6 luật chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022
EmailPrintAa
14:56 07/01/2022

Từ ngày 1/1/2022, 6 luật chính thức có hiệu lực thi hành với phạm vi điều chỉnh rộng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân. 6 luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, số 69/2020/QH14; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Bảo vệ môi trường và Luật Phòng, chống ma túy.

Quy định 03 nhóm đối tượng phải có Giấy phép môi trường

Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020. Luật này gồm 16 Chương, 171 Điều với các điểm mới quan trọng như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; Kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, cắt giảm thủ tục hành chính; Định chế nội dung sức khỏe môi trường, bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường; Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; Thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, phân cấp triệt để cho địa phương; Chế định cụ thể về kiểm toán môi trường lần đầu được quy định; Cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước; Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản; Tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-85 ngày.

Trong đó, theo Luật mới, nội dung về Giấy phép môi trường được quy định một cách chi tiết hơn từ Điều 39 đến Điều 49. Cụ thể, có 03 nhóm quy định thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường.

Ngoài ra, còn các vấn đề về: nội dung giấy phép môi trường; thẩm quyền cấp giấy phép; căn cứ và thời điểm cấp giấy phép; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép; cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền sử dụng, thu hồi giấy phép môi trường; quyền, nghĩa vụ của chủ dự án được cấp giấy phép môi trường; trách nhiệm của các cơ quan cấp giấy phép môi trường…

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Siết chặt quy định về xuất khẩu lao động

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020, trong đó có nhiều quy định mới rất đáng chú ý.

Luật gồm 8 Chương và 74 điều. So với Luật hiện hành, Luật có 31 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn.

Luật mới có nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam ở nước ngoài, điển hình là quy định cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định người đi xuất khẩu lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước đến làm việc, nếu hai nước đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Đáng chú ý, Luật nghiêm cấm việc thu tiền môi giới đi xuất khẩu lao động của người lao động.

Vi phạm lĩnh vực báo chí, mức phạt tối đa 250 triệu đồng

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020. Luật được thông qua đã đánh dấu một bước phát triển mới trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói riêng và hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm 3 điều. So với Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 có một số điểm mới nổi bật như:

Sửa đổi nguyên tắc xử phạt hành chính (khoản 2 Điều 1). Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng. (Hiện hành, vừa quy định nguyên tắc một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm (Điều 3) vừa quy định vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tăng nặng (Điều 10)).

Tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản, báo chí,... được quy định cụ thể tại khoản 10 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 (sửa đổi Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012), đơn cử như: Lĩnh vực giao thông đường bộ: mức phạt tối đa 75.000.000 đồng. (Hiện hành là 40.000.000 đồng); Đặc biệt Lĩnh vực báo chí: mức phạt tối đa 250.000.000 đồng. (Hiện hành là 100.000.000 đồng)

Bổ sung thêm nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như: Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.

Bổ sung nhiều lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính tại Điều 64 như: phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia và lĩnh vực khác do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra còn thay đổi đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn và biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng tại Điều 90, 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, đơn cử như: Biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn: Bãi bỏ đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng: Bổ sung đối tượng là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật Hình sự.

Đại biểu Trần Đình Gia tham gia thảo luận về Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân

Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10 ngày 11-11-2020, gồm 6 chương, 36 điều. Luật Biên phòng Việt Nam có phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Cụ thể, Luật này quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng; vị trí, chức năng của BĐBP; nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP.

Luật Biên phòng Việt Nam cũng đã đưa ra khái niệm của hai thuật ngữ quan trọng là "Nền biên phòng toàn dân" và "Thế trận biên phòng toàn dân".

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có liên quan đến ma túy, tiền chất

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 30/3/2021. Luật Phòng, chống ma túy gồm 8 chương 55 điều, quy định về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy. So với Luật hiện hành, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có một số điểm mới chủ yếu như sau:

Các quy định đã thể hiện rõ quan điểm về kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có liên quan đến ma túy, tiền chất (tại chương III) và quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép ma túy ngay từ lần phát hiện đầu tiên (tại chương IV).

Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy. Bổ sung quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan này (tại chương II).

Bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy. Bổ sung quy định các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác phân loại, quản lý đối tượng và việc áp dụng các biện pháp quản lý, cai nghiện phù hợp. Và bổ sung các quy định về cai nghiện ma túy.

Tạo cơ sở pháp lý trong thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 12/11/2020. Luật gồm 2 điều và 1 Phụ lục kèm theo.

So với Luật Thống kê năm 2015, Luật sửa đổi lần này đã sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17, điểm d, khoản 2 Điều 48 và thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13.

Về Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, đã sửa đổi, bổ sung từ 20 thành 21 nhóm và từ 222 chỉ tiêu thành 230 chỉ tiêu; bổ sung 10 chỉ tiêu, trong đó đã bổ sung một số chỉ tiêu phản ảnh về chất lượng; bỏ 04 chỉ tiêu và tách 02 chỉ tiêu thành các chỉ tiêu độc lập.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc