Củng cố và tăng cường sự tin cậy chính trị
EmailPrintAa
07:37 17/04/2017

Sáng nay, 15.4, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta đã về tới Thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển, Hungary và Cộng hòa Séc. Theo đánh giá của Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại NGUYỄN VĂN GIÀU, kết quả chuyến thăm đã vượt cả mong đợi, không chỉ củng cố, tăng cường sự tin cậy chính trị với các nước bạn bè truyền thống mà còn mở ra những cơ hội hợp tác thực chất và hiệu quả.

Vượt cả mong đợi

- Ông đánh giá như thế nào về chuyến công du đầu tiên của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tới 3 nước châu Âu lần này?

- Cả 3 nước mà Chủ tịch QH và Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta thăm chính thức lần này đều là các nước bạn bè truyền thống, có quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt. Mục đích của chuyến thăm là nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ này. Chủ tịch QH có nói với tôi rằng, chuyến thăm rất thành công. Cá nhân tôi là người trực tiếp chuẩn bị về mặt nội dung cho chuyến thăm cũng thấy rằng, kết quả đã vượt cả mong đợi. Các nhà lãnh đạo của 3 nước đều khẳng định muốn thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống với Việt Nam; nhất trí hoặc cam kết thúc đẩy để EU sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU vì Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội hợp tác phát triển kinh tế tốt hơn, đem lại lợi ích cho cả Việt Nam và các thành viên EU. Lãnh đạo các nước cũng nhất trí tăng cường hợp tác giữa QH, các cơ quan của QH, các nhóm nghị sĩ; ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn nghị viện đa phương; phối hợp chặt chẽ hơn trong việc giám sát và thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa hai Chính phủ…

Lần  đầu tiên Quốc hội Việt Nam và Hungary tổ chức tọa đàm về hoàn thiện pháp luật trong quá trình hội nhập quốc tế tại Budapest
Ảnh: T. Đức 

- Cụ thể, với Thụy Điển, chuyến thăm của Chủ tịch QH đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?

- Đây là quốc gia phương Tây thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta từ rất sớm. Hàng nghìn người Thụy Điển đã xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thụy Điển cũng là quốc gia phương Tây tiên phong trong việc hỗ trợ chúng ta khai thông, nối lại mối quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam và các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế và dành cho chúng ta nguồn vốn ODA lớn nhất, lên tới hơn 3 tỷ USD. Có thể nói đó là tình cảm rất đặc biệt mà Thụy Điển đã dành cho Việt Nam. Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn đó của Thụy Điển. Tại cuộc hội đàm, hội kiến của Chủ tịch QH Việt Nam với các nhà lãnh đạo Thụy Điển, hai bên đều khẳng định, quan hệ giữa hai nước rất tốt đẹp. Các nhà lãnh đạo hai nước đã có các chuyến thăm và trao đổi nhiều kinh nghiệm quý báu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, quan hệ về kinh tế giữa hai nước tuy có phát triển nhưng vẫn dưới tiềm năng. Các nhà lãnh đạo Thụy Điển đều mong muốn phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới. Tôi cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều này. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Thụy Điển đã có mặt tại Việt Nam từ rất sớm như Tập đoàn Ericsson, Electrolux hay Volvo, đặc biệt là Ericsson đã hoạt động rất thành công tại Việt Nam trong suốt 26 năm qua. Đây là minh chứng cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam là rất thuận lợi. Trong giai đoạn tới, bạn cũng góp ý với chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến môi trường đầu tư. Các nhà lãnh đạo cấp cao của Thụy Điển đều đánh giá Việt Nam đã rất thành công trong phát triển kinh tế - xã hội gần 2 thập kỷ qua. Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục ở mức cao trên 6% và còn nhiều tiềm năng để phát triển như: có nguồn lao động dồi dào, ổn định về chính trị, hệ thống pháp luật khá đầy đủ theo hướng hội nhập sâu rộng với thế giới...

Phải có bước nhảy vọt về hợp tác kinh tế

- Với Hungary, phía bạn đã đề xuất cần phải tìm ra các biện pháp mang tính đột phá để có bước nhảy vọt trong hợp tác kinh tế. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Hungary và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao được 67 năm. Trong thời kỳ kháng chiến, đấu tranh giải phóng trước đây, Hungary đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều, đặc biệt là giúp đào tạo một đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực. Đến nay, nhiều người trong số họ vẫn đang đảm nhận những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước. Từ năm 1990, Hungary thay đổi thể chế chính trị, tình hình thế giới cũng có nhiều biến động nhưng Bạn vẫn giữ tình cảm, mối quan hệ gắn bó với Việt Nam. Một điểm tôi rất ấn tượng là, mặc dù Hungary có nhiều đảng phái chính trị nhưng khi đặt vấn đề nâng tầm quan hệ hợp tác với Việt Nam thì tất cả các đảng phái đều ủng hộ, đồng thuận rất cao. Vì thế, Bạn đã dành cho Chủ tịch QH nước ta nghi thức đón tiếp rất trọng thị, thân tình.

Tại các cuộc hội kiến, hội đàm, hai bên cũng đã trao đổi rất cởi mở, thẳng thắn, chi tiết và rất thực chất nhiều nội dung trong quan hệ hợp tác hai nước. Các nhà lãnh đạo Hungary cũng băn khoăn, quan hệ chính trị thì rất tốt đẹp nhưng quan hệ về kinh tế, thương mại, đầu tư thì đến năm 2016 mới chỉ đạt 266 triệu USD. Bạn nói rằng, như thế là rất thấp so với tiềm năng. Vì thế, bạn đề nghị, hai nước, nhất là các cơ quan tham mưu, các bộ, ngành phải hợp tác chặt chẽ với nhau, tìm ra các biện pháp mang tính đột phá để có bước nhảy vọt trong hợp tác kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế cũng còn một số khó khăn, song nhà nước Hungary vẫn quyết định hỗ trợ tập trung cho Việt Nam thông qua Hiệp định khung về hợp tác tín dụng trị giá 440 triệu euro. Tổng thống Janos Ader, Thủ tướng Viktor Orban, Chủ tịch QH László Kovér đều mong muốn Việt Nam sớm cung cấp danh mục dự án và hoàn tất các thủ tục đầu tư để triển khai nhanh Hiệp định này. Ngay việc Hungary dành cho chúng ta khoản vốn tín dụng này cũng đã nói lên tình cảm của Hungary đối với Việt Nam.

- Điểm nhấn trong chuyến thăm Hungary là QH hai nước đã lần đầu tiên phối hợp tổ chức tọa đàm về hoàn thiện pháp luật trong quá trình hội nhập quốc tế. Đây là biểu hiện sinh động cho thấy, hợp tác giữa QH hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thưa ông?

