Sửa đổi Luật Công chứng là yêu cầu từ thực tiễn
EmailPrintAa
20:39 16/05/2024

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức khảo sát và làm việc tại một số cơ quan, đơn vị để xem xét, góp ý dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội (ĐBQH) tỉnh Trần Đình Gia chủ trì buổi làm việc.

Cùng dự có đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Pháp chế HĐND tỉnh và các đơn vị có liên quan.

Đoàn ĐBQH khảo sát tại Phòng Công chứng Thành Sen...

Nhiều bất cập trong thực hiện Luật Công chứng

Sau hơn 9 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, các quy định của Luật đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, Luật cũng bộc lộ nhiều bất cập như: Thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng; chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh. Việc hợp danh của công chứng viên tại Văn phòng công chứng ở một số địa phương còn mang tính hình thức. Quy định về chấm dứt tư cách thành viên hợp danh và bổ sung thành viên hợp danh mới tại Văn phòng công chứng còn chưa chặt chẽ, chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát; một số trình tự, thủ tục về công chứng không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn; việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tại một số địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu công chứng thống nhất trong cả nước.

Do đó, việc sửa đổi Luật Công chứng là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng.

…và khảo sát tại Phòng Công chứng số 1…

Tập trung thảo luận nhiều vấn đề sát thực tiễn

Tại buổi làm việc các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề đề khắc phục những bất cập, vướng mắc. Theo đó, đối với tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng, trên địa bàn tỉnh hiện có 23 công chứng viên đang hành nghề, trong đó 12 người là cán bộ đã về hưu, chiếm tỷ lệ 52%; việc phát triển đội ngũ công chứng viên trẻ còn hạn chế do việc tổ chức kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng viên chưa thường xuyên. Thực tế cho thấy việc hợp danh của các công chứng viên còn mang tính hình thức; tình trạng xin rút, tiếp nhận thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng thường xảy ra. Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về công chứng do khó khăn về tài chính, gây khó khăn trong việc ngăn ngừa các hành vi lừa đảo, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch; chưa xây dựng được chính sách ưu đãi đối với Văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Đối với việc thực hiện các quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch theo quy định pháp luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản, theo nhiều đại biểu, tại quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở thì các giao dịch mang tính chuyển dịch quyền sử dụng đất và chuyển dịch quyền sở hữu nhà ở thuộc nhóm bắt buộc phải công chứng nhưng tại Luật Kinh doanh bất động sản thì việc mua bán nhà từ chủ đầu tư (hoặc các công ty kinh doanh bất động sản) sang người dân không bắt buộc phải công chứng. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu để sửa đổi phù hợp thực tiễn, tránh thiệt hại cho người dân khi xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà.

Trên lĩnh vực cơ sở dữ liệu công chứng, lưu trữ hồ sơ công chứng; phí công chứng, giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng và chi phí khác; việc quản lý nhà nước về công chứng… các đại biểu cho biết: Nguồn lực phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về công chứng còn hạn chế; số lượng biên chế công chức tham mưu thực hiện nhiệm vụ chỉ có 02 người nên gặp nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị dự thảo Luật cần xem xét để tháo gỡ khó khăn nêu trên.

Trưởng phòng Công chứng số 1 Bùi Minh Thu, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định  tại khoản 2 Điều 56 để giảm bớt thủ tục và chi phí cho người dân.

Đối với các điều khoản cụ thể, các đại biểu đề nghị bỏ điểm c khoản 2 Điều 16 vì việc tham gia các Hội dựa trên nguyên tắc tự nguyện của mỗi người khi có đủ tiêu chuẩn và tán thành điều lệ Hội. Tại khoản 1 Điều 36 đề nghị sửa lại là công chứng viên phải đeo thẻ công chứng viên khi hành nghề hoặc là xuất trình thẻ khi có yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; khoản 7 Điều 39, đề nghị bỏ quy định đối với việc có thể xuất trình bản sao có chứng thực đối với giấy tờ tùy thân; khoản 3 Điều 46, đề nghị xem xét bổ sung quy định Công chứng viên chỉ định người phiên dịch là cộng tác viên dịch thuật của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc phiên dịch; đề nghị nghiên cứu sửa đổi khoản 3 Điều 54 vì quy định như dự thảo gây nhiều khó khăn cho người yêu cầu công chứng khi tham gia vào các hợp đồng giao dịch; khoản 3 Điều 49, đề nghị không quy định công chứng viên phải thông báo bằng văn bản mà chỉ cần thông báo cho những người tham gia giao dịch như Luật Công chứng 2014,  đồng thời thống nhất với việc thông báo sửa lỗi kỹ thuật trong hợp đồng ủy quyền quy định tại khoản 3 Điều 54. Nghiên cứu bổ sung quy định  tại khoản 2 Điều 56 “Những người thừa kế có thể thoả thuận việc một hoặc một số người thừa kế tặng cho, hoặc bán quyền hưởng toàn bộ hoặc một phần di sản của mình cho một hoặc một số người thừa kế khác”, để giảm bớt thủ tục và chi phí cho người dân.

Văn phòng Công chứng Nguyễn Thành Đông đề nghị bỏ điểm c khoản 2 Điều 16 vì việc tham gia các Hội dựa trên nguyên tắc tự nguyện của mỗi người khi có đủ tiêu chuẩn và tán thành điều lệ Hội.

Nhiều điểm mới tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong Luật Công chứng sửa đổi

Theo các đại biểu, so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) có những điểm mới.

Thứ nhất , xác định đúng phạm vi hoạt động công chứng và thẩm quyền của công chứng viên (CCV), theo đó công chứng là việc CCV chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản; việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng. Thay vào đó, dự thảo Luật đã giao cho CCV thực hiện chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân vì có thêm lựa chọn khi có nhu cầu chứng nhận bản dịch, đồng thời góp phần giảm tải công việc cho các phòng Tư pháp cấp huyện đang thực hiện nhiệm vụ này. Như vậy, cùng với việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký cá nhân theo quy định của Luật Công chứng hiện hành, CCV sẽ có thẩm quyền thực hiện thêm một loại việc chứng thực là chứng thực chữ ký người dịch.

Thứ hai , bổ sung quy định nhằm xác định rõ việc hành nghề công chứng là việc CCV thực hiện việc công chứng giao dịch. Như vậy, mặc dù CCV được giao thực hiện một số việc chứng thực song nếu CCV không công chứng giao dịch mà chỉ thực hiện việc chứng thực thì không được xem là hành nghề công chứng. Đây là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, xác minh, xem xét xử lý vi phạm trong quá trình hành nghề của CCV.

Trưởng phòng Công chứng huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Ngọc Huỳnh: Đề nghị quy định tuổi của công chứng viên không quá 70 tuổi.

Thứ ba , sửa đổi quy định thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng (được tính theo thời điểm CCV ký và tổ chức hành nghề công chứng (không viết tắt) đóng dấu thay vì tính theo ngày ký và đóng dấu như hiện nay) để đảm bảo chặt chẽ và phù hợp với quy định pháp luật có liên quan.

Thứ tư , bổ sung quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm mới đối với CCV, tổ chức hành nghề công chứng, cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, góp phần phát triển đội ngũ CCV chất lượng cao và các tổ chức hành nghề ổn định, bền vững, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công chứng.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu tại cuộc làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đánh giá cao những ý kiến góp ý của đại biểu tham dự, các ý kiến góp ý sát thực tiễn, chất lượng cao, thảo luận kỹ các nội dụng của dự án Luật. Đồng thời, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu sâu, đối chiếu thực tiễn để góp ý vào dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc