Một số nội dung cơ bản của Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở
EmailPrintAa
15:07 24/07/2023

Ngày 10/11/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Dân chủ ở cơ sở, Luật bao gồm 6 chương và 91 Điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Sau đây là một số nội dung cơ bản của Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở:

Về những quy định chung, Luật quy định phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc, phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng của Nhân dân, các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Quốc hội thảo luận dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Trong đó, có 6 nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm: (1) Bảo đảm quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. (2) Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. (3) Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động. (4) Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. (5) Bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở. (6) Tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Trần Đình Gia tham gia xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Luật quy định về việc công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn như: Nội dung, hình thức phải công khai; trách nhiệm tổ chức thực hiện việc công khai thông tin. Quy định về những nội dung, hình thức Nhân dân bàn và quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giá sát; trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc tổ chức việc bàn, quyết định và thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư, trong việc tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến. Quy định các nội dung cơ bản về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, Luật quy định về công khai thông tin ở cơ quan, đơn vị; về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định; tham gia ý kiến và kiểm tra, giám sát. Tại cơ quan, đơn vị, Luật có quy định về thành lập và những nội dung cơ bản về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị.

Quốc hội thông qua dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động, Luật quy định cụ thể về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, với tính chất đặc thù của doanh nghiệp nhà nước là loại hình doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định của pháp luật. Luật quy định về công khai thông tin ở doanh nghiệp nhà nước trong đó quy định cụ thể nội dung, hình thức, thời điểm công khai thông tin và trách nhiệm tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước và trách nhiệm trong việc bảo đảm để người lao động thực hiện kiểm tra, giám sát…

Luật quy định cụ thể về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước, bảo đảm thực hiện và tổ chức thực hiện Luật; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, HĐND và UBND cấp xã trong vi địa phương; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia, hỗ trợ và làm nòng cốt để Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc