Trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh khoá XVII (Cử tri toàn tỉnh).
EmailPrintAa
10:54 06/08/2018

Câu hỏi 13.Thời gian qua, một số trang mạng xã hội lan truyền những thông tin xuyên tạc nhằm gây rối trật tự an toàn xã hội, gây hoang mang, lo lắng trong Nhân dân. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí tuyên truyền tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích cho Nhân dân; đồng thời tiếp tục nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời các vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh 

Trả lời:

Hiện nay, cả nước có 363 trang mạng xã hội do tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động, chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Các trang này cơ bản đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành. Với mạng xã hội do tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam thì Facebook, Google và Youtube là phổ biến nhất.

Vấn đề thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội đang được hầu hết các cơ quan, bộ, ngành chức năng quan tâm. Việc triển khai các giải pháp kiểm soát, hạn chế các thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội đã được Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện bằng một số giải pháp mang tính chất pháp lý như ban hành Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới và can thiệp về mặt kỹ thuật, yêu cầu doanh nghiệp gỡ bỏ các thông tin xấu, độc trên môi trường mạng xã hội[1]. Mặt khác, đối với các tài khoản tung thông tin xấu độc, bịa đặt sai sự thật làm ảnh hưởng đến dư luận và tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội thì được điều chỉnh bằng Luật Hình sự, Luật Dân sự, Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Việc yêu cầu các trang mạng gỡ bỏ các thông tin xấu, độc hại trên các trang mạng xã hội cần sự vào cuộc, phối hợp, giúp đỡ của Bộ Thông tin và Truyền thông vì hầu hết các trang mạng xã hội có lượng người dùng nhiều nhất hiện nay như Facebook, Google, Youtube đều của doanh nghiệp ở nước ngoài, máy chủ và hạ tầng đều được đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Để hạn chế các thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội trong UBND tỉnh sẽ xem xét chỉ đạo:

- Các sở, ngành, địa phương:

+ Xây dựng môi trường minh bạch hóa thông tin từ cấp tỉnh đến cơ sở; tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện tốt quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, tăng cường trao đổi,cung cấp thông tin cho báo chí bằng các hình thức như: Tổ chức họp báo, ra thông cáo báo chí, cung cấp thông tin tại Hội nghị giao ban báo chí định kỳđối với các sự kiện lớn, các vụ việc diễn ra thuộc trách nhiệm của địa phương, đơn vị; cung cấp các thông tin, hoạt động chỉ đạo điều hành của chính quyền, cơ quan trên Cổng thông tin điện tử của huyện, sở, ngànhđể các báo có thông tin chính thống cung cấp cho bạn đọc và nhân dân nhằm phân biệt và loại bỏ thông tin xấu độc, góp phần hạn chế các thông tin trái chiều, thông tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội.

+ Tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên, người lao động nhận thức được vai trò to lớn của mạng xã hội, đồng thời làm rõ những thông tin đa dạng, để mọi người sử dụng mạng xã hội, tiếp cận, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội một cách có chọn lọc; không chia sẻ các thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật, thiếu căn cứ của các trang mạng xã hội; tăng cường chia sẻ các thông tin tích cực từ các cơ quan báo chí, các fanpage của cơ quan Đảng, Nhà nước, trang mạng xã hội của các cá nhân tích cực đấu tranh với các thế lực thù địch.

- Chỉ đạo Sở Thông tin truyền thông:

+ Chủ động và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan trong công tác quản lý nhà nước về báo điện tử, các trang thông tin điện tử tổng hợp và một số diễn đàn trên mạng có liên quan.

+ Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet và mạng xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trên Internet và mạng xã hội.

+ Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng về các quy định của pháp luật có liên quan nội dung thông tin trên mạng.

+ Nghiên cứu phương án xây dựng công cụ quản lý, thu thập, phòng ngừa và cảnh báo; công cụ đánh giá truy cập website để làm căn cứ thực hiện các chính sách quản lý nhà nước về thông tin trên Internet. Qua đó, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng tìm kiếm, ngăn chặn, xử lý các cá nhân có hành vi đăng tải thông tin xấu, độc lên mạng xã hội theo quy định của pháp luật.

+ Phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan chức năng phân loại cụ thể các nhóm đối tượng có tiềm ẩn các nguy cơ để tổ chức giám sát và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh phù hợp với các nhóm đối tượng sử dụng các trang mạng xã hội với mục đích chống phá.

+ Phối hợp cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc phát hiện, báo cáo và xử lý vi phạm đối với các trang mạng xã hội, các đối tượng người dùng mạng xã hội vi phạm các quy định của pháp luật.



[1] Tính đến hết tháng 6/2018, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 6.700/7.800 video clip khỏi YouTube, trong đó có gần 300 video clip liên quan đến Formosa và các tỉnh miền Trung với nội dung phản động, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước. 6 kênh YouTube đã bị chặn hoàn toàn. Facebook đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 1.000/5.500 đường link có nội dung vi phạm pháp luật; gỡ bỏ 107 tài khoản giả mạo, 137 tài khoản nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, và một số link liên quan đến Formosa, miền Trung, cũng như các hoạt động của giáo dân quá khích. Hiện nay, Bộ TT&TT đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trao đổi, làm việc với đại diện của Facebook, Google tại Việt Nam yêu cầu giải quyết các đề nghị của Bộ trong việc ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội một cách hiệu quả hơn, tăng cường hợp tác trong vấn đề an toàn, an ninh thông.


    Ý kiến bạn đọc