Kết quả thực hiện một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị Hà Tĩnh
EmailPrintAa
20:05 21/11/2018

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ /TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh ta đã xác định sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, ban hành đồng bộ hệ thống quy hoạch, đề án, đặc biệt là các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tiêu thụ nông sản, góp phần quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Kế thừa chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 90/ 2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014; ngày 15/12/2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND về  quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị Hà Tĩnh năm 2017-2018. Chính sách ban hành được tích hợp, rà soát, điều chỉnh trên các chính sách của các lĩnh vực: nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, thương mại nông thôn, phát triển bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của tỉnh, lãi suất vay vốn, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn, cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương nội đồng...

Với chính sách này đã hệ thống hoá trên tất cả các lĩnh vực, gắn kết từ sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; nhằm từng bước giải quyết thách thức lớn nhất của nông nghiệp tỉnh ta hiện nay là: Khả năng cạnh tranh, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, vấn đề thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh...

Sau khi Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND được HĐND tỉnh ban hành, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 18/ 2017/QĐ-UBND về Quy định hướng dẫn thực hiện, cùng với đó ban hành kế hoạch kinh phí thực hiện của năm 2017 tại Quyết định số 1506/QĐ-UBND và Quyết định số 2057/QĐ-UBND, năm 2018 tại Quyết định số 1230/QĐ-UBND ngày 27/4/2018. Đồng thời các Sở, ngành đã ban hành các hướng dẫn chuyên ngành để triển khai thực hiện thuận lợi, hiệu quả nhất (Hướng liên ngành số 365/LN/SNN-SCT-STC hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn, hướng dẫn thiết kế định hình nhà lưới cây ăn quả có múi, thiết kế định hình hệ thống tưới...). Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến về chính sách cho cán bộ cán bộ chuyên môn phụ trách chính sách của cấp huyện, xã và đến các tổ chức đối tượng hưởng lợi như: các hợp tác xã, THT, hộ gia đình...

Năm 2017, trong điều kiện vẫn đang chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển, bảo lũ xảy ra trên địa bàn, đặc biệt bão số 10 đổ bộ trực tiếp vào tỉnh, trong sản xuất sâu bệnh đạo ôn cổ bông gây thiệt hại nặng đối với lúa vụ Xuân, thị trường giá lợn hơi giảm mạnh đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt lãnh đạo tỉnh và toàn ngành nông nghiệp, chính sách đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2018 tăng 5,54% so với cùng kỳ năm 2017, tăng thu nhập cho người dân nông thôn (năm 2017 đạt 23,8 triệu đồng/ năm) và giảm tỷ lệ hộ nghèo (năm 2017 là 8,57% tính theo phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều).

Kết quả thực hiện chính sách năm 2017 đạt 180,6 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách tỉnh: 118,2 tỷ đồng, đạt 74,8% so với kế hoạch ngân sách tỉnh giao; ngân sách huyện: 62,4 tỷ đồng. Cụ thể: Hỗ trợ xi măng làm đường giao thông, kênh mương nội đồng: 108.5 tỷ đồng, chiếm 60%; hỗ trợ xây dựng nông thôn mới: 46,6 tỷ đồng, chiếm 26%; hỗ trợ phát triển sản xuất: 6,4 tỷ đồng, chiếm 4%; phát triển thương mại nông thôn: 10,1 tỷ đồng, chiếm 6%; hỗ trợ ứng dụng công nghệ sinh học: 4,3 tỷ đồng, chiếm 2; chính sách hỗ trợ lãi suất: 4,5 tỷ đồng, chiếm 2%. Như vậy, kết quả thực hiện năm 2017, chính sách hỗ trợ xi măng làm giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng chiếm tỷ lệ lớn nhất (60%), xây dựng nông thôn mới (26%), chính sách thương mại nông thôn (6%), chính sách phát triển sản xuất (4%). Về kết quả thực hiện chính sách năm 2018, hiện nay các địa phương đang triển khai nghiệm thu; ước thực hiện năm 2018 đạt 200 tỷ đồng.

Nghị quyết 32/2016/NQ-HĐND được HĐND tỉnh ban hành triển khai thực hiện gần 02 năm, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, hướng dẫn chính sách ở các địa phương chưa thực sự sâu sát, thiếu đồng bộ, một bộ phận cấp ủy chính quyền thiếu quan tâm chỉ đạo thực hiện, tư vấn hỗ trợ dẫn đến một số cán bộ và người dân chưa nắm được chính sách để thực hiện.

Thứ hai, theo quy định của Quyết định 18/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh về hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết 32/ 2016/NQ-HĐND có phân bổ và giao kế hoạch kinh phí thực hiện đối với từng chính sách, từng địa phương trên cơ sở kế hoạch đề xuất của UBND cấp huyện (trước đây theo Nghị quyết 90/2014/NQ-HĐND không quy định) nên việc này dẫn đến các huyện, thành phố, thị xã lúng túng trong việc phê duyệt kế hoạch chi tiết đến tận các xã, nội dung, đối tượng thực hiện chính sách sau khi có Quyết định giao kế hoạch của UBND tỉnh.

