Thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, vai trò của QH và sự tiến bộ xã hội
EmailPrintAa
08:39 02/03/2015

Dự án Luật Trưng cầu ý dân dự kiến sẽ được trình QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Chín, QH Khóa XIII. Khẳng định, đây là dự án Luật quan trọng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về quyền dân chủ trực tiếp của người dân, tại Phiên họp thứ Ba mươi lăm, các Ủy viên UBTVQH cũng nêu rõ, không thể mơ mơ màng màng trong quan điểm xây dựng dự án Luật này. Luật phải quy định rõ, chặt chẽ những vấn đề nào, ở mức độ nào thì đưa ra trưng cầu ý dân; ai, cơ quan nào có thẩm quyền đề xuất việc trưng cầu ý dân; tính pháp lý của kết quả trưng cầu ý dân như thế nào và trách nhiệm của QH trong việc tiếp nhận, xử lý kết quả trưng cầu ý dân ra sao?…

Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’ Sor Phước: Phải có quy định nghiêm cấm đề nghị đưa ra trưng cầu dân ý những nội dung trái với quy định của Hiến pháp và pháp luật

Đây là dự án Luật rất quan trọng, chúng ta không thể mơ mơ màng màng được. Nếu xử lý không khéo thì chính nó sẽ là cái bẫy. Mặt tốt của luật này là thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của người dân, nhưng nếu quy định không rõ ràng thì sẽ tự đẩy mình vào nguy cơ bất ổn, tự ta làm rối ta từ phương tiện này. Trong cuộc sống có rất nhiều vấn đề cần lắng nghe ý kiến của dân. Chúng ta phải thấy rõ điều đó. Nhiều vấn đề trong cuộc sống, trước khi thể chế hóa bằng luật, các quyết sách của Nhà nước, chúng ta đều phải lắng nghe ý kiến của nhân dân. Bây giờ, có luật về trưng cầu dân ý thì cách lấy ý kiến nhân dân như thế nào, ở mức độ nào thì tiến hành trưng cầu ý dân? Đây là câu chuyện chúng ta cần phải làm rõ. Từ cách tiếp cận này, đi vào Điều 10 của dự thảo Luật, tôi đồng ý với chị Trương Thị Mai.

Thứ nhất, cần có ngay điều đầu tiên là nghiêm cấm đề nghị đưa ra trưng cầu dân ý những nội dung trái với quy định của Hiến pháp và pháp luật. Phải khẳng định vấn đề này. Tức là, không ai được đề nghị đưa ra trưng cầu ý dân những vấn đề trái với Hiến pháp, trái với pháp luật hiện có. Những vấn đề này, cần thiết phải xử lý thì đã có QH là cơ quan đại biểu của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất xử lý. Ở đây có đặt vấn đề phải trưng cầu ý dân về đề nghị sửa đổi một số điều trong Hiến pháp. Phải xem lại cách làm của ta trước đây. Bối cảnh năm 1946 rất khác hiện nay, cho nên, cách trưng cầu ý dân của năm 1946 cũng phải khác. Tư tưởng về trưng cầu ý dân lúc đó khác, không thể giống như bây giờ. Vì vậy, tôi đề nghị nếu trong trường hợp cần sửa đổi Hiến pháp thì phải nghiên cứu lại. Từ năm 1959 tới nay, chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp mấy lần rồi và thực tế là vẫn bảo đảm được nguyên tắc nhân dân giám sát và tham gia đầy đủ các nội dung trong quá trình sửa đổi Hiến pháp, QH vẫn là cơ quan quyết định về Hiến pháp, vẫn bảo đảm được đất nước ổn định, phát triển. Bây giờ thông tin mạng rất nhiều, có nhiều thế lực lợi dụng phương tiện này, đòi hỏi chúng ta phải thế này, thế kia. Nếu các thế lực này ghi vào đó là mục này có mấy triệu người truy cập vào thông tin này, đồng tình với ý kiến này và đòi chúng ta phải sửa Hiến pháp thì thái độ của chúng ta thế nào? Vì thế, phải kỷ cương chỗ này. Những vấn đề có tính hệ trọng mà Hiến pháp, luật pháp đã quy định thì anh có đề nghị tôi cũng không chấp nhận, vì đó là nội dung thuộc thẩm quyền của QH, QH sẽ quyết.

Thứ hai, về phạm vi trưng cầu ý dân, tôi đề nghị cân nhắc thêm. Tôi đồng ý phạm vi toàn quốc nhưng cũng cân nhắc thêm một số trường hợp rất đặc biệt ở cấp vùng, cấp địa phương về những nội dung không liên quan đến vấn đề chính trị. Chúng ta phải tránh việc lợi dụng liên quan đến vấn đề chính trị theo vùng, theo địa phương, cục bộ, tự trị hay chia tách là không được. Có thể trưng cầu ý dân về một nội dung nào đó vì cuộc sống vốn đa dạng, chúng ta cũng chưa thể tính toán được hết. Chúng ta trưng cầu ý dân để thăm dò ý chí, nguyện vọng của nhân dân như thế nào, trên cơ sở đó QH mới quyết định có chấp nhận hay không chấp nhận và chấp nhận như thế nào. Theo tôi những chỗ trưng cầu đó không liên quan đến chính trị, đến an ninh quốc phòng và không thể chia cắt được. Không trưng cầu ý dân theo vùng. Về những vấn đề khác tôi đồng ý theo những ý kiến của Ủy ban Pháp luật là khá đầy đủ.

Cuối cùng, sau khi trưng cầu ý dân xong thì kết quả đó QH tiếp thu như thế nào? Không phải trưng cầu xong là tự nhiên thành hiệu quả, hiệu lực. Nó chỉ có hiệu lực sau khi QH quyết định chấp nhận việc này bằng một văn bản như thế nào. Ta phải nói tính pháp lý và trách nhiệm của QH khi tiếp nhận ý kiến, kết quả trưng cầu ý dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Trưng cầu ý dân bao trùm như một quyền lực chỉ đạo cải cách trong hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng về lấy ý kiến của dân - chúng ta đã lường hết chưa?

Tôi quan tâm 3 nội dung liên quan đến dự thảo Luật:

Thứ nhất, về quyết định trưng cầu ý dân, dự thảo Luật đề ra là rất lớn, thể hiện ở Điều 6, những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ví dụ, về xã hội, chúng ta bàn vấn đề hôn nhân đồng tính hay việc mang thai hộ có đưa ra lấy ý kiến nhân dân không, vì vấn đề này ảnh hưởng sâu rộng chứ không phải đơn giản. Về kinh tế, chúng ta gia nhập WTO, TPP thì có trưng cầu ý dân hay không? Đây là những vấn đề rất rộng, rất lớn nhưng quá chung, nếu đưa ra thảo luận cũng khó có được sự thống nhất. Nếu dự thảo Luật chỉ đưa ra chung chung như ở Điều 6 thì trở lại Hiến pháp cũng đã có quy định rồi. Tôi đề nghị giải thích thêm. Không giới hạn được phạm vi trưng cầu ý dân thì rất khó thực hiện.

Thứ hai, nếu luật này đưa vào thực thi thì kinh phí tổ chức trưng cầu ý dân rất lớn vì phạm vi như dự thảo Luật quy định là quá rộng. Mỗi lần tổ chức như thế thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc chứ đâu phải chỉ có văn bản chỉ đạo từ trên gửi xuống rồi văn bản, kết quả từ dưới gửi lên. Không biết, chúng ta có dự liệu được hàng năm có bao nhiêu lần trưng cầu ý dân và tốn bao nhiêu tiền không? Ở đây, chưa nói đến kết quả trưng cầu ý dân thế nào nhưng theo tôi, kinh phí tổ chức thực hiện trưng cầu ý dân là rất quan trọng.

Thứ ba, Ủy ban Trưng cầu ý dân quy định tại Điều 16. Tôi hiểu Ủy ban này được thành lập và hoạt động mang tính chất kiêm nhiệm. Sau khi tổ chức xong trưng cầu ý dân thì cũng kết thúc hoạt động của Ủy ban đó, kể cả cấp Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, nhìn lại Điều 17 về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban này thì quá lớn, có thể xoay chuyển cả hệ thống chính trị. Ví dụ, nhiệm vụ chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trong quá trình lấy ý kiến. Nhìn vào 7 nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban này tại Điều 17 thì thấy bao trùm như một quyền lực chỉ đạo cải cách trong hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng về lấy ý kiến của dân. Không biết điều này, chúng ta đã lường hết chưa?

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Dự án luật phải trả lời được 6 câu hỏi

Dự án Luật này cần được đưa ra QH để thảo luận thêm và cần thiết ban hành trong thời gian tới. Qua nghiên cứu dự án luật, tôi thấy chúng ta cần xây dựng luật chặt chẽ, cụ thể và lường được hết tất cả vấn đề.

Dự án Luật này phải trả lời được 6 câu hỏi còn chưa được rõ trong dự thảo:

Thứ nhất, khi nào thì trưng cầu ý dân? Hay như câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai đặt ra: điều kiện để trưng cầu ý dân là thế nào? Phải làm rõ trong dự án luật này, phải xây dựng một điều về những điều kiện để trưng cầu ý dân là điều kiện gì.

Thứ hai, chúng ta phải khẳng định thêm một lần nữa nội dung trưng cầu ý dân là gì? Trong dự thảo quy định tại Điều 6 về nội dung trưng cầu ý dân, nhưng diễn đạt rất chung chung. Có những vấn đề chúng ta phải khẳng định như vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, thì dứt khoát không thể là nội dung trưng cầu ý dân được. Hay những vấn đề đã khẳng định như nguyên tắc lãnh đạo của Đảng thì không thể trưng cầu được. Những nội dung này chúng ta phải ghi cụ thể trong Luật.

Thứ ba, ai là người đề nghị trưng cầu ý dân? Quan điểm của tôi cho rằng, dứt khoát những ý kiến đề nghị trưng cầu ý dân phải là tập thể, không có cá nhân, dù cá nhân đó chức vụ đến đâu cũng không được đề xuất trong Luật này. Vì đến một thời điểm một cá nhân nào đó đề xuất ra, dù đó là cá nhân có trách nhiệm, cũng có thể gây ảnh hưởng tới hệ thống chính trị, thể chế của chúng ta. Tôi đề nghị chỉ có tập thể mới có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, không thể đưa cá nhân vào đây được. Ai sẽ là người quyết định nội dung, thời điểm, thời gian trưng cầu ý dân? Rõ ràng chúng ta phải khẳng định ở đây là QH, trên cơ sở đề xuất của ĐBQH, sẽ quyết định trưng cầu ý dân về nội dung, thời gian, thời điểm.

Thứ tư, nhưng quan trọng nhất tôi thấy là xử lý các vấn đề. Trong luật này chúng ta phải hết sức lưu ý, đã là phạm vi trưng cầu ý dân phải là tầm quốc gia, những vấn đề quốc gia đại sự, vấn đề lớn, không thể là vấn đề khu vực được. Vừa qua chúng ta thấy bài học của một số nước, đưa vấn đề khu vực ra trưng cầu ý dân sẽ ảnh hưởng tới vấn đề an ninh, quốc phòng, liên quan đến cả vấn đề toàn vẹn lãnh thổ. Cho nên chúng ta phải khẳng định rõ trong Luật này: trưng cầu ý dân những vấn đề mang tính chất toàn quốc. Còn xin ý kiến như chia tách địa giới không nằm trong nhóm quy định của Luật Trưng cầu ý dân mà nằm trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật khác.

Thứ năm, tôi cũng đồng tình với làm rõ trong Luật việc xử lý sau khi trưng cầu ý dân. Chỉ cần 50% số người đi bỏ phiếu trưng cầu ý dân, trong đó chỉ có quá bán là 51% của 50% số người đi bỏ phiếu thì thực tế chỉ có 25%. Cho nên chúng ta phải quy định đã trưng cầu ý dân và để bảo đảm cho ý kiến đó có đầy đủ căn cứ pháp lý phải quy định tỷ lệ cao hơn, không thể như trong dự thảo Luật.

Hơn nữa, thứ sáu, sau khi đã xin ý kiến rồi cần có một cái chốt rất quan trọng: ai sẽ công nhận việc trưng cầu ý kiến đó là hợp pháp và đầy đủ điều kiện, thì chúng ta phải khẳng định trong Luật này là QH. Nếu những ý kiến trưng cầu đó không hợp lý thì QH có quyền bác bỏ. Như vậy Luật này mới chặt chẽ được.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Phải giải quyết cơ bản hai vấn đề quan trọng là những vấn đề gì và khi nào, điều kiện gì để đưa ra trưng cầu ý dân

Thứ nhất, về sự cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân, chúng tôi công nhận sự cần thiết, vì vấn đề này Hiến pháp đã quy định và Luật Tổ chức QH đã ghi.

Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh, trong dự án Luật dành một điều, Điều 1. Nhưng quy định phạm vi điều chỉnh như Điều 1 hơi dài, gần như liệt kê tên của chương chính ra, như thế không hay lắm theo thông lệ làm luật. Tôi nghĩ phạm vi điều chỉnh Luật này nói gọn hơn là: Luật này quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục và nội dung, kết quả của việc trưng cầu ý dân.

Thứ ba, về một số nội dung cụ thể, một trong những vấn đề quan trọng nhất là những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân. Tôi nghĩ ở Điều 6 phải giải quyết cơ bản 2 vấn đề quan trọng nhất: một là những vấn đề gì, quy định về tính chất quan trọng của vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân; hai là khi nào, tức là điều kiện gì để đưa ra trưng cầu ý dân. Điều 6, những vấn đề quan trọng đưa ra trưng cầu ý dân phải thỏa mãn 2 điều kiện này. Trong dự thảo mới đưa ra một điều kiện là những vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia... Nhưng quan trọng thì có nhiều vấn đề quan trọng, ở đây phải là đặc biệt quan trọng. Vấn đề nữa là khi nào cần tiếp tục nghiên cứu nhưng phải thể hiện được trong Luật này. Đây là trình tự, thủ tục phải trên cơ sở Hiến pháp và Luật Tổ chức QH, có những vấn đề thuộc thẩm quyền của UBTVQH, có vấn đề thuộc thẩm quyền của QH, đặc biệt trong Hiến pháp và Luật quy định QH là cơ quan lập hiến và lập pháp. Phải hết sức lưu ý vấn đề ở chỗ này. Tôi cho rằng trên tinh thần ấy sẽ trả lời câu hỏi những vấn đề đặc biệt quan trọng được đưa ra trưng cầu ý dân là gì, thì hiển nhiên đầu tiên là những vấn đề đã được thảo luận tại QH mà còn nhiều ý kiến khác nhau. Vấn đề đã đặc biệt quan trọng, đã thảo luận ở QH kỹ rồi nhưng QH còn phân vân. Đấy là điều kiện tiên quyết. Tất nhiên có điều kiện khác nữa thì cần tiếp tục nghiên cứu. Chúng tôi nghĩ không thể thiếu được điều kiện QH đã thảo luận kỹ rồi nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau, phức tạp, tâm tư, phân vân, thậm chí đã xin ý kiến nhân dân nhưng vẫn chưa yên tâm quyết thì lúc đó mới cần trưng cầu ý dân. Phải theo thứ bậc, cái gì do HĐND địa phương ban hành, cái gì do UBTVQH ban hành, cái gì do QH ban hành, cái gì đến mức phải trưng cầu ý dân. Tôi nghĩ Điều 6 phải thể hiện được những ý như vậy.

Về phạm vi trưng cầu ý dân quy định tại Điều 7, tôi thống nhất cao với đa số ý kiến là những vấn đề quan trọng đã được QH thảo luận liên quan đến quyền và lợi ích đặc biệt quan trọng trong phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, để rộng đường QH thảo luận nên đưa ra phương án 2 là đối với một số vấn đề liên quan đến lợi ích của một bộ phận dân cư hoặc tác động trực tiếp đến một số địa phương nhất định, thì ở giai đoạn đầu của thảo luận chúng ta chưa nên gút ngay mà nên nghe, phân tích các mặt...

Về giám sát việc trưng cầu ý dân, tôi thống nhất với quan điểm của cơ quan thẩm tra là những vấn đề về giám sát đã được quy định trong Luật Hoạt động giám sát của QH và một số vấn đề cơ quan tổ chức trong Luật MTTQ Việt Nam cũng như một số luật khác có quy định về vấn đề giám sát. Tôi nghĩ rằng không cần thiết phải có chương hoặc phần riêng quy định về giám sát đối với loại việc này.

Về chủ thể về quyền trưng cầu ý dân, tôi đề nghị thực hiện đúng theo quy định của Luật Tổ chức QH. Theo đó, quy định tại khoản 1, Điều 19: QH quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của UBTVQH, Chủ tịch Nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số ĐBQH. Luật đã quy định, tôi nghĩ rằng không nên bàn thêm vấn đề này.

Về Ủy ban Trưng cầu ý dân, khi QH quyết định trưng cầu ý dân thì có thành lập Ủy ban riêng hay không? Chúng tôi ủng hộ quan điểm là việc chỉ đạo tổ chức thực hiện luật, thì Hiến pháp và luật đã quy định do UBTVQH chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tôi nghĩ rằng dù có thành lập Ủy ban thì ở Trung ương cũng là UBTVQH chỉ đạo, còn ở địa phương nên giao cho HĐND các cấp, không nên giao cho UBND. Bởi vì, HĐND đại diện cho cử tri, nhân dân thì tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Trong dự thảo có một phương án đưa ra giao cho UBND các cấp, chúng tôi nghĩ rằng không hợp lý.

Vấn đề quan trọng trong Luật này phải lưu ý là kết quả và tính hiệu lực của trưng cầu ý dân. Về phương án công nhận kết quả trưng cầu ý dân, chúng tôi nghĩ quan điểm thứ nhất, trong trường hợp trưng cầu ý dân phải có quá bán 1/2 số cử tri tham gia và phương án quá 1/2 số cử tri có số phiếu hợp lệ đã tham gia thì được công nhận. Chúng tôi nghĩ các quy định của Hiến pháp có tính chất đặc thù, không thể đồng nhất với các phương án khác. Chúng tôi ủng hộ phương án đối với những vấn đề liên quan đến Hiến pháp vẫn phải yêu cầu phải có 2/3 tổng số cử tri tham gia việc trưng cầu ý dân. Phương án được công nhận cũng phải được 2/3 số phiếu cử tri đồng ý tán thành.

 

 


    Ý kiến bạn đọc