Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra trong 2 ngày 07-08/9 và được tổ chức theo hình thức tập trung tại Hội trường Diên Hồng. Hội nghị với thời gian thảo luận phù hợp để có thể thảo luận kỹ lưỡng hơn, lấy ý đa chiều về những vấn đề còn ý kiến khác nhau để cùng đi đến thống nhất, đồng thuận.
Theo đó, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 |
Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV sắp tới có nội dung trọng tâm về công tác lập pháp để cho ý kiến và xem xét thông qua nhiều dự án luật quan trọng góp phần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, phù hợp thông lệ quốc tế, tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước trong tình hình mới.
Với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương tổng hợp, nghiêm túc giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm lấy ý của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện các dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3.
Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tập trung cho ý kiến các dự án: Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Cac dự án luật này đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và được phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian cho ý kiến toàn diện các dự án Luật, nhất là các vấn đề lớn, quan trọng và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau; chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp cơ quan soạn thảo hoàn thiện hồ sơ, báo cáo giải trình, tiếp thu để xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 để vừa bảo đảm chất lượng cao nhất, vừa có thể tiết kiệm thời gian của Kỳ họp.
Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về một số dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV |
Đối với dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ được trình để Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp. Qua 10 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Phòng, chống rửa tiền cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định do sự thay đổi và phát triển năng động của nền kinh tế thị trường, sự thiếu hụt các quy định pháp luật do yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn. Đồng thời, theo Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia của Việt Nam về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017, nhóm tội phạm về tham nhũng là nhóm tội phạm nguồn của tội rửa tiền, được đánh giá có nguy cơ rửa tiền ở mức "trung bình cao" đến mức "cao". Do vậy, việc hoàn thiện quy định về phòng, chống rửa tiền nói chung, xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi nói riêng là một trong những yếu tố then chốt nhằm phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tham nhũng. Việc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến một bước là cơ sở quan trọng trước khi trình để Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp.
Một nội dung khác mà Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến đó là dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Nội quy năm 2015 được ban hành đã góp phần thúc đẩy hoạt động của Quốc hội nói chung ngày càng chuyên nghiệp, bài bản và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các kỳ họp Quốc hội. Để tiếp tục hoàn thiện, Dự thảo Nội quy sửa đổi lần này sẽ quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục cho việc tiến hành kỳ họp Quốc hội; quy định cụ thể thẩm quyền của chủ thể tiến hành một số thủ tục tại kỳ họp Quốc hội; dành 01 điều quy định dẫn chiếu các luật, nghị quyết đã quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành các nội dung tại kỳ họp Quốc hội, bao gồm: xem xét, thông qua luật, nghị quyết; giám sát tối cao, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quyết định trưng cầu ý dân; tiếp công dân.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh – Trần Đình Gia phát biểu tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV |
Tại Hội nghị này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh có 3 đại biểu tham dự gồm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội - Lê Anh Tuấn, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội – Bùi Thị Quỳnh Thơ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh – Trần Đình Gia.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt, phát huy bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, tại Hội nghị các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết; thảo luận, tranh luận thể hiện rõ chính kiến, có phân tích sâu sắc, lập luận thuyết phục, phản biện tích cực về các vấn đề của dự thảo Luật cũng như những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện, đảm bảo chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4.
Tin mới cập nhật
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 40 ( 10/12)
- Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) ( 16/10)
- Nhiều kiến nghị có giá trị trong việc lấy ý kiến góp ý dự án luật lĩnh vực thuế - tài chính , ngân sách của Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh ( 15/10)
- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh làm việc với Công an tỉnh về một số dự án trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV ( 11/10)
- Nhiều ý kiến chất lượng góp ý xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ( 09/10)
- Hà Tĩnh: Cử tri kiến nghị tiếp tục giữ chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên ( 08/10)