- Đúng vậy. Để chuẩn bị cho tọa đàm này, phía QH Hungary đã trao đổi với chúng tôi rất kỹ lưỡng, bàn đi bàn lại nhiều lần. Bạn có 5 tham luận theo tôi là những kinh nghiệm rất quý giá. Một là, chiến lược phát triển kinh tế và tăng năng lực cạnh tranh. Hai là, chính sách thuế để thúc đẩy tăng trưởng. Vừa qua, chính sách thuế của Hungary đã có sự thay đổi rất hiệu quả, ngân sách từ bội chi 5,5% vào năm 2011, chỉ trong 5 năm, vào năm 2016 đã giảm xuống còn khoảng 2%. Đó là một kết quả rất ngoạn mục. Cá nhân tôi rất ngưỡng mộ. Hay việc phát triển thị trường lao động; quá trình triển khai nghiên cứu và phát triển; đặc biệt, Phó Chủ tịch QH bạn đã trực tiếp trao đổi với ĐBQH hai nước những kinh nghiệm về lập pháp. Phía Việt Nam cũng đã trao đổi về: quá trình đổi mới và hoàn thiện pháp luật trong quá trình hội nhập; quản lý ngân sách và phân cấp quản lý ngân sách; chính sách pháp luật về khoa học công nghệ để đưa đất nước phát triển bền vững. Chỉ trong chưa đầy một ngày tiến hành tọa đàm, đã có tới 14 đại biểu trao đổi, đặt ra 24 vấn đề rất hay, rất thiết thực. Chúng ta cũng không dừng lại ở Tọa đàm này mà theo Thỏa thuận giữa hai Chủ tịch QH thì năm nay, cũng sẽ có một tọa đàm tại Việt Nam về phát triển nông nghiệp bền vững và thực phẩm an toàn. Tôi rất hy vọng Tọa đàm lần tới sẽ mang lại những bài học kinh nghiệm quý cho Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thực tế và hiệu quả

- Cộng hòa Séc là điểm đến cuối cùng trong chuyến công du của Chủ tịch QH. Đây cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận một bộ phận người Việt Nam là dân tộc thiểu số của mình. Chuyến thăm của Chủ tịch QH đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?

- Tổng thống Milos Zeman, Thủ tướng Bohuslav, Chủ tịch Thượng viện Milan Stech, Chủ tịch Hạ viện Jan Hamacek đều nồng nhiệt chào đón Chủ tịch QH và Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta, dành cho Đoàn tình cảm rất nồng hậu, trọng thị. Bạn tổ chức chiêu đãi Chủ tịch QH và Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta với hình thức quốc yến. Đặc biệt, trong hội đàm, tất cả các Phó Chủ tịch Thượng viện và Chủ nhiệm hai Ủy ban rất quan trọng là Ủy ban Đối ngoại, quốc phòng, an ninh và Ủy ban về các vấn đề liên quan đến cộng đồng Châu Âu đều tham gia hội đàm. Hai bên đã trao đổi thẳng thắn về nhiều vấn đề. Hiện nay, Séc đề ra chiến lược hướng về các nước bạn bè truyền thống, trong đó, Việt Nam là 1 trong 12 nước ưu tiên hợp tác của Séc. Các nhà lãnh đạo của Bạn khẳng định, Việt Nam là cửa ngõ để hợp tác kinh tế ở Đông Nam Á; mong muốn, Việt Nam khi hợp tác với một số nước trong khu vực châu Âu thì nên chọn Cộng hòa Séc làm cửa ngõ. Tôi cho đó là một đề xuất hợp lý.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến với Thủ tướng Cộng hòa Séc  Bohuslav Sobotka
Ảnh: Trọng Đức

Tổng thống Milos Zeman muốn hợp tác về kinh tế giữa hai nước phải nhanh hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước; nêu rõ, từ nay trở đi, các đoàn cấp cao của Séc khi thăm Việt Nam là phải có sự tham gia của các doanh nghiệp. Cụ thể là ngay trong tháng 6 này, khi sang thăm Việt Nam, Tổng thống Milos Zeman sẽ dẫn theo một đoàn doanh nghiệp hùng hậu để tìm kiếm đối tác, tìm hiểu thị trường Việt Nam. Quan điểm của Tổng thống theo tôi là rất thực tế và hiệu quả.

Tổng thống cũng nói rất chân thành với Chủ tịch QH là, mong ngay trong chuyến thăm, các doanh nghiệp hai nước sẽ ký kết được những hợp đồng, những thỏa thuận hợp tác thực chất. Phía Bạn cũng đặt vấn đề rất quyết liệt về việc Việt Nam cần thiết phải mở đường bay trực tiếp từ Hà Nội sang Praha. Sau chuyến thăm, tôi sẽ trực tiếp trao đổi, làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải về vấn đề này. Các nhà lãnh đạo cấp cao đã quan tâm như thế, quyết tâm như thế thì chắc chắn chúng ta triển khai sẽ rất thuận lợi.

