Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ
Hiến pháp 2013 và trên cơ sở các quy định của Hiến pháp 2013 về bộ máy nhà nước, các đạo luật: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân, Luật Kiểm toán nhà nước được QH Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và 9 đã tạo cơ sở pháp lý khá đồng bộ cho việc thực hiện nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước đã được hiến định theo tinh thần phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sự đồng bộ này tạo thuận lợi cho mỗi một chế định quyền lực phát huy tốt thẩm quyền, trách nhiệm không chỉ trong lĩnh vực quyền lực được phân công mà còn cả trong việc phối hợp và kiểm soát việc thực hiện các thẩm quyền của từng thiết chế quyền lực nhà nước khác. Đối với QH, sự đồng bộ này tạo điều kiện cho QH thực hiện vai trò, trách nhiệm của một thiết chế thực hiện quyền lập pháp, vai trò của một nhạc trưởng trong tổ chức, điều phối sự tham gia, phối hợp giữa các cơ quan hành pháp, tư pháp trong suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo quy định của Hiến pháp.
Luật Tổ chức QH năm 2014 đánh dấu bước phát triển quan trọng của QH nước ta trong lịch sử lập hiến. Đạo luật này đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về đổi mới tổ chức và hoạt động của QH, các cơ quan của QH; bảo đảm QH là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước. Kế thừa và phát triển những quy định trong Luật Tổ chức QH và các văn bản pháp luật khác có liên quan đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, đúng đắn và hiệu quả; khắc phục những hạn chế, bất cập; đồng thời hệ thống hóa, pháp điển một bước các quy định về tổ chức và hoạt động của QH. Xác định ĐBQH giữ vai trò trung tâm. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH là các cơ quan chuyên môn làm việc thường xuyên của QH. UBTVQH là cơ quan thường trực của QH. Cơ quan thuộc QH là VPQH. Cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của QH để tránh chồng chéo, trùng lặp, không hành chính hóa hoạt động của QH, các cơ quan của QH. Tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của nghị viện của một số nước trên thế giới phù hợp với điều kiện của Việt Nam; hoàn thiện cả về kỹ thuật lập pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả của hoạt động này.
Cùng với Luật Tổ chức QH 2014, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa được QH Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 9 cũng đang tạo ra các điều kiện thuận lợi cho QH thực hiện ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn các hoạt động lập pháp.
Thành tựu trên nhiều mặt
Việc hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi các quy định về quyền con người, quyền công dân phải đặc biệt tuân thủ quy định tại Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp 2013. Theo đó, “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Như vậy chỉ có các đạo luật mới có thể quy định việc hạn chế các quyền con người, và việc hạn chế này luôn bị giới hạn trong những trường hợp thật sự cần thiết nêu trên. Điều khoản hiến định này đòi hỏi phải rà soát để kịp thời loại bỏ quy định trong các văn bản dưới luật đang hạn chế quyền con người, quyền công dân ngoài các trường hợp thật sự cần thiết như Hiến pháp 2013 quy định. PGS.TS. LÊ MINH THÔNG |
Sự đổi mới tổ chức và hoạt động của QH qua mỗi khóa đã và đang khẳng định vị trí, vai trò của QH với vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân. Mỗi nhiệm kỳ QH là bước trưởng thành, phát triển của một thể chế đại diện, đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn lập hiến và lập pháp. QH Khóa XIII với việc xây dựng và thông qua Hiến pháp mới - Hiến pháp 2013 và hàng loạt các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền công dân, các thể chế kinh tế thị trường, an ninh quốc phòng, đối ngoại đã tạo được tiền đề khá vững chắc cho hoạt động lập pháp của các khóa QH tiếp theo. Các kinh nghiệm, bài học được đúc kết, rút ra từ thực tiễn hoạt động của các khóa QH gần đây, đặc biệt QH Khóa XIII sẽ là tiền đề quan trọng để QH Khóa XIV tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo đúng các yêu cầu của Hiến pháp 2013.
Những đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của QH nói chung và đối với hoạt động lập pháp nói riêng đã và đang được thực hiện trong thời gian vừa qua và chắc chắn sẽ được triển khai mạnh mẽ sau Đại hội XII của Đảng cũng sẽ là một thuận lợi cơ bản để QH phát huy vai trò hiến định của mình, nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong những năm tiếp theo.
Những thành tựu lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao QH các khóa vừa qua và hiện nay đạt được không chỉ khẳng định vị trí, vai trò và đóng góp to lớn của QH trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn tạo nên uy tín cũng như sự tin tưởng của các tầng lớp nhân dân đối với QH.
Niềm tin, sự ủng hộ to lớn của nhân dân đối với QH Việt Nam đang là cơ sở quan trọng để QH phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn và nhân dân ủy quyền.
Gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe, thấu hiểu ý chí, nguyên vọng của nhân dân, xây dựng pháp luật vì lợi ích của các tầng lớp nhân dân là truyền thống của QH nước ta. Dựa vào nhân dân và vì nhân nhân để tiến hành các hoạt động lập pháp. Nhờ đó, QH Việt Nam có được sự đồng tình, ủng hộ rộng lớn của nhân dân, có được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp của QH.
Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế giữa QH, các cơ quan của QH, với Nghị viện và các cơ quan của Nghị viện các nước trên thế giới, không chỉ tăng cường quan hệ ngoại giao nghị viện, sự hợp tác giữa QH Việt Nam và Nghị viện các quốc gia khác mà còn góp phần quan trọng nâng cao năng lực của các cơ quan của QH Việt Nam trong hoạt động thẩm tra các dự án luật trình QH. Thông qua các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, các cơ quan của QH, các ĐBQH có điều kiện nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm lập pháp của Nghị viện các nước, qua đó có thể rút kinh nghiệm, tham khảo trong quá trình thực hiện các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, thẩm tra các dự thảo, giúp UBTVQH tiếp thu ý kiến ĐBQH, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật trình QH xem xét thông qua. Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao kỹ thuật lập pháp, tăng cường hiệu quả của các văn bản pháp luật, bảo đảm khả năng hội nhập của hệ thống pháp luật Việt Nam với hệ thống pháp luật của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Tin mới cập nhật
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 40 ( 10/12)
- Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) ( 16/10)
- Nhiều kiến nghị có giá trị trong việc lấy ý kiến góp ý dự án luật lĩnh vực thuế - tài chính , ngân sách của Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh ( 15/10)
- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh làm việc với Công an tỉnh về một số dự án trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV ( 11/10)
- Nhiều ý kiến chất lượng góp ý xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ( 09/10)
- Hà Tĩnh: Cử tri kiến nghị tiếp tục giữ chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên ( 08/10)