Nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở
EmailPrintAa
17:23 07/02/2023

Cổng Thông tin điện tử Đại biểu Nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục trích đăng kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 01/01/2020 -31/12/2022; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng từ ngày 01/01/2018 - 31/12/2022 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Bài 4: Nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở
Đại biểu tham dự giám sát chuyên đề tại huyện Cẩm Xuyên

Thời gian qua, nhiều chính sách, đề án của Trung ương và địa phương đã được ban hành nhằm đổi mới công tác KCB, giảm tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở. Kết quả thực hiện các chương trình y tế trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân tăng qua các năm; tỷ lệ chuyển tuyến từng bước giảm; nhiều dịch vụ kỹ thuật của tuyến trên được áp dụng tại tuyến cơ sở đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ KCB cho Nhân dân...

Kịp thời ban hành cơ chế, chính sách cho y tế cơ sở

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 03/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân đến năm 2015 và những năm tiếp theo; Kết luận số 38-KL/TU, ngày 28/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành 02 nghị quyết về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực y tế (Nghị quyết số 144/2015/NQ-HĐND ngày 17/7/2015 và số 71/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022). Nhờ đó, đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tạo, nâng cấp cơ sở y tế, làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân, đội ngũ bác sĩ được tăng cường số lượng và đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn sâu.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Đường Công Lự: Đề nghị UBND huyện khẩn trương giải phóng mặt bằng để xây dựng bệnh viện đa khoa huyện; đãi ngộ thêm cho bác sỹ trên địa bàn.

Thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17/2018/QĐ-UBND ngày 16/5/2018 về việc về việc bổ sung Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh; trong đó bổ sung nội dung tỷ lệ người dân được lập hồ sơ sức khoẻ điện tử (HSSKĐT) đạt chất lượng vào Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và đưa nội dung khám tạo lập HSSKĐT vào chương trình hoạt động của Ban Chỉ đạo nông thôn mới tỉnh hàng tháng. Với chính sách này, Hà Tĩnh trở thành đơn vị điển hình trong toàn quốc về triển khai tạo lập HSSKĐT của người dân.

Củng cố hệ thống y tế cơ sở

Hệ thống y tế cơ sở được củng cố, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Các BVĐK/TTYT huyện (loại hình có giường bệnh) thực hiện tốt công tác KCB, triển khai được nhiều kỹ thuật tuyến trên; các TYT xã làm tốt chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB, thanh toán BHYT, phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm và hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Hệ thống tổ chức mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh hiện nay gồm: 07/13 đơn vị cấp huyệnthực hiện mô hình TTYT đa chức năng thực hiện nhiệm vụ KCB, dân số - kế hoạch hóa gia đình và y tế dự phòng - là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện, trong đó có 05 TTYT khi thực hiện sắp xếp bao gồm cả BVĐK hạng II và 02 đơn vị có BVĐK hạng III.

Đồng chí Thái Văn Sinh, Phó Trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh: Quan tâm đối tượng phòng, chống dịch; thống nhất quy định về y tế học đường; mô hình trung tâm y tế cấp huyện

Và 06/13 đơn vị cấp huyện (Gồm: Thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, các huyện: Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Đức Thọ, Hương Khê) thực hiện mô hình TTYT thực hiện nhiệm vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình và y tế dự phòng, 06 đơn vị cấp huyện này có 06 BVĐK hạng II - là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế.

Tuyến xã gồm 216 TYT thuộc TTYT do UBND cấp huyện quản lý. Mạng lưới 1.937 nhân viên y tế thôn xóm được phủ kín trên địa bàn.

Thời gian qua, việc thí điểm mô hình TTYT tuyến huyện đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước, chỉ đạo về chuyên môn trong các lĩnh vực thuộc ngành y tế; trang thiết bị, cơ sở hạ tầng được tập trung về một mối nên phát huy được công suất sử dụng, tránh lãng phí, giảm nhu cầu đầu tư so với trước. Góp phần giải quyết sự chồng chéo trong nhiệm vụ, giảm các đầu mối và thủ tục hành chính, đảm bảo việc quản lý về lĩnh vực y tế tuyến cơ sở được đồng bộ, thống nhất, thông suốt từ cấp huyện đến cấp xã. Cùng với đó tạo sự phối hợp nhịp nhàng, bổ trợ nhau giữa lĩnh vực y tế dự phòng và điều trị; tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong việc chủ động, linh hoạt, bố trí nhân lực và vật lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng thời điểm.

Công tác điều động, bố trí nhân lực, tăng cường hỗ trợ công tác chuyên môn thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn cho y tế cơ sở; công tác dân số truyền thông và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được thực hiện tốt hơn. Công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật được triển khai liên tục, hiệu quả tại các TTYT và các TYT xã, phường, thị trấn.

Các cơ sở KCB trên toàn tỉnh tăng cường phát triển chất lượng bệnh viện, nâng cao chất lượng phục vụ, giao tiếp, ứng xử đáp ứng tạo sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế. Các chỉ số hài lòng của các cơ sở KCB tại Hà Tĩnh đều đạt tỷ lệ trên 80%, cao hơn mức trung bình các cơ sở KCB trên toàn quốc của Bộ Y tế.

Công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19 đã huy động được sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị ở địa phương góp phần vào thành công trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các TTYT tuyến huyện đều tích cực tập trung tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc phát triển chất lượng của các TTYT trong công tác y tế dự phòng và dân số đều đạt kết quả tốt.

ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Đề nghị Tổng hợp các kiến nghị trong giám sát chuyên đề liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh để đề xuất sửa đổi luật tại kỳ họp bất thường lần thứ 2

Hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm thuận lợi, kịp thời và hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; công tác truyền thông tích cực, chủ động, rộng rãi đến các đối tượng cụ thể; chế độ thông tin báo cáo được duy trì thường xuyên, chất lượng và kịp thời.

Tăng cường nhân lực y tế tại y tế cơ sở

Tổng số cán bộ y tế y tế cơ sở tuyến huyện, xã là 3.789, trong đó có 775 bác sĩ (tuyến huyện 592 bác sĩ, tuyến xã 183 bác sĩ). Mạng lưới 1.937 nhân viên y tế thôn xóm được phủ kín trên địa bàn các xã, phường, thị trấn.

Việc tuyển dụng, thu hút đội ngũ bác sĩ chính quy, dài hạn về công tác tại các đơn vị y tế cơ sở được quan tâm. Với chính sách thu hút và hỗ trợ đào tạo sau đại học của tỉnh nên hàng năm các BVĐK tuyến huyện đã thu hút được bác sĩ về làm việc.

HĐND tỉnh đã ban hành các chính sách ưu đãi cho cán bộ y tế đầy đủ, kịp thời, đúng quy định như hỗ trợ đối với lĩnh vực Y tế dự phòng theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Ngoài ra HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 144/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết số 71/2022/NQ-HĐND quy định chế độ ưu đãi đối với bác sĩ công tác lĩnh vực y tế cơ sở.

Trong giai đoạn 2016 - 2021 đã cử 96 lượt người hành nghề luân phiên từ tuyến tỉnh về hỗ trợ cho tuyến huyện và 534 lượt người hành nghề luân phiên từ tuyến huyện về hỗ trợ cho tuyến xã. Ngoài ra Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tuyến huyện cử bác sĩ lên tuyến tỉnh đào tạo chuyển giao kỹ thuật bằng nguồn ngân sách sự nghiệp ngành y tế.

Cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở cơ bản đảm bảo

Từ khi triển khai thực hiện, diện bao phủ BHYT tại Hà Tĩnh ngày càng được mở rộng, chăm sóc sức khỏe cho người dân bằng các dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 92% dân số có thẻ BHYT và ước lượng trong năm 2022 có hơn 1 triệu lượt người được KCB BHYT. Về thực hiện giá dịch vụ KCB được đảm bảo theo quy định, hướng dẫn của liên Bộ Y tế - Tài chính.

Trong giai đoạn 2020-2022, 10 đơn vị có nguồn thu tự đảm bảo được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên (nhóm II); 05 đơn vị có nguồn thu tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động thường xuyên (nhóm III).

Phần lớn các đơn vị có mức độ tự chủ giảm so với mức độ tự chủ được giao do tác động của dịch Covid-19, đặc biệt là Bệnh viện Phổi - đơn vị được sử dụng để thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, một số đơn vị mức độ tự chủ có tăng do tích cực tăng thu, tiết kiệm chi và công tác KCB không bị tác động nhiều bởi Covid-19 hoặc do phát sinh hoạt động thu dịch vụ xét nghiệm Covid-19. Năm 2022, tình hình tự chủ của các đơn vị nhìn chung có tăng do dịch Covid-19 giảm tác động, hoạt động KCB cơ bản trở lại bình thường. Tuy nhiên, mức tăng không đáng kể; 03 đơn vị đã được phân loại tự chủ nhóm II vẫn không đảm bảo tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên.

