Để làm tốt công tác chất vấn - trao đổi của một cựu ĐBQH
EmailPrintAa
09:56 24/04/2012

Quyền chất vấn của ĐBQH đã được quy định ngay từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời: Hiến pháp 1946 tại Điều 55, Hiến pháp 1959 tại Điều 59, Hiến pháp 1980 tại Điều 95, Hiến pháp 1992 tại Điều 98.
Mục đích của chất vấn là làm rõ trách nhiệm của người bị chất vấn trong vấn đề có liên quan. Tuy nhiên, chất vấn còn là công cụ giúp QH thực hiên ba chức năng cơ bản của mình.

 

I. CHẤT VẤN VÀ BA CHỨC NĂNG CỦA QH

Chất vấn là một quyền của ĐBQH được quy định trong Hiến pháp hiện hành tại Điều 98:

ĐBQH có quyền chất vấn Chủ tịch Nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

(…) ĐBQH có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang trả lời những vấn đề mà ĐBQH quan tâm. Người phụ trách của các cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà ĐBQH yêu cầu trong thời hạn luật định.

Quyền chất vấn của ĐBQH đã được quy định ngay từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời: Hiến pháp 1946 tại Điều 55, Hiến pháp 1959 tại Điều 59, Hiến pháp 1980 tại Điều 95, Hiến pháp 1992 tại Điều 98.

Mục đích của chất vấn là làm rõ trách nhiệm của người bị chất vấn trong vấn đề có liên quan. Tuy nhiên, chất vấn còn là công cụ giúp QH thực hiện ba chức năng cơ bản của mình.

Điều 84 của Hiến pháp quy định 14 nhiệm vụ và quyền hạn của QH, thể hiện ba chức năng của QH là lập hiến lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề hệ trọngcủa đất nước.

Qua công tác giám sát và chất vấn, QH biết được các luật và các văn bản pháp quy dưới luật đang có hiệu lực được thi hành ra sao, có những điều khoản nào cần được nghiên cứu để sửa đổi bổ sung, các chính sách nào cần được điều chỉnh.

Công tác giám sát sẽ giúp biết được các quyết định hệ trọng mà QH đã nghị quyết được triển khai ra sao, đâu là những vướng mắc, và cần làm gì để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ.

Giám sát và chất vấn có quan hệ chặt chẽ với nhau. Giám sát chỉ ra những nội dung cần chất vấn. Ngược lại, từ các chất vấn sẽ gợi ra và định hình những nội dung cần giám sát để QH nắm bắt sâu hơn và có những quyết sách tương ứng cần thiết.

Chất vấn còn góp phần thực thi dân chủ, gián tiếp và trực tiếp. Từ giữa nhiệm kỳ QH Khóa IX, các phiên chất vấn được truyền hình và truyền thanh trực tiếp, cử tri có được thông tin vànhìn thấy được sự vận hành của bộ máy nhà nước và năng lực của những đại biểu mà họ đã bầu cũng như của những người đang điều hành đất nước. Kết luận của các phiên chất vấn là những thông điệp mà QH gửi tới cử tri.

Ba ví dụ sau đây minh họa quan hệ giữa chất vấn và ba chức năng của QH.

+ Đợt giám sát của UBTVQH Khóa XII Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học (giai đoạn 1998-2008) cho thấy còn có nhiều điều trong Luật Giáo dục 2005 chưa được triển khai.

Chẳng hạn, Điều 20 của Luật Giáo dục 2005: Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích lợi nhuận. Điều này đã chậm được cụ thể hóa trong gần bảy năm qua bằng văn bản dưới luật. Phải chăng sự chậm trễ này là một nguyên nhân của tình trạng kinh doanhgiáo dục đại học khá bừa bãi, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đại học, và gây bức xúc trong xã hội hiện nay?

