Đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo Luật
EmailPrintAa
09:00 23/09/2019

Chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 20/9, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn - TUV, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Nguyễn Phi Quang - Giám đốc Sở Nội Vụ chủ trì Hội nghị. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y cùng dự.

Tham gia phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đa số ý kiến của các đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành dự thảo Luật. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung dự kiến sửa đổi, bổ sung 05 điều của Luật Tổ chức Chính phủ; sửa đổi, bổ sung 28 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; sửa đổi, bổ sung 17 điều, khoản, điểm và bãi bỏ 02 khoản, điểm của Luật Cán bộ, công chức; sửa đổi, bổ sung 7 điều, khoản, điểm của Luật Viên chức.

Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể: Với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tại khoản 5 Điều 2 dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 18 nhất trí với phương án 2. Đề nghị nghiên cứu rà soát, chỉnh lý một số nội dung quy định tại điểm e khoản 2 Điều 11; khoản 1 Điều 12 và khoản 1, 2 Điều 14 để quy định rõ, chặt chẽ hơn nguyên tắc và tiêu chí để phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong từng lĩnh vực để các luật chuyên ngành có cơ sở quy định chi tiết.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Văn Cường: đề nghị bổ sung một số nguyên tắc chung trong việc xác định cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng tại khoản 02, Điều 1 của dự thảo Luật Cán bộ, công chức

Cần quy định nhiệm vụ của Thường trực HĐND trong việc tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri. Khoản 5, Điều 104 của Luật không quy định nhiệm vụ của Thường trực HĐND trong việc tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri mà chỉ quy định nhiệm vụ trong việc tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân để báo cáo tại kỳ họp HĐND . Tuy nhiên, trên thực tế Thường trực HĐND đã thực hiện xây dựng kế hoạch và tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri. Luật cũng chưa quy định rõ mối quan hệ giữa HĐND cấp trên và HĐND cấp dưới, nhất là trách nhiệm của Thường trực HĐND cấp trên với Thường trực HĐND cấp dưới trong phối hợp tổ chức và hướng dẫn hoạt động.

Trưởng phòng CCHC - Văn thư lưu trữ, Sở Nội vụ Nguyễn Văn Thảo đồng tình phương án 1, giữ nguyên quy định HĐND cấp tỉnh có 02 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách như tại Điều 18 và Điều 39 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành

Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, tại khoản 3 Điều 29 đề nghị quy định rõ việc “cho thôi làm nhiệm vụ” đối với cán bộ có 02 năm liên tiếp được phân loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ là trường hợp buộc cán bộ thôi việc hay bố trí vào vị trí việc làm có yêu cầu thấp hơn. Tại điểm đ khoản 3 Điều 37 cần thêm cụm từ “và không bị xử lý kỉ luật”. Đề nghị xem xét lại cụm từ “bố trí vào vị trí thấp hơn” vì công chức tuyển dụng theo vị trí việc làm nếu năng lực hạn chế thì không có vị trí thấp hơn phù hợp để bố trí.

Phó Chủ tịch HĐND huyện Lộc Hà Lê Văn Vượng đồng tình với việc bổ sung thẩm quyền của HĐND cấp xã trong việc quyết định kế hoạch phát triển KTXH

Liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức, các đại biểu thống nhất với phương án 2 (khoản 2, Điều 2) của dự thảo, nhằm đảm bảo tính thống nhất với nguyên tắc bảo vệ người lao động đã được thể hiện trong Bộ luật Lao động là “không được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn quá 2 lần” đồng thời tránh sự xáo trộn, đảm bảo tính thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.

Phó Bí thư Đảng ủy Khối CCQ - DN tỉnh Nguyễn Thị Lệ Hà đề nghị phân biệt thời hiệu xử lý kỷ luật; cần quy định thời hiệu trên cơ sở cân nhắc các quy định của Đảng và phải phù hợp với hoạt động công vụ

Ngoài ra, cần quy định các hợp đồng làm việc theo hướng linh hoạt hơn đối với lĩnh vực giáo dục để tạo điều kiện cho các trường học thực hiện ký kết hợp đồng lao động không thông qua tuyển dụng nhằm giải quyết tình trạng thiếu biên chế giáo viên, đảm bảo hoạt động của các trường học được đảm bảo xuyên suốt, liên tục.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: đề nghị rà soát lại Văn bản QPPL liên quan đến HĐND để đảm bảo tính đồng bộ

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y đề nghị quy định rõ mối quan hệ giữa HĐND cấp trên và HĐND cấp dưới (Thường trực HĐND cấp tỉnh với cấp huyện, Thường trực HĐND cấp huyện với cấp xã), nhất là trách nhiệm của Thường trực HĐND cấp trên với Thường trực HĐND cấp dưới trong phối hợp tổ chức và hướng dẫn hoạt động, vì trên thực tế mối quan hệ này được thể hiện rất rõ như việc định hướng, hướng dẫn hoạt động, giải quyết các vấn đề vượt quá thẩm quyền của HĐND cấp dưới, phối hợp giám sát việc thực hiện các nghị quyết HĐND đã ban hành; tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm hoạt động nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động… Xem xét giảm số lượng đại biểu HĐND của các cơ quan khối hành chính, tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách nhằm đảm bảo hiệu quả các hoạt động của HĐND, đặc biệt là hoạt động giám sát, tránh trường hợp “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như hiện nay. Đề nghị rà soát lại các văn bản QPPL liên quan tới HĐND và UBND các cấp để đảm bảo tính đồng bộ.

Kết thúc Hội nghị, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các đại biểu. Đoàn xin tiếp thu đầy đủ, tổng hợp, chuyển tải đến kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Lê Trang

    Ý kiến bạn đọc