Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác giám sát chuyên đề
EmailPrintAa
10:13 02/12/2021

Chiều ngày 01/12/2021, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi làm việc với các Đoàn giám sát, đồng chí Trần Đình Gia, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì.

Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, Đại biểu Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, các thành viên đoàn giám sát, chuyên gia và tổ giúp việc theo các quyết định số 229, 230, 231, 232/QĐ- ĐĐBQH/26/11/2021 của Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh.

Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Trần Đình Trọng báo cáo kế hoạch triển khai thành lập 4 đoàn giám sát tiến hành giám sát 4 chuyên đề của Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh

Thực hiện chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập 4 đoàn giám sát tiến hành giám sát 4 chuyên đề, đó là “ Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành ”; “ Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 ”; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 ”; “ Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021 ”.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định Giám sát là nhiệm vụ quan trọng của Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND, đồng thời cũng chính là công cụ để Đại biểu Quốc hội và Đai biểu HĐND phát huy vai trò, trách nhiệm người đại biểu dân cử tại địa phương.

Vừa qua, để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, Quốc hội đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới hoạt động giám sát để đánh giá, tổng kết hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH, ĐBQH trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và cải cách, đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát trong các nhiệm kỳ tiếp theo.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thu Hà cho rằng, cần phát huy vai trò của tổ giúp việc, xây dựng đề cương sát với tình hình thực tiễn

Đồng thời, ngày 04/11 Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022; phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “giám sát phải đảm bảo phải hiệu lực, hiệu quả, phải làm đến nơi đến chốn, theo tận cùng từng vấn đề được giám sát; có phương pháp giám sát tổng hợp, chi tiết, khoa học, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay; phải huy động tổng lực các cơ quan chức năng tham gia thực hiện giám sát. Trong cả 4 chuyên đề giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có kế hoạch huy động các cơ quan của Quốc hội ở Trung ương; mời và giao nhiệm vụ cho Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân 63 tỉnh, thành phố tham gia thực hiện giám sát.”

Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Trần Tiến Dũng: Quá trình giám sát chuyên đề cần mời thêm chuyên gia để có thể đưa ra các ý kiến, đánh giá chuyên sâu liên quan tới từng lĩnh vực; cần đổi mới, sáng tạo và tập trung, quyết liệt trong cách làm.

Tại Hà Tĩnh, thời gian qua, cùng với công tác kiểm tra giám sát của cấp uỷ, HĐND, Đoàn ĐBQH và UBMTTQ tỉnh đã tập trung cho công tác giám sát thực thi chính sách, pháp luật trên địa bàn tỉnh Qua đó đánh giá những mặt đạt được, những bài học kinh nghiệm để phát huy; chỉ ra những yếu kém, hạn chế và nguyên nhân để khắc phục. Đề xuất, kiến nghị các nội dung sửa đổi, bổ sung quy phạm pháp luật, các giải pháp có tính khả thi cao góp phần đưa chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống.

Để chuẩn bị triển khai 04 nội dung giam sát này, Đoàn ĐBQH đã căn cứ hướng dẫn của Quốc hội, dành nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị, huy động được tổng thể đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh, sự đóng góp của các cơ quan chức năng liên quan... Các dự thảo kế hoạch, đề cương chi tiết, lịch trình, thời gian, đối tượng, thành phần làm việc đã được chuẩn bị và đưa ra hôm nay xin ý kiến cần được thảo luận rất kỹ, nhiều vòng, nhiều lần. Các đại biểu Quốc hội chuyên trách và thành viên đoàn cần dành thời gian thích đáng cho việc xem xét, trước khi ban hành.

Để hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh lần này thực sự phát huy hiệu quả, tôi đề nghị các thành viên Đoàn giám sát, các chuyên gia, lãnh đạo các sở, ngành liên quan tập trung nghiên cứu kỹ các hướng dẫn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó cần tập trung nghiên cứu và đề xuất các vấn đề đang còn vướng mắc của tỉnh trong công tác lập quy hoạch, sắp xếp đơn vị hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo để qua lần giám sát này có các kiến nghị cụ thể tới các cơ quan thẩm quyền xem xét tháo gỡ những vướng mắc trên.

Đề nghị các thành viên Đoàn giám sát, các chuyên gia và Tổ giúp việc căn cứ vào kế hoạch và lịch giám sát chi tiết của các Đoàn, có các ý kiến về nội dung và phạm vi giám sát trong đợt giám sát này, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ: Báo cáo của các đơn vị, địa phương chịu sự giám sát phải gửi sớm cho thành viên trong đoàn giám sát nghiên cứu, xem xét. Trong quá trình khảo sát, cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên đoàn giám sát để nghiên cứu chuyên sâu về nội dung giám sát.

Phát biểu tại hội nghị các đại biểu đề nghị trong kế hoạch giám sát, làm việc của từng chuyên đề cần có nội dung trọng tâm và lộ trình cụ thể; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong đoàn để làm rõ vấn đề, từ đó kiến nghị tới cơ quan thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, giải quyết trong các công tác lập quy hoạch, sắp xếp đơn vị hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hiện chính sách - pháp luật về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.Hoạt động giám sát cần được xây dựng kế hoạch kỹ lưỡng, triển khai bài bản, làm đến nơi đến chốn, đánh giá sát đúng với tình hình thực tiễn.

Các đoàn giám sát cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Tăng cường tính tranh luận, đi sâu làm rõ vấn đề; nghiên cứu sâu, kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi để yêu cầu giải trình; sử dụng thông tin từ các ngành chức năng, các báo cáo chuyên đề trong quá trình tiến hành giám sát.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia kết luận buổi làm việc

Kết luận cuộc họp, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đề nghị, các báo cáo phục vụ công tác giám sát phải gửi trước, gửi sớm để các thành viên trong đoàn có thời gian nghiên cứu, xem xét. Tổ giúp việc cần nghiên cứu sâu, kỹ những chuyên đề sẽ triển khai giám sát để tham mưu tốt, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát. Đồng thời, thống nhất ý kiến của các đại biểu trong việc tiếp thu, chọn lựa một số đơn vị giám sát bằng văn bản.

Xuân Hoa

    Ý kiến bạn đọc