Đợt giám sát còn khẳng định tác hại của việc thông qua một luật chuẩn bị chưa đủ độ chín. Thông qua Luật Giáo dục 2005, QH tiếp tục giao quá nhiều điều khoản cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, trong khi thực tế đã cho thấy năng lực xây dựng các văn bản pháp quy dưới luật của Bộ này có nhiều bất cập và hạn chế(1) để rồi năm 2009, Luật Giáo dục 2005 lại được sửa đổi bổ sung. Cần nhớ bài học này khi xem xét để thông qua dự thảo Luật Giáo dục đại học.

+ Năm 2005, QH Khóa XI đã quyết định giám sát việc xây dựng công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất nhằm tìm ra các nguyên nhân đã dẫn đến sự chậm trễ(2). Cuộc chất vấn thẳng thắn, công khai cùng Chính phủ tại diễn đàn QH tiếp theo báo cáo giám sát đã chỉ ra những bài học cần thiết và đi đến quyết định thời điểm nhà máy đi vào sản xuất sớm nhất có thể được là trong Quýá I.2009. Cử tri rất theo dõi và hoan nghênh bước tiến quan trọng này trong việc thảo luận công khai và minh bạch trước sự theo dõi của cử tri về những vấn đề trọng đại của đất nước mà QH đã quyết định. Từ kinh nghiệm này mà QH đã quyết định giám sát công trình thủy điện Sơn La trong Khóa XII.

+ Trong kỳ họp QH cuối năm 2009, một số ĐBQH đã chất vấn về việc điều hành các nhà máy thủy điện ở miền Trung sau cơn bão số 9 Ketsana và những thiệt hại to lớn mà nó đã gây ra. Rất đúng, nhưng tiếc là không có ý kiến nào nêu lên sự cần thiết rà soát lại cácLuật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, ... Thiếu luật, hay các luật và văn bản dưới luật chưa có quy định, hay tư duy, quản lý và điều hành lưu vực sông còn nhiều sơ hở, cục bộ và ngăn cách?

Cần lắm phải xem lại cách quản lý các lưu vực sông bởi lẽ bão và lũ lụt ở miền Trung lại xảy ra tiếp năm 2010, và sẽ còn xảy ra trong thời gian tới nhất là với biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Sự cố ở nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 là một tiếng chuông báo động không thể nào rõ hơn.

Cần lắm bởi lưu vực sông Đồng Nai, nằm gọn trong lãnh thổ quốc gia và ôm vào lòng phần lớn khu kinh tế trọng điểm phía Nam, đang và sẽ bị khai thác, mỗi địa phương một cách, mỗi ngành một cách, vì quyền lợi cục bộ (để phát điện(3), để rửa và lọc thô quặng bauxite, v.v…) bất chấp hiệu quả tối ưu và lợi ích lâu dài của môi trường, của khu kinh tế trọng điểm phía Nam và của đời sống hàng chục triệu người dân trong lưu vực.

Hai ví dụ đầu cho thấy mối quan hệ qua lại giữa giám sát và chất vấn. Ví dụ thứ ba cho thấy tính nhạy bén của chất vấn, từ một sự kiện cụ thể có thể mở ra những nội dung hết sức quan trọng mà quản lý nhà nước cần quan tâm.

II. LỰA CHỌN CHỦ ĐỀ CHẤT VẤN

1. Chủ đề chất vấn trước tiên là những vấn đề gây bức xúc trong xã hội

Chất vấn trước tiên nên tập trung vào những vấn đề trong quản lý nhà nước gây nên sự bức xúc trong xã hội.

Trong các Khóa X và XI, những chủ đề chất vấn đã để lại dấu ấn, và được cử tri hoan nghênh đều là những vấn đề bức xúc của xã hội như thất thoát trong xây dựng cơ bản, đầu tư “theo phong trào”, tình hình quy hoạch treo, chất lượng quy hoạch, chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng, hiệu quả sử dụng đồng vốn ngân sách trong đầu tư phát triển, là vấn đề tham nhũng, vấn đề chạy chức chạy quyền,…. Không ít chất vấn đã dẫn đến quyết định giám sát của UBTVQH(4).

Ngoài các chủ đề vẫn còn tính thời sự này, có nhiều nội dung quan trọng khác cần được chất vấn. Xin đơn cử một vài ví dụ.

+ Khi thảo luận để phê chuẩn việc gia nhập WTO, một nội dung đã được QH nêu lên và xem như là một sự cần thiết có tính chiến lược: đó là người Việt hãy dùng hàng Việt để hỗ trợ nền sản xuất trong nước, và mặt khác các doanh nghiệp Việt phải cố gắng để nhận được sự tin cậy của người tiêu dùng(5,6). Tại sao phải đến khi xảy ra khủng hoảng kinh tế năm 2008 và hậu quả của nó trong các năm tiếp theo, chủ trương Người Việt dùng hàng Việt mới được phát động?

Vì sao có sự muộn màng này, và quan trọng hơn, cần làm gì trong đợt tái cơ cấu đang diễn ra để đợt vận động không xẹp xuống, để thị trường nội địa có chỗ đứng xứng đáng và vững chắc bên cạnh thị trường xuất khẩu?

+ Nền kinh tế tri thức, hàm lượng tri thức trong nền kinh tế các nước ngày càng chiếm tỷ trọng quan trọng. Cứ mỗi khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, đặc biệt về năng lượng, là mỗi lần khoa học và công nghệ có những thành tựu mới.

Điểm hẹn công nghiệp hóa theo hướng hiện đại đã gần kề, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế theo chiều sâu, giảm bớt khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, vượt qua cái bẫy các nước có thu nhập trung bình, sẽ không thể hoàn thành thắng lợi mà không dựa vào khoa học và công nghệ.

Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII, ban hành đã 16 năm nay(7) khẳng định lĩnh vực hoạt động khoa học và đổi mới công nghệ là quốc sách hàng đầu. QH cần quan tâm đến lĩnh vực này nhiều hơn nữa, nhất là trong giai đoạn mà mọi ngành, mọi cấp đều nói đến chủ trương tái cơ cấu. Khoa học và công nghệ ở trong hay đứng bên lề tái cơ cấu?

Chắc chắn là chất vấn hai nội dung trên đây sẽ làm sáng tỏ ra nhiều vấn đề về cơ chế chính sách.

2. Những nội dung chất vấn nên có tầm bao quát và căn cơ

Có những yếu kém bất cập mà thấy được nguyên nhân và hướng giải pháp sẽ góp phần giải quyết nhiều yếu kém bất cập khác. Nói căn cơ hơn và có tầm bao quát rộng hơn là trong ý nghĩa đó.

Chất vấn những vấn đề mà mức độ căn cơ cao đòi hỏi nhiều suy nghĩ và khả năng khái quát. Nhưng đáp lại, hiệu quả và tầm tác động của chất vấn sẽ cao hơn.

Cần chất vấn về lạm phát, về bội chi ngân sách, về chất lượng của tăng trưởng GDP, (đã chất vấn từ nhiều năm nay)… vì đều là những vấn đề thiết yếu đối với sự phát triển đất nước. Nhưng chất vấn về hiệu quả của việc sử dụng đầu tư công từ ngân sách nhà nước, về nợ công và nguyên nhân sẽ căn cơ hơn, cho phép QH biểu quyết ngân sách hàng năm(8) với tất cả hiểu biết và trách nhiệm.

Cũng như vậy, chất vấn về việc xây dựng khá tràn lan các nhà máy đường, nhà máy xi măng lò đứng (như đã từng chất vấn trong những năm đầu của thập niên 2000) là cần thiết, nhưng chất lượng của quy hoạch tổng thể cả nước và các vùng lãnh thổ là vấn đề bao trùm hơn cần chất vấn.

