Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khảo sát xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
EmailPrintAa
15:08 27/07/2022

Ngày 26/7, đoàn công tác do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn dẫn đầu đã đến khảo sát thực tế và làm việc tại Hà Tĩnh về thực hiện Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Phó Trưởng đoàn ĐBQH Trần Đình Gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu tham gia làm việc cùng đoàn

Đoàn khảo sát tại Công ty Điện lực Hà Tĩnh về Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2006. Luật GDĐT 2005 được xây dựng trên cơ sở Luật mẫu về Thương mại điện tử của Ủy ban Liên hiệp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL). Luật GDĐT được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử.

Phó Giám đốc Viễn thông Hà Tĩnh Trần Xuân Dũng báo cáo hoạt động, khó khăn của đơn vị khi triển khai Luật Giao dịch điện tử

Các đại biểu đánh giá việc triển khai thực hiện Luật, được các bộ, ngành, địa phương quan tâm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết theo từng lĩnh vực. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bảo đảm sự phân công, phối hợp, thực hiện phát triển và ứng dụng GDĐT trong cả nước.

Đồng thời ghi nhận, sau gần 15 năm thực hiện, Luật GDĐT cùng với các Luật Công nghệ thông tin 67/2006/QH11, Luật Viễn thông số 41/2009/QH12, Tần số và Vô tuyến điện số 42/2009/QH12, An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13, An ninh mạng số 24/2018/QH14 và các luật chuyên ngành khác tạo hành lang pháp lý hỗ trợ đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thúc đẩy GDĐT, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, đưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào cải cách hành chính.

Trên cơ sở Luật Giao dịch điện tử 2005, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều quyết định, văn bản thi hành, hướng dẫn bộ luật để triển khai vào thực tiễn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu báo cáo về quá trình thực hiện Luật Giao dịch điện tử 2005 tại buổi làm việc của Đoàn với UBND tỉnh Hà Tĩnh

Thông qua các hoạt động tuyên truyền giúp các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giao dịch điện tử, từng bước nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của giao dịch điện tử như là một xu thế tất yếu trong đời sống và phát triển triển kinh tế - xã hội.

Hà Tĩnh cũng đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy ứng dụng, phát triển giao dịch điện tử; hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, dịch vụ phần mềm; cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trao đổi văn bản điện tử, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến; tổ chức triển khai ứng dụng hóa đơn điện tử, đấu thầu qua mạng; ứng dụng chữ ký số, an toàn thông tin, đào tạo nhân lực phục vụ hoạt động giao dịch điện tử…

Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tĩnh Lê Viết Hồng tham gia góp ý đề xuất xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Đặc biệt, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm. Năm 2016, Hà Tĩnh đã xây dựng, đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công tại địa chỉ www.dichvucong.hatinh.gov.vn .

Đến nay, tỉnh đã triển khai đồng bộ hệ thống một cửa điện tử toàn tỉnh trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh và đã có 1.818 dịch vụ công mức độ 4, trong đó, đã tích hợp 960 dịch vụ công trực tuyến lên cổng dịch vụ công quốc gia (đạt 52,8%).

Những kết quả đạt được trong triển khai Luật Giao dịch điện tử 2005 đã góp phần quan trọng, toàn diện vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước thay đổi nhận thức, thói quen và phương thức giao dịch trong xã hội, làm biến đổi sâu sắc và nâng cao rõ rệt hiệu quả sản xuất - kinh doanh, cung cấp dịch vụ và quản lý xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh phát biểu

Mặc dù có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng trước bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, Luật GDĐT 2005 vẫn bộc lộ một số vấn đề tồn tại, hạn chế như do áp dụng Luật mẫu của Liên Hợp Quốc nên khi áp dụng vào Việt Nam thì nảy sinh một số bất cập khó thực thi trong thực tế, đặc biệt là đối với vấn đề đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch điện tử; nhiều lĩnh vực việc áp dụng giao dịch điện tử vẫn khó khăn do thiếu các quy định cụ thể; thực tiễn nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng phát mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh tế và xã hội, môi trường và phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho các giao dịch điện tử trực tuyến, đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp đáp ứng nhu cầu thực tế, đảm bảo thể chế pháp luật phải theo kịp sự phát triển; quy định chưa đủ chi tiết để thực thi bảo đảm được giá trị pháp lý và độ tin cậy, an toàn của thông điệp dữ liệu; còn phân biệt các loại chữ ký số; phạm vi áp dụng còn giới hạn.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Hoàng Hải phát biểu

Trước những bất cập từ thực tiễn, các đại biểu kiến nghị cần tập trung xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế về giao dịch điện tử; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn hơn 15 năm thi hành cũng như những bất cập nảy sinh giữa các quy định của Luật Giao dịch điện tử với các văn bản quy phạm pháp luật khác được Quốc hội ban hành sau.

Trong đó quan tâm một số nội dung cụ thể như: Tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số; bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch truyền thống trong môi trường thực; luật hóa các vấn đề thực tiễn yêu cầu và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành; Ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng việc đưa ra các quy định, chính sách thực hiện giao dịch điện tử rẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn, an toàn hơn giao dịch truyền thống.

Các đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cần tổng hợp, đánh giá, rút kinh nghiệm thực tiễn việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch điện tử trong thời gian qua để sửa đổi những nội dung không còn phù hợp và bổ sung yêu cầu quản lý mới phù hợp với xu hướng phát triển trong tương lai. Tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm của các nước có hệ thống pháp luật về giao dịch điện tử tiến bộ và vận dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ghi nhận sự vào cuộc của tỉnh, các cơ quan có thẩm quyền trong công tác thực hiện Luật Giao dịch điện tử, phát triển hệ thống dịch vụ công trực tuyến đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Các ý kiến tại buổi làm việc sẽ được đoàn tổng hợp đầy đủ để báo cáo trình Quốc hội. Cơ quan soạn thảo sẽ sớm hoàn thiện Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư vào tháng 10 tới để cho ý kiến

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc