Hai mươi lăm năm một chặng đường
EmailPrintAa
14:28 24/09/2018

Thời gian trôi nhanh với biết bao những sự diễn tiến thật là chóng vánh. Từ ngày có Văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND) và Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐĐBQH) đến nay, mới hai mươi lăm năm nhìn lại mà đổi thay cũng thật sự đã nhiều.

Nhiệm kỳ 1989 - 1994 là nhiệm kỳ đầu tiên Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện có cơ quan thường trực, Hội đồng nhân dân cấp xã có Trưởng ban thư ký. Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ này được bầu vào ngày 10 - 12 - 1989, khi còn tỉnh chung Nghệ Tĩnh.

Năm 1991, khi Nghệ Tĩnh được chia thành hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khi mới chia tách có 38 vị. Kỳ họp đầu tiên của HĐND tỉnh (sau tái lập) vào ngày 29, 30 - 8 - 1991, tại trú sở UBND tỉnh. Tại kỳ họp này HĐND đã bầu thường trực HĐND, UBND, các ban của HĐND... Thường trực HĐND tỉnh khóa đầu sau chia tỉnh gồm ba vị: Chủ tịch: Ông Trần Quốc Thại; Phó Chủ tịch: Ông Nguyễn Khắc Táo; Ủy viên Thư ký: Ông Lê Văn Tùng (sau này gọi là Ủy viên Thường trực).

Hội thảo khoa học nâng cao chất lượng hoạt động HĐND cấp xã năm 2001

Tuy HĐND tỉnh đã có cơ quan Thường trực riêng nhưng vẫn làm việc chung trong Văn phòng UBND tỉnh. Bộ phận chuyên trách công tác HĐND trong Văn phòng UBND lúc đó có ông Nguyễn Khắc Táo, ông Lê Văn Tùng, ông Trần Công Hường (thư ký đoàn ĐBQH, nay đã từ trần), ông Phan Thanh Hoài (sau chuyển sang Toà án nhân dân tỉnh), tiếp đó lần lượt có thêm ông Trần Hải, ông Phan Xuân Trọng, cô Phạm Thị Hà, ông Trương Công Bảng, ông Đinh Văn Phú...

Chỉ sau chưa đầy một năm hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy rất cần thiết phải có một văn phòng riêng phục vụ các hoạt động của Thường trực HĐND, tạo điều kiện để HĐND và các đại biểu HĐND hoàn thành tốt trọng trách của mình. Được biết một số tỉnh đã có Văn phòng HĐND hoặc Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH như Thanh Hoá, Hoà Bình, Quảng Ngãi, An Giang... Thường trực HĐND tỉnh đã phân công ông Nguyễn Khắc Táo, ông Lê Văn Tùng  đi nghiên cứu học tập các mô hình đó tại các tỉnh bạn và tìm hiểu qua nhận xét, đánh giá của Văn phòng Quốc hội.

Ngày 01-8-1993, Thường trực HĐND và Trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh đã họp nghe báo cáo kết quả đi nghiên cứu mô hình các tỉnh và thảo luận nhất trí thành lập Văn phòng HĐND và ĐĐBQH tỉnh.

Ngày 18-8-1993, Thường trực HĐND tỉnh có công văn số 93-CV/HĐ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Tỉnh uỷ đề nghị cho thành lập Văn phòng HĐND và ĐĐBQH Hà Tĩnh.

Ngày 21 - 8 - 1993, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có công văn số 74 đồng ý với Thường trực HĐND Hà Tĩnh về việc thành lập Văn phòng HĐND và ĐĐBQH tỉnh Hà Tĩnh.

Được sự đồng ý của UBTVQH và Thường trực Tỉnh uỷ, ngày 24 - 9 - 1993, Thường trực HĐND tỉnh ra quyết định số 111/QĐ-HĐND thành lập Văn phòng HĐND và ĐĐBQH Hà Tĩnh. (Tên gọi hồi ấy là Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Đoàn Đại biểu Quốc hội). Tại điều 1 quyết định này có ghi rõ: “Nay thành lập Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh. Văn phòng là cơ quan giúp việc cho Thường trực HĐND và ĐĐBQH tỉnh, có trụ sở, có con dấu và tài khoản riêng”.