Tình trạng các hội chứng đến nay vẫn chưa chấm dứt mà còn lan sang khu và cụm công nghiệp, cảng và khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, cảng hàng không,(9)… Thế thì ngoài chất lượng của quy hoạch tổng thể vùng lãnh thổ, còn có những nội dung gì khác căn cơ hơn nữa cần xem xét, như giao chỉ tiêu phát triển GDP cho từng tỉnh chẳng hạn? 

Chất lượng xăng dầu, giá xăng dầu và giá gas đang là những vấn đề nóng. Cứ mỗi lần giá dầu thô, giá gas trên thế giới tăng thì gần như ngay sau đó giá ở trong nước tăng, và trước đó không ít nơi có tình trạng găm hàng. Cứ mỗi lần như thế, là có đề xuất cho tăng giá bán hoặc giảm thuế nhập khẩu để kéo giá bán xuống. Cách giải quyết này chỉ là biện pháp tình thế, ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, đến sản xuất, đến mặt bằng giá cả chung, nghĩa là cuối cùng đến người dân.

Số trường hợp xe có động cơ đang nổ hoặc không hoạt động bỗng dưng cháy ở một vài địa bàn mấy tháng gần đây khá cao, một cách không bình thường, đến nay chưa tìm ra nguyên nhân.

Phải xem xét trách nhiệm của các bộ, ngành chức năng các cấp, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước liên quan trong việc quản lý mạng lưới phân phối hai mặt hàng này. Thiếu quy định của pháp luật hay vì một lợi ích nào đó, đã có sự buông lỏng quản lý? Cần xem lại những quy định về đại lý thương mại trong Luật Thương mại và các văn bản dưới luật, và những quy định có liên quan trong Luật Kinh doanh, có đủ chặt chẽ chưa, các biện pháp chế tài đã được áp dụng thế nào, có cần phải sửa đổi bổ sung các điều khoản gì hay không?

3. Tìm nguyên nhân là nâng tầm của chất vấn

Tìm nguyên nhân là đi vào cái gốc của yếu kém bất cập, là tháo gỡ trong khi còn kịp, những yếu kém bất cập khác còn tiềm tàng có thể vỡ ra một lúc nào đó.

Một yếu kém bất cập có thể có nhiều nguyên nhân. Ngược lại, một nguyên nhân có thể lànguyên nhân chung cho nhiều yếu kém bất cập đang vấp phải. Nhận diện và có hướng giải quyết một nguyên nhân chung sẽ toàn diện hơn, đồng thời cho phép thấy được hướng giải quyết nhiều yếu kém bất cập khác.

Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), từ đó có nghị quyết về Đổi Mới, đã phân tích và nói đếnnguyên nhân của nguyên nhân của những yếu kém khuyết điểm.

Trong ví dụ về hoạt động khoa học và công nghệ đề cập trên đây, đâu là những nguyên nhân? Phải chăng là các cơ chế tài chínhcơ chế quản lý KHCN, cơ chế đánh giá, giao nhiệm vụ và phát huy những người có năng lực?

Các doanh nghiệp, trước tiên là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã quan tâm thế nào đến đầu tư đổi mới công nghệ?

Mối quan hệ Nhà nước – trường viện – doanh nghiệp, đã được nói đến nhiều, hiện đang vận hành ra sao, ai là đầu tàu?

Dự thảo Luật giáo dục đại học đã trình QH Khóa XIII xem xét tại kỳ họp thứ Hai, đang được chỉnh sửa để trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp thứ Ba, tháng 5.2012 tới đây.

Trong một bài góp ý cho dự thảo luật này, tôi đề nghị dự thảo cần được sửa đổi căn cơ hơn nữa và QH cần được báo cáo về những yếu kém bất cập trong giáo dục đại học hiện nay, và nguyên nhân của tình trạng này(10).

