Người dân nhìn vào “công bộc”
EmailPrintAa
22:40 07/08/2016

Chính phủ đang quyết tâm đột phá vào những trì trệ của kinh tế - xã hội để tạo ra chuyển động mới trong quản trị điều hành quốc gia. Đó là dấu hiệu mừng cho một đất nước đang chuyển động để vượt lên.

Vậy thì các “công bộc”, các chính khách mà dân gửi lòng tin bầu chọn, phải hành động thế nào cho xứng với niềm tin ấy!

Người dân giờ không chỉ nghe những câu chữ, phát ngôn “vút giời xanh” của lãnh đạo bộ, ngành. Họ nhìn vào việc làm của các “công bộc” trước những vấn đề nóng bỏng đang đặt ra. Trách nhiệm với dân, thì không thể né tránh, không thể cứ “đá quả bóng trách nhiệm” chéo chân nhau mãi, mà cụ thể, rõ ra. Khi tiếp xúc cử tri, các ĐBQH, các vị lãnh đạo cao nhất của đất nước đều nghe những bức xúc “ngút trời” về thảm họa ô nhiễm môi trường mà Formosa gây ra, hay bất bình về một bộ phân công chức có quyền suy thoái đạo đức đang khuynh đảo kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa Nguồn: ITN

Lòng dân không bất bình sao được, khi có chuyện vung tiền biếu xén trao tay nhau để mua chức nọ, quyền kia. Cứ nghĩ chuyện chạy chức, chạy quyền nhạy cảm, dư luận râm ran mà hóa ra lại “nhỡn tiền” sự thật đang bày cả ra chăng.

Chỉ đạo của người đứng đầu của Đảng phải là làm đến nơi đến chốn, ai ký tá, ai o bế, vẽ đường trải thảm cho Trịnh Xuân Thanh về ngồi ghế Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang  đang thu hút dư luận cả nước. Cử tri nhìn xem Trung ương xử lý vụ này thế nào. Rõ ràng chọc mũi dao vào cái “u nhọt” này sẽ rất đau đớn xót xa, nhưng không thể không làm. Chính phủ nói “vi kiến, liêm chính, sáng tạo và hành động”! Nhưng người dân giờ không chỉ nghe nói, mà còn nhìn xem người đứng đầu Chính phủ và các thành viên Chính phủ hành động ra sao? Thủ tướng gương mẫu không xài xe mới, thì các “tư lệnh” bộ, ngành có theo gương ấy không? Đã đến lúc bộ, ngành nào cũng phải nhìn thẳng vào thực trạng của ngành mình, cũng phải soi lại chính mình, xem cái gì còn non yếu để bứt phá vượt ra. Người dân bất bình về những cán bộ giữ chức nọ, quyền kia “hạ cánh hưu” để lại bao chuyện buồn. Những cán bộ quyền uy này cứ tưởng hưu rồi là xong việc chả hề hấn gì nữa sao. Chuyện nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Thứ trưởng không thể đổ lỗi vòng quanh cho nhau trong những ủy quyền, ký tá vô trách nhiệm? Đừng nghĩ những ký tá trước khi hưu 20 ngày, mà vị Thứ trưởng xuôi tay trách nhiệm? Ông Võ Kim Cự càng không thể lên báo cãi mấy câu là xong việc! Sai phạm đến đâu xử đến đó, là chỉ đạo “bất di bất dịch” để “phép nước” có kỷ cương!

 Không thể những dự án ngàn tỷ “đắp chiếu, trùm mền” với bao “cười khóc” trong đầu tư non tầm gây lãng phí quá lớn, mà không động đến đâu. Chủ tịch QH đã rất thẳng thắn với cử tri Cần Thơ như thế. QH sẽ giám sát những vấn đề lớn mà dân bức xúc, từng ủy ban của QH sẽ giám sát theo từng chuyên đề. Đã đến lúc không thể cái gì cũng có thể “cho qua”.

 Dân bất bình trước những vấn đề nhức nhối, cũng chính là bức xúc của lãnh đạo đất nước những việc phải làm ngay. “Cài con cắm cháu” đôn chức, chạy quyền không thể có “đất” để khuynh đảo mãi? Tìm người tài, hay người nhà? Rõ ràng Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố thẳng: Phải tìm cho được người tài, dù người tài còn đang “ẩn” ở nơi “bìa rừng góc biển” nào? Người tài có thể là con em cô bác nhà nông. Tất cả phải bình đẳng, phải có cơ hội thăng tiến, có “đất” để cống hiến tài năng cho đất nước.

Minh bạch, công khai trong các cơ quan công quyền là quá cần lúc này. Liêm chính sáng tạo càng quá cần với mỗi “công bộc” của dân. Người làm tổ chức nhân sự “chọn người xếp ghế” phải khách quan vô tư. Còn cứ nhăm nhăm đi tìm người nhà, người đồng hương, người thân tín, “chiến hữu huynh đệ”, để ban phát o bế cho nhau, thì sao có thể nói là chọn người tài. Làm “tư lệnh” một ngành, mà tư duy cái gì cũng nói đến tiền, và tiền, thì tư duy “bạc tiền” ấy sao có thể sáng.

Người dân gửi niềm tin là trao cả trọng trách, kỳ vọng cho “công bộc”. Người dân không chỉ nghe “công bộc” phát ngôn, mà nhìn vào “công bộc” xem hành động thế nào, xử lý ra sao trước những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đặt ra!

 

 


    Ý kiến bạn đọc