Ngày 11 - 10 - 1993, Thường trực HĐND tỉnh có quyết định số 120/QĐ-HĐND, phân công thường trực phụ trách công tác văn phòng. Tại điều 1 quyết định này có ghi rõ: “Nay phân công đồng chí Lê Văn Tùng, Thường trực HĐND tỉnh kiêm chức Chánh Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH”. Tuy đã thành một cơ quan riêng nhưng Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH vẫn làm việc trong trụ sở UBND, tổ chức Đảng và các đoàn thể đều sinh hoạt chung trong Văn phòng UBND tỉnh.

Sau ngày tái lập tỉnh, Đảng bộ UBND tỉnh (trong đó có cả HĐND) có 36 đảng viên. Đảng uỷ lâm thời gồm ba đồng chí. Đồng chí Nguyễn Khắc Táo là Bí thư; các đồng chí Trịnh Bình, Lê Thị Thú là Ủy viên chấp hành.

Ngày 17 - 12 - 1991, Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất đã chính thức bầu Ban chấp hành mới gồm các đồng chí: Bí thư Đảng bộ: Lê Văn Tùng; Phó Bí thư: Đoàn Đình Gia; Ủy viên chấp hành: Trịnh Bình, Lê Thị Thú.

Sau khi Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH đã đi vào hoạt động có nền nếp, ngày 12 tháng 3 năm 1994, Ban chấp hành Đảng bộ thống nhất lập biên bản đề nghị Đảng uỷ khối cơ quan Dân chính đảng cấp tỉnh cho chia tách Đảng bộ thành hai đơn vị cơ sở: Đảng bộ UBND và Chi bộ HĐND tỉnh.

Ngày 17 - 3 - 1994, Đảng uỷ cơ quan Dân chính đảng cấp tỉnh có quyết định số 03-QĐ/ĐU về việc thành lập Chi bộ cơ quan HĐND tỉnh Hà Tĩnh, trực thuộc Đảng uỷ cơ quan Dân chính đảng cấp tỉnh.

Ngày 19 - 3 - 1994, Đại hội Đảng bộ cơ quan UBND tỉnh. Đây vừa là Đại hội nhiệm kỳ vừa là Đại hội chia tách Đảng bộ thành hai đơn vị cơ sở.

Tại Đại hội này sau khi hoàn tất các phần chung, làm xong các thủ tục chia tách, hai đơn vị đã họp riêng bầu ban chấp hành của mỗi đơn vị. Ban chấp hành chi bộ HĐND nhiệm kỳ đầu tiên này gồm ba đồng chí: Bí thư là đồng chí Lê Văn Tùng, hai uỷ viên chấp hành là đồng chí Trương Công Bảng và đồng chí Trần Hải.

Cùng với việc làm các thủ tục thành lập Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh, trong thời gian ấy Thường trực HĐND cũng đồng thời cho xúc tiến việc xây dựng nhà làm việc của HĐND và nơi tiếp dân của HĐND và Đoàn ĐBQH.

Tỉnh mới chia tách, nguồn ngân sách quá eo hẹp (năm đầu chia tỉnh tổng thu ngân sách cả năm chỉ được 18 tỷ đồng), lấy tiền đâu làm trụ sở. Còn nhớ những ngày tôi và anh Nguyễn Khắc Táo đi gõ cửa các cơ quan Trung ương để tìm kiếm sự ủng hộ và giúp đỡ, một đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội (phụ trách ngân sách) đã ghi vào tờ trình của ta những câu rất cảm động: “Chuyển anh Hồ Tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Hiện nay chúng ta chưa chủ trương làm loại công trình này, nhưng Hà Tĩnh mới chia ra, không có chỗ để tiếp dân thì khổ. Anh nghiên cứu giải quyết giúp tỉnh”.

