Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII
EmailPrintAa
16:30 11/10/2023

Câu hỏi 10. Tiềm năng về phát triển du lịch trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên là rất lớn, tuy nhiên kết quả đạt được còn hạn chế. Đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn (Cử tri huyện Cẩm Xuyên).

Trả lời:

- Cẩm Xuyên là miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, quê hương của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập và nhiều lam thắng cảnh. Tiềm năng về phát triển du lịch trên địa bàn huyện Cẩm xuyên là rất lớn, đặc biệt trong đó có Khu du lịch biển Thiên Cầm và Khu bảo tồn thiên nhiên Hồ Kẻ Gỗ. Trong thời gian qua, UBND tỉnh và các ngành đã rất quan tâm và tập trung xúc tiến đầu tư vào Khu du lịch Thiên Cầm và khu Bảo tồn thiên nhiên Hồ Kẻ Gỗ, cụ thể như: giới thiệu quảng bá trên các ấn phẩm quảng bá xúc tiến về du lịch của tỉnh tại các hội nghị, hội thaỏ, hội chợ trong và ngoài nước về du lịch; đưa Khu du lịch Thiên Cầm, Khu bảo tồn thiên nhiên Hồ Kẻ Gỗ là một trong 10 dự án, địa điểm ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển du lịch tại Hội nghị kết nối đầu tư phát triển du Hà Tĩnh và hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư của tỉnh; mời Tổng công ty Du lịch Saigontourist, là đơn vị hàng đầu về phát triển du lịch Việt Nam vào khảo sát đầu tư tại khu du lịch Thiên Cầm, Khu bảo tồn thiên nhiên hồ Kẻ Gỗ, Tập đoàn SunGroup vào nghiên cứu khảo sát ở khu vực Bắc Thiên Cầm và vùng Cẩm Dương,… Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư du lịch Hà Tĩnh nói chung cũng như huyện Cẩm Xuyên nói riêng còn gặp nhiều khó khăn do: Hà Tĩnh là vùng đất có vị trí địa lý và giao thông không thuận lợi (không có sân bay, ga tàu xa trung tâm tỉnh lỵ); Hà Tĩnh nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, các yếu tố thời tiết bất lợi như mưa bão, lũ lụt, hạn hán ... đã hạn chế đến các hoạt động du lịch, đặc biệt là đối với du lịch biển (một năm chỉ khai thác được 3- 4 tháng). Đây cũng chính là nguyên nhân gây nên tính thời vụ, hạn chế đến thời gian lưu trú, khả năng chi tiêu của khách, lãng phí nguồn nhân lực và cơ sở vật chất đầu tư cho du lịch. Bên cạnh đó, việc kêu gọi đầu tư vào Khu du lịch Thiên Cầm rất khó khăn, do quy hoạch, thiếu quỹ đất ven biển cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, thiếu nhà đầu tư chiến lược, vướng đất quốc phòng,… Khu bảo tồn thiên nhiên Hồ Kẻ Gỗ khó thu hút đầu tư do nguồn nước Hồ Kẻ Gỗ chủ yếu phục vụ sản xuất nên mực nước không ổn định, khó khai thác mặt nước để làm du lịch, nhất là mùa nắng nóng cũng là thời điểm phục vụ tưới cho sản xuất.

- Trong thời gian tới để đạt được kết quả tương xứng với tiềm năng du lịch huyện Cẩm Xuyên nói riêng cũng như du lịch Hà Tĩnh nói chung, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: tiếp tục rà soát, đánh giá, bổ sung quy hoạch các khu, vùng du lịch trọng tâm, trọng điểm; định hướng, tạo điều kiện khuyến khích phát huy các sản phẩm du lịch có lợi thế cạnh tranh. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đặc biệt là hạ tầng kết nối các khu điểm du lịch, trong đó có khu du lịch Thiên Cầm. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Giới thiệu điểm đến Khu du lịch Thiên Cầm, Hồ Kẻ Gỗ tại các chương trình, hội nghị, hội thảo và các chương trình famtrip, presstrip,… Tăng cường thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo động lực thúc đẩy xã hội hoá lĩnh vực du lịch, phát triển các cơ sở thương mại, dịch vụ. Trong đó, chú trọng kêu gọi đầu tư cơ sở lưu trú, khu thể thao, vui chơi giải trí ở khu Bắc Thiên Cầm, xây dựng du lịch sinh thái ở Hồ Kẻ Gỗ theo quy hoạch đã được phê duyệt. Chú trọng phát triển, khai thác thị trường khách du lịch, sản phẩm du lịch và các tuyến du lịch trọng điểm. Xây dựng tour tuyến kết nối các điểm đến du lịch Cẩm Xuyên với các điểm đến khác trong tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Chỉ đạo tập huấn nâng cao nghiệp vụ du lịch cho cán bộ, nhân viên phục du lịch tại các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh.

ĐN

    Ý kiến bạn đọc