Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hà Tĩnh với công tác tham mưu, phục vụ hoạt động tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc Hội
EmailPrintAa
09:44 20/03/2013

Thời gian qua cùng với sự phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chính trị, Quốc phòng - an ninh, hoạt động của các cơ quan dân cử ở Hà Tĩnh cũng không ngừng đổi mới ngày càng mở rộng dân chủ và bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả. Được cấp ủy, chính quyền, cán bộ, nhân dân trong tỉnh tin tưởng, đánh giá cao, nhất là trong các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri luôn được quan tâm cải tiến và đổi mới về hình thức và nâng cao về chất lượng.

 

Đồng chí Nguyễn Hoàng Cầm - Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Hà Tĩnh phát biểu tại hội nghị.

 

 

Một trong các yếu tố cơ bản để mang lại kết quả tốt cho các hoạt động của đại biểu dân cử và các cơ quan dân cử đó là vai trò công tác tham mưu, giúp việc và bảo đảm các điều kiện cần thiết của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

 

1. Công tác chuẩn bị, tham mưu xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri

 

Trên cơ sở các quy định của các cơ quan có thẩm quyền về hoạt động tiếp xúc cử tri, công tác chuẩn bị các điều kiện và xây dựng kế hoạch TXCT được Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hà Tĩnh luôn quan tâm triển khai sớm. Thông thường trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội 02 tháng và trước bế mạc Quốc hội 20 ngày, Văn phòng chủ động triển khai công tác chuẩn bị, xây dựng dự thảo kế hoạch TXCT để xin ý kiến các vị đại biểu trong Đoàn, các cơ quan, địa phương liên quan. Sau đó 5 - 10 ngày được các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn và các cơ quan, địa phương thống nhất cho ý kiến chính thức ban hành, chậm nhất là 15 ngày trước khi TXCT kế hoạch đã được gửi đến các vị đại biểu QH, các cơ quan, các địa phương có liên quan; đồng thời được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng ( báo, đài, trang điện tử, tờ tin…) để cử tri, nhân dân và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh biết, theo dõi và tổ chức thực hiện.

 

Nhìn chung kế hoạch các đợt TXCT của Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh luôn được ban hành bảo đảm đúng quy định, phù hợp với tình hình, tính chất của mỗi cuộc, tạo điều kiện thuận lợi để cử tri, nhân dân tham dự đông đảo, được các cơ quan, địa phương đồng tình, thống nhất và phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện. Nhất là được các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn quan tâm, chuẩn bị nội dung và dành thời gian tham gia khá đầy đủ, tiếp thu, giải trình các ý kiến của cử tri một cách đầy đủ, cụ thể và thấu đáo.

 

2. Công tác đảm bảo phục vụ tổ chức hoạt động TXCT.

 

Các đợt TXCT trước và sau kỳ họp Quốc hội của Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thường được các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, địa phương thống nhất tổ chức từ 24 - 30 điểm tiếp xúc trong toàn tỉnh, chủ yếu TXCT tại các địa phương ( trung bình mỗi huyện, thị xã, thành phố mỗi đợt tiếp xúc tại 2-3 điểm ). Ngoài ra xuất phát từ yêu cầu, tính chất của các đợt tiếp xúc, các vị đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH còn thống nhất phối hợp với Thường trực HĐND, Thường trực UBMTTQ các cấp, thủ trưởng các cơ quan đơn vị tổ chức một số điểm tiếp xúc theo ngành, lĩnh vực, tiếp xúc chuyên đề để thu thập ý kiến nắm thêm thông tin ( Đoàn ĐBQH khóa XII của tỉnh ngoài tiếp xúc thường kỳ đã phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức được 05 cuộc tiếp xúc chuyên đề, thông qua tiếp dân tại các huyện và 02 cuộc hoạt động điều trần).