Sau khi nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự đồng ý cấp vốn của Bộ Tài chính, các bước tìm địa điểm, đền bù giải phóng mặt bằng, thiết kế, thi công... được tiến hành một cách nhanh chóng nhưng rất chu đáo và thận trọng. Trú sở HĐND tỉnh cũng là công trình được xây dựng bằng hình thức đấu thầu đầu tiên của Hà Tĩnh.

Tháng tư năm 1994, cơ quan Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH đã về làm việc tại trụ sở mới, một cơ sở khá đường bệ và khang trang (sau này là trụ sở MTTQ tỉnh, nay là ngân hàng).

Từ tháng 9 năm 1991 đến tháng tư năm 1994, chỉ với khoảng thời gian hai năm rưỡi ấy, trong bộn bề công việc của những ngày đầu tái lập tỉnh, một loạt công việc lớn đã được hoàn thành một cách thận trọng kịp thời mà thành quả của nó sau này cứ mỗi ngày càng được phát huy tốt đẹp hơn lên.

Cố nhân thường nói “Vạn sự khởi đầu nan”; nhưng “cái thuở ban đầu” ấy tuy khó khăn chồng chất, nhưng vẫn nhiều những kỷ niệm vui, vẫn để lại trong chúng ta những dấu ấn, những mốc thời gian không dễ phai mờ.

Một phần tư thế kỷ qua, chỉ nói riêng về mặt tổ chức thì Văn phòng HĐND cũng đã trải qua biết bao lần thay đổi:

Từ tháng 9 năm 1993 đến tháng 01 năm 2005 văn phòng là cơ quan giúp việc  chung cho cả HĐND và ĐĐBQH và có tên gọi là Văn phòng HĐND và ĐĐBQH tỉnh.

Từ 15 tháng 01 năm 2005 đến 01 tháng 4 năm 2008 thực hiện Nghị quyết 416-NQ/UBTVQH11, Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH được chia tách thành hai Văn phòng và Văn phòng HĐND và Văn phòng ĐĐBQH.

Từ 01 tháng 4 năm 2008 đến đầu năm 2016 thực hiện Nghị quyết số 545/2007- NQ/UBTVQH 12 Văn phòng ĐĐBQH lại sáp nhập vào Văn phòng HĐND và có tên gọi mới là Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh.

Từ năm 2016 thực hiện Nghị quyết 1097/2015/UBTVQH13 ngày 22/12/ 2015, Văn phòng ĐĐBQH và HĐND lại một lần nữa chia thách thành hai văn phòng riêng: Văn phòng HĐND và Văn phòng ĐĐBQH tỉnh. Và được biết tới đây còn có thể có sự sáp nhập lớn hơn nữa.

Tuy mô hình tổ chức có những diễn biến thay đổi, nhưng hiệu quả hoạt động của Văn phòng HĐND thì vẫn cứ mỗi ngày một tốt hơn lên. Những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước  đã dành tặng cho Văn phòng HĐND tỉnh (hoặc Văn phòng HĐND và ĐĐBQH tỉnh) đã chứng minh điều đó: Năm 2005 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; năm 2012 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2018 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Ngoài ra còn nhiều bằng khen và cờ thi đua xuất sắc hàng năm được trao tặng.

Chúng ta tin tưởng rằng với trình độ càn bộ, công nhân viên Văn phòng ngày càng cao hơn, nhận thức và kỹ năng làm việc ngày càng tốt hơn, kinh nghiệm đúc kết được ngày càng dày dặn hơn, phương tiện làm việc ngày càng hiện đại hơn, Văn phòng HĐND tỉnh sẽ luôn luôn xứng đáng là “bộ nhớ” và “bộ xử lý” đắc lực giúp cho Thường trực và cho Hội đồng nhân dân tỉnh nhà ngày càng phát huy hiệu lực cao hơn, hoạt động ngày càng có hiệu quả tốt hơn.


    Ý kiến bạn đọc