Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII
EmailPrintAa
11:06 05/10/2022

Đề nghị tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xử lý việc chủ đầu tư các dự án trên tuyến Quốc lộ 1A không xây dựng đường gom đấu nối theo như cam kết mà thực hiện đấu nối trực tiếp ra quốc lộ gây mất an toàn giao thông (Cử tri huyện Thạch Hà).

Trả lời:

Tuyến QL1 đoạn tránh TP Hà Tĩnh dài khoảng 16,4km, trong đó qua địa bàn huyện Thạch Hà khoảng 12,4km, qua địa bàn thành phố Hà Tĩnh khoảng 2,0km, qua địa bàn huyện Cẩm Xuyên khoảng 2,0km; tuyến này do Tổng cục Đường bộ Việt Nam (trực tiếp Cục Quản lý đường bộ II) quản lý.

Liên quan đến thực trạng đấu nối vào QL1 đoạn tránh TP Hà Tĩnh, năm 2019 Sở GTVT và Cục Quản lý đường bộ II đã tổ chức kiểm tra, rà soát tổng thể; theo đó Cục Quản lý đường bộ II đã có Báo cáo số 510/BC-ĐKT ngày 06/12/2019 và Kết luận số 1921/KLKT-CQLĐBII ngày 10/12/2019, Sở GTVT có Văn bản số 3957/SGTVT-KH 1 ngày 27/12/2019. Hai bên đường tránh trên toàn tuyến có 36 dự án đầu tư kinh doanh được chấp thuận (trong đó UBND tỉnh chấp thuận 31 dự án, UBND huyện Thạch Hà chấp thuận 05 dự án). Qua rà soát trên toàn tuyến có 16 vị trí đấu nối có quy hoạch đấu nối (bao gồm cả đấu nối đường vào dự án kinh doanh và đường nhánh là đường tỉnh, đường huyện, đường xã), 02 vị trí đấu nối tạm (đã hết thời hạn đấu nối tạm nhưng chưa xóa bỏ) và 21 vị trí đấu nối bất hợp pháp chưa có trong quy hoạch đấu nối ngoài ra một số vị trí đấu nối đơn lẻ của các hộ kinh doanh tự phát trên tuyến. Đối với các vị trí đấu nối trái phép của các doanh nghiệp khi chấp thuận chủ trương đầu tư và quy hoạch chi tiết sử dụng đất đều thể hiện đấu nối thông qua hệ thống đường gom hai bên tuyến tránh; tuy nhiên thực tế hệ thống đường gom chưa được xây dựng, dẫn đến thực trạng đấu nối trái phép của các doanh nghiệp đến nay chưa được xử lý dứt điểm.

Theo khoản 3 Điều 26 Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ [1] ;  điểm a, b khoản 3 Điều 31 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ GTVT về hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định 11/2010/NĐ-CP [2] , việc lập quy hoạch và xây dựng đường gom là kết hợp cả Nhà nước và Doanh nghiệp cùng làm, trong đó phần đường gom đi qua trước phạm vi khu đất cấp cho Doanh nghiệp thì Doanh nghiệp bỏ kinh phí, phần đường gom ngoài phạm vi đất doanh nghiệp thì cơ quan nhà nước có phương án xây dựng để kết nối giao thông theo quy định.

Trước mắt khi chưa xây dựng đường gom, tỉnh chưa chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án không có quy hoạch đấu nối. Về lâu dài, để phát huy hiệu quả sử dụng đất hai bên tuyến tránh và đảm bảo ATGT, UBND tỉnh sẽ giao cơ quan chuyên môn rà soát, tham mưu bố trí kinh phí để thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống đường gom hai bên tuyến tránh.


[1] quy định trách nhiệm chủ đầu tư, chủ dự án trong xây dựng đường gom: “ Dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại dịch vụ và các công trình khác phải xây dựng theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có hệ thống đường gom nằm ngoài phạm vi đất dành cho đường bộ. Chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống đường gom, không được sử dụng đất dành cho đường bộ để làm công trình phụ trợ, đường đấu nối; trường hợp cần phải sử dụng đất dành cho đường bộ để làm đường đấu nối vào quốc lộ thì phải thực hiện đúng vị trí điểm đấu nối trong quy hoạch đấu nối của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải theo quy định tại Điều 29 Nghị định này

[2] quy định trách nhiệm của UBND tỉnh: “ Thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc giao đất, cho thuê đất, cấp chứng chỉ quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng dọc hai bên đường bộ; Đầu tư xây dựng hệ thống đường gom (nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ) dọc hai bên quốc lộ theo quy hoạch các điểm đấu nối đã phê duyệt; ngăn chặn và chấm dứt tình trạng đấu nối trực tiếp vào quốc lộ ”.

BBT

    Ý kiến bạn đọc