Thứ ba, chính sách theo Nghị quyết 32/2016/NQ-HĐND, Quyết định 18/ 2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh là tổng hợp của nhiều chính sách nên đồng nghĩa hướng dẫn mỗi chính sách có quy trình thực hiện riêng, tương ứng mỗi cơ quan chủ trì xâu nối riêng. Điều này phần nào gây lúng túng trong việc triển khai thực hiện tại địa phương. Mặt khác, việc phân công nhiệm vụ phân nhiệm triển khai thực hiện các chính sách tại các địa phương chưa được chặt chẽ.

Thứ tư, trên mỗi lĩnh vực được đề cập trong mỗi chính sách còn có những tồn tại, hạn chế nhất định. Cụ thể là:

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp: Chính sách theo Nghị quyết 32/2016/NQ-HĐND là một chính sách mang tính chất tổng hợp, bao quát trên tất cả các lĩnh vực từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm... tuy nhiên tại phần chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế, đặc biệt khuyết các chính sách về lĩnh vực thuỷ sản, lâm nghiệp; điều này, phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển trong lĩnh vực thuỷ sản, lâm nghiệp, đặc biệt là trong khai thác thuỷ sản...

Lĩnh vực chính sách thương mại nông thôn: Do nguồn thu từ ngân sách tỉnh thấp nên nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh bố trí thấp hơn gấp 5 lần so với các năm trước đây (năm 2017 chỉ bố trí 6 tỷ đồng, năm 2018 bố trí 10 tỷ đồng). Mặt khác, nội dung hỗ trợ thu hẹp hơn nhiều so với Nghị quyết 53/2013/NQ-HĐ và Nghị quyết 91/2014/NQ-HĐ) và mức hỗ trợ thấp nhưng phải thực hiện các thủ tục, hồ sơ theo quy định của Luật Ngân sách nên các doanh nghiệp, đơn vị ít quan tâm đến chính sách. Đối với khuyến khích tiêu thụ sản phẩm sản xuất, chế biến trong tỉnh mà phạm vi điều chỉnh chỉ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là chưa hợp lý, trong khi các lĩnh vực khác cũng cần khuyến khích phát triển như công nghiệp, TTCN, xuất khẩu,...

Lĩnh vực chính sách hỗ trợ xi măng: Trong chính sách hỗ trợ làm đường GTNT và rãnh thoát nước về định mức ngân sách của tỉnh hỗ trợ xi măng còn thấp nên kết quả thực hiện của các địa phương chưa cao, nhất là đối với đường trục xã, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Kết quả thực hiện kiên cố hóa kênh mương của các địa phương hàng năm còn chưa cao; việc thực hiện kiên cố hóa kênh mương nội đồng có xu hướng giảm dần theo từng năm. Theo quy định của bộ tiêu chí nông thôn mới, việc đánh giá tiêu chí thủy lợi không còn nội dung đánh giá tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương, trong khi đó chi phí để kiên cố hóa 1km kênh mương tương đối lớn (khoảng 600-700 triệu/km), vì vậy các địa phương ưu tiên nguồn lực để thực hiện các nội dung tiêu chí khác.

Lĩnh vực chính sách hỗ trợ lãi suất: Tỷ lệ lãi suất được hỗ trợ thấp, thời hạn cho vay được hỗ trợ lãi suất ngắn (khống chế 12 tháng đối với vay trung hạn và 24 tháng đối với vay dài hạn, không cho vay ngắn hạn) nên không khuyến khích được người dân tham gia vay vốn hỗ trợ lãi suất.

Để chính sách đạt được kết quả cao, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung chính sách đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tình hình thực tiễn của tỉnh nhà trong giai đoạn 2019-2021. Chính sách hỗ trợ không dàn trải, chọn tập trung một số lĩnh vực, một số khâu ưu tiên, hướng tới hỗ trợ đầu ra, tạo động lực phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực gắn với thị trường tiêu thụ; ưu tiên bảo đảm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc; phát triển các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao; xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu về khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu.

Thứ hai, tiếp tục phối kết hợp với các cấp ngành và các địa phương tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, nhất là Nghị quyết 32/NQ-HĐND đến tận cán bộ, công chức của các tổ chức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân và doanh nghiệp. Đây là giải pháp quan trọng, cần phải được thúc đẩy, triển khai một cách đồng bộ hơn trong thời gian tới, đặc biệt ở cấp cơ sở phải thực sự vào cuộc, nhiệt huyết thì người dân mới có thể tiếp cận được với chính sách.

Thứ ba, tập trung cải cách hành chính theo hướng giảm thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian, đảm bảo thông thoáng nhưng đúng quy định để các chủ thể sản xuất, kinh doanh dễ dàng tiếp cận chính sách, huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển sản phẩm hàng hoá nông nghiệp chủ lực.

Thứ tư, hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị triển khai thực hiện, nghiệm thu chính sách kịp thời, đảm bảo đúng quy định. Chú trọng hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch dự toán sát đúng với thực tiễn sản xuất để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao.

Với những giải pháp được triển khai một cách đồng bộ, chúng ta tin tưởng rằng, kết quả sẽ đạt được hết sức khả quan và thời gian tới nền nông nghiệp tỉnh nhà sẽ phát triển một cách toàn diện, nông thôn mới hiện đại, bền vững.

Thu Thủy

    Ý kiến bạn đọc