Cộng đồng người Việt tại Séc rất đông, trong đó có khoảng 30 nghìn người đã được công nhận là một dân tộc thiểu số của bạn. Khi Chủ tịch QH ta làm việc với Lãnh đạo cấp cao của bạn thì họ đều ca ngợi cộng đồng người Việt rất cần cù, chăm chỉ, chịu khó, hòa nhập cộng đồng, tuân thủ pháp luật của nước sở tại rất tốt, các thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt tại Séc rất giỏi, rất thông minh. Đây là điều rất đáng tự hào vì bà con mình đã được công nhận, có đóng góp vào sự phát triển của đất nước sở tại. Họ cũng chính là cầu nối, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Cụ thể hóa việc giám sát thực hiện thỏa thuận giữa hai Chính phủ

 - Được biết, ở mỗi nước, Chủ tịch QH và Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta đều trao đổi rất thẳng thắn, cụ thể và thực chất với Bạn về những vấn đề, những đòi hỏi mà thực tiễn đang đặt ra. Xin ông chia sẻ thêm về những vấn đề này?

- Ở Cộng hòa Séc, Bạn cũng đặt ra những vấn đề mà tôi cho rằng, chúng ta cũng cần nghiên cứu. Cụ thể, Bạn muốn các cơ quan hữu quan của ta thảo luận để tiến đến việc ký kết Hiệp định về hợp tác đấu tranh tội phạm và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù, làm cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác của các cơ quan thực thi pháp luật hai nước. Bạn cũng đặt vấn đề miễn thị thực visa cho khách du lịch. Chúng ta cũng đặt lại vấn đề cấp visa của Bạn cho công dân Việt Nam mất rất nhiều thời gian. Ví dụ, Hội Séc - Việt từng có một chương trình khuyến khích sinh viên Việt Nam sang học tập tại Praha nhưng chuẩn bị xong hết rồi, đến lúc làm visa lại không kịp thời gian bắt đầu khóa học nên không sang học được nữa. Hay có những công nhân được tuyển chọn sang làm việc tại một Nhà máy của Séc nhưng cũng do vấn đề visa mà không sang được.

Hai bên đã thảo luận rất cụ thể như vậy và trên cơ sở đó đưa ra những biện pháp rất hữu hiệu.

- Chủ tịch QH Việt Nam và Chủ tịch QH 3 nước đều nhất trí rất cao về việc phối hợp giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa hai Chính phủ. Vậy thì QH nước ta sẽ cụ thể hóa vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Thực ra, tăng cường phối hợp giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ hai nước là vấn đề “kinh điển” trong hợp tác giữa hai QH. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã báo cáo với Chủ tịch QH, sau chuyến thăm này, phải hoạch định rất cụ thể chứ không nói chung chung theo kiểu QH có chức năng giám sát thì trong đó có việc giám sát thực hiện các thỏa thuận hợp tác. Chúng tôi sẽ cùng với các cơ quan của QH bàn kế hoạch giám sát cụ thể, thiết thực, giám sát để đôn đốc, để triển khai nhanh và đúng các thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ bạn. Đối với Hungary chẳng hạn, chúng ta đã ký Hiệp định khung về hợp tác tín dụng lên tới 440 triệu euro thì QH phải giám sát để bảo đảm nguồn tín dụng này được triển khai sớm. Chúng ta phải bảo đảm được hai chữ “uy tín”, giữ vững được sự tin cậy chính trị với các quốc gia, nhất là các nước bạn bè truyền thống có quan hệ hợp tác hữu nghị nhiều mặt tốt đẹp. Khi đó, chúng ta mới có thể hợp tác, phát triển, cùng có lợi và vì lợi ích của hai nước.


    Ý kiến bạn đọc