Một số ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
EmailPrintAa
11:00 15/03/2023

Triển khai Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 04/02/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã triển khai lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, công chức, người lao động và tổng hợp góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Cổng thông tin điện tử Đại biểu Nhân dân Hà Tĩnh trích đăng một số ý kiến góp ý chung về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như sau:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV

1. Đề nghị xem xét đổi tên “ Luật Đất đai ” thành “ Bộ Luật Đất đai ” vì pháp luật về đất đai là một trong các nền tảng pháp pháp luật có tác động không dưới 37 Luật và hầu như tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội; đồng thời, nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất theo quan điểm và mục tiêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: “ Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và “ Đ ến năm 2023 phải h oàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất .

2. Đề nghị làm rõ nội hàm sở hữu toàn dân về đất đai; quyền và trách nhiệm của Nhà nước trong vai trò đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai (phạm vi đại diện chủ sở hữu toàn dân; những nội dung Nhà nước có quyền và trách nhiệm thực hiện, những nội dung cần xin ý kiến Nhân dân); quyền và trách nhiệm của Nhân dân trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu hiên thảo luận ở hội trường kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV

3. Dự thảo luật đã có nhiều điểm mới trong cơ chế phát triển quỹ đất, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư, đảm bảo đồng bộ, giải quyết được nhiều bất cập trong thực tiễn. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa làm rõ cơ chế để phát huy nguồn lực của tổ chức phát triển quỹ đất. Thực tiễn thời gian qua, mô hình Trung tâm phát triển quỹ đất chưa phát huy được vai trò trong việc tạo lập quỹ đất, các cơ chế tài chính cho hoạt động của tổ chức phát triển quỹ đất còn vướng nhiều thủ tục về cấp vốn, hoàn vốn, hoàn trả chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chi phí tổ chức đấu giá, đấu thầu. Bên cạnh đó, dự thảo luật còn thiếu cơ chế về huy động và phát triển nguồn vốn đủ mạnh, thiếu sự hỗ trợ, tham gia của hệ thống ngân hàng trong bố trí nguồn tiền cho tổ chức phát triển quỹ đất. Do đó, đề nghị cần tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, có cơ chế huy động hỗ trợ nguồn vốn cũng như trình tự, thủ tục về tài chính thuận lợi để các trung tâm phát triển quỹ đất hoạt động hiệu quả.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu tại Hội thảo tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội về một số nội dung quan trọng trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

4. Hiện nay các dự án đầu tư triển khai với quy mô lớn việc giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn có thể kéo dài nhiều năm, vì vậy đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định việc giao đất từng phần cho các dự án theo tiến độ dự án trong từng giai đoạn.

5. Đề nghị bổ sung và thống nhất định nghĩa về: Góp vốn bằng quyền sử dụng đất; góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất,… tránh trường hợp cùng một vấn đề nhưng được định nghĩa khác nhau tại các văn bản pháp luật. Đồng thời, quy định cụ thể về các điều kiện, trường hợp tại Luật Đất đai và các luật liên quan.

6 . Về thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử đất đối với đối tượng là hộ gia đình, cá nhân đề nghị quy định giao Văn phòng đăng ký đất đai một cấp, nhằm giảm áp lực cho cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cấp tỉnh, vừa giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, hiệu quả và tiết kiệm.

7 . Về đất nông nghiệp, để hướng tới việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp nhằm đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số. Đề nghị có quy định cụ thể, tạo điều kiện với việc chuyển đổi, sắp xếp lại các thửa đất nông nghiệp, tránh rập khuôn máy móc khi áp dụng quy định chung về chuyển đổi, chuyển quyền sử dụng đất gây mất thời gian trong quá trình thực hiện.

ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh - Bùi Thị Quỳnh Thơ thảo luận tại Tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

8 . Đề nghị cân nhắc bổ sung đối tượng doanh nghiệp với các điều kiện cụ thể được nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp từ các hộ gia đình, cá nhân để triển khai thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp nhằm thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung đất đai để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay.

9 . Đề nghị mở rộng đối tượng cho thuê đất sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp là những người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, không cư trú tại địa phương, được Nhà nước cho thuê quyền sử dụng đất trống, đồi núi trọc, bãi bồi ven biển, đất hoang hóa để đầu tư phát triển nông, lâm, ngư nghiệp với hạn mức diện tích phù hợp nhu cầu sản xuất, kinh doanh và khả năng đất đai của từng địa phương. Đồng thời, có giải pháp bảo vệ các hộ gia đình, cá nhân, đảm bảo có tư liệu sản xuất bền vững.

10 . Đối với các trường hợp được giao đất sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP của Chính phủ ngày 27/9/1993 về việc ban hành bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp nhưng nay không sử dụng do đã chết, già yếu hoặc chuyển đi khỏi địa phương… Thực tế các trường hợp này không còn nhu cầu sử dụng đất nhưng không làm thủ tục trả lại đất, tuy nhiên pháp luật chưa quy định cụ thể việc giải quyết làm lãng phí tài nguyên, phát sinh nhiều vướng mắc, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất. Đề nghị bổ sung quy định này.

11 . Đề nghị quy định về giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, đặc biệt là các trường hợp giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất phải rõ ràng, thống nhất và minh bạch. Mặt khác để đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước thì chỉ nên quy định một số loại dự án, đối tượng sử dụng được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, còn lại phải thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.

12 . Đề nghị bổ sung quy định cụ thể về xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất trên đất nông nghiệp.

13 . Đề nghị chuyển thẩm quyền xác định giá đất cụ thể giao cơ quan tài chính, đồng thời quy định cụ thể phương pháp định giá đất khi nhà nước thực hiện bồi thường hoặc thu tiền sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất, hạn chế sự khác biệt quá lớn giữa các phương pháp định giá đất.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Sở TN&MT tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

14. Luật Đất đai 2013 chưa quy định cụ thể việc xác định giá đất khi đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất. Do vậy đề nghị bổ sung quy định việc xác định giá đất cụ thể trong trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất.

15. Hiện nay, chưa có quy định và biện pháp để xử lý đối với các trường hợp nhận giao khoán của các nông, lâm trường, nhưng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy tờ viết tay, không chấp hành giao lại đất cho nhà nước khi hết thời gian giao khoán,… Đề nghị quy định cụ thể chế tài xử lý các trường hợp này, đặc biệt là việc xử lý phương án sử dụng đất khi nhà nước thu hồi đất các nông, lâm trường, đất quốc phòng, an ninh.

16. Luật Đất đai 2013 quy định việc đăng ký đất đai là bắt buộc, tuy nhiên  trên thực tế việc chấp hành đăng ký đất đai của một số người dân còn chưa nghiêm, nhất là các trường hợp không thường trú tại địa phương, điều này gây khó khăn khi thành lập hồ sơ địa chính phục vụ công tác quản lý. Đề nghị quy định rõ trách nhiệm và chế tài xử lý đối với hộ gia đình, cá nhân trong việc không sử dụng đất, không kê khai đăng ký đất đai.

17 . Với tốc độ đô thị hoá như hiện nay, quỹ đất ở ngày càng thu hẹp, đề nghị có chính sách hạn chế cấp đất ở riêng lẻ, tăng cường hỗ trợ xây dựng các khu đô thị tập trung, nhất là hệ thống các nhà cao tầng, các dự án nhà ở xã hội.

18. Chính sách xây dựng nhà ở xã hội là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển nhà ở và là một nội dung đã nêu trong nhiệm vụ 5 giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng thông qua. Chính phủ đã có kế hoạch xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội nhưng còn nhiều vấn đề trong tổ chức thực hiện. Do đó đề nghị xem xét và đánh giá tính hợp lý của chính sách ưu đãi về sử dụng các quỹ đất hỗ trợ triển khai các dự án để người có mức thu nhập trung bình, thu nhập thấp có thể tiếp cận nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị nhằm tạo công bằng về chất lượng sống cho cư dân, tránh phân hóa giàu, nghèo.

19. Đề nghị nghiên cứu thành lập sàn bất động sản Quốc gia, theo đó các giao dịch bất động sản đều được công khai khi qua sàn nhằm tăng sự tiếp cận đất đai của bên mua, bên bán, tăng hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo minh bạch, thu đúng, thu đủ ngân sách.

20 . Dự thảo luật chưa quy định đầy đủ và chưa có tính dự báo về vị trí pháp lý, quyền sử dụng đất các loại đất, bất động sản mới hình thành như căn hộ văn phòng, căn hộ du lịch. Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như rủi ro pháp lý đối với người dân và đặc biệt đó là các chủ đầu tư khi tiến hành kinh doanh một số loại hình bất động sản trên. Do đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế pháp lý đối với các loại bất động sản căn hộ văn phòng, căn hộ du lịch hoặc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng để tạo hành lang pháp lý quản lý các loại hình bất động sản mới dự kiến sẽ xuất hiện trên thị trường trong tương lai; đồng thời quy định xử lý cho các vướng mắc trước thời điểm Luật này có hiệu lực.

21. Đề nghị cần có quy định chính sách khuyến khích việc sắp xếp lại thửa đất liền kề mà có đường biên chưa hợp lý hoặc các bên liên quan có sự thoả thuận để phân định lại ranh giới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

22. Đề nghị quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm, nguồn lực truyền thông trong lĩnh vực đất đai; quy định rõ hơn những loại thông tin về đất đai mà người dân được quyền tiếp cận. Đồng thời, cơ sở dữ liệu đất đai phải được cập nhật và công khai, minh bạch, để người dân, cơ quan, tổ chức tiếp cận thông tin, giám sát, quản lý đất đai. Dự thảo Luật cần làm rõ kế hoạch, bố trí ngân sách quy định thời hạn hoàn thành cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin về đất đai.

Cổng thông tin điện tử Đại biểu Nhân dân Hà Tĩnh sẽ tiếp tục trích đăng một số ý kiến góp ý cụ thể về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Quang Đức - Trần Nhung

    Ý kiến bạn đọc