Công chức có nên tham gia hiệp hội?
Là đại biểu phát biểu đầu tiên tại Hội nghị chiều qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương cho biết, ông rất quan tâm đến dự án Luật này và đã đóng góp ý kiến ngay từ lần đầu tiên dự thảo Luật được trình UBTVQH Khóa XIII cho ý kiến. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự thảo Luật vẫn vướng ở ngay chính khái niệm về hội. Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, vẫn còn sự mù mờ, không minh định giữa hội và tổ chức phi chính phủ. Đọc dự thảo Luật thì thấy, trong tổ chức phi chính phủ có hội (các quỹ do cá nhân, tổ chức thành lập - PV) nhưng ngay trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật lại cho rằng, hội và tổ chức phi chính phủ là hai đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, cùng là tổ chức phi chính phủ nhưng nếu là tổ chức nước ngoài thì thuộc đối tượng áp dụng của Luật về Hội còn tổ chức phi chính phủ trong nước thì chỉ áp dụng với quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Việc không xác định rõ hội có phải là tổ chức phi chính phủ hay không sẽ dẫn đến việc không giải quyết được một vướng mắc lớn trong thực tế hiện nay, đó là tình trạng cán bộ, công chức quản lý nhà nước tham gia một cách thoải mái vào các hội. Dự thảo Luật này cũng chưa thấy đề cập gì đến vấn đề này. Cứ theo quy định của dự thảo Luật thì tình trạng quản lý cán bộ, công chức tham gia các hội sẽ còn lộn xộn thêm nữa. Nhấn mạnh điều này, ông Nguyễn Sỹ Cương cũng nêu rõ, cán bộ, công chức là người của Chính phủ lại tham gia hoạt động của các quỹ - các tổ chức phi chính phủ, thì sẽ ảnh hưởng ngay đến chất lượng thực thi công vụ của chính cán bộ đó. Giả dụ một ông cục trưởng quản lý về an toàn thực phẩm lại là thành viên, thậm chí tham gia ban lãnh đạo của hiệp hội sữa thì liệu có bảo đảm công vụ (kiểm tra, cấp phép, bảo đảm chất lượng sữa - PV) được thực thi một cách minh bạch, hiệu quả hay không? Với lý lẽ như vậy, ông Nguyễn Sỹ Cương đề nghị, luật này phải có quy định cấm cán bộ, công chức tham gia các hội ở chừng mực nào đó, không thể để tràn lan, khó kiểm soát như hiện nay.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Hội nghị | Ảnh: Quang Khánh |
Liên quan đến khái niệm về hội, hội có phải là tổ chức phi chính phủ hay không, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) cũng cho rằng, hình như vẫn có một sự ngần ngại nào đó khi đề cập đến tổ chức phi chính phủ. Thực tế, các nước trên thế giới đều quan niệm rất đơn giản, cứ tổ chức nào không phải do Nhà nước thành lập thì đó là tổ chức phi chính phủ. Khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu với thế giới như hiện nay, quốc tế cũng sẽ nhìn nhận các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp… là tổ chức phi chính phủ. Vậy tại sao, chúng ta không sử dụng khái niệm này để thuận tiện hơn cho quá trình hội nhập quốc tế? - Bà Trần Thị Quốc Khánh đặt vấn đề.
Đã dùng ngân sách là phải giải trình
Quy định “đối với các hội thành lập do nhu cầu của Đảng và Nhà nước, được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động” là một trong những nội dung đã từng làm “nóng” nghị trường khi QH Khóa XIII cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật về Hội tại Kỳ họp thứ 10. Tiếp tục đề cập đến vấn đề này, một số ý kiến tại Hội nghị nêu rõ: các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hiện nay đang hoạt động theo hướng hành chính hóa, không hiệu quả và tiêu tốn khoản ngân sách nhà nước rất lớn. Một đại biểu nêu dẫn chứng: Một nghiên cứu được thực hiện năm 2016 cho thấy, các tổ chức này đã tiêu tốn khoảng 214.000 tỷ đồng, nếu tính cả tài sản của các tổ chức này thì con số lên tới khoảng 68.000 tỷ đồng, chiếm gần 1,7% GDP, đấy là chưa kể đến biên chế, cán bộ.
Giải trình về việc tiếp thu, chỉnh lý nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ nhận thấy, mấy năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách rõ ràng và nhất quán trong việc định hướng đổi mới về tổ chức và hoạt động của các hội. Trong đó, nổi bật là Kết luận của Bộ Chính trị ngày 22.9.2014 về hội quần chúng nêu rõ: “đối với các hội đã được giao biên chế, kinh phí hoạt động giữ ổn định đến hết năm 2016; từ năm 2017 đến năm 2020 từng bước thực hiện khoán kinh phí hoạt động cho hội theo lộ trình phù hợp. Các hội còn lại hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động”. Luật Ngân sách Nhà nước mới nhất cũng đã quy định: “kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho các nhiệm vụ Nhà nước giao theo quy định của Chính phủ”. Vì thế, để bảo đảm sự bình đẳng giữa các hội, tránh cơ chế xin - cho, dự thảo Luật đã tiếp thu và chỉnh lý theo hướng bảo đảm hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và thống nhất với Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.
Tán thành với việc tiếp thu, chỉnh lý cụ thể của dự thảo Luật, song, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, một số quy định về chính sách của Nhà nước đối với các hội nên được rà soát lại. Ví dụ, Khoản 2 Điều 6 quy định: Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách để hội tham gia vào quá trình xã hội hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ công; thực hiện chương trình, dự án, đề tài, đề án và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật. Có nên quy định như vậy không? Vì khi chúng ta đã công nhận một hội thì mọi hoạt động của hội đó sẽ bình đẳng với các tổ chức, cá nhân và pháp nhân trong xã hội. Không nên nghĩ đến việc Nhà nước phải ban hành cơ chế, chính sách riêng cho hội tham gia vào quá trình xã hội hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ công, mà chỉ nên quy định Nhà nước bảo đảm quyền của các hội được tham gia vào quá trình này một cách bình đẳng, minh bạch là đủ - ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Một số đại biểu cũng cho rằng, Nhà nước chỉ nên tạo điều kiện và cấp kinh phí khi hội thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao chứ không phải là Nhà nước cứ cấp kinh phí một “cục” còn việc hội có thực hiện nhiệm vụ đó hay không và hiệu quả thực hiện đến đâu thì lại không kiểm soát được. Đồng thời, nên tính đến việc quy định rõ trong dự án Luật về Hội nguyên tắc sử dụng ngân sách và giải trình việc sử dụng ngân sách của các hội.
Tin mới cập nhật
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 40 ( 10/12)
- Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) ( 16/10)
- Nhiều kiến nghị có giá trị trong việc lấy ý kiến góp ý dự án luật lĩnh vực thuế - tài chính , ngân sách của Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh ( 15/10)
- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh làm việc với Công an tỉnh về một số dự án trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV ( 11/10)
- Nhiều ý kiến chất lượng góp ý xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ( 09/10)
- Hà Tĩnh: Cử tri kiến nghị tiếp tục giữ chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên ( 08/10)