Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh
EmailPrintAa
14:41 22/01/2015

Thực hiện chương trình giám sát chuyên đề năm 2015 về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” trên địa bàn tỉnh , chiều ngày 21/1, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có cuộc giám sát tại Viện KSND tỉnh. Tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Pháp chế, thành viên trong Đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan. Đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Qua báo cáo, trong thời gian từ 1/10/2011 đến 30/9/2014, cơ quan chức năng đã truy tố sai tội danh 2 vụ, 3 bị can; truy tố sai khung hình phạt 1 vụ 8 bị can; đình chỉ 5 vụ, 5 bị can; viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm 25 vụ/44 bị cáo, kháng nghị giám đốc thẩm 4 vụ/14 bị cáo; không có trường hợp nào oan, sai phải bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.


Đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh

phát biểu tại cuộc làm việc

 

Tại buổi làm việc, đa số ý kiến đại biểu băn khoăn xung quanh những vướng mắc trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Tại các điều luật thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ quy định một số trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; động cơ cá nhân khác. Quá trình thực hiện chưa có hướng dẫn chính thức gây khó khăn trong xác định hành vi phạm tội, Bộ luật Hình sự có nhiều tội danh quy định yếu tố giá trị tài sản bị xâm phạm là một trong những dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm. Tuy nhiên trong thực tiễn, quá trình áp dụng Nghị định 26/2005/NĐ-CP để định giá tài sản chưa thống nhất, một số tài sản sau các lần định giá có nhiều kết quả định giá khác nhau, gây khó khăn cho việc giải quyết của cơ quan tố tụng. Tại Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về giám định “ người giám định kết luận về vấn đề được yêu cầu giám định và phải chịu tránh nhiệm cá nhân về kết luận đó. Tuy nhiên thực tế cho thấy, những kết quả giám định khác nhau gây khó khăn cho việc định tội, định khung, áp dụng hình phạt và việc thực hiện, trả lời kết quả có trường hợp còn kéo dài gây ảnh hưởng tiến độ, thời hạn giải quyết vụ án.


Đồng chí Nguyễn Văn Tiến - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phát biểu 

 

Các đại biểu tham dự đề nghị Đoàn ĐBQH kiến nghị liên ngành Tư pháp Trung ương cần tăng cường hướng dẫn cụ thể về nội dung trong thực hiện Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự để áp dụng thống nhất; sửa đổi và hoàn thiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự cho phù hợp với thực tiễn; có chế tài cũng như cơ chế chính sách cụ thể và phù hợp đối với hoạt động giám định tư pháp; quan tâm đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của các cơ quan tố tụng...

Phát biểu buổi làm việc, đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó trưởng Đoàn ĐBQH ghi nhận, đánh gia cao hoạt động của cơ quan tư pháp và nhất là của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trong thời gian qua, đồng thời  trao đổi một số tình hình về oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, về việc bồi thường cho người thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật; còn những ý kiến đóng góp của đại biểu, của Viện kiểm sát nhân dân Đoàn sẽ nghiên cứu,  tiếp thu để tổng hợp, báo cáo và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét.


    Ý kiến bạn đọc