 

Để giúp cho đại biểu Quốc hội có điều kiện tiếp xúc rộng rãi, đều khắp cử tri, nhân dân trong tỉnh qua đó nắm được đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân tỉnh nhà. Văn phòng đã tham mưu thực hiện chuyển đổi các khu vực tiếp xúc giữa các vị đại biểu Quốc hội sau mỗi kỳ tiếp xúc ( Hà Tinh có ba đơn vị bầu cử, nên thông thường các đợt tiếp xúc trong Đoàn được chia làm ba tổ, mỗi tổ có hai vị đại biểu dự tiếp xúc tại từng khu vực).

 

3. Công tác tham mưu, báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri phản ánh tại các cuộc tiếp xúc.

 

Do công tác chuẩn bị khá chu đáo, cụ thể và nghiêm túc, nhất là quan tâm dành nhiều thời gian cho cử tri phát biểu, nên tai mỗi điểm TXCT của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh luôn có từ 15 - 20 ý kiến của cử tri phát biểu trực tiếp và nhiều ý kiến cử tri gửi bằng văn bản. Hầu hết các ý kiến phản ánh của cử tri ngắn gọn, mang tính xây dựng, đều thể hiện tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những băn khoăn, trăn trở và những bức xúc trên các lĩnh vực để các cơ quan có thẩm quyền quan tâm xem xét, giải quyết.

 

Hiện tại ở Hà Tĩnh có 2 cơ quan chịu trách nhiệm giúp Đoàn ĐBQH và đại biểu Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị đề xuất của cử tri đó là :

 

- Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh chịu trách nhiệm tổng hợp chung gửi Ủy ban TWMTTQVN. Văn bản tổng hợp này thường nêu những nội dung kiến nghị, đề xuất, tâm tư, nguyện vọng của cử tri chung ( thường mỗi lần có 5 -7 vấn đề lớn được nhiều cử tri quan tâm) .

 

- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổng hợp cụ thể, chi tiết những kiến nghị đề xuất của cử tri, được phản ánh vào 2 văn bản : báo cáo những kiến nghị đề xuất của cử tri về những nội dung thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của các cơ quan Trung ương (gửi UBTVQH và UBTWMTTQVN) và báo cáo những kiến nghị đề xuất về những nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chức năng tỉnh (báo cáo này gửi Tỉnh ủy, HĐND và UBND).

 

Ngoài ra từng vị đại biểu Quốc hội tham dự các buổi TXCT còn trực tiếp tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cử tri để xem xét và trực tiếp xử lý bằng các hình thức chuyển văn bản đến cơ quan có thẩm quyền hoặc trực tiếp trao đổi ý kiến để yêu cầu xem xét giải quyết và trả lời cử tri, hoặc để chuẩn bị ý kiến chất vấn và tham luận tại các kỳ họp.

 

Trước khi chuẩn bị cho công tác TXCT, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có trách nhiệm soát xét lại những ý kiến đã được tổng hợp trả lời chung tại Kỳ họp Quốc hội, những ý kiến trả lời bằng văn bản của các Bộ, Ngành Trung ương gửi về theo dõi, sao gửi các đại biểu Quốc hội nắm thêm thông tin báo cáo với cử tri. Đây là một trong những tài liệu được các vị đại biểu Quốc hội, phóng viên báo chí và cử tri rất quan tâm. Chính việc trả lời giải quyết kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri đã góp phần quan trọng cho thành công của kỳ họp, đặc biệt là phiên thảo luận, phiên chất vấn, đảm bảo lòng tin của cử tri. Là tài liệu rất có hiệu quả để đại biểu Quốc hội trả lời cử tri sau kỳ họp.

 

4. Một số tồn tại, hạn chế và những kinh nghiệm công tác tham mưu, phục vụ hoạt động TXCT của đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh.

 

Bên cạnh những kết quả nêu trên trong thời gian qua Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh về công tác tham mưu, phục vụ hoạt động TXCT của ĐBQH và Đoàn ĐBQH còn bộc lộ một số hạn chế tồn tại như sau :

 

- Do tính chất công tác của một số đại biểu, nhất là các vị đại biểu Quốc hội ở Trung ương công tác phát sinh nhiều nên ở một số điểm tiếp xúc có lúc phải thay đổi thời gian ( có điểm TXCT phải điều chỉnh 2 - 3 lần) gây khó khăn cho công tác tổ chức và ảnh hưởng thời gian chung.

 

- Một số điểm TXCT do công tác phối hợp tham mưu, chuẩn bị, chưa tốt nên cử tri tham dự không nhiều, ý kiến phát biểu của cử tri còn ít, nội dung phát biểu dàn trải… công tác chủ trì, điều hành còn lúng túng, làm hạn chế chất lượng tiếp xúc.

 

- Nhìn chung các cuộc tiếp xúc cử tri thời gian qua chủ yếu còn theo truyền thống như : TXCT là cán bộ cốt cán, đại diện cử tri, cử tri nơi ứng cử… và chủ yếu TXCT trước và sau kỳ họp QH. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh chưa tham mưu được nhiều cho các vị ĐBQH và Đoàn ĐBQH tổ chức các cuộc TXCT nơi công tác, nơi cư trú và theo chuyên đề, tiếp xúc thường xuyên và theo nhiều hình thức thích hợp khác.

 

- Công tác tổng hợp báo cáo ý kiến cử tri qua hoạt động TXCT có lúc còn chậm, phản ánh chưa đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri; có trường hợp chưa phân định rõ thẩm quyền, lĩnh vực để báo cáo và xử lý, trả lời kịp thời cho cử tri.

 

5. Một số kinh nghiệm và kiến nghị

 

- Để tham mưu và phục vụ tốt hoạt động TXCT của ĐBQH và Đoàn ĐBQH ngoài sự nổ lực tập trung cao và chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ Văn phòng còn phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng với các cơ quan hữu quan và sự liên hệ mật thiết giữa Văn phòng với các vị đại biểu Quốc hội nhất là các vị đại biểu Quốc hội ở Trung ương trong quá trình XDKH cũng như tổ chức thực hiện.

 

- Đối với các vị đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm cần dành thời gian thích hợp cho việc tham gia hoạt động TXCT, khi đã thống nhất kế hoạch cố gắng sắp xếp để thực hiện tránh tình trạng kế hoạch đã ban hành chính thức nhưng sau lại thay đổi làm ảnh hưởng đến kết quả chung.

 

- Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, trước khi TXCT nên dành thời gian để thu thập thông tin, nghiên cứu văn bản tài liệu có liên quan phục vụ cho việc tiếp thu và giải trình các ý kiến phản ánh của cử tri tại buổi tiếp xúc một cách đầy đủ, thỏa đáng.

 

- Đề nghị Thường trực HĐND, TT UBMTTQ các cấp quan tâm phối hợp chặt chẽ với Đoàn ĐBQH, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trong việc chuẩn bị, tổ chức TXCT, đảm bảo các điều kiện để các cuộc TXCT đạt hiệu quả thiết thực, hạn chế tiếp xúc hình thức, TXCT đại diện, cử tri “ chuyên nghiệp ” tăng cường tiếp xúc trực tiếp cử tri, tiếp xúc nhiều điểm và theo nhiều hình thức, thành phần để các vị đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH thu nhận được nhiều ý kiến phản ánh của cử tri, nhân dân trên nhiều lĩnh vực nhiều đối tượng khác nhau.

 

- Đề nghị Ban dân nguyện, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chủ trương, chính sách quy định liên quan đến hoạt động TXCT của ĐBQH và Đoàn ĐBQH nhằm không ngừng đổi mới và nâng cao hiêu lực, hiệu quả của các cuộc tiếp xúc cử tri, thể hiện là một trong những hoạt động quan trọng chủ yếu của đại biểu dân cử, là cầu nối chặt chẽ giữa dại biểu dân cử, cơ quan dân cử với cử tri và nhân dân địa phương.

 

(Trích bài tham luận trình bày tại Hội nghị tập huấn do

Ban Dân nguyện của UBTVQH tổ chức tại TP Đà Nẵng).


    Ý kiến bạn đọc