Luật Giáo dục đại học đầu tiên của đất nước, khi được QH thông qua phải là nền tảng pháp lý rõ ràng, trong cả hai mảng công lập và ngoài công lập, thể hiện sự đổi mới thật sự về quản lý nhà nước, đưa hệ thống giáo dục đại học phát triển vững chắc, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước và hội nhập với thế giới.

Sự thiếu phối hợp, hoặc phối hợp chưa tốt, giữa các bộ, giữa bộ và địa phương là một nguyên nhân chung cho nhiều yếu kém bất cập.

Tại Kỳ họp thứ Tám, Khóa XI, tháng 11.2006, tôi đã gửi chất vấn đến Thủ tướng Chính phủ về sự yếu kém này(11).

Cụm từ yếu kém đã được cân nhắc bởi lẽ Chính phủ tự nó bao hàm một sự gắn kết trong nhiệm vụ, liên đới trong trách nhiệm khi thực hiện chức năng của mỗi cơ quan thành phần của Chính phủ, mặc dù có phân công phân nhiệm.

Hiệu lực của một Nhà nước nói chung, của hành pháp nói riêng, tương tự như sức chứa của một thùng nước bằng gỗ, tùy thuộc vào năng lực của các bộ (chiều cao của các thanh) và sự phối hợp cần thiết giữa các bộ (sự liên lạc giữa các thanh và với đáy)!

Cho tới nay, mặc dù đã có những cải tiến và tiến bộ nhất định trong bộ máy nhà nước, cử tri thật sự vẫn băn khoăn về sự phối kết hợp này khi nghe các vị Bộ trưởng trả lời chất vấn(12), và nhất là khi đối chiếu với những yêu cầu đặt ra khi đất nước tích cực và chủ động hội nhập, ngày càng sâu rộng với thế giới đầy biến động nhanh và phức tạp.

Các khe hở là nguy cơ tiềm tàng của rò rỉ, thất thoát, lãng phí. Thực tế còn cho thấy đó là mảnh đất cho tiêu cực, tham những sinh sôi, phát triển.

Hội nhập mở ra những thời cơ đồng thời đặt ra nhiều thách thức đan quyện vào nhau. Một khe hở, một sự thiếu phối hợp, dù nhỏ, ở khoảnh khắc phải lấy quyết định có thể dẫn đến những thua thiệt lớn cho nền kinh tế, tác động đến ổn định kinh tế, chính trị, trật tự, an toàn xã hội và có thể cả về an ninh quốc phòng.

Phân công phân nhiệm phải song hành với gắn kết trong nhiệm vụ, liên đới trong trách nhiệm. Giữa ba thiết chế của Nhà nước, lập pháp, hành pháp và tư pháp, và cả trong hệ thống chính trị, theo tôi cũng phải như vậy.

III. CHUẨN BỊ CHẤT VẤN

Những chất vấn có tác dụng và được cử tri hài lòng khi nó được tranh luận sâu, nếu được đi đến cùng, và buộc người được chất vấn phải trình bày những vấn đề thuộc về quan điểm, chủ trương, trách nhiệm quản lý vĩ mô, và biện pháp để giải quyết những yếu kém bất cập được chất vấn.

Muốn đạt được yêu cầu này, công tác chuẩn bị nội dung chất vấn có ý nghĩa quyết định. Xin nêu lên mấy bước chuẩn bị để cùng trao đổi.

(1) Lựa chọn nội dung và xác định rõ mục đích của câu chất vấn.

(2) Soạn câu chất vấn: sắp xếp mạch lạc ý kiến, diễn đạt ngắn gọn, đầy đủ nội dung, nhằm vào mục đích chất vấn.

Đối tượng nghe chất vấn trước tiên là người được chất vấn nhưng còn có những người có liên quan, đồng cấp và cấp trên; còn có các ĐBQH, các cơ quan của QH, các vụ, phòng ban của VPQH, và cử tri đang theo dõi truyền thanh, truyền hình trực tiếp.

Ngôn ngữ bình dị, đời thường nhưng không tầm thường hóa nội dung chất vấn, sẽ giúp đạt được hiệu ứng lan tỏa và chia sẻ của câu chất vấn.

(3) Tập hợp số liệu, tư liệu cần thiết liên quan đến vấn đề chất vấn.

Không phải để trích dẫn dài dòng khi chất vấn mà để có căn cứ cho câu chất vấn và có cơ sở để phản bác lại những số liệu và lập luận không đúng mà bên được chất vấn có thể đưa ra. Nên nhớ rằng các vị được chất vấn là những người có trình độ và có bộ máy giúp việc, luôn ở tư thế sẵn sàng để cung cấp cho thủ trưởng các số liệu và trích dẫn văn bản có liên quan.

(4) Suy nghĩ về những nguyên nhân của các yếu kém bất cập.

Chính vì vậy mà đi vào tìm hiểu nguyên nhân (đã đề cập trên đây) cũng chính là chuẩn bị chất vấn. Hai bước trên đây giúp người chất vấn nắm vững vấn đề, sẵn sàng để tranh luận.

Từ suy nghĩ về nguyên nhân, suy nghĩ tiếp về giải pháp(13).

(5) Dự báo câu trả lời của người được chất vấn. Chuẩn bị nội dung tranh luận tiếp nếu cần thiết.

Dự báo nội dung trả lời và chuẩn bị tranh luận ngay từ lúc chuẩn bị chất vấn để có được sự chủ động.

(6) Trao đổi ý kiến trong Đoàn ĐBQH và với các ĐBQH có cùng sự quan tâm, và tự phản biện về câu hỏi chất vấn của chính mình.

Nội dung chuẩn bị đã rõ chưa, có sơ hở chỗ nào không, cách đặt vấn đề có khách quan không? Có đủ mạch lạc, rõ, dễ hiểu và có cột chặt người được chất vấn phải trả lời vào vấn đề chưa? Có đủ hành trang để tranh luận tiếp hay không nếu trả lời của người được chất vấn không thỏa đáng?

(7) Để có thể đi sâu trong tranh luận, kỹ năng nghe (tiếp nhận) trả lời chất vấn là hết sức quan trọng: lĩnh hội những ý chính của người trả lời, xử lý nhanh, đối chiếu với nội dung mình đã chất vấn (nội dung gì đã được và chưa được trả lời, phát hiện mâu thuẫn gì, …) nhưng phải hết sức khách quan.

Để chất vấn tốt phải đầu tư nhiều công sức. Nhưng phần nhận trở lại là sự trưởng thành lên trong công tác nghị viện, là đóng góp cho QH, là có được niềm tin của cử tri.

Mỗi ĐBQH đến với nghị trường có góc độ chuyên môn của mình. Để làm tốt công tác nghị viện nói chung, công tác chất vấn nói riêng, thiết nghĩ cần không ngừng nâng cao năng lực.

Nâng cao năng lực về lý luận, về kỹ năng xử lý thông tin, biết tích lũy và sử dụng thông tin đúng nội dung, đúng lúc. Nâng cao năng lực qua kỹ năng diễn đạt ngắn gọn, đủ ý và dễ hiểu. Cuối cùng, và hết sức quan trọng, là nâng cao năng lực nắm bắt thực tiễn cuộc sống.

Để có được kỹ năng diễn đạt không phải chỉ là luyện cách nói mà chính yếu là tư duy mạch lạc trên nền tảng vốn hiểu biết thực tế cuộc sống. Để có được vốn sống này, phải “biết nghe, biết nhìn và biết hỏi” khi đi về cơ sở, khi đi giám sát(14). Một ngạn ngữ đã tổng kết: “Khi tư duy mạch lạc, phát biểu sẽ rõ ràng”.

IV. TẦM VÀ TÂM TRONG CHẤT VẤN

Cách tiếp cận công tác chất vấn và sự chuẩn bị trình bày trên đây nâng lên tầm nhìn và tạo cho người ĐBQH một tư thế thuận lợi để chất vấn.

Nhưng có làm tốt hay không còn tùy thuộc vào cái tâm. Tâm thể hiện một phần trong tầm, qua công sức chuẩn bị chất vấn. Xem phản ánh và góp phần tìm ra giải pháp các bức xúc chính đáng của cử tri là nhiệm vụ của mình chính là tâm. Tâm còn ở chỗ quyết định chất vấn hay không chất vấn là vì mình hay vì việc chung; chất vấn để xây dựng hay để đả phá.

Tâm lý của người phương Đông nói chung là dĩ hòa vi quý. Thuốc đắng đả tật, nhưng lời thật mất lòng. Định kiến đối với những ai trực diện nêu lên các mặt yếu kém bất cập còn khá phổ biến, đôi khi dẫn đến thua thiệt cho người phát biểu. Mỗi ĐBQH ở trong một Đoàn ĐBQH. Có những mối ràng buộc trong ngành, giữa Trung ương và địa phương về dự án ODA, về dự án đầu tư, về phân bổ ngân sách… Tất cả những điều đó không khuyến khích các ĐBQH chất vấn, thậm chí còn là những trở ngại cho hoạt động chất vấn của QH.

Xử sự như thế nào là thích hợp tùy thuộc vào mỗi đại biểu. Nhiều người có đủ tầm và tư thế để chất vấn, và có thể chất vấn tốt, nhưng vì nhiều lý do các vị đó không, hoặc rất ít khi chất vấn.

Xem chất vấn không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của một ĐBQH; chất vấn thẳng thắn, càng sâu càng tốt đến vỡ lẽ ra nếu cần, nhưng với tinh thần xây dựng, vì sự nghiệp chung là một sự lựa chọn. Có thể bị thua thiệt về một số mặt nào đó, nhưng bù lại là một niềm vui tinh thần đã làm việc cần làm, và được cử tri thừa nhận xứng đáng là đại biểu của mình.

Trãi nghiệm qua ba khóa QH, tôi cho rằng chất vấn tốt sẽ giúp Chính phủ mạnh lên, QH mạnh lên, từ đó giúp bộ máy Nhà nước mạnh lên. Suy cho cùng, điều đó cũng giúp cho cả hệ thống chính trị mạnh lên.

V. MỘT QUÁ TRÌNH KHÔNG THỂ ĐẢO NGƯỢC

Hoạt động chất vấn đã được thực thi ngay tại Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa I, mùa Thu năm 1946(15).

Gắn với đường lối Đổi Mới của Đảng, hoạt động chất vấn từ giữa nhiệm kỳ Khóa VIII và trong hai mươi năm qua, là một quá trình tìm tòi, thể nghiệm để công tác chất vấn ngày càng có chất lượng và hiệu quả hơn.

Những bước tiến trong hoạt động chất vấn cần được củng cố và phát triển. Dàn trải ra quá nhiều câu hỏi là làm loãng hoạt động chất vấn; mọi biến dạng làm suy giảm quyền chất vấn của ĐBQH, suy cho cùng là bước đi thụt lùi.

Mặc dù nhiều việc còn chưa được như mong muốn, và phải làm tốt hơn nữa (chất lượng của câu hỏi và trả lời, cách điều hành các phiên chất vấn, hiệu quả pháp lý của chất vấn, ...), là ĐBQH ba Khóa IX, X và XI, đã sống và chứng kiến các bước đi lên của công tác chất vấn, tôi cho rằng quá trình đi lên ngày càng thực chất hơn của hoạt động chất vấn là không thể đảo ngược, vì đó cũng là con đường đi lên của đất nước.


    Ý kiến bạn đọc