Dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH, UBTVQH năm 2012: Giám sát cụ thể, đúng trọng tâm, trọng điểm thì hiệu quả sẽ tốt
EmailPrintAa
09:59 31/01/2013

Cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải có giám sát của QH, UBTVQH và các cơ quan của QH. Vậy nên, lựa chọn chuyên đề giám sát như thế nào cần tính toán phù hợp với điều kiện thực tế của QH và các cơ quan của QH. Cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH, UBTVQH năm 2012 tại Phiên họp thứ Ba, một số ý kiến cho rằng, không nên “ham” giám sát phạm vi rộng quá, giám sát cụ thể, đúng trọng tâm, trọng điểm thì hiệu quả sẽ tốt hơn…

 

Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn: Giám sát phải cụ thể

Tôi đồng ý trình QH giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công, nhưng nên khoanh trọng tâm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân thôi. Phạm vi phải hẹp lại chứ giám sát đầu tư công cho tất cả các lĩnh vực thì quá lớn, không thể làm hết được. Chỉ một mảng đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân cũng quá lớn rồi. Giám sát cái gì phải cụ thể cái đó, kiến nghị cụ thể những việc phải làm. Về giám sát trong lĩnh vực đất đai, cũng nên xác định phạm vi cụ thể về khiếu nại, tố cáo, đền bù, giải tỏa, tranh chấp đất đai thôi. Lĩnh vực đất đai hiện nay đang có rất nhiều bức xúc và việc giám sát cũng góp phần phục vụ việc tổng kết, sửa đổi Luật Đất đai tới đây nhưng cũng không nên ôm đồm quá. Rộng quá không được, hẹp quá cũng không được. Nhiều đồng chí cũng đề nghị UBTVQH giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Như vậy QH giám sát lĩnh vực đất đai, UBTVQH cũng giám sát lĩnh vực này nhưng phạm vi sẽ hẹp hơn.

 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’ Sor Phước: Nếu có dự kiến chương trình giám sát toàn khóa…

Những vấn đề nào nổi lên mà nó có tính hệ thống, kéo dài, tồn tại nhiều năm thì phải giám sát. Qua đồng chí Phúc vừa trình bày tôi thấy có một số vấn đề như thế này. Ví dụ, từ năm 2009 đến nay, năm nào cũng có các nghị quyết về chống lạm phát thì nên chăng ta có thể giám sát một chuyên đề xung quanh công tác phòng, chống lạm phát như thế nào? Hoặc giám sát chuyên đề nhỏ hơn xung quanh hoạt động gửi, xử lý lãi của các ngân hàng. Hoặc quản lý thị trường bất động sản... Đây là những vấn đề nóng, kéo dài liên tục nhiều năm nay rồi... 

Qua một khóa hoạt động tại QH tôi thấy, nếu hôm nay, ta có bức tranh tổng thể toàn khóa, tức là dự kiến được trong nhiệm kỳ này QH sẽ giám sát những nội dung gì mang tầm quốc gia thì sẽ rất rõ ràng trong việc lựa chọn năm nay sẽ giám sát cái gì, năm sau giám sát cái gì chứ bây giờ nghe qua thì thấy nội dung nào cũng cần giám sát ở tầm QH, UBTVQH. Ví dụ, giả sử trong 5 năm của nhiệm kỳ này, UBTVQH khẳng định với nhau là phải có một chuyên đề giám sát lớn về lĩnh vực dân tộc thiểu số, hay một chuyên đề giám sát lớn về vấn đề nông dân thì rất rõ. Ví dụ đồng chí Chủ tịch QH có nói nếu ta giám sát lĩnh vực đất đai thì sẽ rất thuận lợi cho việc sửa đổi Luật Đất đai tới đây, bởi vì giám sát còn có nhiệm vụ xác định những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi về chính sách vĩ mô. Điều này cực kỳ quan trọng, nhất là trong chương trình xây dựng luật toàn khóa của chúng ta đã có nội dung sửa đổi Luật Đất đai, nếu ta giám sát được việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đất đai trước khi có dự án Luật đó thì vẫn hay hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Nên giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội

Tôi đề nghị không nên giám sát chính sách pháp luật về quỹ bảo hiểm xã hội. Vì vấn đề quỹ bảo hiểm xã hội là rất hẹp. Tôi cũng xin bỏ luôn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quỹ bảo hiểm y tế trong năm 2012. Hai quỹ này hoàn toàn khác nhau, bảo hiểm xã hội là trụ cột, không anh nào qua được anh này, còn các quỹ khác đều là quỹ ngắn hạn thôi. Nên tập trung giám sát về bảo hiểm xã hội để chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội với tư cách là trụ cột, đặc biệt, cần tách riêng bảo hiểm hưu trí để quỹ này trở thành trụ cột số một như của tất cả các nước trên thế giới – xác định một đường đi rất rõ ràng với mạng lưới an sinh xã hội. Mục tiêu trong năm 2012 và những năm sắp tới là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội nên kỳ họp tháng 10.2012 chúng ta chọn giám sát một lĩnh vực an sinh xã hội cũng là hoàn toàn hợp lý và cân bằng với các vấn đề chúng ta đang quan tâm về kinh tế. Về Bảo hiểm y tế tôi nghĩ cũng rất quan trọng nhưng có thể chuyển sang đầu năm 2013, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng rất muốn đề xuất giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế đồng bộ với lộ trình tăng viện phí. Làm như vậy cũng tạo điều kiện để QH quyết định luôn chính sách lớn, phù hợp với quá trình và lộ trình tăng viện phí cũng như bảo hiểm y tế.

Chủ nhiệm UB Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Còn những lĩnh vực nào của đầu tư công mà chúng ta chưa giám sát?

Đầu tư công hiện đang là vấn đề gây nhiều bức xúc. Nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết Trung ương 3 vừa qua cũng đã đặt yêu cầu phải tái cấu trúc lại đầu tư, trong đó trọng tâm là tái cấu trúc đầu tư công. Tuy nhiên nếu nói đầu tư công chung chung thì rộng lắm. Đầu tư công bao gồm đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư từ trái phiếu Chính phủ, rồi đầu tư của doanh nghiệp nhà nước... chứ không phải chỉ có đầu tư từ ngân sách nhà nước. Vừa qua, chúng ta cũng đã giám sát từng nhánh của đầu tư công rồi. UBTVQH và QH đã giám sát về đầu tư tại doanh nghiệp. Ủy ban Tài chính và Ngân sách cũng đã giám sát việc sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ... Vậy còn những lĩnh vực nào của đầu tư công mà chúng ta chưa giám sát? Chỉ có chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu. Bây giờ nếu đặt vấn đề giám sát đầu tư công nói chung thì rất rộng và cũng tương đối phức tạp. Hơn nữa, một số nhánh của đầu tư công, QH và các cơ quan của QH đã giám sát rồi. Điều quan trọng nhất bây giờ là thực hiện tốt những kiến nghị của các đợt giám sát trước là đã tạo được chuyển biến trong đầu tư công rồi. Ví dụ, việc đầu tư từ trái phiếu Chính phủ, Ủy ban Tài chính và Ngân sách đã có một Báo cáo giám sát gửi ĐBQH, đã chỉ ra rất nhiều tồn tại, khiếm khuyết cần phải củng cố; Chính phủ cũng đã tiếp thu và tới đây sẽ đưa ra nghị quyết riêng để chấn chỉnh lại đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ nhằm góp phần tái cấu trúc nền kinh tế. Như vậy các mảng đầu tư công đã làm khá nhiều rồi. Hội đồng Dân tộc cũng đã giám sát việc thực hiện một loạt các Chương trình 135, chương trình xóa đói giảm nghèo... Vậy có nên gộp tất cả những mảng này thành một chuyên đề giám sát của QH không? Nếu làm sẽ là vừa trùng lặp vừa quá sức. Tôi đề nghị, chúng ta cứ làm tốt các kiến nghị mà các Báo cáo giám sát trước đây về lĩnh vực này đã nêu đi đã. Giám sát của QH, các cơ quan của QH nên tập trung vào một số nội dung quan trọng và sát thực nhất, có thể vẫn là giám sát đầu tư nhưng là giám sát đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chẳng hạn. Còn những vấn đề như tình hình nợ công, quản lý nợ công, hay quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, tôi nghĩ nên để cho các Ủy ban của QH giám sát là phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Cần giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai nói chung

Các nội dung cần giám sát mà VPQH giúp chuẩn bị ở đây, tôi thấy nội dung nào cũng cần thiết cả. Cái chính là phải tính toán thế nào cho phù hợp với điều kiện thực tế của QH, các cơ quan của QH. Nếu chúng ta đặt nhiều nội dung giám sát quá cũng không làm được. UBTVQH càng ngày họp nhiều hơn. Cứ đi giám sát liên tục thì cũng rất khó. Giám sát đúng trọng tâm, trọng điểm thì hiệu quả sẽ tốt hơn. Vì vậy, tôi đề nghị giám sát tối cao 2 chuyên đề thôi: thứ nhất là giám sát đầu tư công; thứ hai là giám sát việc thực hiện pháp luật tố tụng hình sự. Cũng có thể giữ nguyên chuyên đề giám sát của QH về đất đai nhưng tôi đề nghị mở rộng phạm vi giám sát hơn, không phải chỉ giám sát những vấn đề tranh chấp trong lĩnh vực đất đai mà giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai nói chung. Giám sát của UBTVQH, tôi đề nghị 3 nội dung: thứ nhất là giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về người có công; thứ hai là giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai – đây là vấn đề rất bức xúc, đề nghị Ban Dân nguyện giúp UBTVQH tổ chức giám sát nội dung này; thứ ba là giám sát tình hình doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa: Phải có giám sát tối cao của QH về nông nghiệp, nông dân và nông thôn

Phải có một cuộc giám sát tối cao của QH về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đây là lĩnh vực lớn, quan trọng nhưng trong nhiệm kỳ QH Khóa XII và các khóa QH trước nữa cũng chưa có cuộc giám sát tối cao nào trong lĩnh vực này. Chúng ta mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp... Tuy nhiên, chọn nội dung cụ thể nào để giám sát thì phải tính thêm, bảo đảm nội dung giám sát đó phải tạo điều kiện để chúng ta hoàn chỉnh hệ thống chính sách pháp luật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Một chuyên đề giám sát tối cao của QH nữa  là giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội - tôi rất đồng tình. Đây là vấn đề lớn, tác động nhiều đến đời sống của người dân và đây cũng là một trụ cột của hệ thống an sinh xã hội.

 

Hoạt động giám sát tiếp tục được đẩy mạnh, bảo đảm tiến độ và chất lượng

Năm 2011, mặc dù phải tập trung thời gian, công sức cho việc tổng kết nhiệm kỳ QH Khóa XII, tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIII, xem xét, quyết định nhân sự cấp cao của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, nhưng với sự nỗ lực, phấn đấu của các cơ quan QH, các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH, hoạt động giám sát tiếp tục được đẩy mạnh, có tiến bộ và đạt được những kết quả nhất định, hoàn thành chương trình đề ra, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Các nội dung đưa vào chương trình giám sát năm 2011 là những vấn đề bức xúc, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế, được các ĐBQH và đông đảo cử tri quan tâm. Cách thức giám sát thường xuyên được quan tâm cải tiến. Công tác điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát được tăng cường và đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác tham mưu, giúp việc trong xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, tổng hợp, báo cáo kết quả hoạt động giám sát có tiến bộ và nền nếp hơn. Các cơ quan chịu sự giám sát đã có sự phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết các kiến nghị của các Đoàn giám sát và nêu cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo, điều hành, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát QH vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của tình hình hiện nay. Giám sát việc ban hành văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH chưa được quan tâm đúng mức. Giám sát giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân đạt kết quả còn hạn chế. Việc theo dõi, đánh giá thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa được chú trọng đúng mức, thiếu những chế tài cụ thể nên còn là khâu yếu. Lực lượng cán bộ tham mưu, phục vụ còn mỏng, các điều kiện bảo đảm cho công tác giám sát còn hạn chế.

(Tờ trình về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH, UBTVQH năm 2012)

Nguồn Báo Đại biểu nhân dân


    Ý kiến bạn đọc