quả trên cát... Một số xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2013-2015 củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo yêu cầu mới còn chậm, có 02 xã phải thu hồi Bằng công nhận đạt chuẩn (xã Thiên Lộc, Can Lộc và xã Kỳ Bắc, Kỳ Anh); tiến độ xây dựng huyện nông thôn mới chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc kiểm tra, giám sát chấp hành các quy định về môi trường ở cơ sở chưa được chú trọng; việc thu gom, xử lý chất thải rắn chưa có giải pháp triệt để. Tình hình an ninh trật tự, nhất là sau sự cố môi trường ở một số địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp...

Năm 2018, Hà Tĩnh phấn đấu có thêm ít nhất 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cơ bản không còn xã dưới 11 tiêu chí, có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Hà Tĩnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tất cả các xã đều nâng mức độ chất lượng tổng các tiêu chí nông thôn mới lên 1,2 lần; số tiêu chí bình quân mỗi xã là 15,5 tiêu chí. Có 30% phường, thị trấn được công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 50% số phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn quy định về xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa đô thị; 60% số phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn quy định về xây dựng phong trào văn hóa, thể thao, thành phố Hà Tĩnh đạt đô thị loại 2.

Để đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung cao một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh năm 2018 với chủ đề “Chủ động - Sáng tạo - Kiên trì - Đồng thuận - Hiệu quả - Bền vững” với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt: Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục, lâu dài; thực hiện Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, phải tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tạo thành phong trào thi đua rộng lớn.

Hai là, cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách hợp lý, đồng bộ, toàn diện, thích ứng biến đổi khí hậu; đánh giá toàn diện 5 năm thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018-2020 phù hợp với thực tiễn và kế hoạch chung của ngành tại Quyết định 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, gắn với điều chỉnh định hướng phát triển ngành tại Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các đề án, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực (cây ăn quả, sản xuất rau củ quả, chăn nuôi gia súc, phát triển thủy sản và nuôi tôm trên cát, vùng trồng rừng nguyên liệu); tổ chức sản xuất theo chuỗi, lựa chọn xây dựng thương hiệu một số sản phẩm đặc sản, truy xuất nguồn gốc... Tiếp tục thúc đẩy sản xuất, phát huy hiệu quả các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn; khuyến khích thu hút đầu tư các trung tâm thương mại, nâng cấp các loại hình siêu thị, siêu thị mini, chuỗi cửa hàng tiện ích; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án OCOP năm 2018.

Ba là, đầu tư nâng cấp các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất dân sinh; áp dụng rộng rãi thiết kế điển hình các công trình trong xây dựng NTM; thực hiện có hiệu quả cơ chế trao quyền cho người dân và cộng đồng; không để phát sinh nợ đọng.

Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng chất lượng giáo dục đại trà; đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nâng cao chất lượng các danh hiệu gia đình, làng xã, khối phố, cơ quan đơn vị văn hóa, phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở các cấp. Quan tâm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; tăng cường công tác quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Năm là, đẩy mạnh xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu, Vườn mẫu, chỉnh trang, nâng cấp đảm bảo đạt chuẩn vững chắc, có sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với du lịch làng xã nông thôn mới; phát triển kinh tế vườn hộ, ứng dụng nhanh tiến bộ KHCN vào sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất VietGAP tạo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc.

Sáu là, huy động các nguồn lực tài chính hợp pháp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện tại huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM và thành phố hoàn thành xây dựng huyện NTM năm 2018.

Bảy là, xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết TW 6 khóa XII. Củng cố, kiện toàn bộ máy tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình NTM các cấp theo Chỉ thị 36 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục tập trung cao chỉ đạo bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tám là, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình theo hướng gắn với kết quả đầu ra, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức, nhất là người đứng đầu; có giải pháp để người dân vào cuộc một cách chủ động tự giác hơn. Tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo, giám sát cơ sở; có hình thức xử lý kịp thời cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.

Chín là, Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh Chương trình xây dựng NTM; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể phát động và tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua, phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; làm tốt công tác sơ, tổng kết đánh giá đúng thực chất, rút ra được những bài học kinh nghiệm và khen thưởng, vinh danh kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình.


    Ý kiến bạn đọc