Triển khai công tác KCB BHYT đã giúp đơn vị tăng cường nguồn thu, giảm bớt sự phụ thuộc vào NSNN chi cho hoạt động thường xuyên của đơn vị. Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên đã giảm dần mức hỗ trợ từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp phù hợp với lộ trình tự chủ của các đơn vị. Hỗ trợ chi thường xuyên chỉ thực hiện đối với các đơn vị được phân loại là đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (nhóm III).

Tuy vậy, hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở vẫn bộc lộ không ít những bất cập, hạn chế

Việc thực hiện mô hình thí điểm TTYT tuyến huyện hiện đang có những vướng mắc do không có sự thống nhất giữa các quy định. Mô hình TTYT tuyến huyện chưa thống nhất trong toàn tỉnh, dẫn đến khó khăn trong công tác thống kê, báo cáo, quản lý chất lượng nguồn nhân lực, quản lý các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế - dân số…

Đồng chí Trần Đình Gia, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh về quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19

Bộ Y tế chưa có Thông tư hướng dẫn xếp hạng đối với mô hình TTYT cấp huyện đa chức năng nên khó khăn trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động làm việc tại TTYT cấp huyện. Chưa có quy định về cơ chế tài chính đối với mô hình TTYT đa chức năng.

Việc điều phối nhân lực giữa các đơn vị y tế trong tỉnh, giữa các địa phương để đảm bảo cân đối cơ cấu nguồn nhân lực và trong công tác phòng, chống dịch… gặp khó khăn. Lực lượng nhân viên y tế các đơn vị y tế ngoài công lập tham gia phòng, chống dịch Covid-19 còn ít.

Việc phát triển chất lượng bệnh viện: Các đơn vị duy trì kết quả và tăng điểm số trung bình ở mức thấp, không có đơn vị phát triển vượt bậc và không có sự thay đổi lớn về chất lượng bệnh viện.

Nguồn kinh phí các địa phương cấp cho hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu cho các hoạt động.

Chưa có văn bản thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ đưa vào giá dịch vụ y tế đối với các chi phí chưa được kết cấu vào giá dịch vụ (như chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định...) và có cơ chế tài chính phù hợp trong việc cấp bù ngân sách đối với các khoản chi phí chưa được kết cấu vào giá dịch vụ theo lộ trình, tạo điều kiện cho cho các bệnh viện nâng cao mức độ tự chủ.

Cơ chế thanh quyết toán chi phí KCB BHYT còn nhiều bất cập. Đến nay, ngành y tế Hà Tĩnh còn hơn 400 tỷ đồng chi phí KCB BHYT phát sinh từ năm 2021 trở về trước chưa được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh, quyết toán, dẫn tới các bệnh viện/TTYT không đảm bảo nguồn để thanh toán các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi phí tiền lương cho cán bộ và tiền thuốc, vật tư, hóa chất của các nhà cung ứng.

Chế độ phụ cấp đối với công chức, viên chức y tế cơ sở còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, khối lượng công việc được giao, nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, áp lực công việc cao. Không có phụ cấp thâm niên ngành y đối với viên chức công tác lâu năm trong ngành y tế. Chế độ phụ cấp thường trực 24h (gồm tiền trực, tiền ăn) theo mức bình quân người/phiên trực đối với cán bộ y tế còn thấp.

Năm 2020, 2021, công tác mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ hoạt động chuyên môn từ các nguồn sự nghiệp y tế và các đề án chính sách y tế thực hiện không kịp thời, nguồn kinh phí bị hủy, các đơn vị không được cung cấp trang thiết bị như đã đăng ký nhu cầu.

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến nhiều thuốc mặc dù trúng thầu, còn số lượng nhưng nhà thầu cung ứng nhỏ giọt trong lúc nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao. Đấu thầu tập trung cấp quốc gia đã có kết quả một số mặt hàng tuy nhiên nhiều mặt hàng nhà thầu chưa có cung ứng .Việc đơn vị tự mua sắm thuốc là rất khó khăn. Ngoài ra đơn vị tự mua thì giá sẽ cao hơn nhiều so với đấu thầu tập trung quốc gia và đàm phán giá nên vấn đề hậu kiểm rất phức tạp. Quy trình tự mua sắm cũng rất phức tạp, mất rất nhiều thời gian, một số mặt hàng khi đơn vị tổ chức đấu thầu nhưng các nhà thầu không tham gia.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc