Phiên họp thứ Bảy của UBTVQH
EmailPrintAa
14:42 17/04/2012

* Dự án Luật Giám định tư pháp: Chưa thể bỏ ngay lực lượng giám định pháp y tại phòng kỹ thuật công an cấp tỉnh
* Thông qua dự án Pháp lệnh Pháp điển hệ thống pháp luật: Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm chính về công tác pháp điển hệ thống pháp luật

Dự án Luật Thư viện: Đầu tư thư viện tuyến cơ sở theo phương thức bình quân sẽ dễ gây lãng phí

Sáng 16.4, tiếp tục Phiên họp thứ Bảy, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Giám định tư pháp và thông qua dự án Pháp lệnh Pháp điển hệ thống pháp luật.

Theo Báo cáo về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự án Luật Giám định tư pháp do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày, hiện dự thảo Luật còn hai vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau gồm: quyền yêu cầu giám định tư pháp của đương sự và mô hình tổ chức giám định tư pháp về pháp y cấp tỉnh.

Về quyền yêu cầu giám định tư pháp của đương sự, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định như dự thảo Luật. Bởi lẽ, việc mở rộng quyền của đương sự được tự mình yêu cầu giám định tư pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong hoạt động tố tụng, bảo đảm quyền cung cấp chứng cứ của đương sự trong các vụ việc dân sự và vụ án hành chính là phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, các vụ án hình sự có giải quyết vấn đề dân sự thì khi tham gia tố tụng, các đương sự như: nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ như đương sự trong các vụ việc dân sự thông thường khác. Nếu không quy định quyền trực tiếp yêu cầu giám định tư pháp của đương sự trong trường hợp này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong quan hệ pháp luật tố tụng. Riêng đối với bị can, bị cáo, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, theo nguyên tắc tố tụng hình sự, việc chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng nên không cần quy định quyền yêu cầu giám định tư pháp của các đối tượng này. Tán thành quan điểm của Ủy ban Tư pháp nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng đề nghị, nên quy định cụ thể hơn vấn đề này trong luật để có cơ sở giải quyết những trường hợp sẽ phát sinh trong thực tế như: đương sự yêu cầu giám định lại, kết quả giám định giữa hai lần khác nhau thì kết quả nào có giá trị...

Về mô hình tổ chức giám định tư pháp về pháp y cấp tỉnh, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Thường trực Ủy ban Tư pháp đề xuất hai phương án trình QH. Phương án thứ nhất là, thống nhất đầu mối quản lý tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh thuộc ngành y tế; đồng thời QH sẽ ban hành Nghị quyết thi hành Luật Giám định tư pháp, trong đó xác định rõ lộ trình chuyển giao nhiệm vụ giám định pháp y cấp tỉnh từ Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh sang tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế. Phương án thứ hai là, căn cứ vào nhu cầu, điều kiện thực tế của từng địa phương, Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu rõ: để có cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc quyết định mô hình tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh, Ủy ban Tư pháp đã chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Y tế tiến hành khảo sát thực trạng tổ chức và hoạt động giám định pháp y tại một số tỉnh và lấy ý kiến các cơ quan chức năng địa phương trong cả nước. Kết quả khảo sát cho thấy, tổ chức giám định pháp y hiện đang trong tình trạng manh mún, thiếu thống nhất nên đã cản trở việc tập trung đầu tư phát triển theo hướng chuyên trách, chính quy, hiện đại. Hầu hết các địa phương được khảo sát đều thống nhất cho rằng, cần tập trung hoạt động giám định pháp y cấp tỉnh vào một đầu mối, tạo điều kiện để Chính phủ đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực, xây dựng hệ thống tổ chức giám định pháp y chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp hóa cao theo phương án Chính phủ trình QH.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’ Sor Phước cũng tán thành phương án 1, và đề nghị chỉ nên trình QH xem xét một phương án song cũng không khỏi lo ngại về tình trạng lộn xộn, không thống nhất mô hình tổ chức giám định tư pháp trong ngành y tế hiện nay. Theo Chủ tịch K’ Sor Phước, để thống nhất đầu mối quản lý giám định tư pháp cấp tỉnh về ngành y tế thì điều quan trọng là phải cải tổ tổ chức giám định tư pháp của ngành y tế cấp tỉnh, cả về tổ chức, con người, quy chế hoạt động, vận hành của tổ chức này và quan hệ thông tin với các cơ quan điều tra, các cơ quan tố tụng... Cho rằng việc thống nhất đầu mối quản lý để tập trung đầu tư phát triển tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh là chủ trương đúng đắn, song Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng nêu rõ, thực tế cho thấy, việc duy trì lực lượng giám định pháp y tại phòng kỹ thuật công an cấp tỉnh vẫn cần thiết, ít nhất là trong thời gian tới chưa thể bỏ ngay được lực lượng này.

Sau khi nghe đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công an giải trình thêm quan điểm của các cơ quan này về mô hình tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị, vẫn nên trình QH cả hai phương án để QH thảo luận thận trọng trước khi quyết định. Cần báo cáo với QH đầy đủ ý kiến của ngành công an vì liên quan đến hoạt động của cơ quan điều tra, ngành công an không đồng ý bỏ lực lượng giám định pháp y tại phòng kỹ thuật công an cấp tỉnh – lý do thế nào cũng phải báo cáo thật rõ với QH.

Tiếp đó, với 100% ý kiến đồng ý, UBTVQH đã biểu quyết thông qua dự án Pháp lệnh Pháp điển hệ thống pháp luật, quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục pháp điển, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện pháp điển và các điều kiện bảo đảm cho công tác pháp điển. Về nguyên tắc, việc pháp điển không được làm thay đổi nội dung của quy phạm pháp luật được pháp điển; phải theo thứ bậc hiệu lực pháp lý của quy phạm pháp luật từ cao xuống thấp; các quy phạm pháp luật mới phải được cập nhật vào Bộ pháp điển và loại bỏ các quy phạm pháp luật hết hiệu lực khỏi Bộ pháp điển. Cũng theo quy định của Pháp lệnh thì Bộ Tư pháp là cơ quan có vai trò chính trong công tác pháp điển, có trách nhiệm dự kiến và trình Thủ tướng quyết định phân công cơ quan thực hiện pháp điển đối với từng đề mục, thẩm định kết quả pháp điển theo đề mục và sắp xếp các đề mục đã được pháp điển vào các chủ đề để trình Thủ tướng quyết định. Bộ này cũng chịu trách nhiệm quản lý, duy trì và cập nhật Bộ pháp điển; lập Đề án xây dựng Bộ pháp điển; hướng dẫn kỹ thuật thực hiện pháp điển; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác pháp điển; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp điển của các cơ quan.

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Thư viện.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Thư viện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết, Pháp lệnh Thư viện và hệ thống văn bản hướng dẫn được ban hành đã tạo hành lang pháp lý để xây dựng, phát triển mạng lưới thư viện trên cả nước, đáp ứng yêu cầu của người dân. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các thư viện đã từng bước áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, từng bước xây dựng thư viện điện tử. Tuy nhiên, pháp lệnh hiện hành và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Nhất là một số loại hình thư viện mới xuất hiện, hoạt động hiệu quả nhưng chưa được quy định tại Pháp lệnh nên chưa có căn cứ pháp lý để hoạt động và quản lý.

Theo báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thư viện của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tán thành việc sửa đổi toàn diện Pháp lệnh Thư viện, nâng lên thành Luật Thư viện. Hiện nay, do mức ngân sách cấp cho các thư viện còn thấp, trong khi, hoạt động này chủ yếu do ngân sách bảo đảm nên cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa được quan tâm về chuẩn hóa, hiện đại hóa và liên thông thư viện... Do vậy, Thường trực Ủy ban nhất trí với việc thiết kế quy định cụ thể chính sách đầu tư của Nhà nước và chính sách xã hội hóa. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Thường trực Ủy ban đề nghị cần tập trung vào một số nội dung thúc đẩy thư viện phát triển theo hướng hiện đại hóa, trong đó có hình thành thư viện điện tử, đổi mới thiết bị kỹ thuật trong lưu trữ, quản lý tài liệu thư viện, cải thiện điều kiện làm việc của cán bộ nhân viên… Các Ủy viên UBTVQH cơ bản nhất trí với báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ. Song, các Ủy viên UBTVQH cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện các quy định để bảo đảm tính khả thi. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa, quy định về chức năng của thư viện quốc gia có một số điểm trùng lặp với chức năng hiện hành của các thư viện lực lượng vũ trang. Ngoài ra, do đặc thù ngành nghề, tại thư viện của các cơ quan trong lực lượng vũ trang đang lưu trữ một số văn bản, tài liệu thuộc diện những hành vi nghiêm cấm được quy định tại dự thảo Luật. Một số ý kiến cho rằng, những trang mạng cung cấp, lưu trữ thông tin tương tự như một thư viện thông thường có phải là một loại hình thư viện hay không chưa được giải đáp trong dự thảo Luật. Dự thảo Luật mới quy định về ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của thư viện. Trong khi đó, một yêu cầu khi xây dựng Luật Thư viện là do quy định hiện hành chưa điều chỉnh loại hình thư viện điện tử dù loại hình này đang ngày càng phát triển, được nhiều người dân sử dụng tại nước ta.

Về phân loại thư viện, dự thảo Luật đã bổ sung thêm một số loại hình thư viện mới như thư viện ngoài công lập, thư viện có yếu tố nước ngoài; cụ thể hóa loại hình thư viện do UBND các cấp thành lập trong Pháp lệnh. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban cho rằng, thư viện thuộc cơ sở giáo dục đại học, thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thuộc cơ sở giáo dục phổ thông khác nhau rất lớn về mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi và đối tượng phục vụ, quy mô và loại hình tài liệu. Do đó, cần xếp các thư viện này thành các loại hình thư viện riêng để có quy định phù hợp. Hơn nữa, trong phân loại các loại hình thư viện không đề cập đến thư viện thuộc cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng trong Chương III quy định về quyền, nghĩa vụ của thư viện lại có những quy định riêng cho loại hình thư viện này. Đồng tình với quan điểm này của Thường trực Ủy ban, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc về phương thức tổ chức và lộ trình phát triển hợp lý đối với loại hình thư viện cơ sở xã, phường. Bởi nếu thành lập hệ thống thư viện cấp xã đồng bộ, chính quy thì Nhà nước phải đầu tư ngân sách cho việc xây dựng trụ sở, bố trí cán bộ và duy trì hoạt động thư viện. Trong khi, kết quả khảo sát thực tế cho thấy, ngay cả thư viện cấp huyện hiện còn nhiều khó khăn, hầu hết chưa có trụ sở riêng mà thường được bố trí chung trong trung tâm văn hóa huyện; ngân sách được cấp hạn chế. Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, nếu đầu tư hệ thống thư viện theo phương thức bình quân chủ nghĩa thì sẽ gây lãng phí cả về con người và ngân sách Nhà nước.


    Ý kiến bạn đọc